Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng & chữa bệnh/
  4. Tiêm chủng

Vắc xin BCG là phòng bệnh gì? Vắc xin BCG tiêm khi nào?

Ngày 09/06/2024
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Việc chủng ngừa vắc xin BCG phòng bệnh lao cho trẻ là rất quan trọng. Thời điểm tốt nhất để tiêm phòng lao cho trẻ là từ khi sinh ra cho đến khi dưới một tháng tuổi. Cùng Long Châu tìm hiểu qua bài sau.

Vắc xin BCG được sử dụng để chủng ngừa bệnh lao. Loại vắc xin này được khuyến cáo cho trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ và người lớn chưa được tiêm ngừa phòng bệnh lao, đặc biệt là những người thường xuyên tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ mắc lao.

Thông tin vắc xin BCG

Vắc xin BCG phòng ngừa hiệu quả các hình thái lao nguy hiểm, bao gồm lao màng não với độ bảo vệ lên tới 70%. Khuyến cáo vắc xin dành cho trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ và chỉ cần tiêm một liều duy nhất, không cần tiêm nhắc lại.

Nguồn gốc

Vắc xin phòng lao - BCG (Bacille Calmette-Guerin) được sản xuất tại Việt Nam, cung cấp một biện pháp phòng ngừa hiệu quả đối với bệnh lao.

Vắc xin BCG (Việt Nam)
Vắc xin BCG được sản xuất tại Việt Nam

Đường tiêm

Vắc xin BCG được tiêm trong da, vị trí mặt ngoài cánh tay vùng vai trái. Lưu ý rằng nhân viên y tế nên sử dụng bơm kim tiêm riêng cho mỗi lần tiêm.

Chống chỉ định

Vắc xin phòng lao (BCG) không được sử dụng cho các trường hợp sau đây:

  • Quá mẫn với vắc xin.
  • Giảm gammaglobulin trong máu, bệnh sarcoid, bạch cầu cấp, Ung thư Hạch, Khối U liên võng, nội mô, bệnh hệ thống, bệnh ác tính, điều trị kéo dài bằng liệu pháp ức chế miễn dịch.
  • Suy giảm miễn dịch bẩm sinh hoặc mắc phải, bao gồm HIV không triệu chứng.
  • Nhiễm vi khuẩn Lao hoặc có phản ứng Tuberculin trên da dương tính cao, người vừa mới chủng ngừa đậu mùa, bị bỏng.
  • Không tiêm dưới da vì có thể tạo bọc mụn lạnh và chỗ tiêm sẽ tạo vết sẹo co kéo.

Đối với trẻ em, cân nhắc kỹ trong những trường hợp sau(*):

  • Sốt trên 37,5 độ C, viêm da có mủ, rối loạn tiêu hóa và suy dinh dưỡng.
  • Các bệnh có ảnh hưởng đến toàn thể trạng trẻ em như: Viêm tai mũi họng, viêm phổi...

Trường hợp (*) không chống chỉ định tuyệt đối, có thể tiêm khi sức khoẻ ổn định.

Vắc xin BCG (Việt Nam)
Chống chỉ định tiêm vắc xin BCG cho những người sốt cao

Thận trọng khi sử dụng

Lưu ý thận trọng khi sử dụng vắc xin BCG:

  • Không tiêm nhiều lần: Vắc xin BCG chỉ nên tiêm một lần duy nhất. Cần phải xác minh kỹ lưỡng để đảm bảo trẻ chưa từng được tiêm phòng Lao trước đó.
  • Không tiêm thiếu liều: Điều dưỡng cần giữ trẻ đúng tư thế và thực hiện tiêm cẩn thận, đảm bảo đúng kỹ thuật để tránh việc vắc xin bị phun ra ngoài.
  • Không tiêm quá liều: Pha và hồi chỉnh vắc xin đúng theo quy định.

Khả năng sinh sản, phụ nữ có thai và cho con bú

Vắc xin BCG không được sử dụng cho phụ nữ có thai và phụ nữ cho con bú.

Tương tác thuốc

Tiêm cùng ngày với các vắc xin sống, giảm độc lực khác nhưng phải tiêm khác chi. Còn nếu không cùng ngày thì tối thiểu phải cách 1 tháng (ít nhất là 28 ngày). Tại chi đã tiêm vắc xin Lao, tránh tiêm các vắc xin sống, giảm độc lực khác trong 03 tháng vì làm tăng nguy cơ phản ứng hạch tại khu vực tiêm.

Tác dụng không mong muốn

Thông thường, ngay sau khi tiêm vắc xin BCG xuất hiện một nốt nhỏ tại chỗ tiêm và biến mất sau khoảng 30 phút. Và sau 2 tuần, vết loét đỏ có kích thước bằng đầu bút chì ở vị trí tiêm xuất hiện. Sau đó, khoảng 2 tuần tiếp theo, vết loét sẽ tự lành và tạo nên một vết sẹo nhỏ có đường kính khoảng 5mm.

Tương kỵ

Vắc xin BCG chưa ghi nhận các trường hợp sự tương kỵ bất thường.

Bảo quản

Vắc xin BCG cần được bảo quản ở nhiệt độ từ 2-8 độ C. Sau khi hoàn nguyên, dung dịch tiêm cần được bảo quản ở nhiệt độ từ 2-8 độ C và sử dụng trong vòng 6 giờ. Phần còn lại của lọ vắc xin sau mỗi buổi tiêm chủng hoặc sau 6 giờ cần phải loại bỏ.

Đối tượng có thể tiêm vắc xin BCG

Trẻ sơ sinh ≥ 34 tuần tuổi (bao gồm sau hiệu chỉnh tuần tuổi) và cân nặng ≥ 2000 gram.

Vắc xin BCG (Việt Nam)
Nên tiêm phòng càng sớm cho các bé để bảo vệ sức khỏe tối ưu nhất

Phác đồ, lịch tiêm vắc xin BCG

Vắc xin phòng bệnh lao (BCG) chỉ cần tiêm một mũi duy nhất và không cần tiêm nhắc lại.

Phản ứng sau tiêm chủng vắc xin BCG

Sau khi tiêm vắc xin lao, cơ thể một số trẻ nhỏ có thể gặp những phản ứng nhẹ. Cụ thể, sau tiêm vắc xin BCG, trẻ có thể gặp các dấu hiệu như đau, sưng và nóng tại chỗ tiêm. Toàn thân có thể xuất hiện sốt nhẹ, trẻ có thể quấy khóc, bú kém, nhưng thường sẽ hết sau một vài ngày.

Thông thường, sau khi tiêm vắc xin BCG, trẻ có thể xuất hiện nốt nhỏ tại chỗ tiêm và biến mất sau khoảng 30 phút. Khoảng 2 tuần sau, có thể xuất hiện một vết loét đỏ nhỏ, sau đó vết loét sẽ tự lành và để lại một vết sẹo nhỏ có đường kính khoảng 5mm. Điều này cho thấy cơ thể đã phản ứng và phát triển miễn dịch.

Nếu trong thời gian sau tiêm vắc xin BCG, xuất hiện nổi hạch ở cổ, hạch nách, hạch dưới xương đòn trái hoặc nốt mủ quá to tại chỗ tiêm (đường kính trên 1cm), cần đến cơ sở y tế để được kiểm tra và tư vấn kịp thời.

Tình trạng vắc xin lao BCG

Trung tâm Tiêm chủng Long Châu tự hào là đơn vị nhập khẩu và cung cấp các loại vắc xin BCG mới nhất từ các nhà sản xuất trên thế giới, đến với Long Châu khách hàng có thể tùy ý lựa chọn các dịch vụ tiêm ngừa theo nhu cầu như tiêm lẻ, tiêm theo gói, đặt vắc xin online,... Đội ngũ y tá của Trung tâm luôn tận tình, chu đáo trong công việc, mang đến trải nghiệm thoải mái và an tâm cho khách hàng khi tới tiêm chủng.

Vắc xin BCG (Việt Nam)
Trung tâm tiêm chủng Long Châu là lựa chọn hàng đầu

Một số câu hỏi thường gặp

Con tôi tiêm lao 3 tháng về không mưng mủ lên có sao không? Nếu không mưng mủ có phải tiêm lại không?

Nếu con bạn đã tiêm vắc xin phòng Lao và không xuất hiện vết thương nhiễm trùng mưng mủ hoặc sẹo sau thời gian tiêm, điều này không phải là vấn đề lo ngại. Một số trẻ sau khi tiêm có thể không để lại vết sẹo mặc dù vẫn có sức đề kháng để chống lại bệnh tật. Việc không có vết mưng mủ hoặc sẹo không đòi hỏi việc tiêm lại vắc xin.

Trường hợp nào, trẻ hoãn tiêm mũi lao?

Các trường hợp trẻ cần hoãn tiêm vắc xin phòng lao bao gồm:

  • Trẻ có cân nặng dưới 2 kg.
  • Trẻ sinh non và có tuổi thai dưới 34 tuần (trẻ sinh non dưới 34 tuần cần đủ 34 tuần thai kỳ để tiêm vắc xin Lao).

Bệnh lao có lây truyền không?

Có, bệnh lao là một trong những bệnh lây truyền thông qua tiếp xúc gần với người bị nhiễm, đặc biệt là khi họ ho hoặc hắt hơi, và người khác hít phải các giọt bọt nước chứa vi khuẩn lao từ họ. Tuy nhiên, so với bệnh cúm, bệnh lao không phổ biến lây lan trong cộng đồng. Điều này đòi hỏi thời gian tiếp xúc dài và gần với người bị nhiễm bệnh trước khi bạn có thể nhiễm bệnh. Lao không lây lan thông qua việc tiếp xúc hàng ngày hoặc chia sẻ đồ vật như dao kéo, giường, hoặc quần áo.

Trong vắc xin BCG có những thành phần nào có thể gây ra dị ứng hay không?

Không. Vắc xin BCG an toàn đối với:

  • Người bị dị ứng với latex (một loại cao su).
  • Người bị dị ứng với penicillin.
  • Người bị dị ứng với các thực phẩm như sữa, trứng hoặc các loại hạt

Tuy nhiên, nếu bạn lo lắng trước khi tiêm nên trao đổi với bác sĩ trước khi tiêm ngừa.

Mong rằng những thông tin về vắc xin BCG Long Châu cung cấp trên có thể giúp bạn hiểu hơn và có cách phòng chống, bảo vệ sức khỏe gia đình một cách hiệu quả.

Xem thêm:

Tiêm vắc xin BCG cho người lớn có hiệu quả không?

Chi phí tiêm mũi lao cho trẻ sơ sinh bao nhiêu tiền?

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Thị Hồng Nhung

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Khoa Dược. Có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực Dược phẩm, tư vấn thuốc và thực phẩm chức năng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin