Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Viêm sỏi mật là gì? Tại sao sỏi mật thường gây nên viêm túi mật?

Ngày 23/05/2022
Kích thước chữ

Viêm sỏi mật là bệnh lý phổ biến thường gặp ở các bệnh nhân sỏi mật. Nếu không được điều trị kịp thời, một số trường hợp người bệnh có thể nhiễm trùng nặng hơn và gây nhiều biến chứng nguy hiểm. Hiểu được viêm sỏi mật là gì, nắm được một số thông tin quan trọng về bệnh sẽ giúp bạn có giải pháp ngăn ngừa rủi ro và giảm thiểu nguy cơ phải phẫu thuật cắt túi mật.

Hầu hết các trường hợp sỏi mật không gây hại gì cho người bệnh do những viên sỏi mật sống hòa bình trong túi mật. Nhưng nếu cảm thấy đau tức vùng bụng kèm theo buồn nôn thì có thể bạn đang gặp tình trạng viêm túi mật do sỏi.

Viêm sỏi mật là gì?

Viêm sỏi mật xuất hiện khi bị viêm túi mật, đường mật, kèm theo nhiễm trùng cấp tính do sỏi hình thành tại bộ phận này. Thành túi mật ở người khỏe mạnh chỉ dày khoảng 3mm, hỗ trợ túi mật co bóp tống dịch tiết ra từ gan vào ống tiêu hóa hiệu quả. Nhưng ở người bị viêm sỏi mật, thành túi mật dày hơn bình thường khiến quá trình này bị gián đoạn và lưu thông máu qua túi mật kém.

Người bị viêm sỏi mật có thành túi mật dày hơn bình thường

Khi bị viêm sỏi mật, người bệnh thường có các biểu hiện điển hình sau:

  • Xuất hiện các cơn đau quặn mật sau khi ăn. Cơn đau thường dai dẳng kéo dài, có khi lan sang ra sau lưng và lên vùng vai phải.
  • Sốt cao 39 - 40 độ và có cảm giác ớn lạnh, mạch đập nhanh.
  • Người bệnh mệt mỏi, lờ đờ, môi khô, hơi thở có mùi hôi.
  • Buồn nôn, chán ăn, sợ dầu mỡ.
  • Vàng da. 

Các biến chứng có thể gặp khi viêm sỏi mật

Viêm sỏi mật không có biến chứng thường có tiên lượng tốt. Nếu được phát hiện và điều trị thích hợp thì có thể giúp thuyên giảm triệu chứng sau 1 - 4 ngày.

Trường hợp bệnh nhân không được điều trị hoặc điều trị chậm trễ sẽ gây ra tình trạng nhiễm trùng nặng. Một số phần mô của túi mật bị tổn thương sau đó mưng mủ và hoại tử. Nguy hiểm hơn có thể dẫn đến nhiễm trùng máu và đe dọa tính mạng.

Những biến chứng nguy hiểm khác do viêm sỏi mật gây ra còn bao gồm: Thủng túi mật, viêm phúc mạc, ung thư túi mật, rò rỉ mật nhiễm khuẩn vào ống tiêu hóa... Nguy cơ tử vong cao cũng xuất hiện nếu viêm sỏi mật có kèm theo các triệu chứng như chít hẹp đường mật ác tính, hạ huyết áp, suy thận cấp

Tại sao sỏi mật thường gây nên viêm túi mật?

Có tới 90% bệnh nhân viêm túi mật có sỏi trong mật. Do đó, sỏi mật là nguyên nhân hàng đầu gây ra tình trạng viêm sỏi mật. Khi sỏi di chuyển, cọ xát làm tổn thương thành túi mật khiến các loại vi khuẩn dễ dàng xâm nhập gây viêm túi mật.

Mặt khác, nếu sỏi mật bị kẹt lại trong các ống dẫn mật sẽ khiến dịch mật bị ứ lại, làm cho túi mật căng phồng lên, thành mật dày hơn. Tình trạng này kéo dài làm cho các hoạt chất hoặc vi khuẩn có trong dịch mật bị tích tụ lâu dần gây bị viêm và nhiễm trùng túi mật.

Sỏi mật là nguyên nhân chính gây ra tình trạng viêm túi mật

Điều trị viêm túi mật do sỏi

Bệnh nhân khi gặp cơn đau viêm sỏi mật cần phải nhập viện để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Điều trị nội khoa

  • Không được ăn uống, có thể cho đặt thông mũi - dạ dày để tránh gây kích thích túi mật.
  • Sau khi nhập viện bệnh nhân sẽ được truyền dịch bù điện giải và thuốc giảm tiết dịch mật.
  • Nếu xác định được sỏi không còn gây tác động xấu đến túi mật, bác sĩ có thể chỉ định các loại thuốc để làm giảm tình trạng viêm như: Thuốc kháng sinh (ngăn ngừa nhiễm trùng) hoặc thuốc giảm đau (giúp bạn đỡ khó chịu khi gặp những cơn đau dữ dội).
  • Với trường hợp bệnh nhân viêm sỏi mật nhưng chưa có hoại tử thủng túi mật nhưng không thể can thiệp phẫu thuật được có thể mở túi mật ra da hoặc chọc hút dẫn lưu túi mật.

Tuy nhiên, phương án này không thể điều trị triệt để vì viêm sỏi mật có thể tái phát lại sau này.

Điều trị nội khoa viêm túi mật do sỏi có thể tái phát lại

Điều trị ngoại khoa

Phẫu thuật cắt bỏ túi mật là phương án được ưu tiên nhất trong điều trị viêm sỏi mật. Nếu người bệnh có sức khỏe ổn định, chưa có biến chứng sẽ được chỉ định phẫu thuật ngay. Ngược lại, trường hợp viêm sỏi mật đã gây ra biến chứng, bệnh nhân cần được điều trị biến chứng trước khi tiến hành cắt bỏ túi mật. 

Có hai phương pháp phẫu thuật cắt bỏ túi mật phổ biến hiện nay gồm: Mổ mở hoặc mổ nội soi. Tuy nhiên, nhờ nhiều ưu điểm vượt trội như giúp người bệnh phục hồi sức khỏe nhanh chóng, ít đau và hầu như không để lại sẹo nên phẫu thuật nội soi được đánh giá là tối ưu trong điều trị viêm sỏi mật.

Sau khi túi mật bị loại bỏ, dịch mật sẽ đi thẳng xuống ruột non thay vì dự trữ ở túi mật. Bạn vẫn có thể sống khỏe mạnh nhưng có thể gặp phải một số vấn đề rối loạn tiêu hoá như buồn nôn, tiêu chảy kéo dài hay táo bón. 

Mổ mở hoặc mổ nội soi là phương pháp điều trị ngoại khoa viêm sỏi mật

Chế độ ăn uống của bệnh nhân viêm sỏi mật

Để có thể cải thiện được tình trạng viêm sỏi mật, bệnh nhân nên quan tâm đến chế độ dinh dưỡng của bản thân.

Hạn chế chất béo bão hòa

Việc hàm lượng cholesterol dư thừa là một trong những nguyên nhân chủ yếu hình thành nên sỏi mật. Vì thế hạn chế cholesterol trong thực đơn hàng ngày là việc cần thiết với bệnh nhân viêm sỏi mật. Các món ăn cần ít sử dụng như mỡ động vật, đồ chiên, xúc xích, bơ động vật…

Bổ sung nguồn chất béo tốt

Bệnh nhân cần sử dụng các loại chất béo tốt như: Dầu oliu, quả bơ, các loại hạt ( bí ngô, hướng dương, hạt vừng…), nhóm cá giàu Omega 3 (cá hồi, cá ngừ, cá thu,…). Việc này giúp bổ sung hàm lượng chất béo cần cho cơ thể mỗi ngày. Đồng thời tăng cường miễn dịch cho cơ thể và hạn chế cholesterol xấu gây nguy cơ mắc bệnh sỏi mật.

Sử dụng thực phẩm giàu chất xơ

Bổ sung trái cây, rau xanh và các loại ngũ cốc… có chứa lượng chất xơ dồi dào vừa đảm bảo dưỡng chất cho cơ thể vừa cung cấp chất xơ cần thiết giúp hạn chế khả năng hình thành sỏi mật. Ngoài ra, các thực phẩm giàu chất xơ cũng rất tốt cho hệ tiêu hóa.

Bệnh nhân viêm sỏi mật cần bổ sung các chất dinh dưỡng theo chế độ ăn uống thích hợp

Uống nhiều nước

Uống đủ nước từ 1,5 - 2 lít mỗi ngày không chỉ giúp cơ thể đào thải được các chất có hại  mà còn có thể hạn chế các nguyên nhân hình thành sỏi túi mật. Ngoài ra, việc bổ sung đủ nước còn giúp giảm căng thẳng, tăng cường miễn dịch cho cơ thể.

Viêm sỏi mật không phải là một bệnh lý mới nhưng đôi khi người bệnh lại chủ quan không quan tâm. Điều này không chỉ khiến việc điều trị khó khăn hơn mà còn có thể dẫn đến nhiều hậu quả đáng tiếc. Vì vậy, hãy thực hiện chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý, dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ để chủ động phòng ngừa và điều trị viêm sỏi mật hiệu quả.

Minh QA

Nguồn: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNgô Kim Thúy

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp loại giỏi trường Đại học Y Dược Huế. Từng tham gia nghiên cứu khoa học đề tài về Dược liệu. Nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.