Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Kiến thức y khoa

Xuất huyết giảm tiểu cầu ở trẻ em: Nguyên nhân, dấu hiệu, cách điều trị và một số lưu ý

Ngày 13/08/2023
Kích thước chữ

Xuất huyết giảm tiểu cầu ở trẻ em còn được viết tắt là ITP (Immune Thrombocytopenic Purpura) là bệnh hay gặp nhất trong số các bệnh rối loạn đông cầm máu nhập viện. Đa số các trường hợp sẽ lui bệnh hoàn toàn trong vòng 6 tháng, tuy nhiên cũng có trường hợp chuyển biến thành mạn tính và trong giai đoạn cấp tính có thể gây xuất huyết não - màng não dẫn đến tử vong.

Xuất huyết giảm tiểu cầu ở trẻ em là một rối loạn đông máu do ảnh hưởng đến chức năng tiểu cầu (rối loạn về số lượng, chất lượng) trong máu. Cơ chế gây bệnh chủ yếu là do hệ thống miễn dịch tự sinh ra các kháng thể phá hủy tiểu cầu. Khi trẻ mắc bệnh này, các dấu hiệu điển hình đó là trẻ có các dấu hiệu xuất huyết đột ngột trên cơ địa đang khỏe mạnh như dễ bị bầm tím khi va đập,... 

Bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu ở trẻ em là gì?

Xuất huyết giảm tiểu cầu ở trẻ em là bệnh lý huyết học đặc trưng bởi giảm tiểu cầu đơn độc (số lượng tiểu cầu nhỏ hơn 100 x 109/L) do có kháng thể phá hủy tiểu cầu xuất hiện trong máu. Hiện tại nguyên nhân gây nên tình trạng này chưa được phát hiện. Một số yếu tố liên quan gây giảm tiểu cầu trong máu như nhiễm trùng (khoảng 60% các trường hợp xảy ra sau nhiễm virus), tiêm chủng (phối hợp giữa sởi, quai bị và Rubella) hoặc dùng thuốc (quinine, sulfonamide hay kháng viêm không steroids),...

Xuất huyết giảm tiểu cầu ở trẻ em: Nguyên nhân, dấu hiệu, cách điều trị và một số lưu ý 1
Khi bị xuất huyết giảm tiểu cầu, trẻ có thể xuất huyết ở bất cứ vị trí nào trên cơ thể

Khi tiểu cầu giảm do rối loạn về số lượng hay chất lượng sẽ làm giảm chức năng đông và cầm máu trong hệ thống tuần hoàn, nên trẻ có thể bị xuất huyết ở bất cứ vị trí nào trên cơ thể. Xuất huyết giảm tiểu cầu có thể xảy ra ở nhiều bộ phận, kể cả nội tạng, nhưng nguy hiểm nhất là xuất huyết não vì có thể để lại di chứng. Trẻ có thể tự khỏi sau khoảng vài tuần đến vài tháng nếu nguyên nhân xuất huyết tiểu cầu xuất phát từ yếu tố miễn dịch.

Biểu hiện khi trẻ bị xuất huyết giảm tiểu cầu

Dưới đây là một số biểu hiện của trẻ khi bị xuất huyết giảm tiểu cầu mà phụ huynh cần lưu ý:

  • Xuất huyết dưới da: Xuất huyết tự nhiên, đa hình thái, có thể ở dạng chấm, nốt và mảng bầm máu, xuất hiện ở nhiều vị trí trên cơ thể. 
  • Đi vệ sinh ra máu.
  • Hay bị chảy máu cam, chảy máu chân răng.
  • Rất dễ bị chảy máu và khó cầm máu khi bị chấn thương, nhất là những chấn thương ở vùng đầu. 
  • Đối với trẻ là nữ ở tuổi dậy thì có thể dẫn đến đa kinh, rong kinh.

Nếu tình trạng xuất huyết giảm tiểu cầu kéo dài sẽ dẫn đến hậu quả là thiếu máu tương xứng với mức độ xuất huyết. Trong các trường hợp xuất huyết giảm tiểu cầu ở trẻ em, có khoảng 20% trường hợp tiến triển mạn tính, dù đã được điều trị nhưng bệnh vẫn tái diễn thường xuyên. Điều này gây ra rất nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống của trẻ. Chính vì thế, khi phát hiện các điểm bất thường ở trẻ, phụ nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Phương pháp chẩn đoán xuất huyết giảm tiểu cầu ở trẻ

Khi trẻ bị nghi ngờ mắc xuất huyết giảm tiểu cầu thì bác sĩ sẽ quan sát dấu hiệu xuất huyết dưới da, hỏi cha mẹ trẻ một số câu hỏi về một số bệnh lý mà trẻ từng mắc, các loại thuốc hoặc thực phẩm bổ sung từng dùng cho trẻ, trẻ có dễ bị chảy máu khi va đập, đứt tay, dễ bị chảy máu cam hay không, gia đình đã từng có trường hợp tương tự hay không,...

Tiếp đó, bác sĩ sẽ chỉ định cho trẻ thực hiện một số xét nghiệm cơ bản để tiếp cận chẩn đoán như xét nghiệm công thức máu ngoại biên, xét nghiệm thời gian chảy máu, thời gian prothrombin, thời gian thromboplastin hoạt hóa một phần,...

Xuất huyết giảm tiểu cầu ở trẻ em: Nguyên nhân, dấu hiệu, cách điều trị và một số lưu ý 2
Để chẩn đoán xuất huyết giảm tiểu cầu ở trẻ em, bác sĩ sẽ cho trẻ xét nghiệm công thức máu

Tiến triển bệnh và phương pháp điều trị

Theo Hiệp hội ITP, xuất huyết giảm tiểu cầu ở trẻ em chia làm 4 giai đoạn:

  • Cấp tính: Bệnh được phát hiện dưới 3 tháng.
  • Kéo dài: Bệnh kéo dài từ 3 - 12 tháng.
  • Mạn tính: Bệnh kéo dài trên 12 tháng.
  • Nặng: Trẻ sẽ xuất hiện các triệu chứng chảy máu kèm theo.

Việc điều trị xuất huyết giảm tiểu cầu ở trẻ hiện nay chủ yếu dựa vào biểu hiện xuất huyết của trẻ. Nguyên tắc chung trong điều trị là theo dõi biến động về số lượng tiểu cầu của trẻ dựa trên xét nghiệm công thức máu. Nếu số lượng tiểu cầu thấp hơn 10.000 thì cần làm tăng số lượng tiểu cầu lên để ngăn nguy cơ chảy máu.

Các phương pháp để điều trị xuất huyết giảm tiểu cầu ở trẻ em thường là:

  • Theo dõi số lượng tiểu cầu và biểu hiện xuất huyết.
  • Điều trị nhiễm trùng.
  • Ngưng sử dụng các loại thuốc có thể gây xuất huyết giảm tiểu cầu.

Bên cạnh đó, bác sĩ có thể chỉ định cho bệnh nhi sử dụng một số loại thuốc như thuốc steroid, thuốc ức chế miễn dịch, truyền globulin,... để ngăn chặn tình trạng tiểu cầu bị phá hủy hoặc tăng số lượng tiểu cầu. Nếu trẻ đã kháng trị với thuốc thì bác sĩ sẽ cân nhắc tình trạng cụ thể để tiến hành phẫu thuật cắt lá lách.

Tóm lại, sau khi thăm khám và chẩn đoán, tùy vào tình trạng xuất huyết của trẻ, tùy vào khả năng đáp ứng điều trị và nguyên nhân gây bệnh, bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị và thời gian điều trị phù hợp với trẻ.

Xuất huyết giảm tiểu cầu ở trẻ em: Nguyên nhân, dấu hiệu, cách điều trị và một số lưu ý 3
Truyền globulin để ngăn chặn tình trạng tiểu cầu bị phá hủy

Lưu ý khi chăm sóc trẻ bị xuất huyết giảm tiểu cầu

Khi chăm sóc trẻ bị xuất huyết giảm tiểu cầu, những điều phụ huynh cần lưu ý:

  • Chú ý đến da và niêm mạc của trẻ thường xuyên. 
  • Sử dụng bàn chải đánh răng mềm cho trẻ để tránh chảy máu răng lợi.
  • Cho trẻ sử dụng khăn mềm khi tắm.
  • Bôi kem dưỡng da lên vùng da khô.
  • Không nên để trẻ tham gia các hoạt động có thể gây chấn thương, va đập.
  • Không nên cho trẻ uống các thuốc như aspirin làm ảnh hưởng đến chức năng tiểu cầu, corticoid, các thuốc làm suy giảm yếu tố chống đông máu (thuốc chống đông, độc với gan ), ức chế tủy (thuốc kháng tế bào, tia xạ), thuốc ảnh hưởng đến màng tiểu cầu (nhóm thuốc quinin),... sẽ khiến trẻ dễ bị chảy máu hay bầm tím hơn.
  • Chăm sóc các vết thương, vết xước trên da, nắm chặt phần cánh mũi khi trẻ bị chảy máu cam và sử dụng các băng gạc sạch để vệ sinh cho bé.

Đa số các xuất huyết giảm tiểu cầu ở trẻ có thể hồi phục nếu được điều trị kịp thời và đúng cách. Nhưng vẫn có trường hợp diễn biến sang mạn tính (kéo dài trên 6 tháng dù được điều trị) và tái diễn thường xuyên. Yếu tố nguy cơ trở thành mạn tính thường là nữ, lúc bắt đầu bị bệnh trên 10 tuổi, sự khởi bệnh từ từ và có mặt của các tự kháng thể khác. Đối với những trường hợp này, trẻ cần được theo dõi kĩ lưỡng và điều trị tại các cơ sở y tế chuyên khoa.

Trên đây là những chia sẻ của chúng tôi về xuất huyết giảm tiểu cầu ở trẻ em. Hi vọng bài viết sẽ hữu ích cho các bậc phụ huynh trong quá trình chăm sóc con trẻ mỗi ngày. Hãy theo dõi Nhà thuốc Long Châu để cập nhật thêm nhiều thông tin sức khỏe nhé!

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm