Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Viêm loét miệng ở trẻ em: Nguyên nhân và cách điều trị

Ngày 30/06/2022
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Viêm loét miệng ở trẻ em là bệnh lý không hiếm gặp và khiến nhiều bậc phụ huynh đau đầu, lo lắng khi con em mình gặp phải vấn đề này. Vết loét thường gây đau rát khiến các bé cảm thấy rất khó chịu. Vậy nguyên nhân là vì đâu và cách điều trị như thế nào? Tất cả sẽ được giải đáp trong bài viết dưới đây.

Hình ảnh viêm loét miệng ở trẻ em dễ thấy nhất là xuất hiện các vết loét nhỏ hình tròn hoặc hình bầu dục, có kích thước vài milimet. Vết loét có thể đơn độc hoặc xuất hiện thành từng đám tập trung trong niêm mạc má, vòm họng, lưỡi, môi.

Viêm loét miệng ở trẻ em: Nguyên nhân và cách điều trị 1 Vết loét miệng ở trẻ em gây cảm giác đau rát, khó chịu 

Nguyên nhân gây viêm loét miệng ở trẻ em

Có rất nhiều nguyên nhân gây viêm loét miệng. Dưới đây là một số nguyên nhân thường gặp mà bạn có thể tham khảo.

Viêm loét miệng do tác động cơ học

  • Trẻ vô tình cắn vào lưỡi hay mặt trong của gò má.
  • Ăn những thức ăn cứng, có nhiều mảnh xơ như bánh mì, mía… làm niêm mạc bị trầy xước. 
  • Trẻ bị té ngã, đụng đập.

Đây là đều là những nguyên nhân gây viêm loét miệng lưỡi mà cha mẹ cần phải lưu ý đối với con mình.

Chế độ dinh dưỡng không cân đối gây viêm loét miệng

Một khẩu phần ăn không đầy đủ dinh dưỡng, thiếu nhiều vitamin và khoáng chất cần thiết sẽ gia tăng nguy cơ bị viêm loét miệng ở trẻ em. Một số loại khoáng chất và vitamin thiết yếu có thể kể đến như vitamin C, B12, sắt và acid folic.

Viêm loét miệng ở trẻ do lạm dụng một số loại thuốc

Việc lạm dụng thuốc cho trẻ, đặc biệt là kháng sinh sẽ dễ gây nhiều tác dụng phụ như nhiệt miệng, sốt vì trẻ nhỏ, nhất là trẻ sơ sinh rất nhạy cảm với các loại kháng sinh. Thậm chí có thể xuất hiện hiện tượng dị ứng rất nguy hiểm cho bé.

Vệ sinh răng miệng kém gây viêm loét miệng ở trẻ em

Răng miệng không sạch sẽ tạo cơ hội phát triển cho các loại vi khuẩn, virus gây bệnh trong khoang miệng. Vì vậy, bố mẹ cần quan tâm nhiều hơn đến việc chăm sóc, vệ sinh răng miệng cho bé bằng cách tập cho trẻ thói quen đánh răng thường xuyên và đúng cách hay súc miệng bằng nước muối để ngăn ngừa sự phát triển của vi khuẩn. Bên cạnh đó, phụ huynh cũng nên chọn những loại bàn chải có lông mềm để tránh việc lông bàn chải quá cứng gây trầy xước niêm mạc bé.

Viêm loét miệng ở trẻ em: Nguyên nhân và cách điều trị 2 Lựa chọn bàn chải có lông mềm giúp trẻ giảm tổn thương khi đánh răng 

Viêm loét miệng do trẻ mắc một số bệnh lý

Tình trạng viêm loét miệng họng ở trẻ em cũng có thể gặp trong một số bệnh lý rối loạn hệ thống miễn dịch hay các bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn, virus như thủy đậu, herpes, tay chân miệng… Khi trẻ mắc các bệnh này, nguy cơ lây nhiễm trực tiếp và bùng phát thành dịch rất cao. 

Nếu trẻ bị viêm loét miệng kèm theo sốt thì cần lưu ý đến bệnh tay chân miệng. Đây là bệnh lây chủ yếu theo đường tiêu hóa từ nước bọt, phỏng nước và phân của trẻ nhiễm bệnh. Bệnh có thể gây tử vong cho trẻ, vì vậy cha mẹ cần cần thận và theo dõi sát sao nếu nghi ngờ trẻ bị tay tay chân miệng.

Biểu hiện viêm loét miệng ở trẻ em

Trẻ bị viêm loét miệng thường sẽ có cảm giác đau rát, khó chịu, ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình sinh hoạt cũng như sức khỏe của trẻ. Một số biểu hiện dễ nhận biết như: Xuất hiện những vết loét sưng tấy đỏ, ở giữa những vết loét này thường có màu trắng xám hoặc màu vàng; trẻ khó ăn, khó nuốt, từ đó dẫn đến tình trạng chán ăn, tránh không muốn ăn; trẻ quấy khóc, bỏ bú nếu viêm loét miệng ở trẻ sơ sinh hay trẻ thường khó ngủ, thức dậy vào ban đêm do đau miệng. Trường hợp bị viêm cấp, trẻ có thể bị sốt cao, nổi hạch góc hàm.

Một số tổn thương viêm loét bên trong niêm mạc miệng của trẻ có thể là:

  • Loét dạng aphthe nhỏ (chiếm khoảng 80%): Là dạng tổn thương hay gặp nhất, các vết loét nông có đường kính dưới 1cm, xuất hiện rời rạc hoặc từng đám, tự lành trong khoảng 7 - 14 ngày, không để lại sẹo.
  • Loét dạng aphthe lớn còn gọi là bệnh Sutton hay hoại tử niêm mạc miệng tái phát (chiếm khoảng 10%): Các vết loét có kích thước lớn hơn 1cm, chậm lành, kéo dài nhiều tuần và có thể để lại sẹo hoại tử lan rộng.
  • Loét dạng Herpes: Người bệnh sẽ có những vết loét kết thành chùm, nhiều vết loét nhỏ nhanh chóng kết hợp lại thành mảng lớn, thời gian lành từ 7 - 30 ngày.

Cha mẹ cần làm gì khi trẻ bị loét miệng?

Xác định đúng nguyên nhân gây bệnh để có thể đưa ra hướng điều trị phù hợp đối với tình trạng viêm loét miệng ở trẻ em. Về cơ bản hầu hết các vết loét miệng ở trẻ em đều không nguy hiểm và có thể tự lành sau 1 - 2 tuần. Triệu chứng gây khó chịu nhất cho trẻ là đau, vì vậy các phương pháp điều trị chủ yếu tập trung vào việc giúp giảm đau và hỗ trợ làm vết thương mau lành.

Bác sĩ sẽ kê cho bé một số loại thuốc giúp giảm đau, giảm viêm… để trẻ giảm đi sự đau đớn, khó chịu và vết loét mau lành hơn. Cha mẹ cần cho bé sử dụng thuốc đúng liều lượng được chỉ định, bên cạnh đó cũng cần lưu ý một số điều sau:

  • Giữ vệ sinh răng miệng cho trẻ. Cảm giác đau sẽ khiến trẻ lười uống nước, không nuốt nước bọt sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn trong khoang miệng phát triển, gây bội nhiễm. Vì vậy, nên cho trẻ súc miệng bằng nước muối sinh lý sau ăn, trước khi đi ngủ và sau khi ngủ dậy.
  • Nên bổ sung các thực phẩm nấu loãng, để nguội, dễ nuốt, dễ tiêu hóa như cháo, sữa, súp… để trẻ ăn uống dễ dàng hơn. Tránh những loại thức ăn có tính cay, chua, mặn, chát khiến niêm mạc tổn thương.
  • Tăng cường bổ sung các loại nước rau quả giàu vitamin, đặc biệt là vitamin C để tăng sức đề kháng cho trẻ.
Viêm loét miệng ở trẻ em: Nguyên nhân và cách điều trị 3 Bổ sung nước ép hoa quả để tăng cường sức đề kháng 

Nếu sau 2 tuần mà tình trạng viêm loét miệng ở trẻ vẫn không có dấu hiệu cải thiện thì cha mẹ nên đưa trẻ đến các phòng khám chuyên khoa để được bác sĩ chẩn đoán, tư vấn và điều trị kịp thời.

Phòng ngừa viêm loét miệng họng ở trẻ em

Để phòng bệnh viêm loét miệng ở trẻ em, bậc phụ huynh cần:

  • Hướng dẫn trẻ vệ sinh răng miệng đúng cách. Vệ sinh nhẹ nhà bằng bàn chải lông mềm hay thường xuyên súc họng bằng nước muối sinh lý.
  • Tập cho trẻ thói quen rửa tay thường xuyên để tránh tiếp xúc với vi khuẩn. Không cho trẻ ngậm tay, chân và vật dụng không sạch.
  • Xây dựng chế độ dinh dưỡng đa dạng, đầy đủ vitamin và khoáng chất cần thiết.
  • Thường xuyên vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, đặc biệt là khu vực phòng ngủ và các vật dụng của trẻ.
  • Đưa bé đi tiêm phòng ngừa thủy đậu và các loại vắc xin cần thiết khác.
  • Bố mẹ nên đưa bé đi khám sức khỏe định kỳ để đảm bảo cho sự phát triển của trẻ và phát hiện, điều trị sớm các bệnh lý liên quan.
Viêm loét miệng ở trẻ em: Nguyên nhân và cách điều trị 4 Tiêm phòng vắc xin đầy đủ là cách tốt nhất giúp bảo vệ sức khỏe của trẻ

Qua bài viết được tổng hợp trên đây, hy vọng Nhà Thuốc Long Châu đã phần nào giúp ích, hỗ trợ cho các bậc phụ huynh hiểu rõ hơn về bệnh viêm loét miệng ở trẻ em cũng như những thông tin hữu ích xoay quanh bệnh lý này. Để từ đó có thể chăm sóc con em mình tốt hơn, giúp trẻ mau lành bệnh. Chúc các bậc phụ huynh và bé luôn sức khỏe!

Ánh Vũ

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm