Viêm kết mạc là bệnh phổ biến của mắt, bệnh sẽ không nghiêm trọng nếu phát hiện sớm và điều trị đúng cách, sau 7 - 10 ngày bệnh sẽ khỏi. Tuy nhiên nếu kéo dài không chữa trị bệnh sẽ chuyển thành viêm kết mạc mãn tính.
Tìm hiểu chung về viêm kết mạc
Viêm kết mạc là một bệnh nhiễm trùng xảy ra ở lớp màng mỏng phía trước của mắt giúp bảo vệ khỏi các dị vật. Nguyên nhân chính gây ra bệnh viêm kết mạc là do vi khuẩn hoặc vi rút. Ngoài ra, một số nguyên nhân khác cũng có nguy cơ gây ra bệnh như bị dị ứng với các yếu tố ngoài môi trường, gặp các hoá chất gây kích ứng.
Trên thực tế, việc điều trị bệnh viêm kết mạc có thể thực hiện tại nhà, chủ yếu là dùng kháng sinh, thuốc nhỏ, nước mắt nhân tạo,... phù hợp do bác sĩ chỉ định. Đây thường là những loại thuốc có khả năng loại bỏ virus, vi khuẩn, mầm bệnh gây hại cho mắt. Nhưng nếu tình trạng viêm kéo dài hơn 3-4 tuần được gọi là viêm kết mạc mãn tính.
Viêm kết mạc mãn tính do nhiều nguyên nhân có thể là vi khuẩn, vi rút hoặc dị ứng,...
Nguyên nhân gây nên viêm kết mạc mãn tính
Như đã nói ở trên, viêm kết mạc nếu không được điều trị sớm, hay bệnh lâu ngày không khỏi sẽ chuyển sang trạng thái mãn tính.
Viêm kết mạc lâu ngày do vi rút
Có hai trường hợp viêm kết mạc thường gặp khi vi rút tấn công là viêm kết mạc thể mi và viêm kết mạc u mềm.
Viêm kết mạc do u mềm lây lan: Bệnh gây nhiễm trùng một hoặc cả hai mí mắt. Xuất hiện các cục u nhỏ, hơi trắng, tròn. Khi mắt bị nhiễm trùng, người bệnh có cảm giác đau, đỏ mắt và ghèn mắt nhiều hơn bình thường. Lưu ý bệnh này không thể tự khỏi, người bệnh cần giữ vệ sinh mắt sạch sẽ và điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ.
Viêm kết mạc do vi rút Herpes Simplex (HSV): Vi rút HSV ảnh hưởng đến vùng nào, vùng đó sẽ nổi mụn dạng nước, có màu trắng, sờ vào thấy đau. Cần điều trị dứt điểm, tránh để mụn nước bùng phát và lây lan sang các vùng lân cận.
Viêm kết mạc lâu ngày do vi khuẩn
Nó thường lây nhiễm ở một mắt nhưng có thể xảy ra ở cả hai. Mắt bạn sẽ tiết ra một lượng lớn mủ và chất nhầy. Nhiễm khuẩn vùng rìa mí mắt cũng có thể dẫn đến viêm kết mạc mãn tính, người bệnh cảm thấy đau mí mắt, có một ít mủ và mắt đỏ hoặc không.
Viêm kết mạc lâu ngày do dị ứng
Dị ứng gây chảy nước mắt, ngứa và đỏ cả hai mắt và có thể kèm theo sổ mũi. Có rất nhiều nguyên nhân gây nên bệnh viêm kết mạc dị ứng hoặc do viêm kết mạc mùa xuân nhưng nó phổ biến hơn ở những người có cơ địa thường dị ứng.
Người bệnh cảm thấy ngứa, khó chịu trong mắt, có mủ đặc, nhạy cảm với ánh sáng. Để tránh những biến chứng nghiêm trọng hơn người bệnh nên gặp bác sĩ để được thăm khám và điều trị hợp lý nhất.
Viêm kết mạc mãn tính do các bệnh lý khác
Tiểu đường là một trong những bệnh làm suy giảm hệ miễn dịch của con người. Do đó khi bị tấn công bởi vi rút hoặc vi khuẩn gây bệnh viêm kết mạc khiến người nhiễm bệnh lâu khỏi dẫn đến tình trạng viêm kết mạc mãn tính.
Dấu hiệu bạn đang bị viêm kết mạc mãn tính
Viêm kết mạc mãn tính thường bắt đầu từ các triệu chứng nhẹ do không được điều trị hoặc điều trị không dứt điểm bệnh dần trở thành mãn tính với các biểu hiện như: Đỏ, ngứa, khó chịu ở một hoặc cả hai mắt. Ghèn bám quanh mí mắt vào ban đêm khiến mắt bị dính và khó mở vào sáng sớm. Bên cạnh đó tuỳ vào từng nguyên nhân khác nhau cũng có các triệu chứng kèm theo khác nhau như mờ mắt, sốt, mắt dần nhạy cảm hơn với ánh sáng.
Một số triệu chứng của mắt khi bị viêm kết mạc là ghèn mắt dính đặc và khó mở mắt vào sáng hôm sau
Bệnh viêm kết mạc có lây truyền không?
Bệnh viêm kết mạc thường lây truyền quá việc tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết, dịch mắt của người bệnh như bắt tay, cầm, nắm, sờ vào vật bị nhiễm khuẩn (tay nắm cửa, điện thoại, vật dụng cá nhân, khăn, gối…). Hoặc lây lan qua đường không khí, bọt khí người bệnh bay vào mắt, sử dụng nguồn nước nhiễm khuẩn. Trong trường hợp viêm kết mạc dị ứng, bệnh sẽ không truyền nhiễm.
Phương pháp điều trị và phòng ngừa viêm kết mạc mãn tính
Phương pháp điều trị viêm kết mạc mắt hiện nay là điều trị các triệu chứng. Vệ sinh mí mắt thường xuyên bằng nước mắt nhân tạo là những điều bác sĩ khuyến khích để giảm các triệu chứng về mắt. Đối với những bạn sử dụng kính áp khi bị bệnh nên hạn chế đeo chúng trong thời gian dài. Ngoài ra, cần vệ sinh kính, hộp đựng kính áp tròng trước và sau khi sử dụng.
Sử dụng thuốc nhỏ mắt là một trong những giải pháp điều trị viêm kết mạc an toàn
Viêm kết mạc do dị ứng sẽ được bác sĩ chỉ định một số loại thuốc nhỏ mắt khác nhau phù hợp với từng dạng dị ứng. Đây là những loại thuốc có thể kiểm soát các phản ứng dị ứng hoặc thuốc để hạn chế tình trạng viêm nhiễm. Bạn cũng nên tránh xa các tác nhân gây dị ứng để bệnh không tiến triển nặng hơn. Tuy nhiên tốt hơn cả những phương pháp điều trị là cách phòng bệnh, ngăn ngừa bệnh tiến triển thành mãn tính:
- Hạn chế đưa tay lên chạm mắt, dụi mắt.
- Vệ sinh tay bằng nước sát khuẩn thường xuyên, đặc biệt sau khi chạm vào dịch tiết từ mắt.
- Không dùng chung các đồ dùng cá nhân như khăn mặt, mắt kính, thuốc nhỏ mắt với người khác.
- Thay vỏ chăn, gối định kỳ.
- Không dùng chung dụng cụ trang điểm mắt với người khác.
Bệnh viêm kết mạc không được điều trị kịp thời rất dễ biến chứng thành viêm kết mạc mãn tính. Hy vọng qua bài viết này sẽ giúp các bạn hiểu rõ hơn và cẩn thận hơn về những tác nhân gây bệnh cho mình và người thân. Hãy ghi nhớ những cách phòng tránh trên để khắc phục được các triệu chứng.
Cao Hiếu
Nguồn tham khảo: Tổng hợp