Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Rối loạn nhịp chậm là gì? Các biến chứng nguy hiểm của rối loạn nhịp chậm

Ngày 08/09/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Nhịp tim chậm (Bradycardia) hay rối loạn nhịp chậm là tình trạng tim bạn đập chậm hơn bình thường, dưới 60 nhịp mỗi phút. Có những trường hợp như khi ngủ sâu hay ở vận động viên có hoạt động thể chất, thường có nhịp tim lúc nghỉ ngơi chậm hơn 60 lần và điều này có thể là hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên nhịp tim chậm có thể là dấu hiệu của một vấn đề y tế, cần phải tìm nguyên nhân và được điều trị.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Rối loạn nhịp chậm là gì?

Nhịp tim của bạn là số lần tim bạn đập trong một phút và là thước đo cho hoạt động của tim. Hầu hết người lớn khỏe mạnh sẽ có nhịp tim từ 60 đến 100 lần mỗi phút khi họ nghỉ ngơi.

Rối loạn nhịp chậm (Bradycardia) là tình trạng tim của bạn đập chậm hơn bình thường. Nhịp tim chậm còn phụ thuộc vào tuổi tác và tình trạng thể chất của bạn. Ví dụ như người cao tuổi thì dễ bị nhịp tim chậm hơn. Tuy nhiên, đối với người lớn nói chung, nhịp tim khi nghỉ ngơi dưới 60 lần/phút được coi là rối loạn nhịp chậm.

Ở những trường hợp ngoại lệ, nhịp tim của bạn có thể giảm xuống dưới 60 lần khi ngủ sâu. Tương tự vậy, ở người lớn có hoạt động thể chất hay các vận động viên sẽ thường có nhịp tim lúc nghỉ ngơi chậm hơn 60 lần/phút. Và đây có thể là điều hoàn toàn bình thường.

Tuy nhiên, rối loạn nhịp chậm cũng có thể là một vấn đề y tế, gây ra các triệu chứng và biến chứng nghiêm trọng nếu không được giải quyết kịp thời.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của rối loạn nhịp chậm

Khi có rối loạn nhịp chậm, điều đó đồng nghĩa với việc không có đủ máu giàu oxy đến các cơ quan và mô trong cơ thể bạn. Điều này ảnh hưởng đến khả năng thực hiện các chức năng của cơ thể.

Một số người có thể không có bất kỳ triệu chứng nào của rối loạn nhịp chậm. Tuy nhiên, khi có triệu chứng, chúng có thể bao gồm:

  • Mệt mỏi;
  • Hụt hơi;
  • Cảm giác yếu;
  • Các cơn chóng mặt hay choáng váng;
  • Không dung nạp gắng sức, bạn cảm giác nhanh mệt khi hoạt động thể chất;
  • Gần ngất xỉu hoặc ngất xỉu.

Biến chứng có thể gặp khi mắc rối loạn nhịp chậm

Các biến chứng của rối loạn nhịp chậm có thể bao gồm:

  • Suy tim;
  • Ngất xỉu thường xuyên;
  • Ngừng tim đột ngột (trong trường hợp rất nặng) hay đột tử.

Do đó, khi có các triệu chứng nghi ngờ mắc rối loạn nhịp chậm, hãy đến khám để được chẩn đoán và điều trị, tránh các biến chứng nghiêm trọng.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu bạn có các dấu hiệu phù hợp với tình trạng rối loạn nhịp chậm, hãy đến khám bác sĩ để xác định được nguyên nhân gây ra triệu chứng của bạn.

Trong một số trường hợp nhất định, rối loạn nhịp chậm có thể là dấu hiệu của trường hợp cấp cứu y tế. Các dấu hiệu và triệu chứng nhịp tim chậm sau đây có thể báo hiệu một tình trạng nghiêm trọng hơn, bao gồm:

  • Đau ngực;
  • Khó thở;
  • Xanh xao (da nhợt nhạt);
  • Xanh tím da;
  • Nhìn mờ;
  • Khó tập trung;
  • Mất phương hướng;
  • Lú lẫn;
  • Gần như ngất xỉu hay mất ý thức.

Nếu bạn có bất kỳ triệu chứng nào trong số này, hãy gọi cấp cứu hoặc đến ngay cơ sở y tế gần nhất để có thể được chăm sóc khẩn cấp.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến rối loạn nhịp chậm

Rối loạn nhịp chậm có thể xảy ra do cơ tim bị tổn thương. Khi điều này xảy ra, nó gây cản trở tín hiệu điện giúp điều khiển nhịp tim của bạn.

rlnc4.jpg
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến rối loạn nhịp chậm, bao gồm do các bệnh về tim, nhiễm trùng hoặc do các loại thuốc

Một số các ví dụ về tình trạng có thể dẫn đến rối loạn nhịp chậm, bao gồm:

  • Bệnh động mạch vành: Tình trạng lưu lượng máu đến động mạch vành ở tim bị suy giảm.
  • Nhồi máu cơ tim: Nhồi máu cơ tim là tình trạng không có lượng máu đến để nuôi tim, khiến cơ tim bị chết.
  • Phẫu thuật: Có phẫu thuật tim trước đó.
  • Bệnh tim bẩm sinh: Những bất thường ở tim xuất hiện từ khi mới sinh.
  • Viêm cơ tim: Tình trạng cơ tim bị viêm có thể do nhiễm trùng hoặc bệnh tự miễn.
  • Viêm màng ngoài tim: Một tình trạng liên quan đến viêm lớp màng bao bọc tim của bạn.
  • Sốt thấp khớp: Một biến chứng tiềm ẩn của viêm họng liên cầu khuẩn, có thể dẫn đến các vấn đề về tim.
  • Vấn đề về dẫn truyền: Các tổn thương hệ thống điện của tim, có thể do nhiễm trùng hoặc viêm trước đó.

Ngoài ra còn có một số nguyên nhân khác có thể dẫn đến rối loạn nhịp chậm như:

  • Ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn là một rối loạn gây gián đoạn nhịp thở lặp đi lặp lại khi bạn đang ngủ.
  • Mất cân bằng điện giải, đặc biệt là mất cân bằng kali hoặc canxi.
  • Suy giáp, xảy ra khi tình trạng tuyến giáp của bạn sản xuất quá ít hormone.

Ngoài ra, một số loại thuốc có thể gây ra các tác dụng phụ làm nhịp tim chậm:

  • Thuốc huyết áp như chẹn beta và một số thuốc chẹn kênh canxi;
  • Một số loại thuốc chống loạn nhịp;
  • Opioids.

Một rối loạn nhịp chậm khác có thể xảy ra tự nhiên do quá trình lão hóa như nhịp chậm xoang. Nhịp chậm xoang cũng có thể xảy ra do các nguyên nhân đã được kể ở trên, như tổn thương cơ tim, viêm cơ tim, bệnh tim bẩm sinh, suy giáp, ngưng thở khi ngủ hay do tác dụng phụ của một số loại thuốc.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc rối loạn nhịp chậm?

Rối loạn nhịp chậm thường liên quan đến tổn thương cơ tim và do một số loại bệnh tim. Do đó, nếu bạn có bất cứ yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề về tim, thì bạn đều có thể có nguy cơ mắc rối loạn nhịp chậm.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc rối loạn nhịp chậm

Như đã đề cập ở trên, các vấn đề liên quan đến mô tim và bệnh tim đều có thể làm tăng nguy cơ rối loạn nhịp chậm. Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim có thể bao gồm:

  • Tuổi cao;
  • Huyết áp cao;
  • Hút thuốc lá;
  • Sử dụng rượu tăng;
  • Sử dụng ma túy bất hợp pháp;
  • Căng thẳng và lo lắng.
rlnc5.jpeg
Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán rối loạn nhịp chậm

Chẩn đoán dựa trên việc thăm khám bởi bác sĩ để xác định nguyên nhân gây ra rối loạn nhịp chậm, bao gồm:

  • Hỏi bệnh sử và khám lâm sàng;
  • Điện tâm đồ (ECG) giúp đo hoạt động điện ở tim của bạn.

Dựa trên các đánh giá trên, bác sĩ có thể đề nghị thêm các xét nghiệm bổ sung như:

  • Xét nghiệm máu như đường huyết, điện giải đồ, chức năng tuyến giáp.
  • Siêu âm tim để quan sát hình ảnh tim.
  • Holter ECG giúp đo hoạt động điện của tim liên tục trong ngày.
  • Nghiệm pháp giấc ngủ có thể thực hiện để xác định xem bạn có bị ngưng thở khi ngủ hay không.

Phương pháp điều trị rối loạn nhịp chậm

Rối loạn nhịp chậm được điều trị tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra nó. Rối loạn nhịp chậm nhẹ hoặc thỉnh thoảng có thể không cần điều trị.

Nếu rối loạn nhịp chậm là do tác dụng phụ của thuốc, bác sĩ sẽ điều chỉnh liều thuốc của bạn hoặc chuyển sang thuốc khác không có tác dụng phụ gây chậm nhịp tim.

Tương tự vậy, đối với các bệnh lý khác gây ra rối loạn nhịp chậm, bác sĩ sẽ giải quyết các nguyên nhân đó. Ví dụ như dùng levothyroxine để điều trị suy giáp.

Đôi khi, máy tạo nhịp tim sẽ được sử dụng, giúp điều chỉnh nhịp tim trong rối loạn nhịp chậm.

rlnc6.jpg
 Rối loạn nhịp chậm là một trong những tình trạng chính mà máy tạo nhịp tim có thể được khuyên dùng

Một số loại thuốc cũng có thể được chỉ định để điều trị rối loạn nhịp chậm. Thuốc được sử dụng khi nhịp tim chậm gây ra các triệu chứng cấp tính mà không thể khắc phục được nguyên nhân gây ra rối loạn nhịp chậm, bao gồm:

  • Atropine;
  • Dopamin;
  • Epinephrine;
  • Glycopyrrolate.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của rối loạn nhịp chậm

Chế độ sinh hoạt:

Nếu đã được chẩn đoán rối loạn nhịp chậm và nguyên nhân dẫn đến rối loạn nhịp chậm, để hạn chế diễn tiến của bệnh, bạn nên:

  • Tuân thủ kế hoạch điều trị: Hãy chắc chắn rằng bạn nắm rõ kế hoạch điều trị, các loại thuốc và liều lượng thuốc phải dùng, thời gian tái khám để bác sĩ theo dõi tình trạng của bạn.
  • Tự theo dõi triệu chứng: Nếu các triệu chứng của bạn thay đổi, hoặc các triệu chứng trở nên trầm trọng hơn hay xuất hiện triệu chứng mới, hãy báo ngay với bác sĩ để theo dõi và được thay đổi kế hoạch điều trị tiếp theo (nếu cần) phù hợp với bạn.

Chế độ dinh dưỡng:

Tham vấn ý kiến chuyên gia dinh dưỡng và bổ sung đủ dưỡng chất cần thiết cho cơ thể.

Phương pháp phòng ngừa bệnh rối loạn nhịp chậm hiệu quả

Rối loạn nhịp chậm dường như không thể phòng ngừa được. Bạn có thể thực hiện các chế độ sinh hoạt và chế độ ăn uống lành mạnh để làm giảm nguy cơ phát triển các bệnh về tim, bao gồm:

  • Tập thể dục thường xuyên: Việc tập thể dục nên theo khuyến nghị của bác sĩ, về mức độ cũng như bài tập phù hợp.
  • Ăn chế độ lành mạnh: Tập trung vào chế độ dinh dưỡng giàu trái cây, rau và ngũ cốc, hạn chế muối, đường và chất béo không lành mạnh.
  • Kiểm soát bệnh nền: Cần kiểm soát tốt các bệnh lý như tăng huyết áp, rối loạn lipid máu.
  • Ngưng hút thuốc: Nói chuyện với bác sĩ để tìm phương pháp cai thuốc hiệu quả.
  • Uống rượu có chừng mực: Nếu có uống rượu, bạn hãy uống ở mức cho phép. Ở người lớn khỏe mạnh, tối đa một ly mỗi ngày với nữ và hai ly mỗi ngày với nam giới.
  • Quản lý căng thẳng: Tập thư giãn, yoga, tập thở có thể giúp bạn giảm căng thẳng.
  • Khám sức khỏe: Khám định kỳ để bác sĩ có thể theo dõi và phát hiện bất thường (nếu có).
rlnc7.jpg
Chế độ ăn lành mạnh có thể làm giảm nguy cơ phát triển bệnh lý tim mạch
Nguồn tham khảo
  1. Bradycardia: Slow Heart Rate: https://www.heart.org/en/health-topics/arrhythmia/about-arrhythmia/bradycardia--slow-heart-rate
  2. Bradycardia: https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/bradycardia/symptoms-causes/syc-20355474
  3. What is Bradycardia?: https://www.webmd.com/heart-disease/atrial-fibrillation/bradycardia
  4. Bradycardia: https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/17841-bradycardia
  5. What to Know About Bradycardia (Slow Heart Rate): https://www.healthline.com/health/slow-heart-rate 

Các bệnh liên quan

  1. bệnh tim thiếu máu cục bộ

  2. Nang cơ năng buồng trứng

  3. Teo thùy não

  4. Bệnh xương Köhler

  5. Hội chứng Lynch

  6. Hoại tử vỏ thận

  7. Vỡ mâm chày

  8. Phù bạch huyết cánh tay

  9. Đau vú

  10. Bệnh xương hóa đá