Nhiều loại thực phẩm không phù hợp với cơ thể có thể gây ra bệnh dị ứng nặng, đe dọa tính mạng người bệnh. Lúc này, bạn cần có những kiến thức nhất định để xử lý một cách đúng đắn nhất
Dị ứng thực phẩm ở một số trường hợp chỉ có các biểu hiện nhẹ như ngứa ngáy, đỏ da...Nhưng ở một vài ca, dị ứng nặng có thể khiến bạn bị sốc phản vệ, rất nguy hiểm.
Bệnh dị ứng nặng gây nguy hiểm tính mạng con người
1. Bệnh dị ứng nặng do đồ ăn
Dị ứng thực phẩm xảy ra khi hệ miễn dịch của cơ thể phản ứng với sự xâm nhập của các chất có trong thực phẩm mà cơ thể cho là những chất gây hại. Các dấu hiệu bị dị ứng với thực phẩm thường xảy ra trong vài phút cho đến vài giờ sau khi ăn như: nổi mề đay, đỏ bừng mặt, phù mạch và tình trạng trở nặng của bệnh chàm.
Bệnh nhân dị ứng với thực phẩm khi có biểu hiện về đường hô hấp thì thường ở mức độ nặng hơn như viêm mũi dị ứng, viêm phế quản dạng hen và phù nề thanh quản gây khó thở.
Có một số trường hợp đặc biệt, dị ứng thực phẩm có thể nặng và nghiêm trọng hơn, gây nên tình trạng sốc phản vệ làm đe dọa đến tính mạng như: co thắt và thắt chặt đường hô hấp, họng bị sưng khiến người bệnh khó thở; sốc do giảm nhanh huyết áp, tim đập nhanh, mạch nhanh; chóng mặt, hoa mắt hoặc mất ý thức... Lúc này, nếu không có biện pháp xử lý kịp thời thì bệnh nhân có thể tử vong.
Khó thở, sưng họng, tim đập nhanh...là những biểu hiện của dị ứng nặng với thực phẩm
2. Xử lý bệnh dị ứng nặng do thực phẩm
Cách duy nhất phòng tránh dị ứng thực phẩm là tránh xa các nguyên nhân gây dị ứng. Một khi đã bị dị ứng rồi thì chỉ có thể dùng thuốc điều trị, bao gồm: Adrenalin, methylprednisolon hoặc Depersolon, dịch truyền NaCl 0,9%, Ringer lactate, Haesteril. Các loại thuốc này cần được dùng dưới sự chỉ dẫn của bác sĩ hoặc chuyên viên y tế.
Các bác sĩ khuyến cáo rằng, đối với người bị dị ứng nặng khi xảy ra sốc phản vệ cần phải gọi xe cấp cứu đưa bệnh nhân tới bệnh viện càng nhanh càng tốt. Trong lúc chờ xe cấp cứu, bạn cần sơ cứu bệnh nhân với các thao tác như sau:
- Đặt người bệnh nằm ngửa với tư thế chân cao hơn đầu.
- Nới lỏng quần áo và đắp chăn cho người bị dị ứng.
- Trường hợp bệnh nhân bị nôn hay chảy máu từ miệng, cần cho người bệnh nằm nghiêng để đề phòng sặc.
- Trò chuyện liên tục với bệnh nhân để bệnh nhân giữ được nhịp thở, tránh rơi vào trạng thái hôn mê.
- Nếu tình trạng của bệnh nhân diễn biến xấu hơn như ngừng thở, tim ngừng đập thì cần thực hiện thao tác hồi sức tim phổi bằng ép hơi lồng ngực và hà hơi thổi ngạt cho bệnh nhân.
Bệnh dị ứng nặng xảy ra sốc phản vệ rất nguy hiểm vì vậy để phòng ngừa tình huống này xảy ra, những người hay bị dị ứng cần biết bản thân mẫn cảm với thực phẩm gì và tránh tiếp xúc với các thứ đó. Đặc biệt, họ nên thay đổi thói quen ăn uống và cẩn trọng hơn trong việc sử dụng thực phẩm hàng ngày.
Tránh xa nguồn gây dị ứng là cách tốt nhất để bảo vệ bản thân
Hường