Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Bệnh lỵ amip là gì? Triệu chứng, điều trị và biện pháp phòng ngừa

Ngày 08/09/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Bệnh dạ dày ruột là một vấn đề thường xảy ra đối với khách du lịch ở các nước có điều kiện vệ sinh kém. Bệnh lỵ amip là bệnh lý gây ra tình trạng tiêu chảy thường gặp ở khách du lịch ở các nước đang phát triển và là nguyên nhân gây tử vong hàng thứ hai do bệnh ký sinh trùng trên toàn thế giới. Nguyên nhân là do nhiễm ký sinh trùng Entamoeba histolytica gây nhiễm trùng đường ruột.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Lỵ amip là gì?

Bệnh lỵ amip là một bệnh xảy ra ở đường ruột do nhiễm ký sinh trùng nhóm Entamoeba như Entamoeba histolytica, Entamoeba dispar, Entamoeba moshkovskii.

Entamoeba histolytica có thể sống trong ruột già mà không gây tổn thương ruột. Trong một số trường hợp, nó sẽ xâm nhập vào thành ruột gây viêm đại tràng, lỵ cấp tính hoặc tiêu chảy mạn tính. Bệnh lây qua đường phân - miệng và gây ra các triệu chứng từ nhẹ đến nặng như tiêu chảy, đau bụng, tiêu ra máu.

Khi chẩn đoán, cần phân biệt tác nhân gây bệnh, vì Entamoeba dispar và Entamoeba moshkovskii không gây bệnh nhưng chúng lại giống nhau về mặt hình thái khiến việc chẩn đoán có thể bị nhầm lẫn.

Bệnh kiết lỵ khác với bệnh lỵ amip, mặc dù cùng gây ra tình trạng tiêu chảy nhưng do nhiễm vi khuẩn như shigella, E. coli, salmonella,... 

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của lỵ amip

Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) thì chỉ có khoảng 10% đến 20% những người nhiễm ký sinh trùng sẽ biểu hiện triệu chứng. 

Hầu hết những người nhiễm ký sinh trùng không có triệu chứng, bệnh có thể gây tiêu ra máu, viêm đại tràng và phá hủy mô ruột. Sau đó người mắc bệnh sẽ lây truyền bệnh thông qua việc đi cầu ra phân chứa các kén amip ra môi trường.

Nếu người bệnh xuất hiện triệu chứng, thường là 2 đến 4 tuần sau khi ăn phải kén amip. Các triệu chứng lúc này thường nhẹ, bao gồm tiêu chảy và đau co thắt bụng.

Bệnh lỵ amip xảy ra khi ký sinh trùng xâm nhập niêm mạc ruột. Lúc này, các triệu chứng của bạn sẽ nguy hiểm và rầm rộ hơn:

  • Sốt;
  • Tiêu chảy (những ngày đầu có thể là phân sệt, sau đó là tiêu phân lỏng nước);
  • Tiêu ra máu kèm chất nhầy;
  • Đau bụng dữ dội, co thắt hoặc đau âm ỉ dọc khung đại tràng;
  • Buồn nôn;
  • Sụt cân.

Các triệu chứng ở người trẻ thường nặng nề hơn người lớn tuổi. Nếu bệnh diễn tiến, bạn có thể xuất hiện các triệu chứng của biến chứng bệnh như áp xe gan, thủng đại tràng,... Và tùy vào mức độ nặng của bệnh mà biểu hiện sẽ khác nhau.

Bệnh lỵ amip là gì? Triệu chứng, phòng ngừa và biện pháp điều trị 4
Đau dọc khung đại tràng co thắt hoặc âm ỉ là triệu chứng thường gặp

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh lỵ amip

Biến chứng hiếm gặp của bệnh là dạng hoạt động của Entamoeba histolytica có thể đi xuyên qua thành ruột già, từ đó xâm nhập vào máu và di chuyển đến các cơ quan khác trong cơ thể. Cơ quan thường bị xâm nhập là gan, tuy nhiên chúng có thể xâm nhập đến tim, phổi, não…

Khi thể hoạt động này xâm nhập đến cơ quan nội tạng của bạn, chúng sẽ gây ra các tình trạng như áp xe, nhiễm trùng, tổn thương cơ quan.

Một biến chứng hiếm gặp của bệnh là viêm đại tràng do amip gây hoại tử. Bệnh có thể gây tổn thương niêm mạc ruột dẫn đến thủng ruột và viêm phúc mạc.

Gan là cơ quan thường bị ký sinh trùng xâm nhập, gây bệnh áp xe gan do amip. Triệu chứng của bệnh gồm sốt, đau ở phần trên bên trái của bụng, gan to, chán ăn, sụt cân. Áp xe gan do amip có thể vỡ khối áp xe vào khoang màng phổi hoặc màng ngoài tim, biểu hiện bằng tràn dịch màng phổi hoặc tràn dịch màng ngoài tim.

Các biến chứng khác:

  • Phình đại tràng nhiễm độc;
  • Nhiễm trùng thứ phát;
  • Xuất huyết dạ dày;
  • Mủ màng phổi;
  • Hẹp đại tràng;
  • Tổn thương não;
  • Rò trực tràng âm đạo.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu bạn có các triệu chứng tiêu chảy, đặc biệt là tiêu chảy ra máu sau khi đi du lịch hoặc đến nơi vệ sinh kém, hãy liên hệ với bác sĩ để được xét nghiệm và chẩn đoán sớm. Bệnh thường khỏi hoàn toàn nếu được điều trị sớm.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến lỵ amip

Entamoeba histolytica là động vật nguyên sinh đơn bào thường xâm nhập cơ thể con người thông qua việc chúng ta ăn phải kén amip từ thức ăn hoặc nước uống. Chúng cũng có thể xâm nhập qua việc chúng ta tiếp xúc trực tiếp với phân của người mắc bệnh.

Các kén amip là ký sinh trùng Entamoeba histolytica ở dạng không hoạt động. Kén này có thể tồn tại vài tháng trong đất hoặc trong phân mà không bị tiêu diệt. Các kén amip thường xuất hiện trong đất, phân bón hoặc nước có chứa phân của người nhiễm bệnh.

Những người nấu ăn hay sơ chế và chế biến thức ăn cũng có thể làm thức ăn bị nhiễm kén amip thông qua khâu xử lý và chuẩn bị thực phẩm. Lây truyền cũng có thể xảy ra khi quan hệ tình dục qua đường hậu môn, quan hệ tình dục bằng đường miệng - hậu môn và rửa ruột.

Khi kén amip xâm nhập vào cơ thể, chúng sẽ di chuyển đến đường tiêu hóa. Sau đó kén này sẽ biến đổi thành dạng ký sinh trùng Entamoeba histolytica hoạt động. Các ký sinh trùng ở dạng hoạt động này sẽ bắt đầu sinh sản trong đường tiêu hóa và di chuyển đến ruột già. Tại đây, Entamoeba histolytica sẽ chui vào thành ruột hoặc kết tràng.

Do đó, nguyên nhân mắc bệnh và lây lan gồm:

  • Không rửa tay sau khi đi vệ sinh và trước khi chế biến thức ăn.
  • Uống nước bị nhiễm ký sinh trùng.
  • Ăn rau sống hoặc trái cây bị nhiễm ký sinh trùng.
  • Quan hệ tình dục bằng miệng - hậu môn mà không vệ sinh trước khi quan hệ và sử dụng đồ bảo hộ.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc lỵ amip

Bệnh lỵ amip xảy ra trên toàn thế giới nhưng thường gặp ở các nước nhiệt đới, đang phát triển và có tình trạng vệ sinh kém, nguồn cung cấp nước bị ô nhiễm như Ấn Độ, Trung và Nam Mỹ, Mexico, châu Phi. Bệnh hiếm gặp ở các nước phát triển như Hoa Kỳ.

Những người có nguy cơ mắc lỵ amip bao gồm:

  • Những người đi du lịch hoặc công tác ở các nước đang phát triển có điều kiện vệ sinh kém.
  • Người nhập cư từ các nước đang phát triển có điều kiện vệ sinh kém.
  • Những người sống ở những nơi có điều kiện vệ sinh kém như nhà tù.
  • Quan hệ tình dục đồng giới, nhất là nam với nam.
  • Những người có miễn dịch kém hoặc mắc các bệnh lý khiến hệ miễn dịch của cơ thể bị suy giảm.
Bệnh lỵ amip là gì? Triệu chứng, phòng ngừa và biện pháp điều trị 5
Những quốc gia có điều kiện vệ sinh kém là nơi thường xảy ra bệnh lỵ amip

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải lỵ amip

Những yếu tố nguy cơ khiến bạn dễ mắc bệnh lỵ amip nghiêm trọng hơn:

  • Sử dụng giảm đau corticosteroid;
  • Tình trạng dinh dưỡng kém;
  • Tuổi trẻ;
  • Phụ nữ có thai và sau sinh;
  • Đang mắc bệnh ác tính;
  • Trẻ sơ sinh;
  • Sử dụng rượu.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán lỵ amip

Khi nghi ngờ bạn mắc bệnh lỵ amip, bác sĩ sẽ khai thác về diễn tiến bệnh và tiền sử du lịch gần đây của bạn. Bệnh lỵ amip thường khó chẩn đoán, vì các triệu chứng của bệnh khá giống các bệnh nhiễm ký sinh trùng khác.

Để chẩn đoán chính xác bệnh và loại trừ các bệnh nhiễm trùng khác, bác sĩ sẽ cho bạn xét nghiệm phân và kháng nguyên.

Xét nghiệm phân

Soi phân dưới kính hiển vi hoặc test kháng nguyên ký sinh trùng bằng phương pháp ELISA là phương pháp giúp xác định sự tồn tại của Entamoeba histolytica hiện nay.

Thông thường, bạn sẽ phải cung cấp mẫu phân của mình trong vài ngày đầu sau khi nhiễm bệnh. Do số lượng ký sinh trùng có thể thay đổi theo từng ngày và để phát hiện được chúng thì có thể một mẫu phân là không đủ.

Xét nghiệm máu

Bác sĩ có thể chỉ định các xét nghiệm máu nhằm xác định xem nhiễm trùng có lan rộng đến các cơ quan khác như gan hay không.

  • Tăng bạch cầu, chủ yếu bạch cầu ái toan;
  • Tăng bilirubin, tăng AST và ALT;
  • Thiếu máu nhẹ;
  • ESR tăng cao.

Hình ảnh học

Nếu ký sinh trùng đã ra khỏi ruột, chúng có thể không được tìm thấy ở trong phân. Lúc này, bác sĩ có thể chỉ định các xét nghiệm siêu âm hoặc chụp CT để xem tổn thương tại gan của bạn.

Nếu nghi ngờ có khối u trong gan, bác sĩ có thể sẽ chỉ định chọc hút bằng kim để xem gan có bị áp xe hay không. Áp xe gan do amip là biến chứng nguy hiểm của bệnh.

Bệnh lỵ amip là gì? Triệu chứng, phòng ngừa và biện pháp điều trị 7
Siêu âm giúp phát hiện tổn thương do ký sinh trùng trong gan

Phương pháp điều trị lỵ amip hiệu quả

Sau khi thực hiện các xét nghiệm và kết quả cho thấy bạn mắc bệnh lỵ amip, bạn sẽ cần phải điều trị ngay. Phương pháp điều trị chính của bệnh lỵ amip là bù nước kết hợp thuốc metronidazole và/hoặc tinidazole nhằm tiêu diệt thể hoạt động và không hoạt động của ký sinh trùng.

Áp xe gan do amip có thể điều trị bằng cách chọc hút dưới hướng dẫn của CT-scan kết hợp với uống metronidazole.

Phẫu thuật có thể được chỉ định nếu bạn bị thủng đại tràng, xuất huyết tiêu hóa, viêm phúc mạc, phình đại tràng nhiễm độc hoặc áp xe gan không thể dẫn lưu qua da.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của lỵ amip

Chế độ sinh hoạt

Bệnh thường khỏi hoàn toàn sau khi được điều trị, do đó cần chú trọng các chế độ sau để tránh lây bệnh cho những người xung quanh:

  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ.
  • Hãy ở nhà nếu bạn mắc bệnh và hỏi ý kiến bác sĩ về thời điểm bạn có thể đi làm hoặc đi học trở lại.
  • Rửa tay đúng cách sau khi đi vệ sinh, trước khi chế biến thức ăn, hoặc cầm nắm đồ vật.
  • Dọn dẹp nhà tắm và nhà vệ sinh thường xuyên.
  • Quan hệ tình dục an toàn.

Chế độ dinh dưỡng

  • Ăn chín, uống sôi, gọt vỏ rau quả và trái cây trước ăn.
  • Hạn chế ăn các thức ăn bán ngoài đường.
  • Uống nước đun sôi hoặc nước đóng chai.
Bệnh lỵ amip là gì? Triệu chứng, phòng ngừa và biện pháp điều trị 6
Luôn ăn chín uống sôi để đảm bảo cho sức khỏe của bạn và gia đình

Phương pháp phòng ngừa lỵ amip hiệu quả

Phòng ngừa cho bản thân và gia đình là quan trọng. Tuân thủ những phương pháp dưới đây giúp bạn và gia đình khỏe mạnh:

  • Vệ sinh đúng cách: Rửa tay bằng xà phòng thường xuyên, nhất là sau khi đi vệ sinh hoặc thay tã cho bé và trước khi chạm vào thức ăn.
  • Thường xuyên dọn dẹp nhà tắm và nhà vệ sinh, nhất là bồn toilet.
  • Tránh dùng chung khăn tắm.
  • Rau quả được rửa kỹ và nấu chín, tránh các thực phẩm chưa được nấu chín khi đi du lịch.
  • Rửa sạch và gọt vỏ trái cây trước ăn.
  • Uống nước đóng chai hoặc đun sôi.
  • Tránh uống những đồ uống sử dụng đá viên.
  • Tránh trái cây hoặc rau quả tươi được gọt vỏ sẵn.
  • Tránh các thực phẩm được bán ngoài đường.
  • Quan hệ tình dục an toàn, sử dụng bao cao su.
Nguồn tham khảo
  • Amebiasis: https://www.healthline.com/health/amebiasis
  • Amebiasis: https://www.cdc.gov/parasites/amebiasis/general-info.html
  • Amebiasis: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK519535/
  • Amebiasis (amebic dysentery): https://www.health.ny.gov/diseases/communicable/amebiasis/fact_sheet.htm
  • Amebiasis: https://medlineplus.gov/ency/article/000298.htm

Các bệnh liên quan

  1. Polyp trực tràng

  2. Gan nhiễm mỡ không do rượu

  3. U nhầy ruột thừa

  4. Nôn

  5. Tiêu chảy

  6. Viêm gan cấp

  7. Thiếu máu cục bộ đường ruột

  8. Chấn thương bụng kín

  9. Sa trực tràng

  10. Ung thư biểu mô tế bào gan