Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Mất cân bằng nội tiết tố: Triệu chứng và điều trị như thế nào?

Ngày 08/09/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Nội tiết tố là những hormone chịu trách nhiệm cho nhiều quá trình trong cơ thể. Nhiều tuyến nội tiết liên kết với nhau tạo thành hệ nội tiết giúp kiểm soát nhiều chức năng của cơ thể như phát triển và tăng trưởng, sinh sản… Khi chúng bị mất cân bằng sẽ gây ra nhiều triệu chứng khác nhau. Mất cân bằng nội tiết tố có thể gây ra nhiều biến chứng, vì vậy cần điều trị càng sớm càng tốt.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Mất cân bằng nội tiết tố là gì?

Nội tiết tố (hay còn gọi là hormone) là là các chất được sản xuất nhờ các tuyến nội tiết trong cơ thể. Chúng di chuyển trong máu và đến các tế bào, mô, cơ hoặc cơ quan khác để truyền thông tin giúp kiểm soát các quá trình trao đổi chất, sinh sản, tăng trưởng và phát triển, tâm trạng.

Mất cân bằng nội tiết là tình trạng cơ thể sản xuất quá nhiều hoặc quá ít một hoặc nhiều loại hormone. Khi tình trạng này diễn ra, chỉ cần một thay đổi nhỏ cũng có thể ảnh hưởng xấu đến bạn.

Trong một số trường hợp, mất cân bằng nội tiết có thể tạm thời và thoáng qua. Ví dụ như nồng độ hormone nữ sẽ dao động trong kỳ kinh nguyệt nhưng sau đó sẽ trở về bình thường. Tuy nhiên, trong một số trường hợp khác, mất cân bằng nội tiết có thể tồn tại dai dẳng và cần được điều trị để tránh ảnh hưởng đến cuộc sống.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của mất cân bằng nội tiết tố

Nội tiết tố đóng một vai trò quan trọng đối với sức khỏe của bạn. Có nhiều dấu hiệu và triệu chứng báo hiệu cho bạn biết bạn đang bị mất cân bằng nội tiết. Tùy thuộc vào tuyến nội tiết nào hoạt động bất thường mà các dấu hiệu và triệu chứng biểu hiện sẽ khác nhau.

Các triệu chứng và dấu hiệu phổ biến thường gặp:

  • Tăng cân;
  • Sụt cân không rõ nguyên nhân hoặc sụt cân đột ngột;
  • Mệt mỏi;
  • Yếu cơ;
  • Đau nhức và cứng cơ;
  • Đau, cứng và sưng khớp;
  • Nhịp tim nhanh hoặc nhịp tim chậm;
  • Đổ mồ hôi;
  • Tăng nhạy cảm với tình trạng nóng hoặc lạnh;
  • Táo bón hoặc đi cầu thường xuyên;
  • Thường xuyên đi tiểu;
  • Hay có cảm giác khát hoặc đói;
  • Giảm ham muốn tình dục;
  • Trầm cảm;
  • Hồi hộp, lo lắng hoặc cảm giác khó chịu;
  • Nhìn mờ;
  • Vô sinh;
  • Tóc mỏng và dễ gãy;
  • Da khô;
  • Mặt tròn;
  • Vết rạn da màu hồng hoặc tím.

Tuy nhiên, những triệu chứng được nêu trên không đặc trưng cho bệnh. Có thể bạn có triệu chứng nhưng không phải do mất cân bằng nội tiết tố. Một số triệu chứng là của bệnh lý mạn tính khác mà bạn đang mắc phải.

Mất cân bằng nội tiết tố: Triệu chứng và điều trị như thế nào? 4
Các triệu chứng của nam và nữ là khác nhau và đa dạng

Dấu hiệu hoặc triệu chứng ở những người được xác định là nữ sau khi sinh (AFAB)*

Ở những người có buồng trứng, một kết quả phổ biến nhất của mất cân bằng nội tiết tố là hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS). Chu kỳ của nội tiết tố sẽ thay đổi tự nhiên theo các giai đoạn của sự phát triển: Dậy thì, thai kỳ, cho con bú, mãn kinh.

Các triệu chứng mất cân bằng nội tiết tố cụ thể ở những người được xác định là nữ sau khi sinh bao gồm:

  • Kinh nguyệt nhiều hoặc không đều, bao gồm cả không có kinh nguyệt, kinh nguyệt kéo dài;
  • Lông rậm hoặc nhiều lông bất thường trên mặt, cằm hoặc các bộ phận khác trên cơ thể;
  • Mụn ở mặt, ngực hoặc lưng;
  • Rụng tóc;
  • Tăng sắc tố, đặc biệt là ở cổ, háng, dưới vú;
  • Mụn thịt;
  • Khô âm đạo;
  • Teo âm đạo;
  • Đau khi quan hệ tình dục;
  • Đổ mồ hôi trộm;
  • Đau đầu.

Dấu hiệu hoặc triệu chứng ở những người được xác định là nam sau khi sinh (AMAB)**

Testosterone đóng vai trò quan trọng trong các hormone của nam giới. Nếu không sản xuất đủ testosterone sẽ gây ra nhiều triệu chứng khác nhau. Các triệu chứng mất cân bằng nội tiết tố ở những người được xác định là nam sau khi sinh:

  • Vú to;
  • Đau ở vú;
  • Rối loạn cương dương;
  • Lông và râu phát triển kém;
  • Giảm khối lượng cơ;
  • Loãng xương;
  • Kém tập trung;
  • Bốc hỏa.

Cần lưu ý là những người được xác định là nữ sau khi sinh cũng có thể bị mất cân bằng testosterone.

Dấu hiệu hoặc triệu chứng ở trẻ em

Trẻ bắt đầu sản xuất hormone khi bước vào tuổi dậy thì. Nhiều trẻ em có thể dậy thì sớm hơn hoặc muộn hơn. Một số trẻ dậy thì muộn nhưng vẫn trải qua giai đoạn dậy thì bình thường điển hình, một số trẻ có thể mắc tình trạng suy sinh dục.

Dấu hiệu hoặc triệu chứng ở trẻ em là:

  • Khối lượng cơ bắp kém phát triển;
  • Giọng nói nhỏ nhẹ;
  • Lông trên cơ thể mọc ít và thưa;
  • Dương vật và tinh hoàn phát triển chậm;
  • Chân và tay phát triển quá mức so với thân mình;
  • Vú to ở nam giới;
  • Không có kinh nguyệt;
  • Vú không phát triển;
  • Không tăng trưởng theo tốc độ bình thường.

Tác động của mất cân bằng nội tiết tố đối với sức khỏe

Một số tác động của mất cân bằng nội tiết ảnh hưởng đến cuộc sống của bạn:

  • Mụn trứng cá: Mụn trứng cá gắn liền với sự thay đổi nội tiết tố ở tuổi dậy thì. Thường xuất hiện ở những vùng da nhiều dầu như mặt, ngực, lưng trên.
  • Tăng cân: Nội tiết tố đóng vai trò quan trọng trong quá trình trao đổi chất và sử dụng năng lượng của cơ thể. Ví dụ như hội chứng Cushing có thể khiến bạn thừa cân hoặc béo phì.

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh mất cân bằng nội tiết tố

Hội chứng buồng trứng đa nang là nguyên nhân hàng đầu gây vô sinh. Khi mắc bệnh, nội tiết tố mất cân bằng khiến trứng không rụng, do đó bạn không thể mang thai. Nếu có thể mang thai thì hội chứng buồng trứng đa nang có thể gây ra các vấn đề ảnh hưởng đến quá trình mang thai cho bạn và trẻ như sảy thai, đái tháo đường thai kỳ, tiền sản giật, cân nặng trẻ khi sinh lớn.

Mất cân bằng nội tiết có liên quan đến nhiều tình trạng sức khỏe mạn tính khác. Nếu không điều trị, bạn có thể có nguy cơ mắc một số tình trạng bệnh lý:

  • Đái tháo đường;
  • Đái tháo nhạt;
  • Tăng huyết áp;
  • Tăng cholesterol;
  • Bệnh tim mạch;
  • Bệnh thần kinh;
  • Béo phì;
  • Hội chứng ngưng thở khi ngủ;
  • Tổn thương thận;
  • Trầm cảm và lo âu;
  • Ung thư nội mạc tử cung;
  • Ung thư vú;
  • Loãng xương;
  • Mất cơ;
  • Tiểu không tự chủ;
  • Vô sinh;
  • Rối loạn chức năng tình dục;
  • Bướu cổ.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Khi có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nào được nêu ở trên dai dẳng kéo dài, hãy đến gặp bác sĩ để được tư vấn và chẩn đoán sớm. Điều trị sớm giúp bạn kiểm soát bệnh, hạn chế biến chứng và có một cuộc sống bình thường.

Mất cân bằng nội tiết tố: Triệu chứng và điều trị như thế nào? 7
Hãy đến gặp bác sĩ ngay nếu bạn nghi ngờ có thể mình đang gặp vấn đề về nội tiết tố

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến mất cân bằng nội tiết tố

Nhiều nguyên nhân có thể gây ra mất cân bằng nội tiết tố. Chúng khác nhau tùy thuộc vào hormone hoặc tuyến nội tiết bị ảnh hưởng. Các nguyên nhân phổ biến gồm:

  • Đang sử dụng liệu pháp hormone điều trị bệnh khác;
  • Thuốc;
  • Điều trị bệnh ung thư như hóa trị;
  • Khối u, kể cả lành tính hoặc ác tính;
  • U tuyến yên;
  • Rối loạn ăn uống;
  • Stress;
  • Chấn thương hoặc tai nạn.

Mặc dù mất cân bằng nội tiết tố là nguyên nhân dẫn đến các bệnh lý sau, nhưng việc mắc các bệnh dưới đây cũng có thể khiến tình trạng mất cân bằng nội tiết nặng hơn:

  • Đái tháo đường;
  • Đái tháo nhạt;
  • Suy giáp;
  • Cường giáp;
  • Nhân tuyến giáp;
  • Viêm tuyến giáp;
  • Suy sinh dục;
  • Hội chứng Cushing;
  • Tăng sản tuyến thượng thận bẩm sinh gây ra giảm nồng độ cortisol và aldosterone;
  • Bệnh Addison (suy tuyến thượng thận).

Nhiều nguyên nhân gây mất cân bằng nội tiết tố ở những người được xác định là nữ sau sinh có liên quan đến hormone sinh dục. Các nguyên nhân gồm:

  • Mãn kinh;
  • Suy buồng trứng sớm hay còn gọi mãn kinh sớm;
  • Thai kỳ;
  • Cho con bú;
  • Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS);
  • Thuốc nội tiết như thuốc tránh thai.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc mất cân bằng nội tiết tố

Bất kỳ ai cũng có thể mắc phải tình trạng mất cân bằng nội tiết tố.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải mất cân bằng nội tiết tố

Một số yếu tố nguy cơ phổ biến dẫn đến mất cân bằng nội tiết tố:

  • Tuổi;
  • Thai kỳ;
  • Thừa cân hoặc béo phì;
  • Ăn kiêng;
  • Ít vận động;
  • Thường xuyên căng thẳng;
  • Các độc chất trong thức ăn;
  • Mắc bệnh mạn tính.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán mất cân bằng nội tiết tố

Bác sĩ sẽ khai thác các triệu chứng của bạn theo thứ tự thời gian xảy ra của chúng. Các thuốc, vitamin và thực phẩm chức năng đang sử dụng cũng nên được liệt kê. Tùy thuộc vào triệu chứng của bạn, bác sĩ sẽ chỉ định một hoặc nhiều xét nghiệm để chẩn đoán. Bạn cũng có thể đề nghị bác sĩ cho bạn làm các xét nghiệm này nếu bạn muốn.

Xét nghiệm máu

Hầu hết các hormone đều có thể phát hiện được trong máu. Các xét nghiệm máu chủ yếu gồm kiểm tra chức năng tuyến giáp, nồng độ estrogen, testosterone và cortisol của bạn.

Khám phụ khoa/ nam khoa

Xét nghiệm phết tế bào cổ tử cung Pap smear để phát hiện bướu, nang hoặc khối u đối với những người có tử cung.

Đối với những người có tinh hoàn, bác sĩ sẽ kiểm tra bìu của bạn xem có u bướu hoặc bất thường nào không.

Siêu âm

Siêu âm giúp nhìn được hình ảnh bên trong cơ thể như tử cung, buồng trứng, tinh hoàn, tuyến giáp hoặc tuyến yên.

Khác

Một số xét nghiệm nâng cao khác có thể được chỉ định gồm:

  • Sinh thiết;
  • MRI;
  • X-quang;
  • Xạ hình tuyến giáp;
  • Kiểm tra số lượng tinh trùng.

Phương pháp điều trị mất cân bằng nội tiết tố

Việc lựa chọn phương pháp điều trị mất cân bằng nội tiết phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Một số lựa chọn điều trị phổ biến hiện nay:

Liệu pháp hormone thay thế

Nếu bạn đang gặp triệu chứng bốc hỏa hoặc các triệu chứng khác của thời kỳ mãn kinh, bác sĩ có thể cho bạn sử dụng estrogen liều thấp.

Nếu bạn đang bị khô âm đạo hoặc đau sau khi quan hệ tình dục, bạn có thể sử dụng estrogen dạng kem, viên hay dạng vòng đặt âm đạo. Phương pháp này giảm thiểu tác dụng có hại của estrogen uống.

Kiểm soát sinh sản

Kiểm soát sinh sản giúp điều chỉnh chu kỳ kinh nguyệt của bạn. Các biện pháp tránh thai bằng nội tiết tố gồm:

  • Thuốc tránh thai;
  • Miếng dán tránh thai;
  • Tiêm thuốc tránh thai;
  • Vòng âm đạo;
  • Dụng cụ tử cung.

Một số biện pháp kể trên có thể giúp cải thiện tình trạng mụn trứng cá và giảm tình trạng lông mọc nhiều trên mặt và cơ thể.

Mất cân bằng nội tiết tố: Triệu chứng và điều trị như thế nào? 5
Một số phương pháp điều trị giúp làm giảm mụn trứng cá do mất cân bằng nội tiết tố

Thuốc kháng androgen

Androgen là hormone sinh dục nam có ở mọi giới tính. Nồng độ androgen cao có thể điều trị bằng thuốc nhằm ngăn chặn tác dụng của androgen như rụng tóc, mụn, mọc nhiều lông trên mặt.

Liệu pháp testosterone

Bổ sung testosterone khi nồng độ testosterone thấp giúp giảm các triệu chứng. Đối với những thiếu niên dậy thì muộn, chúng có thể kích thích bắt đầu của thời kỳ dậy thì. Thuốc có nhiều dạng như dạng tiêm, miếng dán và gel.

Liệu pháp hormone giáp

Nếu bạn bị suy giáp, hormone tuyến giáp tổng hợp levothyroxine có thể được chỉ định để bổ sung nồng độ hormone giáp về cân bằng.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của mất cân bằng nội tiết tố

Chế độ sinh hoạt

  • Giảm cân: Giảm trọng lượng giúp điều hòa chu kỳ kinh nguyệt, cải thiện khả năng cương dương.
  • Xác định tác nhân gây ra cơn bốc hỏa (nếu có) như thay đổi nhiệt độ, thức ăn cay nóng.
  • Nếu bạn có nhiều lông trên mặt và cơ thể khiến bạn tự ti, hãy loại bỏ chúng.
  • Tăng cường sức đề kháng và tập thể dục thường xuyên.

Chế độ dinh dưỡng

  • Chế độ ăn cân bằng là cần thiết để có một sức khỏe tốt.
  • Hạn chế các thực phẩm gây stress cho cơ thể như đường, chất béo xấu,...
  • Ăn nhiều rau xanh và trái cây.
Mất cân bằng nội tiết tố: Triệu chứng và điều trị như thế nào? 6
Chế độ ăn lành mạnh giúp bạn sống khỏe

Phương pháp phòng ngừa mất cân bằng nội tiết tố hiệu quả

Một số phương pháp giúp phòng ngừa mất cân bằng nội tiết tố là:

  • Duy trì cân nặng khỏe.
  • Ăn uống cân bằng và lành mạnh: Ăn nhiều chất xơ, giảm chất béo có hại.
  • Tập thể dục thường xuyên, tăng cường sức đề kháng.
  • Tránh stress.
  • Ngủ sâu và đủ giấc.
  • Quản lý và điều trị tốt các bệnh mạn tính đi kèm.
  • Ngưng hút thuốc lá và rượu bia.

*AFAB và **AMAB: Giới tính khi sinh ra, được khuyến khích dùng thay cho giới tính như trước đây, để tránh mập mờ khi nhắc đến những người chuyển giới.

Nguồn tham khảo
  • Everything You Should Know About Hormonal Imbalance: https://www.healthline.com/health/hormonal-imbalance
  • What to know about hormonal imbalances: https://www.medicalnewstoday.com/articles/321486 
  • 9 Hormonal Imbalance Symptoms: https://www.verywellhealth.com/hormonal-imbalance-symptoms-7565418
  • Significant effects of mild endogenous hormonal changes in humans: considerations for low-dose testing: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC1240539/
  • Do You Have a Hormone Imbalance?: https://www.webmd.com/women/ss/slideshow-hormone-imbalance

Các bệnh liên quan

  1. Sa sinh dục

  2. Rối loạn chức năng tình dục

  3. Sa tử cung khi mang thai

  4. Đa ối

  5. Thai ngoài tử cung

  6. Đẻ non

  7. Hội chứng Demons Meigs

  8. Ung thư cổ tử cung giai đoạn I

  9. Sa tử cung

  10. Lạc nội mạc tử cung