Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Cách tính chỉ số BMI và tiêu chuẩn về sức khỏe

Ngày 09/08/2022
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

BMI là chỉ số cân nặng tỉ lệ với chiều cao của một người. Công thức BMI áp dụng cho cả nam lẫn nữ trưởng thành và không áp dụng cho phụ nữ mang đang mang thai, người già, vận động viên. Chỉ số này không dùng chung trên thế giới mà có sự chênh lệch giữa các quốc gia. Bạn đã biết cách tính chỉ số BMI chưa?

Mập quá hay gầy quá là điều băn khoăn của nhiều người. Điều này cũng là một nguyên nhân gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Việc kiểm soát cân nặng là rất cần thiết. Tuy nhiên để kiểm soát cân nặng sao cho đúng cách lại là vấn đề nan giải. Chỉ số BMI chính là thước đo chuẩn mực giúp kiểm soát cân nặng một cách đúng nhất. Vậy cách tính chỉ số BMI và tiêu chuẩn về sức khỏe ra sao, hãy cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu ở bài viết dưới đây nhé!

Chỉ số BMI là gì?

Chỉ số BMI (Body Mass Index) còn gọi là chỉ số khối cơ thể, chỉ số trọng thể. BMI không dùng để đo lường trực tiếp lượng mỡ của cơ thể mà là hệ số tương quan với phép đo xác định lượng mỡ trực tiếp. 

Chỉ số khối cơ thể (BMI) của một người cho kết quả chẩn đoán bạn có mức cân nặng bình thường so với chiều cao đạt tiêu chuẩn về sức khỏe, thừa cân hay béo phì, thiếu cân hay suy dinh dưỡng.

Cách tính chỉ số BMI và tiêu chuẩn về sức khỏe 1 Chỉ số BMI và tiêu chuẩn về sức khỏe của bản thân 

Cách tính chỉ số BMI

Chỉ số BMI chuẩn được tính dựa trên chiều cao và cân nặng và áp dụng cho cả nam và nữ trưởng thành. Cách tính BMI không yêu cầu khắt khe về cách tính, quy trình. Bạn có thể tính chỉ số BMI của bản thân với công thức:

BMI = W/(H×H)

Trong đó: 

  • BMI là chỉ số khối cơ thể (kg/m2).
  • W là cân nặng (kg). 
  • H là chiều cao (m).

Phân loại tình trạng cơ thể dựa vào chỉ số BMI

Mỗi khu vực trên thế giới có chỉ số BMI khác nhau. Dưới đây là bảng phân loại mức độ gầy béo của một người dựa vào chỉ số cân nặng và chiều cao. Bảng chỉ số đạt tiêu chuẩn của Tổ chức y tế thế giới (WHO) dành cho người Châu Á:

Chỉ số BMI ở người lớn

Bạn có thể tự đánh giá chỉ số BMI của bản thân qua tiêu chí sau:

  • Dưới chuẩn: BMI ít hơn 18.5.
  • Đạt chuẩn: BMI từ 18,5 - 25.
  • Thừa cân: BMI từ 25 - 30.
  • Béo: BMI 30 - 40. Nên giảm cân.
  • Rất béo: BMI trên 40. Cần giảm cân ngay.
Cách tính chỉ số BMI và tiêu chuẩn về sức khỏe 2 Sử dụng cách tính chỉ số BMI sẽ giúp mọi người tự đánh giá được tình trạng của cơ thể

Chỉ số BMI chỉ áp dụng cho người bình thường, nó sẽ không đúng nếu bạn là vận động viên hoặc người tập thể hình vì các múi cơ trên cơ thể thường nặng hơn các múi mỡ. Khi đó, chỉ số BMI sẽ cho ra kết quả béo hoặc rất béo. BMI cũng không cho kết quả chính xác với phụ nữ mang thai, đang cho con bú hay những người mới khỏi ốm. 

Chỉ số BMI của trẻ em và thanh thiếu niên (từ 2 - 19 tuổi)

Ngày nay, chất lượng cuộc sống cải thiện tỷ lệ trẻ béo phì cũng tăng rõ rệt. Điều này khiến nhiều người lo lắng rằng tỷ lệ béo phì tăng lên càng nhiều, các bệnh liên quan đến béo phì như tiểu đường cũng sẽ tăng lên.

Chỉ số BMI của trẻ em được tính theo công thức của người lớn nhưng bảng chỉ số tỷ lệ BMI của người lớn không áp dụng được cho trẻ em.

Ngoài cách tính BMI dựa theo công thức thì có thể tính nhẩm nhanh như sau: 

  • Mức cân tối đa = Số lẻ của chiều cao (tính bằng cm).
  • Mức cân tối thiểu = Số lẻ của chiều cao (tính bằng cm) × 8 rồi chia 10.
  • Cân nặng lý tưởng = Số lẻ chiều cao (tính bằng cm) × 9 rồi chia 10.

Ví dụ chiều cao của bạn là 1,6m tức là 160 cm: 

  • Cân nặng tối đa là: 60kg.
  • Cân nặng tối thiểu là: 60×8:10 = 48kg.
  • Cân nặng lý tưởng là: 60×9:10 = 54kg.

Cách tính đơn giản này cho phép tính chỉ số BMI chỉ với số lẻ chiều cao, giúp bạn nhanh chóng nhận định số cân tối đa và tối thiểu cho phép. Từ đó xác định bạn thừa cân béo phì hay thiếu cân. 

Tỷ lệ vòng eo/mông (WHR)

Tỷ lệ vòng eo/mông được dùng để đánh giá sự phân bố mỡ trong cơ thể. Số đo vòng eo phản ánh tình trạng sức khỏe đúng hơn chỉ số BMI. Mỡ tập trung quá nhiều ở vùng bụng và vùng mông sẽ dẫn đến nguy cơ bị mắc các bệnh tim mạch và tiểu đường. Nó cũng làm tăng cholesterol trong máu, tăng nguy cơ đột quỵ và nhồi máu cơ tim. 

WHR = [Vòng eo (cm)] / [Vòng mông (cm)]

Vòng eo được đo ở ngang rốn và vòng mông được đo ở chỗ phình to nhất của mông. Chỉ số WHR của nữ giới nhỏ hơn 0,85 và nam giới nhỏ hơn 0,95. Nếu lớn hơn chỉ số này sẽ có nguy cơ cao mắc bệnh béo phì. 

WHR là chỉ số hữu ích hỗ trợ chỉ số BMI trong việc chẩn đoán tiêu chuẩn về sức khỏe. BMI cho phép phân loại mức độ gầy béo dựa vào tương quan cân nặng và chiều cao, trong khi WHR đánh giá sự phân bố mỡ trong cơ thể. Hai chỉ số này kết hợp sẽ phản ánh được rõ nhất tình trạng sức khỏe, mức độ béo gầy. 

Cách tính chỉ số BMI và tiêu chuẩn về sức khỏe 3 Đo vòng eo/mông cho biết lượng mỡ phân bố trong cơ thể

Tỷ lệ theo hình quả táo và quả lê

Mỡ trong cơ thể được tích trữ theo hai cách: Một là khu vực hông và đùi, hai là vùng bụng. Những người bị béo bụng thân hình thường có xu hướng giống "quả táo". Trong khi những người có lượng mỡ tích ở hông và đùi sẽ có dáng vẻ "quả lê".

Những người có thân hình quả táo còn được gọi là bụng bia. Do lượng mỡ tích tụ quá nhiều ở vùng bụng khiến bụng to ra nhìn như bị trương phồng. Thông qua các nghiên cứu, các nhà y học cũng khẳng định người thừa cân ở vùng bụng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn so với những người có mỡ tập trung ở hông và đùi. 

Chỉ số BMI không đạt chuẩn ảnh hưởng tới sức khỏe như thế nào?

BMI là chỉ số dùng để sàng lọc không dùng để chẩn đoán tình trạng sức khỏe. Muốn xác định đúng chỉ số BMI có tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe không bác sĩ cần dựa vào nhiều chỉ số khác như chế độ ăn uống, sinh hoạt, độ dày nếp gấp da, hoạt động thể chất…

BMI quá cao hay quá thấp sẽ gây ra các nguy cơ tiềm ẩn về sức khỏe.

Nguy cơ do béo phì gây nên

Chỉ số BMI từ 30 trở lên có nghĩa là bạn bị béo phì. Béo phì gây ảnh hưởng đến sức khỏe, người bị béo phì có nguy cơ tử vong cao hơn so với người bình thường do gặp phải các tình trạng về sức khỏe như: 

  • Bệnh mạch vành.
  • Viêm xương khớp.
  • Bệnh tiểu đường tuýp 2.
  • Bệnh túi mật.
  • Đột quỵ.
  • Gặp vấn đề về hô hấp có tình trạng ngưng thở khi ngủ.
  • Viêm mãn tính, tăng stress oxy hóa.
  • Ung thư.
  • Trầm cảm, rối loạn lo âu và gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần khác.
  • Cholesterol LDL tăng cao, cholesterol HDL giảm xuống thấp hoặc mức lipid máu không tốt cho sức khỏe (mỡ trong máu).
Cách tính chỉ số BMI và tiêu chuẩn về sức khỏe 4 BMI quá cao dẫn tới thừa cân béo phì

Nguy cơ do suy dinh dưỡng gây ra

Chỉ số BMI thấp hơn 18,5 tức là bạn đang gặp tình trạng suy dinh dưỡng, thiếu cân so với chiều cao của mình. Khi mức cân nặng thấp hơn mức lý tưởng, nguy cơ mắc các bệnh thiếu dinh dưỡng và hệ miễn dịch kém như: 

  • Suy dinh dưỡng.
  • Thiếu máu.
  • Tỷ lệ gặp biến chứng sau phẫu thuật cao hơn.
  • Thiếu vitamin D và thiếu canxi gây ra loãng xương.
  • Chu kỳ kinh nguyệt không đều ảnh hưởng đến vấn đề sinh sản.
  • Thấp bé nhẹ cân và các vấn đề phát triển khác.

Việc quá béo hoặc quá gầy không những ảnh hưởng đến vóc dáng mà còn ảnh hưởng đến sức khoẻ. Do đó bạn cần thường xuyên theo dõi chiều cao và cân nặng của bản thân để khi cần có thể điều chỉnh hợp lý, kịp thời. Thay đổi chế độ ăn, chế độ luyện tập thể dục là biện pháp hữu hiệu nhất giúp bạn có được thân hình cân đối, khỏe mạnh. 

Trên đây là bài viết giải thích về chỉ số BMI và tiêu chuẩn về sức khỏe cùng với cách tính chỉ số BMI. Bạn đọc có thể tham khảo và tính chỉ số của bản thân để biết thêm về tỷ lệ cân đối của cơ thể cũng như sơ lược về sức khỏe của bản thân. Hy vọng bài viết này có ích đối với bạn đọc. Chúc bạn đọc có một sức khỏe tốt và đừng quên theo dõi trang web của Nhà thuốc Long Châu để được cung cấp thêm nhiều thông tin bổ ích về sức khỏe nhé!

Ánh Vũ

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Chủ đề:BmiSức khỏe