Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Cao huyết áp vô căn là gì? Dấu hiệu nhận biết, điều trị và cách phòng ngừa cao huyết áp vô căn

Ngày 08/09/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Cao huyết áp vô căn là huyết áp cao do nhiều yếu tố gây ra và không có một nguyên nhân rõ ràng. Đây là một trong những vấn đề sức khỏe phổ biến và có thể gây ra những tác động tiêu cực đến cơ thể nếu không được kiểm soát và quản lý đúng cách.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Cao huyết áp vô căn là gì?

Cao huyết áp vô căn, còn được gọi là tăng huyết áp nguyên phát, là tình trạng tăng huyết áp không có nguyên nhân cụ thể. Đây là loại tăng huyết áp phổ biến nhất và thường là một tình trạng kéo dài. Tăng huyết áp vô căn phát triển dần theo thời gian và thường bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như di truyền, lối sống, và môi trường.

Huyết áp là áp lực của máu tác động lên thành động mạch khi tim bơm máu đi nuôi cơ thể. Tăng huyết áp xảy ra khi áp lực của máu lớn hơn so với mức bình thường. Theo hướng dẫn của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA) và Đại học Tim mạch Hoa Kỳ (ACC), phân loại huyết áp như sau:

  • Huyết áp bình thường: Huyết áp là 120/80 mmHg hoặc thấp hơn.
  • Huyết áp bình thường cao: Huyết áp tâm thu nằm trong khoảng từ 120 đến 129 mmHg và huyết áp tâm trương dưới 80 mmHg.
  • Tăng huyết áp giai đoạn 1: Huyết áp tâm thu nằm trong khoảng từ 130 đến 139 mmHg hoặc huyết áp tâm trương nằm trong khoảng từ 80 đến 89 mmHg.
  • Tăng huyết áp giai đoạn 2: Huyết áp tâm thu trên 140 mmHg hoặc huyết áp tâm trương từ 90 mmHg trở lên.

Huyết áp cao hơn 180/120 mmHg được coi là tình trạng cấp cứu hoặc cơn tăng huyết áp. Tìm kiếm sự trợ giúp y tế khẩn cấp cho bất kỳ ai có những con số huyết áp này.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của cao huyết áp vô căn

Cao huyết áp vô căn, hay còn gọi là tăng huyết áp nguyên phát, thường không có triệu chứng rõ ràng. Đây là lý do tại sao nó được gọi là "kẻ giết người thầm lặng". Tuy nhiên, theo thời gian, nếu không được điều trị, nó có thể dẫn đến biến chứng sức khỏe nghiêm trọng.

Mặc dù những người bị cao huyết áp vô căn có thể không có triệu chứng cụ thể, nhưng có một số dấu hiệu phổ biến có thể cho thấy sự hiện diện của tình trạng này:

  • Đau đầu: Một số người mắc cao huyết áp vô căn có thể gặp đau đầu thường xuyên hoặc kéo dài, đặc biệt ở phía sau đầu.
  • Mệt mỏi: Thường xuyên cảm thấy mệt mỏi có thể liên quan đến huyết áp cao.
  • Chóng mặt: Chóng mặt hoặc cảm giác choáng váng có thể xảy ra trong một số trường hợp, đặc biệt khi đứng dậy nhanh chóng.
  • Nhìn mờ: Tăng huyết áp đôi khi có thể ảnh hưởng đến thị lực, gây mờ hoặc méo mất tầm nhìn.
  • Đau ngực: Cảm giác đau hoặc khó chịu ở ngực có thể là triệu chứng của tăng huyết áp và có thể đòi hỏi sự can thiệp y tế ngay lập tức.
cao huyet ap vo can 4.jpg
Người bệnh có thể bị giảm thị lực khi bị cao huyết áp vô căn

Cần lưu ý rằng những triệu chứng này không đặc hiệu cho cao huyết áp vô căn và cũng có thể liên quan đến các vấn đề sức khỏe khác. Để chẩn đoán cao huyết áp vô căn, cần thường xuyên đo huyết áp. Nếu bạn có bất kỳ triệu chứng nào hoặc lo lắng, rất quan trọng để tham khảo ý kiến chuyên gia y tế để được đánh giá và hướng dẫn thêm.

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh cao huyết áp vô căn

Cao huyết áp vô căn có thể gây ra một số biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị đúng cách. Dưới đây là một số biến chứng thường gặp khi mắc cao huyết áp vô căn:

  • Biến chứng tim mạch: Tăng huyết áp kéo dài có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch như phì đại thất trái, suy tim và bệnh mạch vành.
  • Biến chứng thần kinh: Áp lực máu cao có thể gây ra tổn thương và hạn chế lưu thông máu đến não, dẫn đến nguy cơ cao bị đột quỵ.
  • Biến chứng thận: Áp lực máu cao kéo dài có thể gây tổn thương cho các mạch máu trong thận, dẫn đến bệnh thận mạn tính và suy thận.
  • Biến chứng mạch máu: Tăng huyết áp vô căn có thể gây ra sự hạn chế lưu thông máu trong cơ thể, dẫn đến các vấn đề liên quan đến mạch máu như xơ vữa động mạch, bệnh động mạch chi dưới, phình bóc tách động mạch chủ ngực.
  • Biến chứng mắt: Áp lực máu không kiểm soát có thể gây tổn thương cho mạch máu trong mắt, gây ra các vấn đề mắt như đục thủy tinh thể, viêm kết mạc và suy giảm thị lực.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Bạn nên kiểm tra huyết áp của bản thân hằng ngày và nếu có huyết áp cao hay có bất kỳ triệu chứng nào nên trên, đến khám và kiểm tra sức khỏe là điều cần thiết. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ biến chứng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.

cao huyet ap vo can 5.jpg
Hãy tới bác sĩ khi bạn có những dấu hiệu trên

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến cao huyết áp vô căn

Vì là cao huyết áp vô căn nên sẽ không có nguyên nhân xác định nào gây ra tăng huyết áp. Bệnh có xu hướng phát triển dần dần và thầm lặng trong nhiều năm và thường người bệnh chỉ phát hiện ra bệnh khi đo thấy huyết áp tăng cao. Tuy nhiên, có những yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc căn bệnh này.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc cao huyết áp vô căn?

Những người có nguy cơ cao mắc phải cao huyết áp vô văn như:

  • Người bị thừa cân, béo phì.
  • Những người ít vận động.
  • Ăn nhiều muối, thiếu kali.
  • Hút thuốc lá.
  • Sử dụng rượu bia quá mức. 
  • Thường gặp stress trong cuộc sống.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải cao huyết áp vô căn

Có một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc cao huyết áp vô căn. Dưới đây là một số yếu tố:

  • Di truyền: Yếu tố di truyền được cho là đóng vai trò quan trọng trong mắc cao huyết áp vô căn. Nếu có người thân trong gia đình (cha mẹ, anh chị em) bị tăng huyết áp, nguy cơ bạn mắc sẽ tăng lên.
  • Lối sống không lành mạnh: Một số thói quen và lối sống không lành mạnh có thể làm tăng nguy cơ mắc tăng huyết áp. Các yếu tố như ăn uống không lành mạnh (thức ăn nhiều muối, chất béo), thiếu hoạt động thể chất, béo phì, tiêu thụ nhiều bia rượu và thuốc lá đều có thể tác động đến nguy cơ mắc tăng huyết áp.
  • Tuổi tác: Nguy cơ mắc cao huyết áp vô căn tăng lên theo tuổi tác. Quá trình lão hóa tự nhiên của cơ thể có thể góp phần vào sự phát triển của tăng huyết áp.
  • Giới tính: Nam giới có nguy cơ cao hơn so với nữ giới về mắc cao huyết áp vô căn. Tuy nhiên, sau khi nữ giới đến độ tuổi mãn kinh, nguy cơ ở nữ mắc sẽ tăng lên.
  • Chủng tộc: Một số nhóm dân tộc có nguy cơ cao hơn về mắc cao huyết áp vô căn. Ví dụ, người gốc Phi và người da đen có tỷ lệ tăng huyết áp cao hơn so với người da trắng. 

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán cao huyết áp vô căn

Để chẩn đoán cao huyết áp vô căn, bác sĩ sẽ khai thác bệnh sử về bất kỳ triệu chứng nào bạn mắc phải và tiền căn bản thân và gia đình của bạn. Đồng thời cũng sẽ đo huyết áp cho bạn để chắc chắn bạn đang bị tăng huyết áp.

Bên cạnh đó, bác sĩ cũng sẽ thực hiện một số xét nghiệm để tìm nguyên nhân gây tăng huyết áp như:

  • Siêu âm tim, điện tâm đồ.
  • Xét nghiệm chức năng thận.
  • Chức năng tuyến thượng thận.
  • Chức năng tuyến giáp.

Nếu các xét nghiệm trên bình thường và không tìm được nguyên nhân gây tăng huyết áp, bạn sẽ được chẩn đoán cao huyết áp vô căn.

Phương pháp điều trị cao huyết áp vô căn hiệu quả

Để điều trị cao huyết áp vô căn, phương pháp điều trị thường tập trung vào việc kiểm soát và giảm áp lực máu trong mạch máu nhằm giảm nguy cơ phát triển biến chứng. Điều trị thường bao gồm sự kết hợp giữa thay đổi lối sống và sử dụng thuốc điều trị.

Thay đổi lối sống

Đối với những trường hợp cao huyết áp vô căn nhẹ, điều trị thường nhằm vào thay đổi lối sống lành mạnh:

  • Tập thể dục đều đặn, ít nhất 30 phút mỗi ngày như chạy bộ, bơi, đá bóng hoặc các hoạt động thể dục khác.
  • Ăn một chế độ ăn có lợi cho tim, bao gồm cả việc tiêu thụ ít natri.
  • Duy trì thói quen ngủ tốt.
  • Bỏ hút thuốc và rượu bia nếu bạn đang sử dụng chúng.

Điều trị nội khoa

Với những trường hợp mắc cao huyết áp vô căn nặng hơn, thay đổi lối sống không đủ để giảm huyết áp của bạn, bác sĩ có thể kê toa một hoặc nhiều loại thuốc hạ huyết áp. Các loại thuốc phổ biến như:

  • Thuốc chẹn beta;
  • Thuốc chẹn kênh canxi;
  • Thuốc lợi tiểu;
  • Thuốc ức chế men chuyển angiotensin;
  • Thuốc ức chế thụ thể angiotensin II;
  • Thuốc ức chế renin.

Luôn dùng thuốc huyết áp theo quy định. Không bao giờ bỏ qua một liều hoặc ngừng dùng thuốc huyết áp đột ngột. Nếu bạn bỏ thuốc vì chi phí, tác dụng phụ hoặc quên uống, hãy nói chuyện với bác sĩ của bạn về các giải pháp. Đừng thay đổi cách điều trị của bạn mà không có hướng dẫn của bác sĩ.

cao huyet ap vo can 6.jpg
Dùng thuốc đúng quy định, không tự ý bỏ thuốc khi điều trị

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của cao huyết áp vô căn

Chế độ sinh hoạt:

  • Hạn chế tiêu thụ cồn và thuốc lá: Uống cồn một cách có mức độ, hoặc tốt nhất là không uống cồn. Nếu bạn hút thuốc, hãy cố gắng bỏ hút thuốc, hoặc tham khảo ý kiến của bác sĩ để tìm các phương pháp giúp bạn từ bỏ thuốc lá.
  • Tập thể dục đều đặn: Lập kế hoạch để thực hiện hoạt động thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày. Đi bộ nhanh, bơi, chạy bộ, đi xe đạp hoặc tham gia vào bất kỳ hoạt động thể chất nào mà bạn thích. Điều này giúp tăng cường sức khỏe tim mạch, làm giảm áp lực máu và kiểm soát tăng huyết áp.
  • Quản lý stress: Tìm cách giảm stress trong cuộc sống hàng ngày. Thực hiện các hoạt động thư giãn như yoga, thiền, kỹ năng quản lý stress và tìm kiếm hỗ trợ từ gia đình và bạn bè. Nếu cần, hãy tìm sự giúp đỡ từ các chuyên gia tâm lý.
cao huyet ap vo can 7.jpg
Nên tự theo dõi huyết áp thường xuyên

Chế độ dinh dưỡng:

  • Giảm natri: Giảm lượng muối trong khẩu phần ăn là một yếu tố quan trọng để kiểm soát tăng huyết áp. Hạn chế sử dụng các thực phẩm chứa natri cao như mì chính, nước mắm, các loại gia vị chế biến, thực phẩm nhanh và đồ ăn chế biến sẵn.
  • Tăng cường kali: Kali có khả năng giảm tác động của natri lên huyết áp. Nên tăng cường tiêu thụ các nguồn kali tự nhiên như trái cây (chuối, cam, dứa), rau xanh (rau chân vịt, cải xoong), đậu và các loại hạt.
  • Giảm cholesterol và chất béo bão hòa: Hạn chế tiêu thụ các loại thực phẩm giàu cholesterol như thịt đỏ, lòng đỏ trứng và các loại mỡ động vật. Thay vào đó, ưu tiên chất béo không bão hòa có trong cá, các loại hạt, dầu ô-liu và dầu cây cỏ.
  • Tăng cường chất xơ: Chất xơ có thể giúp giảm huyết áp và cải thiện sức khỏe tim mạch. Tăng cường tiêu thụ rau quả tươi, ngũ cốc nguyên hạt, hạt và các nguồn chất xơ tự nhiên khác.
cao huyet ap vo can 8.jpg
Giảm ăn mặn, ăn nhiều chất xơ giúp hạn chế diễn tiến của bệnh

Phương pháp phòng ngừa cao huyết áp vô căn hiệu quả

Để phòng ngừa hiệu quả cao huyết áp vô căn, có một số phương pháp quan trọng và hữu ích mà bạn có thể áp dụng:

  • Duy trì một lối sống lành mạnh: Thực hiện một chế độ ăn uống cân bằng, giàu rau quả, ít muối và chất béo. Hạn chế tiêu thụ rượu và caffeine, và tránh hút thuốc lá.
  • Vận động thể dục đều đặn: Tập thể dục ít nhất 150 phút mỗi tuần hoặc ít nhất 30 phút mỗi ngày. Chọn các hoạt động như đi bộ, chạy, bơi, hoặc tham gia các lớp thể dục như yoga hoặc zumba.
  • Kiểm soát cân nặng: Giữ cân nặng ở mức lý tưởng hoặc giảm cân nếu cần thiết.
  • Quản lý stress: Học các kỹ thuật giảm stress như yoga, thiền định hoặc tham gia các hoạt động giảm căng thẳng như massage, spa hoặc nghệ thuật.
  • Kiểm tra huyết áp thường xuyên: Định kỳ đo huyết áp và theo dõi nó theo hướng dẫn của bác sĩ. Điều này giúp phát hiện sớm bất thường và thực hiện các biện pháp điều trị kịp thời.

Hãy nhớ rằng việc phòng ngừa và kiểm soát cao huyết áp vô căn là một quá trình. Đòi hỏi kiên nhẫn, sự kiên trì và thay đổi lối sống. Tuy nhiên, với sự chăm sóc và quan tâm đúng mực, chúng ta có thể tạo ra một tương lai khỏe mạnh và giảm nguy cơ mắc các biến chứng từ cao huyết áp vô căn.

Nguồn tham khảo
  1. Primary Hypertension (Formerly Known as Essential Hypertension): https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/22024-primary-hypertension-formerly-known-as-essential-hypertension#diagnosis-and-tests
  2. High blood pressure (hypertension): https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/high-blood-pressure/symptoms-causes/syc-20373410
  3. Just the Essentials of Essential Hypertension: https://www.healthline.com/health/essential-hypertension#treatment
  4. Essential Hypertension - StatPearls: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK539859/
  5. Essential Hypertension | Circulation: https://www.ahajournals.org/doi/10.1161/01.CIR.101.3.329

Các bệnh liên quan

  1. Hội chứng Churg-Strauss

  2. Nhiễm khuẩn Listeria

  3. Viêm gân nhị đầu vai

  4. Suy tim phải

  5. Phù thũng

  6. U nang dây thanh

  7. U sao bào

  8. Viêm xoang do nấm

  9. Tiểu đường tuýp 1

  10. Hoại tử vỏ thận