Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Sản giật và tiền sản giật: Mối lo lắng của mẹ bầu

Ngày 28/07/2022
Kích thước chữ

Sản giật và tiền sản giật có mối liên hệ với nhau vì sản giật là biến chứng nặng của tiền sản giật. Đây là hai bệnh lý hiếm gặp với phụ nữ mang thai nhưng gây hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe của sản phụ và thai nhi.

Đối với phụ nữ đang mang thai, việc theo dõi huyết áp thường xuyên là điều quan trọng vì có thể sản phụ sẽ có nguy cơ bị tiền sản giật hay biến chứng nặng là hội chứng sản giật. Vậy sản giật và tiền sản giật là bệnh lý như thế nào?

Sản giật và tiền sản giật là gì?

Sản giật và tiền sản giật: Mối lo lắng của mẹ bầu 1 Mẹ bầu bị tăng huyết áp có nguy cơ bị sản giật và tiền sản giật

Hội chứng sản giậttiền sản giật là hai bệnh của thai kỳ xuất hiện trong khoảng sau tuần thứ 20 của thai kỳ hoặc ngay sau khi sinh.

Tiền sản giật hay trước đây còn gọi là "nhiễm độc thai nghén", là tình trạng xuất hiện trong thời kỳ mang thai với dấu hiệu đặc trưng gồm tăng huyết áp và có protein trong nước tiểu. Nếu không được nhận biết và chữa trị kịp thời, tiền sản giật có thể biến chứng thành sản giật.

Khi mẹ bầu bị huyết áp cao sẽ rất nguy hiểm khi mang thai vì cản trở khả năng cung cấp oxy và dinh dưỡng cho thai nhi qua nhau thai. Trẻ sinh có thể cần được sinh sớm, khi sinh sẽ có cân nặng thấp hơn bình thường, kèm các vấn đề sức khỏe khác.

Huyết áp tiếp tục tăng cao hơn sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của thận. Sản phụ có thể gặp các vấn đề về máu dẫn đến thiếu máu, rối loạn chức năng gan và giảm tiểu cầu. Trong trường hợp có quá ít tiểu cầu, trong quá trình chuyển dạ, sản phụ có nguy cơ chảy máu không kiểm soát được. 

Ngoài ra, huyết áp cao có thể khiến nhau thai bắt đầu tách ra khỏi thành tử cung (nhau bong non), dẫn đến chảy máu nghiêm trọng, thậm chí gây tử vong cả mẹ lẫn con.

Nếu sản phụ bị tiền sản giật bắt đầu lên cơn co giật sẽ được chẩn đoán là sản giật. Đây là tình huống đe dọa tính mạng cho cả sản phụ và thai nhi do cơn co giật khiến cả mẹ và thai nhi đều có nguy cơ bị thiếu oxy.

Nguyên nhân sản giật và tiền sản giật

Tiền sản giật

Mặc dù nguyên nhân của tiền sản giật vẫn chưa rõ ràng, nhưng nếu sản phụ có các yếu tố nào dưới đây thì nguy cơ bị tiền sản giật cao hơn:

  • Mang thai lần đầu tiên.
  • Gia đình của sản phụ như mẹ, chị gái bị tiền sản giật hoặc sản giật khi mang thai.
  • Mang đa thai.
  • Người Mỹ gốc Phi.
  • Sản phụ dưới 20 tuổi hoặc trên 35 tuổi. 
  • Sản phụ đã bị các bệnh lý về huyết áp, thận hoặc bệnh tiểu đường.
  • Sản phụ có chỉ số BMI lớn hơn 30.
  • Sản phụ đã từng bị tiền sản giật ở lần mang thai trước.
Sản giật và tiền sản giật: Mối lo lắng của mẹ bầu 2 Hội chứng sản giật ảnh hưởng đến gan gây đau bụng trên

Sản giật

  • Mẹ bầu bị co giật là triệu chứng phổ biến nhất của sản giật. Tương tự như tiền sản giật, tùy theo cơ quan nào bị ảnh hưởng mà những thay đổi và triệu chứng khác cũng có thể xuất hiện. Những thay đổi này có thể ảnh hưởng đến mẹ hoặc thai nhi hoặc thường gặp hơn là cả mẹ và thai nhi.
  • Khi huyết áp tăng trên 160/110mmHg, nguy cơ sản giật tăng cao.
  • Quá trình bài tiết protein qua nước tiểu bất thường khi thận lọc máu không hiệu quả.
  • Thay đổi về hệ thần kinh như nhìn thấy các đốm, mờ mắt, nhức đầu dữ dội, co giật và đôi khi bị mù.
  • Thai phụ bị đau bụng trên do những thay đổi ảnh hưởng đến gan. Cơn đau này có thể bị nhầm lẫn với cơn đau do bệnh túi mật hay khó tiêu.
  • Tăng huyết áp của tiền sản giật có thể làm giảm lưu lượng máu đến thai nhi khiến thai nhi khó phát triển, thai có thể nhỏ hơn so với thai nhi khỏe mạnh. Trong trường hợp nghiêm trọng, do quá trình oxy hóa của thai nhi bị suy giảm nên chuyển động của thai nhi có thể bị giảm theo. Do đó, nếu sản phụ cảm thấy thai nhi giảm chuyển động thì nên đến cơ sở Y tế ngay lập tức.

Dấu hiệu sản giật và tiền sản giật khi mang thai

Tiền sản giật

Bị tăng huyết áp thai kỳ là dấu hiệu điển hình của tiền sản giật. Dấu hiệu cho thấy sự bất thường khi huyết áp vượt quá 140/90mmHg được đo trong hai lần, cách nhau ít nhất 4 giờ. 

Ngoài ra, các biểu hiện tiền sản giật khác bao gồm:

  • Protein dư thừa trong nước tiểu.
  • Đau đầu dữ dội.
  • Mờ mắt hoặc nhạy cảm với ánh sáng, mất thị lực tạm thời.
  • Đau bụng trên, ở bên phải dưới xương sườn. 
  • Buồn nôn và nôn.
  • Lượng nước tiểu giảm.
  • Giảm mức độ tiểu cầu trong máu.
  • Suy giảm chức năng gan.
  • Chất lỏng tích tụ trong phổi gây khó thở.
  • Tăng cân đột ngột (hơn 2kg/tuần).
  • Phù mặt và tay, chân.

Sản giật và tiền sản giật có mối liên hệ với nhau. Vì sản giật là biến chứng của tiền sản giật nên mẹ bầu có thể gặp các triệu chứng của cả hai tình trạng này. Tuy nhiên, một số triệu chứng là do bệnh thận hoặc tiểu đường. 

Sản giật

Thai phụ bị sản giật có thể có các triệu chứng tương tự như triệu chứng của tiền sản giật hoặc thậm chí có thể không xuất hiện dấu hiệu nào trước khi bắt đầu sản giật. Triệu chứng phổ biến thường gặp của sản giật là co giật, mất ý thức, kích động.

Nguyên tắc xử trí tiền sản giật và sản giật

Sản giật và tiền sản giật: Mối lo lắng của mẹ bầu 3 Sản phụ được chẩn đoán tiền sản giật cần khám thai thường xuyên hơn

Bác sĩ có thể chỉ định sản phụ sinh con vì có nguy cơ bị co giật, đứt nhau thai, đột quỵ và có thể chảy máu nghiêm trọng cho đến khi huyết áp của sản phụ giảm. Tuy nhiên, nếu sinh quá sớm sẽ ảnh hưởng không tốt cho thai nhi.

Nếu sản phụ được chẩn đoán tiền sản giật, bác sĩ sẽ yêu cầu sản phụ khám thai thường xuyên hơn so với thai phụ có sức khỏe bình thường. Trong mỗi lần khám, sản phụ cũng sẽ cần thực hiện nhiều xét nghiệm hơn.

Thuốc điều trị cho tiền sản giật có thể bao gồm: Thuốc hạ huyết áp, thuốc chống co giật, thuốc Corticosteroid.

Sản phụ bị tiền sản giật nặng có thể phải nhập viện để theo dõi tình trạng sức khỏe cả mẹ và thai nhi. Trường hợp sản phụ bị tiền sản giật gần cuối thai kỳ, bác sĩ có thể chỉ định chuyển dạ ngay lập tức.

Sau khi sinh, phải mất một thời gian, huyết áp của sản phụ mới trở về bình thường và các triệu chứng của tiền sản giật và sản giật được điều trị.

Sản giật là bệnh lý được điều trị bằng thuốc để kiểm soát cơn co giật và duy trì huyết áp ổn định nhằm giảm thiểu các biến chứng cho cả mẹ và bé. 

Quỳnh Trang

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Mỹ Huyền

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ Đại học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn Dược phẩm và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về Bệnh học. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin