Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Viễn thị ở trẻ em có biểu hiện thế nào?

Ngày 30/05/2021
Kích thước chữ

Mặc dù chiếm tỷ lệ nhỏ nhưng trẻ em vẫn có thể bị viễn thị. Viễn thị ở trẻ em có thể gây ra các rối loạn chức năng thị giác nặng nề bao gồm: nhược thị, lác mắt, rối loạn chức năng thị giác.

Viễn thị là một trong các tật khúc xạ cần được lưu ý. Mẹ nên cảnh giác nếu con mình có những dấu hiệu bất thường về mắt trong bài viết dưới đây.

Viễn thị ở trẻ em là gì?

Bình thường, khi đi qua các hệ thống quang học của mắt ảnh của sự vật sẽ được hội tụ đúng trên võng mạc. Điều này giúp mắt của chúng ta nhìn mọi sự vật một cách rõ nét. Tuy nhiên, có những trường hợp hình ảnh của sự vật hội tụ phía sau võng mạc mà không được hội tụ ngay trên võng mạc do sự bất thường của hệ thống khúc xạ. Để nhìn rõ, mắt luôn phải điều tiết làm tăng lực khúc xạ để đưa hình ảnh của vật ra phía trước và nằm trên võng mạc. 

Giải thích theo quang học, viễn thị là tình trạng ảnh hiện ở đằng sau mắt chứ không hiện trên võng mạc khi nhìn một vật ở xa. Giống như chụp ảnh, khi đo khoảng cách không đúng, ảnh sẽ hiện đằng sau phim và bị mờ. Viễn thị là do mắt có độ hội tụ yếu. Với những trường hợp nhẹ, mắt trẻ viễn thị có thể điều tiết để nhìn rõ vật nhưng rất dễ bị mỏi mắt. Đối với viễn thị nặng, mắt trẻ không điều tiết được nên nhìn mờ cả ở khoảng cách xa hay gần.

Viễn thị ở trẻ em bao gồm hai loại là:

  • Viễn thị khúc xạ gây viễn thị nhẹ: xảy ra khi lực khúc xạ của giác mạc và thể thủy tinh thấp, nhưng chiều dài của trục nhãn cầu vẫn bình thường. 
  • Viễn thị trục gây viễn thị nặng ở trẻ em: Trục nhãn cầu quá ngắn mà lực khúc xạ của giác mạc và thể thủy tinh vẫn bình thường. 
Viễn thị ở trẻ em có biểu hiện thế nào 1Viễn thị ở trẻ em để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng nếu không được điều trị kịp thời.

Biểu hiện viễn thị ở trẻ em

Trẻ bị viễn thị thường có biểu hiện hay bị mỏi mắt, nhức mắt, đau đầu khi đọc sách hay nhìn gần. Thậm chí, có những trường hợp trẻ còn bị đỏ mắt nếu cố gắng nhìn lâu. Mắt có khuynh hướng quay vào trong làm lé trong.

Nếu trẻ có các triệu chứng này, mẹ cần đưa trẻ đến khám bác sĩ chuyên khoa mắt để chẩn đoán xác định chính xác trẻ có đang bị viễn thị không để tìm cách khắc phục. 

Viễn thị ở trẻ em có nguy hiểm?

Mắt của trẻ em viễn thị luôn phải điều tiết, các cơ trong mắt luôn phải cố kéo để thể thủy tinh phồng lên, làm tăng độ khúc xạ nên trẻ sẽ thường xuyên than nhức mỏi mắt, nhìn mờ, khó chịu. Mắt điều tiết quá độ thường xuyên dẫn đến mất cân bằng giữa độ điều tiết và độ quy tụ dễ dẫn đến lác trong và trẻ có thể chỉ nhìn với một mắt. Kết quả là mắt bị nhược thị.

Nhược thị có thể xảy ra ở một mắt hoặc ở cả hai mắt, đặc biệt ở những mắt bị viễn thị nặng hơn. Nhược thị khiến mắt không nhìn thấy hình nổi, xác định khoảng cách vật không chính xác, ảnh hưởng đến cuộc sống,... Tuy nhiên, viễn thị đơn thuần không gây ra tổn thương thoái hóa ở đáy mắt, chỉ những trường hợp viễn thị do nhãn cầu kém phát triển, viễn thị đi kèm với các rối loạn cấu trúc nhãn cầu khác (như ROP,...) thì mới có tổn thương đáy mắt.

Viễn thị ở trẻ em có biểu hiện thế nào 2Viễn thị ở trẻ em có thể dẫn đến nhược thị.

Điều trị viễn thị ở trẻ em như thế nào?

Hiện nay, phương pháp khắc phục viễn thị hầu hết là đeo kính. Việc đeo kính phải đi kèm với chế độ tập luyện cho mắt thường xuyên nhằm làm giảm độ viễn thị. Trẻ bị viễn thị cần được khuyến khích tham gia các hoạt động liên quan đến thị giác như: Vẽ tranh, tô màu, đọc truyện,... Điều này làm tăng độ khúc xạ của thể thủy tinh, giảm độ viễn thị.

Với những trường hợp trẻ em bị nhược thị thì cần chế độ luyện tập tích cực như: bịt mắt lành tập mắt nhược thị, tập trên các hệ thống máy kích thích hoàng điểm hoặc máy tập thị giác 2 mắt,... Phổ biến nhất là tập trên máy Synophtophore, máy kích thích hoàng điểm khi có nhược thị hoặc độ viễn thị cao. Ngay cả khi đã điều trị khỏi thì trẻ bị nhược thị vẫn cần tập luyện duy trì để tránh tái phát. 

Khi được điều trị và tập luyện một cách tích cực, thị lực sẽ tăng, viễn thị ở trẻ em sẽ giảm dần, cải thiện nhược thị. Ngoài ra, nếu trẻ bị chứng lác mắt thì cần được điều trị. Đặc biệt, trong thời gian đeo kính viễn thị, trẻ em cần được theo dõi trong ít nhất 6 tháng/lần nhằm điều chỉnh kính cho phù hợp.

Viễn thị ở trẻ em có biểu hiện thế nào 3Cần điều trị viễn thị ở trẻ bằng cách kết hợp nhiều phương pháp.

Viễn thị có thể gây nhược thị, suy giảm khả năng nhìn của trẻ nhỏ, ảnh hưởng đến tương lai của trẻ. Do vậy mẹ đừng chủ quan trước những biểu hiện viễn thị ở con em mình. 

Hường

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNgô Kim Thúy

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp loại giỏi trường Đại học Y Dược Huế. Từng tham gia nghiên cứu khoa học đề tài về Dược liệu. Nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin