Long Châu

Xuất huyết giảm tiểu cầu là gì ? Nguyên nhân và cách điều trị

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu vô căn hay còn gọi là xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch. Đây là tình trạng bệnh lý rối loạn miễn dịch, trong đó tiểu cầu ngoại vi bị phá hủy ở hệ liên võng nội mô dẫn đến sự bất thường về đông máu.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Xuất huyết giảm tiểu cầu là gì?

Tiểu cầu là một loại tế bào máu giúp đông cầm máu khi cơ thể có vết thương, ngăn cản sự chảy máu.

Khi cơ thể bị vật lạ xâm nhập, như vi trùng, vi rút, ký sinh trùng…, cơ thể sẽ sinh ra kháng thể để chống lại các vật lạ này. Bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu do cơ thể nhận diện lầm tiểu cầu là vật lạ và tự sinh ra kháng thể chống lại tiểu cầu. Các kháng thể này gắn vào tiểu cầu và làm tiểu cầu bị phá hủy ở lách, hậu quả là giảm số lượng tiểu cầu trong máu, cơ thể sẽ dễ bị chảy máu với một tác động nhẹ.

Chẩn đoán xuất huyết giảm tiểu cầu khi số lượng tiểu cầu < 100 x 109/l không giải thích được bằng nguyên nhân khác.

Bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu có thể gây tử vong. Khi số lượng tiểu cầu quá thấp (< 20 x 109/l), cơ thể người bệnh sẽ có thể bị xuất huyết tự nhiên hoặc xuất huyết khi va chạm rất nhẹ mà không cầm máu được.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của xuất huyết giảm tiểu cầu

  • Dấu hiệu gợi ý là hội chứng chảy máu, hay gặp nhất ở da và niêm mạc;

  • Bệnh cũng có thể được phát hiện tình cờ thông qua khám bệnh định kỳ, làm xét nghiệm tổng phân tích máu ngoại vi thấy có số lượng tiểu cầu giảm;

  • Hội chứng xuất huyết: Xuất huyết dưới da tự nhiên, chảy máu chân răng, chảy máu mũi, nôn ra máu, đi ngoài phân đen, kinh nguyệt kéo dài, đi tiểu ra máu…

  • Hội chứng thiếu máu;

  • Gan, lách, hạch ngoại vi không to.

Tác động của xuất huyết giảm tiểu cầu đối với sức khỏe

Tiến triển cấp tính thường xảy ra ở trẻ em. 80% trường hợp bệnh có thể khỏi từ sau 15 ngày đến 2 tháng. Tuy nhiên cũng có thể tử vong nhanh chóng do giảm tiểu cầu nặng dẫn đến xuất huyết não màng não.

Tiến triển bán cấp có thời gian diễn biến bệnh dài hơn.

Tiến triển mạn tính xảy ra trên 6 tháng. Rất dễ tái phát. Hình thức này chủ yếu là ở người lớn. Không có một tiêu chuẩn nào ngay từ lúc đầu cho phép dự đoán tiến triển mạn tính này.

Mặc dù là một bệnh lành tính nhưng xuất huyết giảm tiểu cầu vẫn có một tỷ lệ tử vong nhất định vào khoảng 3 – 5%. Khoảng 80% trẻ em và 70% người lớn có thể khỏi bệnh sau khi được điều trị.

Biến chứng có thể gặp khi bi xuất huyết giảm tiểu cầu

  • Dấu hiệu xuất huyết tiêu hóa: Ói ra máu, đi tiêu phân đen, đi tiêu phân máu.

  • Dấu hiệu xuất huyết đường niệu: Đi tiểu ra máu.

  • Dấu hiệu xuất huyết não: Nhức đầu dữ dội, lơ mơ, rối loạn tri giác,…

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến xuất huyết giảm tiểu cầu

Trong 70 – 95% trường hợp phát hiện thấy kháng thể chống lại kháng nguyên tiểu cầu. Kháng thể được sản xuất chủ yếu ở lách. Tiểu cầu có phủ kháng thể trên bề mặt sẽ bị đại thực bào ở hệ liên võng nội mô phá hủy. Hiện tượng này xảy ra chủ yếu ở lách, gan và tủy xương.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ xuất huyết giảm tiểu cầu?

Bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng bệnh thường gặp nhất ở đối tượng trẻ em và người trẻ tuổi. Tỷ lệ bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu ở nữ giới nhiều hơn nam giới.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán xuất huyết giảm tiểu cầu

Để chẩn đoán xuất huyết giảm tiểu cầu, bác sĩ cần dựa vào các triệu chứng lâm sàng điển hình như hội chứng xuất huyết với biểu hiện xuất huyết dưới da tự nhiên, đa hình thái. Các triệu chứng xét nghiệm cho thấy tình trạng giảm số lượng tiểu cầu như:

  • Máu ngoại vi;

  • Tủy xương: Trong giai đoạn đầu của bệnh thường thấy tình trạng tăng sinh dòng mẫu tiểu cầu phản ứng. Nếu ở giai đoạn muộn, có thể có giảm mẫu tiểu cầu trong tủy xương;

  • Xét nghiệm đông máu: Các xét nghiệm liên quan đến tiểu cầu bị rối loạn, cụ thể là thời gian máu chảy kéo dài, cục máu không co hoặc co không hoàn toàn. Các xét nghiệm đông máu huyết tương thường không có biểu hiện bất thường, cụ thể là thời gian APTT bình thường, tỷ lệ phức hệ prothrombin bình thường, nồng độ fibrinogen bình thường.

  • Xét nghiệm miễn dịch có thể thấy tăng immunoglobulin (thường là IgG). Immunoglobulin gắn trên bề mặt tiểu cầu ở 70% bệnh nhân và thường tăng cao ở bệnh nhân xuất huyết giảm tiểu cầu nặng.

  • Xét nghiệm đồng vị phóng xạ: Xét nghiệm nghiên cứu đời sống tiểu cầu bệnh nhân được đánh dấu bằng Cr51. Kết quả cho thấy đời sống tiểu cầu thường bị rút ngắn do tiểu cầu bị giữ và tiêu hủy nhiều ở lách. Xét nghiệm này còn có giá trị để cân nhắc chỉ định cắt lách, tuy nhiên hiện nay chưa được áp dụng phổ biến.

Phương pháp điều trị xuất huyết giảm tiểu cầu hiệu quả

Xuất huyết giảm tiểu cầu cần được điều trị tích cực khi số lượng tiểu cầu dưới 30 –50 x 109/L (tức là có nguy cơ gây tình trạng xuất huyết) và/ hoặc khi có tình trạng xuất huyết trên lâm sàng do giảm tiểu cầu. Do xuất huyết giảm tiểu cầu là một bệnh lý tự miễn nên nguyên tắc chung là điều trị bằng ức chế miễn dịch.

Corticoid là loại thuốc sử dụng phổ biến và hiệu quả nhất trong điều trị ức chế miễn dịch cho bệnh nhân xuất huyết giảm tiểu cầu. Thông thường sử dụng prednisolone hoặc methylprednisolone với liều 1 – 2mg/kg/ngày trong 2 – 4 tuần. Nếu có đáp ứng thì giảm liều dần và duy trì. Thông thường điều trị corticoid có đáp ứng trong 80% trường hợp, nhưng cũng có tới 40% tái phát, thường xảy ra ở người lớn. 

Trường hợp nặng, nguy cơ chảy máu đe dọa tính mạng có thể dùng corticoid liều rất cao: Methylprednisolon 1g/ngày trong 3 ngày.

Trong trường hợp bệnh nhân không đáp ứng với corticoid hoặc phụ thuộc vào thuốc thì có thể cân nhắc chỉ định cắt lách. Điều trị cắt lách có thể giúp bệnh nhân khỏi bệnh hoàn toàn hoặc duy trì tình trạng ổn định lâu dài trên 80% bệnh nhân. Trong trường hợp thất bại có thể bắt đầu điều trị lại bằng corticoid với liều ban đầu. 

Tiêu chuẩn cắt lách bao gồm:

  • Chỉ định khi điều trị 6 tháng bằng corticoid thất bại (số lượng tiểu cầu dưới 30 x 109/L;

  • Tình trạng sinh mẫu tiểu cầu trong tủy còn tốt. 

Tác dụng phụ có thể gặp sau khi cắt lách là tăng tỷ lệ nhiễm trùng, trong đó có nhiễm trùng huyết. Tuy nhiên, tỷ lệ nhiễm trùng tăng phần lớn gặp ở trẻ em. Tác dụng phụ này nên được phòng ngừa bằng cách tiêm chủng trước và định kỳ sau mổ bằng polyvalent pneumococcal vaccine, vaccine cúm Haemophilus influenzae.

Điều trị bằng thuốc ức chế miễn dịch được chỉ định khi số lượng tiểu cầu vẫn giảm mặc dù đã được điều trị bằng corticoid và cắt lách. Các thuốc có thể dùng trong trường hợp này bao gồm azathioprine, cyclophosphamide, vincristine.

Điều trị bằng gamma globulin thường được chỉ định trong trường hợp cấp cứu. Liều thuốc thường sử dụng là 0,4g/kg/ngày trong 5 ngày.

Lưu ý: Các loại thuốc khi dùng phải tuân thủ theo sự hướng dẫn của bác sĩ.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của xuất huyết giảm tiểu cầu

Chế độ sinh hoạt:

  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị;

  • Duy trì lối sống tích cực, hạn chế sự căng thẳng;

  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị;

  • Thăm khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm;

  • Hạn chế vận động mạnh.

Chế độ dinh dưỡng:

  • Ăn uống đủ các nhóm chất tinh bột, đạm, béo, ăn nhiều rau và hoa quả;

  • Chế độ ăn ít muối, ít đường vì thuốc có tác dụng phụ tăng huyết áp, đái tháo đường, bổ sung canxi;

  • Ăn chín, uống sôi phòng ngừa nhiễm trùng.

Phương pháp phòng ngừa xuất huyết giảm tiểu cầu hiệu quả

Chưa có phương pháp phòng ngừa hiệu quả.

Nguồn tham khảo
  1. Quyết định số 1494/QĐ-BYT ngày 22/04/20215 của Bộ Y tế về việc Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị một số bệnh lý huyết học.

  2. https://www.msdmanuals.com/vi/

  3. https://phacdodieutri.com/tieu-cau-va-benh-xuat-huyet-giam-tieu-cau/

Các bệnh liên quan

  1. Bướu mạch máu

  2. Ấu dâm

  3. Lộn bàng quang

  4. Tự kỷ

  5. Bệnh Sacôm cơ vân

  6. Đái dầm

  7. Hội chứng hít phân su

  8. Loạn sản phế quản phổi

  9. Hội chứng Sturge-Weber

  10. Teo đường mật bấm sinh