Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng & chữa bệnh

Ý nghĩa các chỉ số trong kết quả siêu âm tim

Ngày 31/10/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Siêu âm tim cho kết quả rất nhanh về tình hình hoạt động của tim cũng như những bất thường hoặc bệnh lý gặp phải. Vậy khi nào cần siêu âm tim? Kết quả siêu âm tim phản ánh điều gì?

Siêu âm tim là một kỹ thuật y tế an toàn cho hầu hết mọi người. Việc siêu âm tim cần được thực hiện đều đặn hàng năm để đảm bảo rằng chúng ta luôn duy trì một trái tim khỏe mạnh.

Thông tin cơ bản về siêu âm tim

Siêu âm tim cho phép bác sĩ quan sát hình ảnh cấu trúc của tim và hoạt động bơm máu tuần hoàn của cơ quan này. Để hiểu ý nghĩa của kết quả siêu âm tim, chúng ta cần tìm hiểu siêu âm tim là gì và mục đích của nó để làm gì, có những phương pháp siêu âm tim phổ biến nào.

Định nghĩa về siêu âm tim

Siêu âm tim là một phương pháp thăm dò không xâm lấn, mang tới kết quả đáng tin cậy với cách thức đơn giản. Kỹ thuật này giúp khảo sát hình thái, chức năng và huyết động học của các buồng tim, màng ngoài tim, vách tim, các mạch máu lớn nối với tim.

Mục đích của siêu âm tim

Siêu âm tim giúp các bác sĩ chẩn đoán sức khỏe tim mạch nhanh chóng và hiệu quả. Đây là một trong những phương pháp an toàn và nhanh chóng để bác sĩ sớm đưa ra phương án điều trị kịp thời, giúp bệnh nhân duy trì trái tim khỏe mạnh.

Với máy siêu âm, các bác sĩ có thể thực hiện việc siêu âm tim để quan sát hình ảnh trái tim của bệnh nhân. Sóng siêu âm từ máy siêu âm cho phép bác sĩ nhìn thấy quá trình tim bệnh nhân đập và bơm máu như thế nào. Dựa vào kết quả siêu âm tim, bác sĩ có thể tìm ra những điểm bất thường trong cơ tim và van tim.

ket-qua-sieu-am-tim-2.jpg
Siêu âm tim có vai trò quan trọng trong chẩn đoán các bệnh lý về tim mạch

Siêu âm tim là phương pháp y học được sử dụng rộng rãi, giúp kiểm tra các dấu hiệu bất thường của tim như:

  • Nhịp đập và kích cỡ của tim phát triển bất thường;
  • Có những cơn đau ngực chưa tìm ra nguyên nhân;
  • Nhịp tim không đều hoặc hơi thở gấp gáp;
  • Phát hiện các dị tật bẩm sinh liên quan đến tim;
  • Khảo sát buồng tim, van tim và quá trình co bóp của thành tim;
  • Đánh giá huyết khối về tim;
  • Chẩn đoán lâm sàng trước khi bước vào phẫu thuật tim;
  • Các vấn đề về cơ tim, các lớp màng trong và ngoài tim.

Những phương pháp siêu âm tim phổ biến

Y học hiện đại đã và đang tìm ra nhiều kỹ thuật để cho ra kết quả siêu âm tim với độ chính xác ngày càng cao. Một số phương pháp siêu âm tim phổ biến nhất là:

  • Siêu âm tim một chiều: Đây là phương pháp thăm dò giải phẫu của tim với một chùm siêu âm duy nhất.
  • Siêu âm 2 chiều: Những hình ảnh giải phẫu của tim được hiển thị dưới dạng lát cắt, nhờ vào quá trình quét nhanh từ đầu dò của nhiều chùm siêu âm dưới tác động tồn lưu ánh sáng trên màn hình.
  • Siêu âm tim Doppler: Phương pháp này cho phép đo vận tốc dòng máu ở các vị trí khác nhau trong buồng tim. Nhờ vậy, bác sĩ có thể phát hiện dòng chảy bất thường trong các tổn thương van tim.
  • Siêu âm tim qua thành ngực: Các miếng dán (điện cực) được gắn vào ngực bệnh nhân giúp phát hiện và theo dõi các dòng điện của tim. Hình ảnh của tim bệnh nhân được ghi lại trên màn hình nhờ đầu dò qua lại trên ngực và sóng âm thanh.
  • Siêu âm tim qua thực quản: Trong phương pháp siêu âm tim này, đầu dò siêu âm được đưa qua đường miệng vào tận thực quản để thực hiện siêu âm. Cách làm này thường cho kết quả chính xác hơn so với siêu âm tim qua thành ngực.
ket-qua-sieu-am-tim-3.jpg
Siêu âm tim Doppler có thể phát hiện dòng chảy bất thường

Ý nghĩa của các chỉ số trong kết quả siêu âm tim

Khi đọc kết quả siêu âm tim, chúng ta có thể thấy nhiều ký hiệu khá lạ mắt. Dưới đây là ý nghĩa của các ký hiệu trên bảng kết quả siêu âm tim:

  • Ao: Động mạch chủ (Aorta);
  • LA: Nhĩ trái (Left Atrium);
  • RA: Nhĩ phải (Right Atrium);
  • LV: Thất trái (Left Ventricular);
  • RV: Thất phải (Right Ventricular);
  • LVOT: Có nghĩa là Buồng tống thất trái (Left Ventricular Outflow Tract);
  • RVOT (Viết tắt của từ Right ventricular outflow tract): Phản ánh chỉ số buồng tống thất phải;
  • EF (Ejection Fraction): Phản ánh chỉ số Phân suất tống máu;
  • EF (teich): Chỉ số phản ánh chức năng tâm thu thất trái hay chính là Phân suất tống máu theo Teicholz;
  • IVSd: Tức “Độ dày vách liên thất kỳ tâm trương” (Interventricular Septal Diastolic);
  • IVSs: Tức là “Độ dày vách liên thất kỳ tâm thu” (Interventricular Septal Systolic);
  • LVEDd: Nghĩa là “Đường kính thất trái tâm trương” (Left Ventricular End Diastolic Dimension);
  • LVEDs (Left Ventricular End Systolic Dimension): Chỉ số cho biết đường kính thất trái tâm thu;
  • LVPWd (Left ventricular posterior wall diastolic): Cho biết độ dày thành sau thất trái tâm trương;
  • LVPWs (Left ventricular posterior wall systolic): Phản ánh độ dày thành sau thất trái tâm thu;
  • EDV (Teich) - End diastolic Volume (Teich): Phản ánh Thể tích cuối tâm trương tính theo theo phương pháp Teicholz;
  • ESV (Teich) - End-systolic volume (Teich): Chỉ số thể hiện thể tích cuối tâm thu ghi nhận theo phương pháp Teicholz;
  • AML: Tức “Lá trước van hai lá” (Anterior mitral valve leaflet);
  • PML: Lá sau van hai lá (Posterior mitral valve leaflet);
  • SV (Teich): Stroke Volume;
  • Ann: Đường kính vòng van (Annular);
  • MVA: Đường kính lỗ van hai lá (Mitral valve area);
  • PHT: Hiểu là “Thời gian giảm nửa áp lực” (Pressure half time);
  • TV: Van ba lá (Tricuspid Valve);
  • AnnTV (Annular Tricuspid Valve): Cho biết đường kính vòng van ba lá;
  • AV: Van động mạch chủ (Aortic Valve);
  • AoVA: Nghĩa là “Đường kính vòng van động mạch chủ”;
  • AoR: Đường kính xoang Valsalva;
  • AoA: Động mạch chủ lên;
  • AoT: Động mạch chủ đoạn quai;
  • AoD: Động mạch chủ xuống;
  • AVA: Tức là “Đường kính lỗ van động mạch chủ”;
  • STJ: Chỗ nối xoang ống.

Nhờ vào các ký hiệu này, bác sĩ có thể đọc kết quả siêu âm tim xem có bất thường hay không để lên phương pháp điều trị thích hợp.

ket-qua-sieu-am-tim-4.jpg
Các chỉ số siêu âm tim giúp bác sĩ đưa ra kết luận chính xác

Quy trình siêu âm tim

Thời gian cho một trường hợp siêu âm tim thường kéo dài từ 15 - 30 phút tùy vào thể trạng của người bệnh. Những trường hợp càng phức tạp thì càng mất nhiều thời gian siêu âm vì cần phải đánh giá nhiều yếu tố. Về cơ bản, quy trình siêu âm tim được thực hiện như sau:

  • Phòng siêu âm được thiết kế riêng biệt. Tại đó, bạn sẽ được hướng dẫn nằm trên giường hoặc ghế, kéo áo từ eo lên để bác sĩ đính miếng dán vào cơ thể. Các miếng dán này thực chất là các điện cực để theo dõi điện tim.
  • Sau đó, ánh sáng phòng siêu âm sẽ được giảm bớt. Tại vùng ngực cần siêu âm, gel chuyên dụng sẽ được bôi lên để tăng khả năng dẫn truyền tín hiệu. Bác sĩ di chuyển đầu dò trên khu vực ngực ở gần tim. Khi đó, hình ảnh siêu âm gần như ngay lập tức được hiển thị trên màn hình. Tại những vị trí có dấu hiệu bất thường, bác sĩ sẽ chụp lại để phân tích.
  • Sau khi siêu âm, người bệnh sẽ dùng giấy hoặc khăn để lau sạch gel siêu âm. Loại gel này không gây hại cho sức khỏe. Khi quá trình siêu âm kết thúc, bác sĩ sẽ đọc kết quả siêu âm tim và phân tích tình trạng hoạt động của tim cũng như nguy cơ bệnh lý với tim từ những bất thường phát hiện được.

Siêu âm tim sử dụng sóng âm để thu tín hiệu rồi chuyển thành dạng hình ảnh nên không gây hại, không xâm lấn hay để lại biến chứng cho sức khỏe. Tuy nhiên, một số trường hợp có thể gặp phải tác dụng phụ sau siêu âm như: Cảm giác khó chịu khi tháo bỏ băng dính dán điện cực, những lúc gắng sức hoặc dùng thuốc khi siêu âm tim,…

Bài viết đã mang đến thông tin cơ bản về siêu âm tim, ý nghĩa của các chỉ số trong kết quả siêu âm tim và các bước thực hiện khi siêu âm tim. Giá trị của phương pháp siêu âm tim trong chẩn đoán và điều trị các bệnh lý về tim mạch là vô cùng to lớn. Bệnh nhân hãy sáng suốt lựa chọn các cơ sở y tế có uy tín để được chỉ định siêu âm tim. Tại đây, các bác sĩ có chuyên môn sẽ giải thích ý nghĩa các chỉ số trong siêu âm tim một cách chi tiết đến người bệnh.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Thị Thảo Nguyên

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Nam Cần Thơ. Có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin