Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Rối loạn chuyển hóa bẩm sinh là gì? Vai trò của dinh dưỡng trong điều trị bệnh

Ngày 08/09/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Rối loạn chuyển hóa bẩm sinh (Inborn Errors of Metabolism) là một nhóm rối loạn không đồng nhất, có thể do di truyền hoặc do các đột biến tự phát. Các rối loạn này dẫn đến sự thất bại của con đường trao đổi chất, liên quan đến việc phân hủy hoặc lưu trữ carbohydrate, acid béo và protein.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Rối loạn chuyển hóa bẩm sinh là gì?

Rối loạn chuyển hóa bẩm sinh hay lỗi chuyển hóa bẩm sinh (Inborn Errors of Metabolism) còn được gọi là rối loạn chuyển hóa di truyền (Inherited Metabolic Disorders) là các rối loạn do di truyền hoặc do đột biến gen tự phát.

Các rối loạn thường do khiếm khuyết trong các protein (enzyme) cụ thể giúp chuyển hóa các phần của thực phẩm. Dẫn đến cơ thể không thể biến thức ăn thành năng lượng một cách thích hợp.

Các nhóm rối loạn này không đồng nhất, có hàng trăm rối loạn chuyển hóa bẩm sinh khác nhau, một vài trong số đó là:

  • Bệnh Wilson;
  • Rối loạn chuyển hóa porphyrin;
  • Phenylceton niệu (PKU);
  • Không dung nạp fructose;
  • Rối loạn chuyển hóa đường (Galactosemia);
  • Bệnh siro niệu (Maple syrup urine disease - MSUD).

Do đó, các triệu chứng, phương pháp điều trị cũng như tiên lượng của chúng rất khác nhau.

Ở các rối loạn chuyển hóa bẩm sinh biểu hiện ở thời kỳ sơ sinh sẽ có xu hướng nghiêm trọng hơn, bao gồm ăn kém, nôn mửaco giật hoặc thậm chí là hôn mê. Các rối loạn biểu hiện muộn thường có xu hướng ảnh hưởng đến sự tăng trưởng và phát triển ở trẻ.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của rối loạn chuyển hóa bẩm sinh

Các rối loạn chuyển hóa bẩm sinh có nhiều loại khác nhau, do đó các biểu hiện cũng rất khác nhau, có thể bao gồm:

  • Sự chậm tăng trưởng: Gợi ý bệnh dự trữ glycogen (GSD) hay nhiễm toan hữu cơ hoặc rối loạn chu trình urê.
  • Chậm phát triển: Có thể do rối loạn phosphoryl oxy hóa, thiếu uridine-5′-diphosphate-galactose trong bệnh rối loạn chuyển hóa đường hay thiếu tyrosine trong bệnh phenylceton niệu.
  • Các triệu chứng thần kinh cơ: Bao gồm co giật, yếu cơ, giảm trương lực cơ, rung giật cơ, đau cơ, đột quỵ hoặc hôn mê, có thể gợi ý sự thiếu hụt năng lượng cấp tính trong não.
  • Dị tật não bẩm sinh: Phản ánh sự giảm năng lượng sẵn có, ví dụ như trong hội chứng Smith-Lemli-Opitz.
  • Các triệu chứng thần kinh tự động: Ví dụ như nôn ói, vã mồ hôi, xanh xao, nhịp tim nhanh trong GSD hoặc không dung nạp fructose. Nôn mửa và thở Kussmaul trong nhiễm toan hữu cơ.
  • Vàng da không sinh lý: Vàng da sau thời kỳ sơ sinh thường phản ánh bệnh lý của gan, đặc biệt khi có đi kèm với tăng men gan nhưng cũng có thể là triệu chứng của rối loạn chuyển hóa bẩm sinh.
  • Mùi bất thường dịch thể: Ví dụ mùi hôi chân trong bệnh nhiễm acid isovaleric, mùi nước tiểu ngọt trong bệnh siro niệu, nước tiểu mùi mốc trong phenylceton niệu, mùi bắp cải luộc trong bệnh tyrosine huyết.
  • Thay đổi màu sắc nước tiểu: Ví dụ như màu nâu sẫm ở bệnh alcapton niệu, màu nâu tía ở rối loạn chuyển hóa porphyrin.
  • Những thay đổi ở mắt: Bao gồm đục thủy tinh thể do thiếu galactokinase, liệt vận nhãn và thoái hóa võng mạc do rối loạn phosphoryl oxy hóa.
Rối loạn chuyển hóa bẩm sinh là gì? Vai trò của dinh dưỡng trong điều trị bệnh 4
Sự thay đổi màu sắc nước tiểu có thể gợi ý tình trạng rối loạn chuyển hóa bẩm sinh

Biến chứng có thể gặp khi mắc rối loạn chuyển hóa bẩm sinh

Triển vọng chung của các người bệnh mắc rối loạn chuyển hóa bẩm sinh là kém. Chẩn đoán kịp thời và điều trị sớm có thể giúp tránh các biến chứng cấp tính và mãn tính, ảnh hưởng đến sự phát triển hay thậm chí là tử vong.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Trên thực tế, trẻ có rối loạn chuyển hóa xuất hiện trong thời kỳ sơ sinh thường không thể phân biệt được với các bệnh lý khác. Do đó, khi phát hiện bất kỳ triệu chứng bất thường nào nghi ngờ trẻ mắc rối loạn chuyển hóa bẩm sinh, hoặc bất kỳ dấu hiệu nào bất thường ở trẻ, đặc biệt là các biểu hiện về thần kinh và đường tiêu hóa, hãy đưa trẻ đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến rối loạn chuyển hóa bẩm sinh

Các rối loạn chuyển hóa bẩm sinh là các rối loạn di truyền do đột biến gen mã hóa các protein có chức năng trao đổi chất. Hầu hết được di truyền dưới dạng lặn trên nhiễm sắc thể thường. Hiếm khi có tính trạng trội trên nhiễm sắc thể thường hay liên kết với nhiễm sắc thể X.

Rối loạn chuyển hóa bẩm sinh là gì? Vai trò của dinh dưỡng trong điều trị bệnh 5
Nguyên nhân dẫn đến rối loạn chuyển hóa bẩm sinh là thường là tình trạng di truyền lặn trên nhiễm sắc thể thường

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc rối loạn chuyển hóa bẩm sinh?

Các rối loạn chuyển hóa bẩm sinh xảy ra ở 1 trên 2500 ca sinh. Do có hàng trăm loại khác nhau, nguy cơ mắc cũng khác nhau ở trẻ. Ví dụ như các rối loạn về ty thể sẽ được di truyền 100% từ mẹ sang con, trong khi các rối loạn khác có thể thay đổi hoặc liên quan đến giới tính.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc rối loạn chuyển hóa bẩm sinh

Các yếu tố khác có thể liên quan đến rối loạn chuyển hóa bẩm sinh, có thể thay đổi khác nhau tùy đối tượng, bao gồm:

  • Môi trường;
  • Biểu sinh;
  • Hệ vi sinh vật;
  • Các gen bổ sung.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán rối loạn chuyển hóa bẩm sinh

Các rối loạn chuyển hóa di truyền xuất hiện ngay từ khi sinh và một số được phát hiện bằng cách sàng lọc định kỳ. Tuy nhiên, không thể sàng lọc tất cả các rối loạn chuyển hóa bẩm sinh. Các rối loạn chuyển hóa bẩm sinh nếu không được phát hiện từ khi sinh, thường sẽ không được chẩn đoán cho đến khi có các triệu chứng xuất hiện.

Trên thực tế, chẩn đoán xác định rối loạn chuyển hóa bẩm sinh không phải là mục tiêu trong trường hợp khẩn cấp. Ví dụ như việc không thể phân biệt được triệu chứng của rối loạn chuyển hóa carbohydrate ở trẻ và các tình trạng khác như nhiễm trùng, hạ đường huyết, hạ thân nhiệt, co giật… Đồng thời, các bất thường trong xét nghiệm ở trẻ rối loạn chuyển hóa bẩm sinh thường chỉ thoáng qua. Do đó, quan trọng là phải lấy máu và xét nghiệm lại sau khi xuất hiện bệnh lần đầu.

Về các xét nghiệm ban đầu khi nghi ngờ có rối loạn chuyển hóa bẩm sinh, đánh giá sẽ bao gồm xem xét kết quả xét nghiệm sàng lọc trẻ sơ sinh và chỉ định các xét nghiệm sàng lọc chuyển hóa cơ bản, bao gồm:

  • Glucose máu;
  • Điện giải đồ có tính khoảng trống anion (anion gap);
  • Tổng phân tích tế bào máu và phết tế bào máu ngoại vi;
  • Xét nghiệm chức năng gan;
  • Nồng độ amoniac;
  • Nồng độ acid amin huyết thanh;
  • Tổng phân tích nước tiểu;
  • Acid hữu cơ nước tiểu.

Các xét nghiệm cụ thể hơn có thể được thực hiện sau đó, nếu có bất thường trong các xét nghiệm sàng lọc cơ bản.

Phương pháp điều trị rối loạn chuyển hóa bẩm sinh

Không có cách điều trị khỏi cho tình trạng rối loạn chuyển hóa bẩm sinh. Nguyên tắc điều trị ban đầu ở những người bệnh này là hồi sức tích cực qua thuật toán PALS/ACLS.

Không cho bất cứ thứ gì qua đường miệng ở những người bệnh nghi ngờ có rối loạn chuyển hóa bẩm sinh. Vì có thể không biết được người bệnh bị rối loạn quá trình trao đổi chất nào, do đó cần thận trọng ngăn chặn tất cả các thực phẩm hoặc bất cứ gì qua đường miệng.

Người bệnh sẽ được truyền dung dịch dextrose 10% duy trì, có thể cần cung cấp thêm insulin để kiểm soát tình trạng tăng đường huyết.

Người bệnh có nồng độ amoniac tăng cao có thể được dùng các chất để loại bỏ nitơ như natri benzoat hoặc natri phenylacetate. Người bệnh với nồng độ amoniac cao hơn 600 cần phải lọc máu. Hầu hết người bệnh bị nghi ngờ mắc các rối loạn chuyển hóa bẩm sinh đều cần theo dõi tại phòng chăm sóc đặc biệt.

Rối loạn chuyển hóa bẩm sinh là gì? Vai trò của dinh dưỡng trong điều trị bệnh 6
Hầu hết đối tượng nghi ngờ mắc rối loạn chuyển hóa bẩm sinh cần theo dõi tại phòng chăm sóc đặc biệt

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của rối loạn chuyển hóa bẩm sinh

Trẻ em và người lớn mắc rối loạn chuyển hóa bẩm sinh có thể bị bệnh nặng, cần phải nhập viện và đôi khi phải hỗ trợ sự sống. Do đó, những người mắc rối loạn chuyển hóa bẩm sinh nên được chăm sóc tại trung tâm y tế có kinh nghiệm vì đây là các tình trạng hiếm gặp.

Điều quan trọng là cam kết điều trị suốt đời với việc ăn kiêng để hạn chế diễn tiến của bệnh, loại bỏ một phần hoặc hoàn toàn chất dinh dưỡng tùy vào rối loạn chuyển hóa mà bạn mắc phải. Cần phải cẩn thận theo dõi dinh dưỡng trong suốt cuộc đời. Sau đây là một số tình trạng rối loạn chuyển hóa bẩm sinh và việc quản lý chế độ dinh dưỡng tương ứng.

Rối loạn chuyển hóa acid amin và protein

Phenylceton niệu (PKU)

Để giảm mức phenylalanine trong huyết tương xuống phạm vi mục tiêu, những người mắc PKU cổ điển thường được yêu cầu loại bỏ hoàn toàn các thực phẩm giàu protein như thịt, trứng, sữa, phô mai khỏi chế độ ăn của mình. Tuy nhiên, cần có kiến thức kỹ lưỡng, dưới sự hướng dẫn của bác sĩ và chuyên gia, cùng lên kế hoạch để thiết lập một chế độ ăn uống phù hợp, đa dạng, duy trì đủ chất dinh dưỡng thiết yếu.

Rối loạn chuyển hóa bẩm sinh là gì? Vai trò của dinh dưỡng trong điều trị bệnh 7
Người bệnh PKU thường được yêu cầu loại bỏ hoàn toàn thịt, trứng, sữa, phô mai khỏi chế độ ăn

Các chiến lược mới để quản lý PKU gồm bổ sung acid amin trung tính lớn (LNAA) và sử dụng glycomacropeptide (GMP), một nguồn protein có hàm lượng phenylalanine thấp, tự nhiên, đang được nghiên cứu và sử dụng.

Bệnh siro niệu

Mục tiêu là duy trì leucine huyết tương và các acid amin chuỗi ngắn (BCAA) trong phạm vi bình thường. Chế độ ăn hạn chế BCAA bằng cách hạn chế protein và sử dụng các sản phẩm acid amin tổng hợp không có BCAA nhưng chứa các chất dinh dưỡng cần thiết khác.

Rối loạn chu trình urê

Chế độ ăn của người bệnh cần hạn chế nitơ, cũng thông qua việc hạn chế protein. Việc hạn chế ăn protein lâu dài đòi hỏi phải kết hợp với các sản phẩm cung cấp acid amin thiết yếu với ít nitơ hơn protein thường.

Rối loạn chuyển hóa carbohydrate

Rối loạn chuyển hóa đường cổ điển (Classic Galactosemia)

Việc bắt đầu chế độ ăn hạn chế lactose có thể ngăn ngừa các biến chứng đe dọa tính mạng của tình trạng này. Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ cần nguồn protein khác ngoài sữa bò và nên cho trẻ dùng sữa dạng bột làm từ đậu nành hoặc sữa công thức nguyên tố (elemental formulas). Galactose trong trái cây, rau quả thường không gây ra hậu quả gì.

Khi sử dụng thực phẩm cho trẻ, cha mẹ cần xem kỹ bảng thành phần, vì lactose và galactose có thể là thành phần của nhiều loại thực phẩm khác nhau không phải từ sữa.

Rối loạn dự trữ glycogen típ 1a

Đây là rối loạn dự trữ glycogen nghiêm trọng nhất. Mục tiêu chính của can thiệp dinh dưỡng là duy trì mức đường huyết bình thường, trong giai đoạn sơ sinh, thông qua việc cho ăn thường xuyên.

Fructose và galactose nên được hạn chế, sữa đậu nành cho trẻ được khuyên dùng. Cần phải đánh thức trẻ sau mỗi 3-4 giờ để cho bú, tránh tình trạng hạ đường huyết. Ngoài ra, tương tự các rối loạn chuyển hóa bẩm sinh khác, bệnh nhân cần được theo dõi chặt chẽ dinh dưỡng trong suốt cuộc đời.

Rối loạn oxy hóa acid béo

Thiếu acyl-CoA dehydrogenase chuỗi trung bình (MCAD)

Có thể tiếp tục sử dụng sữa mẹ hay sữa công thức cho trẻ bị thiếu MCAD, cần tránh nhịn ăn ở trẻ. Nên sử dụng một chế độ ăn uống cân bằng với lượng calo phù hợp. Quan trọng là bạn nên biết về mối nguy hiểm của việc nhịn ăn, ở những trẻ này, có thể dẫn đến hạ đường huyết giảm ketone và nhanh chóng tiến triển đến hôn mê và tử vong nếu không được phát hiện.

Thiếu acyl-CoA dehydrogenase chuỗi rất dài (VLCAD)

Tương tự như thiếu MCAD, hạ đường huyết đáng kể có thể xảy ra nếu trẻ nhịn ăn, và khi không được chẩn đoán, biểu hiện sẽ trở nên nghiêm trọng như bú kém, mất nước, toan chuyển hóa, rối loạn nhịp tim, rối loạn chức năng gan, hôn mê và có thể dẫn đến tử vong. Sữa mẹ và sữa công thức tiêu chuẩn có thể được sử dụng là nguồn cung cấp chất béo chuỗi dài. Ngoài ra, bổ sung các loại dầu cụ thể như dầu hạt cải, quả óc chó và dầu hạt lanh có thể được sử dụng.

Phương pháp phòng ngừa rối loạn chuyển hóa bẩm sinh hiệu quả

Rối loạn chuyển hóa bẩm sinh là một rối loạn di truyền, không có cách để bạn có thể ngăn ngừa chúng. Quan trọng là cam kết thực hiện một chế độ ăn kiêng tuyệt đối, theo hướng dẫn của bác sĩ để tránh diễn tiến của bệnh.

Nguồn tham khảo
  1. Approach to the Patient With a Suspected Inherited Disorder of Metabolism: https://www.msdmanuals.com/professional/pediatrics/inherited-disorders-of-metabolism/approach-to-the-patient-with-a-suspected-inherited-disorder-of-metabolism
  2. Inborn Errors of Metabolism: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK459183/
  3. Inborn errors of metabolism: https://medlineplus.gov/ency/article/002438.htm
  4. Inherited Metabolic Disorders: https://www.hopkinsmedicine.org/health/conditions-and-diseases/inherited-metabolic-disorders
  5. Inherited Metabolic Disorders: https://www.webmd.com/a-to-z-guides/inherited-metabolic-disorder-types-and-treatments

Các bệnh liên quan

  1. U máu thể hang

  2. Hội chứng west

  3. đĩa đệm mất nước

  4. Bệnh thoái hóa tinh bột

  5. Phù thũng

  6. cao huyết áp vô căn

  7. Xơ cứng bì toàn thể

  8. Viêm niêm mạc dạ dày

  9. U sao bào

  10. Tăng canxi máu