Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Virus H5N6 và H5N1 có lây từ gia cầm sang người không?

Ngày 25/02/2020
Kích thước chữ

Trong khi dịch viêm phổi cấp do Covid-19 còn đang diễn biến khó lường thì Trung Quốc lại phát hiện thêm ổ dịch cúm gia cầm A/H5N1 tại tỉnh Hồ Nam, khả năng lây lan vào nước ta là rất cao. Bên cạnh việc lo đối phó với dịch cúm H5N1 xâm nhập, nhiều địa phương đang dốc sức chặn đứng sự lây lan của ổ dịch cúm gia cầm A/H5N6 vừa bùng phát.

Virus H5N6 và H5N1 có lây từ gia cầm sang người không và cúm gia cầm H5N6 và H5N1 có điều gì giống và khác nhau?

Cúm H5N6 và H5N1 nguy hiểm đều lây sang người

Bệnh cúm gia cầm H5N6 là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus H5N6 gây ra. Đây là loại dịch bệnh nguy hiểm bởi nó có thể làm cho gia cầm chết đột ngột, hàng loạt và lây lan nhanh. Gà, vịt, ngan, ngỗng, chim nuôi, chim hoang dã... đều có thể mắc bệnh.

Virus cúm gia cầm có thể sống trong phân gia cầm, nước, đất... từ 2 - 4 tuần và chết ở nhiệt độ 70 độ C trở lên. Virus có thể sống trong nhiệt độ lạnh (cả tủ lạnh, tủ đá) hàng tháng trời.

Gia cầm bị lây nhiễm cúm qua các con đường: Lây trực tiếp thông qua tiếp xúc với gia cầm mắc bệnh, chết khi nhốt chung một chuồng hay thả cùng sân; tiếp xúc với chim hoang dã đã bị nhiễm bệnh. Lây gián tiếp qua tiếp xúc trực tiếp với phân, chất độn chuồng (rơm, rạ, trấu...) lông gia cầm bị nhiễm virus.

Tiếp xúc với giầy dép, quần áo, dụng cụ như cuốc, xẻng, lồng, sọt đựng trứng..., phương tiện như lốp xe máy, ô tô... bị nhiễm virus do con người sử dụng mang từ nơi có bệnh về.

Những triệu chứng thường gặp khi gia cầm bị cúm: Chết đột ngột, hàng loạt không có biểu hiện triệu chứng.

Virus H5N6 và H5N1 có lây từ gia cầm sang người không? 1Những triệu chứng thường gặp khi gia cầm bị cúm: Chết đột ngột, hàng loạt không có biểu hiện triệu chứng.

Gia cầm chảy nước mắt, nước dãi, đứng tụm với nhau, lông xù, uể oải, ít đi lại, đầu gật gù, gục xuống đất biếng ăn; khó thở; mào, tích tím tái, phù và có thể có điểm xuất huyết; xuất huyết ở những chỗ da không có lông, đặc biệt là chân...

Tương tự, virus cúm H5N1 có vật chủ chính là quần thể chim hoang dã và gia cầm như vịt, gà tây, gà, ngan, ngỗng. Bệnh dễ lây truyền qua tiếp xúc với phân của chim hoặc gia cầm bị nhiễm bệnh hoặc từ dịch tiết ở mũi, miệng hoặc mắt.

Chợ trời và các địa điểm bán trứng và chim trong điều kiện đông đúc và mất vệ sinh, chính là nơi dễ nhiễm bệnh và có thể truyền bệnh sang cộng đồng đông dân cư.

Thịt hoặc trứng từ những con chim hoặc gia cầm bị nhiễm bệnh nếu chưa được chưa nấu chín hoàn toàn cũng có thể truyền bệnh cúm gia cầm. Do đó, để đảm bảo an toàn, thịt gia cầm cần được nấu chín hoàn toàn ở nhiệt độ ở bên trong gia cầm từ 74 độ C trở lên và trứng cần phải chín cả lòng đỏ và lòng trắng.

Điểm chung của hai loại cúm H5N6 và H5N1 là đều có thể lây sang người.

Cúm H5N6 và H5N1 có lây từ người sang người không?

Câu trả lời là không. Theo Forbes, virus H5N1 cư trú trong những tế bào nằm sâu trong phổi, không thể gây nhiễm ở đường hô hấp trên và không lây nhiễm qua hành động ho hoặc hắt hơi như những virus cúm khác.

Điều này lý giải tại sao đường lây truyền người - người của loại virus cúm gia cầm này đến nay vẫn chưa xảy ra.

Đường lây truyền của H5N6 và H5N1 sang người là giống nhau

Virus cúm A H5N1 có thể xâm nhập vào cơ thể qua đường ăn uống, như ăn phải gia cầm và các sản phẩm gia cầm bị bệnh qua quá trình chế biến hoặc nấu nướng chưa chín, ăn tiết canh sống. Vệ sinh cá nhân không tốt, bàn tay không sạch cũng tạo điều kiện cho việc mắc cúm A H5N1.

Virus H5N6 và H5N1 có lây từ gia cầm sang người không? 2Virus cúm A H5N1 có thể xâm nhập vào cơ thể qua đường ăn uống như ăn trứng chưa chế biến kĩ

Virus cúm H5N6 lây từ gia cầm sang người có thể dẫn đến tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Người bị lây nhiễm cúm do tiếp xúc với gia cầm và chất thải gia cầm nhiễm bệnh (trong khi chăn nuôi, vận chuyển, làm thịt gia cầm bị bệnh...) hoặc gia cầm khỏe nhưng đã mang virus H5N6.

Do ăn tiết canh, trứng và các sản phẩm khác của gia cầm nhiễm bệnh mà chưa được nấu chín.

Biện pháp phòng bệnh cúm H5N6 và H5N1 sang người

Chỉ ăn thịt, trứng và các sản phẩm khác của gia cầm được nấu chín kỹ. Chỉ mua gia cầm và sản phẩm gia cầm rõ nguồn gốc và đã được kiểm dịch không bị bệnh. Không ăn tiết canh. Không làm thịt và ăn các loại gia cầm ốm, chết.

Rửa tay bằng nước sạch và xà phòng sau khi tiếp xúc với gia cầm, trước khi ăn. Rèn luyện thân thể, giữ ấm cơ thể, để nâng cao khả năng phòng bệnh. Nên thay, giặt quần áo, rửa giày dép hàng ngày.

Virus H5N6 và H5N1 có lây từ gia cầm sang người không? 3Rửa tay bằng nước sạch và xà phòng sau khi tiếp xúc với gia cầm, trước khi ăn

Hạn chế tiếp xúc với nguồn bệnh; hạn chế tiếp xúc gia cầm kể cả khi chúng còn khỏe; chỉ giết mổ gia cầm khỏe; đeo khẩu trang, găng tay khi giết mổ; rửa dao, thớt bằng nước sôi sau khi giết mổ; nên có hai thớt để thái thịt sống và thái thịt chín.

Đeo khẩu trang, găng tay, mặc quần áo bảo hộ khi phải tiếp xúc với gia cầm.

Hãy đến ngay cơ sở y tế khi sốt cao trên 38 độ C, ho, đau ngực, khó thở kèm theo đau đầu, đau cơ mệt mỏi... Khi tiếp xúc với người bệnh phải đeo khẩu trang.

Như vậy, virus H5N6 và H5N1 có lây từ gia cầm sang người không thì câu trả lời là có. Do đó, việc nắm các kiến thức phòng bệnh sẽ giúp bạn và gia đình tránh mắc phải căn bệnh này tối đa nhé.

Thanh Hoa

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcTrần Thị Dương

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại Học Dược Hà Nội và có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực Dược phẩm. Nhiều năm công tác giảng dạy tại các trường trung cấp và cao đẳng dược. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin
Chủ đề:Dịch cúmvirus