Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Bệnh viêm động mạch Takayasu là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Ngày 15/12/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Bệnh viêm động mạch Takayasu (Takayasu arteritis) là một bệnh viêm mạch mãn tính, đặc trưng bởi tình trạng viêm u hạt không đặc hiệu. Bệnh tác động đến động mạch chủ và các nhánh chính như động mạch vành và động mạch phổi. Viêm động mạch Takayasu thường xuất hiện ở phụ nữ trẻ. Mặc dù cơ chế gây bệnh vẫn chưa được làm rõ hoàn toàn, các nhà khoa học cho rằng nhiều yếu tố góp phần vào sự khởi phát và diễn tiến của bệnh bao gồm yếu tố tự miễn, viêm và di truyền.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Bệnh viêm động mạch Takayasu là gì?

Hội nghị đồng thuận Chapel Hill định nghĩa viêm động mạch Takayasu là tình trạng viêm u hạt của động mạch chủ và các nhánh chính của nó, thường xảy ra ở bệnh nhân dưới 50 tuổi. Bệnh từng được biết đến dưới nhiều tên gọi như hội chứng cung động mạch chủ, bệnh mạch không bắt được mạch, viêm động mạch chủ nguyên phát, viêm động mạch chủ hẹp, viêm động mạch chủ, và tắc nghẽn động mạch do huyết khối. 

Bệnh được đặt theo tên Mikito Takayasu, bác sĩ nhãn khoa người Nhật, người đầu tiên mô tả các bất thường động mạch - tĩnh mạch trên võng mạc của một bệnh nhân vào năm 1908.

Do tình trạng viêm và tổn thương nội mạc mạch máu dẫn đến thành mạch dày lên, gây hẹp và tắc nghẽn động mạch. Từ đó dẫn đến rối loạn chức năng cơ quan thứ phát do thiếu máu cục bộ.

Với ít triệu chứng đặc hiệu, xét nghiệm cận lâm sàng có giá trị hạn chế nên viêm động mạch Takayasu thường khó được chẩn đoán ở giai đoạn đầu. Quá trình bệnh thường âm thầm, dẫn đến biến chứng nghiêm trọng, thậm chí tử vong. Việc chẩn đoán sớm và có các chiến lược điều trị phù hợp đã góp phần cải thiện đáng kể tỷ lệ sống sót cho bệnh nhân viêm động mạch Takayasu.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh viêm động mạch Takayasu

Biểu hiện lâm sàng của viêm động mạch Takayasu thay đổi theo từng giai đoạn khác nhau của bệnh.

Giai đoạn đầu (giai đoạn viêm)

Triệu chứng toàn thân không đặc hiệu chiếm ưu thế trong vài tuần hoặc vài tháng, nhưng thường bị bỏ qua hoặc bị nhầm với những bệnh cấp tính thông thường khác. Tăng huyết áp là biểu hiện phổ biến nhất ở giai đoạn khởi phát bệnh, tiếp theo là các triệu chứng không đặc hiệu như đau đầu, sốt nhẹ, khó thở, sụt cân ngoài ý muốn, nôn mửa và các vấn đề cơ xương khớp (đau cơ, đau khớp hoặc viêm khớp).

Giai đoạn muộn (giai đoạn tắc mạch)

Đặc trưng bởi triệu chứng thiếu máu cục bộ và những triệu chứng thứ phát do tắc nghẽn động mạch. Các triệu chứng bao gồm:

  • Yếu hoặc đau ở chân tay;
  • Mạch yếu, khó đo huyết áp hoặc chênh lệch huyết áp giữa hai cánh tay;
  • Choáng váng, chóng mặt hoặc ngất xỉu;
  • Nhức đầu hoặc thay đổi thị giác;
  • Vấn đề về trí nhớ hoặc khó suy nghĩ;
  • Đau ngực hoặc khó thở;
  • Cao huyết áp;
  • Tiêu chảy hoặc có máu trong phân của bạn;
  • Bệnh thiếu máu.
Bệnh viêm động mạch Takayasu là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 4
Tăng huyết áp là biểu hiện phổ biến nhất ở giai đoạn khởi phát bệnh

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh viêm động mạch Takayasu

Diễn tiến của bệnh có thể khác nhau ở mỗi người. Ở một số trường hợp bệnh có thể diễn biến nhẹ, không gây ra biến chứng đáng kể. Tuy nhiên ở những bệnh nhân bị viêm kéo dài hoặc tái phát có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm bao gồm:

  • Hẹp động mạch: Dẫn đến giảm lưu lượng máu đến các cơ quan và mô gây ra các triệu chứng như đau, tê bì, yếu cơ và suy giảm chức năng cơ quan.
  • Phình động mạch: Nếu phình động mạch vỡ có thể dẫn đến chảy máu nguy hiểm, thậm chí tử vong.
  • Huyết áp cao: Gây ảnh hưởng đến tim, não và thận.
  • Đột quỵ: Điều này xảy ra khi lưu lượng máu đến não bị gián đoạn.
  • Suy tim: Do van động mạch chủ bị hở, viêm tế bào cơ tim, van động mạch chủ bị tổn thương làm máu chạy ngược lại vào tim.
  • Nhồi máu cơ tim: Đây là biến chứng ít gặp, do sự giảm lưu lượng máu đến tim.

Ngoài ra, viêm động mạch Takayasu cũng có thể ảnh hưởng đến các cơ quan khác như mắt, phổi và hệ thần kinh.

Bệnh viêm động mạch Takayasu là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 5
Bệnh viêm động mạch Takayasu nếu không điều trị có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Viêm động mạch Takayasu là một bệnh hiếm gặp, nguyên nhân chính xác chưa được biết rõ. Vì thế, khi xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ do bệnh viêm mạch Takayasu, hãy đến các cơ sở y tế gần nhất để khám và điều trị.

Phát hiện sớm bệnh viêm động mạch Takayasu là chìa khóa để điều trị hiệu quả.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến bệnh viêm động mạch Takayasu

Nguyên nhân gây ra bệnh viêm động mạch Takayasu vẫn chưa được biết chắc chắn. Tình trạng này được cho là do bệnh tự miễn, là tình trạng hệ thống miễn dịch của cơ thể tấn công các tế bào khỏe mạnh. Trong bệnh viêm động mạch Takayasu, hệ thống miễn dịch tấn công các tế bào khỏe mạnh trên thành động mạch chủ và các nhánh chính của nó.

Ngoài ra, bệnh viêm động mạch Takayasu còn được cho là một bệnh lý thuộc di truyền. Nói cách khác, một người có thể bị bệnh viêm động mạch Takayasu nếu nhận gen bệnh này từ cha và mẹ.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải bệnh viêm động mạch Takayasu?

Đối tượng có khả năng cao mắc bệnh viêm động mạch Takayasu là:

  • Nữ giới có khả năng bị ảnh hưởng gấp 8 - 9 lần so với nam giới. Đặc biệt là phụ nữ trong độ tuổi từ 20 - 40.
  • Gia đình có người mắc bệnh viêm động mạch Takayasu.
  • Những người mắc bệnh lý nhiễm trùng.
  • Những người bị suy giảm miễn dịch.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải bệnh viêm động mạch Takayasu

  • Bệnh lý nhiễm trùng;
  • Bệnh lý tự miễn;
  • Người hút thuốc lá;
  • Yếu tố di truyền: Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng có mối liên kết mạnh mẽ giữa sinh bệnh học bệnh viêm động mạch Takayasu và phức hợp gen HLA.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp chẩn đoán và xét nghiệm bệnh viêm động mạch Takayasu

Chẩn đoán thường được xác nhận bằng sự kết hợp của các biểu hiện lâm sàng, kết quả xét nghiệm và phương pháp chẩn đoán hình ảnh.

Xét nghiệm huyết học: Được sử dụng để tìm kiếm dấu hiệu viêm, ngoài ra cũng có thể kiểm tra tình trạng thiếu máu.

Chụp động mạch kỹ thuật số xóa nền (DSA): Phương pháp được sử dụng để đánh giá động mạch ở bệnh nhân nghi ngờ hoặc xác nhận bệnh viêm động mạch Takayasu, cung cấp đánh giá tốt nhất về lòng mạch, nhưng mang tính xâm lấn, bệnh nhân tiếp xúc với bức xạ ion hóa và không tránh khỏi nguy cơ biến chứng.

Chụp cộng hưởng từ MRA: Có độ chính xác và độ nhạy cao, đặc biệt khi tổn thương ở động mạch chủ. Đây là phương pháp không xâm lấn, có thể cung cấp thông tin về thành động mạch (độ dày, phù nề và tăng độ tương phản) trong các giai đoạn viêm hoạt động. Phương pháp này được sử dụng rộng rãi nhất để chẩn đoán và theo dõi diễn biến bệnh ở bệnh nhân viêm động mạch hiện nay.

Chụp cộng hưởng từ MRI: Để đánh giá tình trạng viêm mạch máu và phân biệt giữa các tổn thương động mạch hoạt động và không hoạt động.

Chụp cắt lớp vi tính: Có độ phân giải tốt, không xâm lấn, giúp bác sĩ đánh giá được bên trong lòng động mạch và theo dõi được lưu lượng máu.

Siêu âm Doppler: Cung cấp thông tin về hình thái của mạch máu và còn có thể phát hiện huyết khối và phình động mạch.

Bệnh viêm động mạch Takayasu là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 6
Phương pháp chẩn đoán hình ảnh được sử dụng để chẩn đoán và theo dõi diễn biến bệnh

Điều trị bệnh viêm động mạch Takayasu

Điều trị bệnh viêm động mạch Takayasu tập trung vào việc kiểm soát tình trạng viêm bằng thuốc và ngăn ngừa tổn thương thêm mạch máu.

Nội khoa

Các khuyến nghị của EULAR 2009 về quản lý viêm mạch máu lớn nên bắt đầu điều trị sớm bằng corticosteroid để tạo ra sự thuyên giảm.

  • Corticosteroid để kiểm soát tình trạng viêm: Phương pháp điều trị đầu tiên thường là corticosteroid như Prednisone. Ngay cả khi cảm thấy cải thiện, vẫn có thể cần tiếp tục dùng thuốc lâu dài. Sau một vài tháng, có thể bắt đầu giảm liều dần dần cho đến khi đạt được liều thấp nhất để kiểm soát tình trạng viêm.
  • Thuốc ức chế hệ thống miễn dịch: Nếu không đáp ứng tốt với corticosteroid hoặc khó khăn khi giảm liều, bác sĩ có thể kê đơn các loại thuốc như Methotrexate, Azathioprine, và Leflunomide. Tác dụng phụ có thể gặp là tăng nguy cơ nhiễm trùng.
  • Thuốc để điều chỉnh hệ thống miễn dịch: Nếu không đáp ứng với các phương pháp điều trị tiêu chuẩn, bác sĩ có thể đề xuất các loại thuốc điều chỉnh trong hệ thống miễn dịch, mặc dù cần nghiên cứu thêm như Etanercept, Infliximab và Tocilizumab. Tác dụng phụ thường gặp là làm tăng nguy cơ nhiễm trùng.

Khoảng 25% số người mắc bệnh viêm động mạch Takayasu sẽ không thể kiểm soát bệnh hoàn toàn nếu không tiếp tục sử dụng thuốc.

Ngoại khoa

Phẫu thuật mạch máu giúp giảm tỷ lệ tử vong và cải thiện tiên lượng lâu dài.

Các chỉ định tái thông mạch máu bao gồm bệnh mạch máu não do hẹp mạch cổ sọ, bệnh động mạch vành, hẹp eo động mạch chủ nghiêm trọng, phình động mạch chủ, tăng huyết áp mạch máu thận, thiếu máu cục bộ cơ quan đích, thiếu máu cục bộ ngoại biên và phình động mạch tiến triển có nguy cơ vỡ hoặc bóc tách.

Các lựa chọn phẫu thuật được thực hiện tốt nhất khi tình trạng viêm động mạch đã giảm, bao gồm:

  • Phẫu thuật bắc cầu: Trong phẫu thuật này, một động mạch hoặc tĩnh mạch được lấy ra từ một phần khác của cơ thể và gắn vào động mạch bị tắc, tạo đường bắc cầu cho máu chảy qua. Phẫu thuật bắc cầu thường được thực hiện khi tình trạng thu hẹp động mạch không thể đảo ngược hoặc khi có sự tắc nghẽn đáng kể đối với lưu lượng máu.
  • Nong mạch qua da: Được chỉ định nếu động mạch bị tắc nghiêm trọng. Trong quá trình nong mạch qua da, một quả bóng nhỏ được luồn qua mạch máu vào động mạch bị ảnh hưởng. Khi đã vào đúng vị trí, quả bóng sẽ được mở rộng để mở rộng khu vực bị chặn, sau đó nó sẽ xì hơi và được lấy ra.
  • Phẫu thuật van động mạch chủ: Có thể cần phải phẫu thuật sửa chữa hoặc thay van động mạch chủ nếu van bị rò rỉ đáng kể.
Bệnh viêm động mạch Takayasu là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 7
Phẫu thuật mạch máu giúp giảm tỷ lệ tử vong và cải thiện tiên lượng lâu dài ở bệnh nhân

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt giúp hạn chế diễn tiến của bệnh viêm động mạch Takayasu

Chế độ sinh hoạt:

  • Ngưng hút thuốc lá.
  • Tập thể dục đều đặn, phù hợp với sức như đi bộ, yoga, bơi lội giúp ngăn ngừa các bệnh như cao huyết áp, đái tháo đường, loãng xương có lợi cho hoạt động của tim và phổi.
  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong điều trị.
  • Nếu có bất thường trong quá trình điều trị, liên hệ ngay với bác sĩ để có hướng xử trí thích hợp.
  • Thăm khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh để bác sĩ tìm ra hướng điều trị phù hợp.

Chế độ dinh dưỡng:

  • Bổ sung đầy đủ dinh dưỡng, đặc biệt là canxi và vitamin D để ngăn ngừa tình trạng loãng xương do dùng corticoid điều trị bệnh.
  • Chế độ ăn uống lành mạnh, ăn nhiều chất xơ, rau củ, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, các loại cá.
  • Hạn chế muối, đường và rượu bia.
Bệnh viêm động mạch Takayasu là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 8
Chế độ ăn uống cũng có thể giúp phòng ngừa các biến chứng gây ra do tình trạng bệnh

Phòng ngừa bệnh viêm động mạch Takayasu

Tư vấn dinh dưỡng được khuyến khích giúp phòng ngừa bệnh viêm động mạch Takayasu.

Nếu đang dùng thuốc ức chế hệ thống miễn dịch, cân nhắc việc tiêm chủng để bảo vệ khỏi bị nhiễm trùng như vắc xin cúm, viêm phổi, bệnh zona và các bệnh khác.

Các câu hỏi thường gặp về bệnh viêm động mạch Takayasu

Bệnh viêm động mạch Takayasu kéo dài bao lâu?

Viêm động mạch Takayasu là một bệnh mãn tính tiến triển chậm, cần điều trị lâu dài và kiểm tra sức khỏe thường xuyên. Theo thời gian, có thể có những lúc các triệu chứng được kiểm soát và có những lúc thì không.

Thời gian bao lâu sau khi điều trị sẽ cảm thấy tốt hơn?

Corticosteroid có tác dụng trong vòng vài giờ sau khi nhận được liều đầu tiên.

Bệnh viêm động mạch Takayasu có chữa khỏi được không?

Không có cách chữa khỏi hoàn toàn bệnh viêm động mạch Takayasu nhưng đây là một căn bệnh có thể điều trị được. Hầu hết những người mắc bệnh này sẽ cải thiện sau khi điều trị.

Nguyên nhân gây bệnh viêm động mạch Takayasu là gì?

Nguyên nhân chính xác của bệnh viêm động mạch Takayasu vẫn chưa được biết rõ. Bệnh viêm động mạch Takayasu có thể là một tình trạng tự miễn dịch, có nghĩa là hệ thống miễn dịch của bạn đang làm tổn hại đến các mô khỏe mạnh.

Các nhà nghiên cứu cho rằng một số trường hợp bệnh viêm động mạch Takayasu có thể xuất phát từ gen từ cả cha lẫn mẹ. Khi thừa hưởng gen cụ thể đó từ cả cha và mẹ, bạn có thể mắc bệnh và các triệu chứng của nó.

Bệnh viêm động mạch Takayasu ảnh hưởng đến ai?

Bệnh viêm động mạch Takayasu thường ảnh hưởng đến trẻ em và những người trong độ tuổi từ 20 đến 40 và được xác định là nữ khi mới sinh. Khi được chẩn đoán, những người mắc bệnh viêm động mạch Takayasu thường ở độ tuổi từ 15 đến 35. Khoảng 80% đến 90% số người mắc bệnh này được xác định là nữ khi mới sinh.

Nguồn tham khảo
  1. Takayasu Arteritis: Diagnosis, Treatment and Prognosis: https://www.tandfonline.com/doi/abs/10.3109/08830185.2012.740105
  2. Takayasu Arteritis: https://www.frontiersin.org/articles/10.3389/fped.2018.00265/full
  3. Takayasu's arteritis: https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/takayasus-arteritis/symptoms-causes/syc-20351335
  4. Takayasu Arteritis: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK459127/
  5. Takayasu's Arteritis: https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/7097-takayasus-arteritis

Các bệnh liên quan

  1. U bì buồng trứng

  2. Chậm kinh

  3. Chít hẹp cổ tử cung

  4. Băng huyết sau sinh

  5. U xơ tử cung

  6. Tăng tiết mồ hôi

  7. Ứ dịch vòi trứng

  8. Bế sản dịch

  9. Hội chứng tiền mãn kinh

  10. Lãnh cảm