Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Viêm đa vi mạch là gì? Những vấn đề cần biết về bệnh viêm đa vi mạch

Ngày 17/08/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Viêm đa vi mạch (Microscopic polyangiitis - MPA) là một bệnh tương đối hiếm gặp. Đó là kết quả của tình trạng viêm các mạch máu nhỏ, có thể làm hỏng các hệ thống cơ quan trong cơ thể do không được cấp máu đầy đủ. Các vị trí thường bị ảnh hưởng nhất bởi MPA bao gồm: Thận, phổi, thần kinh, da, khớp. MPA có các đặc điểm chung với một dạng viêm mạch khác được gọi là u hạt với viêm đa mạch (GPA, trước đây gọi là u hạt Wegener) nên khó phân biệt. Tuy nhiên, phương pháp điều trị cho những bệnh này là tương tự nhau.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Viêm đa vi mạch là gì?

Mạch máu mang máu đi khắp cơ quan trong cơ thể. Hệ thống động mạch mang máu với oxy từ tim đi khắp cơ thể và hệ thống tĩnh mạch mang máu trở về tim. Các mạch máu nhỏ nhất nối giữa động mạch và tĩnh mạch được gọi là mao mạch. Những mạch máu nhỏ này có chức năng trao đổi oxy, chất dinh dưỡng và lấy các chất thải CO2, sản phẩm khử từ mô.

Viêm đa vi mạch (MPA) là tình trạng khiến các mạch máu nhỏ (mao mạch) bị viêm và đây là một loại viêm mạch hiếm gặp. Căn bệnh này có thể làm hỏng các mạch máu và gây ra các vấn đề ở các cơ quan xung quanh cơ thể. MPA thường gây ra tổn thương các mao mạch có chức năng lọc ở thận. Tổn thương này có thể làm mất máu và protein qua nước tiểu, đồng cũng có thể gây suy giảm chức năng thận. MPA cũng có thể ảnh hưởng đến phổi, da, mắt và hệ thần kinh. MPA có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng thường ảnh hưởng đến những người ở độ tuổi từ 50 đến 60.

Cho đến gần đây, các chuyên gia nghĩ rằng MPA là một dạng của tình trạng gọi là viêm nút quanh động mạch. Tuy nhiên, MPA ảnh hưởng đến các mạch máu nhỏ hơn và gây ra các vấn đề khác nhau so với viêm nút động mạch. Các chuyên gia y tế hiện coi nó như một tình trạng riêng biệt khác hẳn với viêm nút động mạch, nghĩa là chúng là 2 bệnh lý hoàn toàn khác nhau.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của viêm đa vi mạch

MPA có thể gây ra các vấn đề ở khắp nơi trên cơ thể bạn. Tình trạng viêm có thể diễn tiến tái đi tái lại trong thời gian dài. Các triệu chứng có thể trở nên tốt hơn hoặc tồi tệ hơn vào những thời điểm khác nhau. Các triệu chứng phổ biến của MPA bao gồm:

  • Sưng chân và nước tiểu sẫm màu do các vấn đề về thận;
  • Vết sưng và đốm trên da;
  • Sút cân;
  • Ngứa ran hoặc tê do tổn thương thần kinh;
  • Sốt;
  • Mệt mỏi;
  • Đau khớp hoặc cơ;
  • Ho, khó thở;
  • Vấn đề về xoang;
  • Các vấn đề về tai (chẳng hạn như đau hoặc nhiễm trùng);
  • Các vấn đề về mắt (chẳng hạn như đau hoặc rối loạn thị giác);

Thận là cơ quan thường bị ảnh hưởng nhất. Nhưng bạn có thể không có triệu chứng về thận cho đến khi tổn thương rất nghiêm trọng. Các triệu chứng về thận có thể đột nhiên trở nên tồi tệ hơn và sau đó lại thuyên giảm. Trong một số trường hợp, tổn thương thận có thể không gây ra triệu chứng gì mặc dù tình trạng mất chức năng thận vẫn đang diễn ra.

Viêm đa vi mạch là gì? Những vấn đề cần biết về bệnh viêm đa vi mạch 4
Vết sưng và đốm trên da là một trong nhiều triệu chứng của viêm đa vi mạch

Tác động của viêm đa vi mạch đối với sức khỏe

Đôi khi, việc sống chung với một căn bệnh mãn tính như MPA có thể là một thử thách đối với người mắc bệnh. Mệt mỏi, đau đớn, căng thẳng về cảm xúc và tác dụng phụ của thuốc có thể ảnh hưởng đến cảm giác hạnh phúc của bạn, ảnh hưởng đến các mối quan hệ, công việc và các khía cạnh khác trong cuộc sống hàng ngày. 

Chia sẻ cảm xúc của bạn với gia đình và bạn bè, kết nối với những người khác thông qua câu lạc bộ hoặc nói chuyện với chuyên gia sức khỏe tâm sinh lý có thể hữu ích cho bạn và người thân.

Biến chứng có thể gặp khi mắc viêm đa vi mạch

Nếu không được điều trị, MPA có thể gây tổn thương vĩnh viễn cho các cơ quan trong cơ thể và biến chứng thường gặp nhất là suy thận.

Các loại thuốc mạnh cần thiết để điều trị tình trạng này có thể gây ra tác dụng phụ. Steroid có thể làm tăng nguy cơ loãng xương, huyết áp cao, thay đổi tâm trạng, lượng đường trong máu cao, yếu cơ và các vấn đề về da,... Thuốc ức chế miễn dịch có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng.

Ngoài ra, những người bị MPA có thể bị mệt mỏi trầm trọng, đau đớn và các vấn đề khác liên quan đến tình bệnh của họ.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Khi bạn cảm thấy mình có một trong những triệu chứng trên, bạn nên đến gặp bác sĩ ngay để được tư vấn chi tiết nhất.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến viêm đa vi mạch

Nguyên nhân của MPA là không rõ. MPA không phải là một dạng ung thư, không lây nhiễm và thường không xảy ra trong gia đình. 

Một vài nghiên cứu cho thấy rõ ràng rằng hệ thống miễn dịch đóng một vai trò quan trọng trong MPA, vì hệ thống miễn dịch rối loạn gây ra viêm mạch máu và tổn thương mô. Một bệnh tự miễn dịch là do một vấn đề với hệ thống miễn dịch hoạt động quá mức. Công việc của hệ thống miễn dịch là bảo vệ cơ thể khỏi tác nhân có hại cho cơ thể. Nó thực hiện điều này bằng cách tấn công những tác nhân này khi chúng xâm nhập vào cơ thể, chẳng hạn như virus. Khi bạn mắc bệnh tự miễn, hệ thống miễn dịch của bạn sẽ tấn công chính cơ thể bạn thay vì tấn công một tác nhân bên ngoài xâm nhập vào cơ thể. 

Ngoài ra bệnh có thể do một số nguyên nhân sau gây nên:

  • Gen: Một số gen có thể là nguyên nhân gây bệnh.
  • Virus: Các nguyên nhân khác có thể là nhiễm trùng do virus.
  • Thuốc: Phản ứng với một số loại thuốc cũng có thể gây viêm mạch máu.
Viêm đa vi mạch là gì? Những vấn đề cần biết về bệnh viêm đa vi mạch 5
Nguyên nhân dẫn đến viêm đa vi mạch có thể do phản ứng với một số loại thuốc

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải viêm đa vi mạch?

MPA rất hiếm, ảnh hưởng đến khoảng 13 - 19 người trong 1 triệu người. Một số thống kê về đối tượng thường mắc bệnh này bao gồm:

  • Chủng tộc: MPA phổ biến hơn ở người da trắng hơn người da đen.
  • Tuổi: Tuổi khởi phát trung bình là 50 tuổi.
  • Giới tính: Bệnh phổ biến hơn ở nam giới.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải bệnh viêm đa vi mạch

Chưa ghi nhận các yếu tố nguy cơ nào khác làm tăng khả năng mắc bệnh.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán viêm đa vi mạch

MPA có thể khó chẩn đoán vì rất nhiều triệu chứng trong bệnh MPA có thể do các vấn đề sức khỏe khác gây ra. Chẩn đoán và điều trị nhanh chóng có thể giúp ngăn ngừa tổn thương cơ quan.

Bệnh sử: Khai thác bệnh sử để tìm kiếm sự hiện diện của các triệu chứng MPA.

Khám lâm sàng: Khám thực thể để phát hiện các vị trí, cơ quan liên quan bệnh và loại trừ các bệnh khác có thể có biểu hiện tương tự.

Tổng phân tích tế bào máu: Xét nghiệm máu để tìm kiếm dấu hiệu viêm và xét nghiệm kháng thể kháng bạch cầu trung tính (ANCA).

Xét nghiệm ANCA: Xét nghiệm máu dương tính với ANCA có thể hỗ trợ chẩn đoán nghi ngờ MPA. Tuy nhiên, xét nghiệm máu không trực tiếp chứng minh chẩn đoán MPA hoặc xác định mức độ hoạt động của bệnh.

Tổng phân tích nước tiểu: Phân tích nước tiểu để phát hiện protein trong nước tiểu hoặc sự hiện diện của hồng cầu.

Hình ảnh học: Các xét nghiệm hình ảnh như chụp X-quang, chụp cắt lớp vi tính (CT) hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI), có thể cho thấy những bất thường ở các khu vực bị ảnh hưởng như phổi, thận,...

Sinh thiết: Khi nghi ngờ MPA, sinh thiết vùng bị ảnh hưởng thường được thực hiện để xác nhận sự hiện diện của mạch máu bị viêm. Sinh thiết chỉ được khuyến nghị cho các vị trí cơ quan có phát hiện bất thường qua kết quả xét nghiệm hoặc chẩn đoán hình ảnh.

Viêm đa vi mạch là gì? Những vấn đề cần biết về bệnh viêm đa vi mạch 6
Xét nghiệm hình ảnh hỗ trợ chẩn đoán viêm đa vi mạch

Phương pháp điều trị viêm đa vi mạch hiệu quả

Các loại thuốc ức chế hệ thống miễn dịch là nền tảng của việc điều trị MPA. Có nhiều loại thuốc ức chế miễn dịch được sử dụng trong MPA, mỗi loại đều có tác dụng phụ riêng cần chú ý. Những người bị MPA có triệu chứng ở các hệ cơ quan quan trọng thường được điều trị bằng corticosteroid kết hợp với một loại thuốc ức chế miễn dịch khác như cyclophosphamide hoặc rituximab. Ở những bệnh nhân MPA ít nghiêm trọng hơn, có thể sử dụng corticosteroid và methotrexate trước tiên.

Mục tiêu của việc điều trị là ngăn chặn mọi tổn thương xảy ra do MPA. Nếu diễn tiến của bệnh có thể được ngưng tiến triển hoàn toàn, thì điều này được gọi là "thuyên giảm" và đây là mục tiêu điều trị. Khi bệnh cải thiện rõ ràng, các bác sĩ sẽ giảm dần liều corticosteroid và cuối cùng có thể ngừng sử dụng hoàn toàn.

Thuốc cyclophosphamide chỉ được dùng cho đến thời điểm thuyên giảm chứ không dùng trong thời gian dài hơn cho mục đích phòng ngừa . Sau đó, người bệnh được chuyển sang một thuốc ức chế miễn dịch khác, chẳng hạn như methotrexate, azathioprine để duy trì hiệu quả điều trị. Thời gian điều trị bằng thuốc ức chế miễn dịch duy trì có thể khác nhau giữa các cá nhân. Trong hầu hết các trường hợp, nó được dùng trong tối thiểu một đến hai năm trước khi xem xét giảm từ từ liều đến khi ngừng thuốc.

Tất cả các loại thuốc này cũng được sử dụng để điều trị các tình trạng bệnh lý khác. Azathioprine và mycophenolate mofetil được sử dụng để ngăn ngừa thải ghép nội tạng. Methotrexate được sử dụng để điều trị viêm khớp dạng thấp và bệnh vảy nến. Cả cyclophosphamide và methotrexate đều được dùng liều cao để điều trị một số loại ung thư và đôi khi được gọi là hóa trị. 

Nhiệm vụ chính của các thuốc trên trong bệnh lý này là tác động đến hoạt động của hệ thống miễn dịch theo cách ức chế hệ thống miễn dịch. Rituximab thuộc nhóm thuốc gọi là tác nhân sinh học nhắm vào một thành phần cụ thể của hệ thống miễn dịch - thuốc nhắm trúng đích. Các nghiên cứu gần đây cho thấy rituximab có hiệu quả tương đương với cyclophosphamide trong điều trị MPA nghiêm trọng.

Vì những loại thuốc này ức chế hệ thống miễn dịch nên sẽ tăng nguy cơ bị nhiễm trùng nghiêm trọng khác. Mỗi loại thuốc ức chế miễn dịch cũng có những tác dụng phụ tiềm ẩn riêng. Việc theo dõi tác dụng phụ của tất cả các loại thuốc này là rất quan trọng để ngăn ngừa hoặc giảm thiểu sự xuất hiện của các tác dụng không mong muốn này. 

Ngoài ra, khả năng dung nạp điều trị ban đầu không đảm bảo rằng khả năng dung nạp này sẽ không thay đổi theo thời gian nên việc theo dõi liên tục trở nên cần thiết và trong một số trường hợp, việc theo dõi các tác dụng phụ lâu dài có thể rất quan trọng ngay cả sau khi ngừng thuốc.

Bạn có thể cần kháng sinh để bảo vệ khỏi nhiễm trùng trong khi điều trị ức chế miễn dịch.

Viêm đa vi mạch là gì? Những vấn đề cần biết về bệnh viêm đa vi mạch 7
MPA được điều trị bằng corticosteroid kết hợp với một loại thuốc ức chế miễn dịch khác

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của viêm đa vi mạch

Hầu hết những người bị MPA đều có kết quả tốt sau khi điều trị. Tổn thương các cơ quan có thể được giảm thiểu bằng cách bắt đầu điều trị sớm, tuân thủ thói quen dùng thuốc, sau đó theo tiếp tục theo dõi cẩn thận. Có thể giảm nguy cơ tái phát nặng bằng cách báo cáo ngay bất kỳ triệu chứng mới xuất hiện cho bác sĩ điều trị của bạn, đồng thời chăm sóc và theo dõi thường xuyên bằng các xét nghiệm và hình ảnh theo hướng dẫn của các bác sĩ.

Một điều quan trọng nữa cần nhớ là duy trì hoạt động thể chất và dinh dưỡng tốt, ngay cả khi bạn cảm thấy cơ thể vẫn khỏe để có một cơ thể khỏe mạnh, có khả năng chống lại bệnh tật.

Phương pháp phòng ngừa viêm đa vi mạch hiệu quả

Chưa ghi nhận các phương pháp phòng ngừa viêm đa vi mạch hiệu quả.

Nguồn tham khảo
  1. Microscopic Polyangiitis: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK531484/
  2. Microscopic Polyangiitis (MPA): https://www.msdmanuals.com/professional/musculoskeletal-and-connective-tissue-disorders/vasculitis/microscopic-polyangiitis-mpa
  3. Microscopic Polyangiitis: https://emedicine.medscape.com/article/334024-overview
  4. Microscopic Polyangiitis: https://www.sciencedirect.com/topics/medicine-and-dentistry/microscopic-polyangiitis
  5. Microscopic Polyangiitis: https://www.hopkinsvasculitis.org/types-vasculitis/microscopic-polyangiitis/
Chủ đề:viêm mạch

Các bệnh liên quan

  1. Viêm cơ tim

  2. Viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn bán cấp

  3. Hẹp động mạch cảnh

  4. Giãn cơ tim

  5. Thông liên nhĩ

  6. Suy tim

  7. Ung thư tim

  8. Tim to

  9. Giãn tĩnh mạch

  10. Hội chứng Raynaud