Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Rối loạn phóng noãn là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Ngày 30/10/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Rối loạn chức năng phóng noãn là tình trạng phóng noãn bất thường, không đều, với ít hơn 9 chu kỳ kinh nguyệt trong vòng 1 năm. Đặc trưng của rối loạn phóng noãn là kinh nguyệt không đều, chảy máu tử cung bất thường không có rụng trứng hoặc vô sinh ở nữ.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Rối loạn phóng noãn là gì?

Rối loạn chức năng phóng noãn hay rối loạn rụng trứng (Ovulatory disorders) đề cập đến bất kỳ sự thay đổi nào trong chức năng rụng trứng bình thường ở phụ nữ không mang thai, đang trong độ tuổi sinh sản bình thường (từ ngày có kinh nguyệt đến ngày mãn kinh).

Rối loạn phóng noãn là nguyên nhân phổ biến gây vô sinh, nó cũng là nguyên nhân phổ biến gây chảy máu tử cung bất thường ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Những bất thường này bao gồm về tần suất, đều đặn, thời gian hoặc số lượng của chu kỳ kinh nguyệt, hoặc thậm chí có thể không có kinh nguyệt.

Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến rối loạn phóng noãn, ở trẻ em gái và phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, nguyên nhân có thể liên quan đến rối loạn chức năng của trục hạ đồi - tuyến yên - buồng trứng.

Rối loạn phóng noãn có thể ảnh hưởng xấu đến chất lượng cuộc sống của người bệnh vì gây ảnh hưởng đến kinh nguyệt hay khả năng sinh sản. 

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của Rối loạn phóng noãn

Các triệu chứng của rối loạn phóng noãn bao gồm:

  • Rối loạn kinh nguyệt: Kinh nguyệt có thể không đều, lẻ tẻ, có thể thay đổi về thời gian, số lượng, tần suất hoặc thậm chí là vô kinh.
  • Chảy máu tử cung bất thường liên quan đến rối loạn rụng trứng (AUB-O): Đây là loại chảy máu tử cung bất thường phổ biến nhất, do rối loạn phóng noãn dẫn đến không rụng trứng, không có progesterone để cản trở estrogen tác động lên nội mạc tử cung. Từ đó dẫn đến sự tăng sinh của nội mạch và phá vỡ cấu trúc nội mạc dẫn đến chảy máu bất thường, có thể nhiều và kéo dài, tùy thuộc vào nguyên nhân của rối loạn phóng noãn.
  • Vô sinh: Vô sinh do rối loạn rụng trứng là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến vô sinh nữ (chiếm 25%).  
rlpn4.png
Rối loạn kinh nguyệt là một biểu hiện của rối loạn phóng noãn

Biến chứng có thể gặp khi mắc Rối loạn phóng noãn

Các triệu chứng cũng như biến chứng thường gặp nhất của rối loạn phóng noãn là kinh nguyệt không đều và vô sinh. Việc rối loạn kinh nguyệt hay chảy máu tử cung bất thường do rối loạn phóng noãn có thể dẫn đến các biến chứng như thiếu máu thiếu sắt

Bên cạnh đó, tình trạng không rụng trứng mạn tính và estrogen không bị cản trở có thể dẫn đến tăng sản nội mạc tử cung ác tính, do đó bạn cần phải thảo luận với bác sĩ về các biến chứng này để có thể được điều trị phù hợp.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Bạn nên đến gặp bác sĩ khi có các triệu chứng liên quan đến rối loạn kinh nguyệt, chảy máu tử cung bất thường hay vô sinh. Đối với tình trạng vô sinh, được định nghĩa là không thể mang thai sau 1 năm giao hợp mà không có biện pháp ngừa thai, nếu trên 35 tuổi thì vô sinh được định nghĩa ở mốc thời gian 6 tháng. Bạn cần được giới thiệu đến bác sĩ chuyên khoa phụ sản để được chẩn đoán và điều trị. 

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến Rối loạn phóng noãn

Các nguyên nhân dẫn đến rối loạn phóng noãn có thể bao gồm:

  • Hội chứng buồng trứng đa nang: Đây là một hội chứng được đặc trưng bởi tình trạng không rụng trứng hoặc ít rụng trứng, các dấu hiệu thừa androgen và đa nang buồng trứng, thường kèm theo đề kháng insulin và béo phì.
  • Tăng prolactin máu: Có nhiều nguyên nhân khác nhau có thể dẫn đến tình trạng tăng prolactin máu như các nguyên nhân sinh lý (căng thẳng), bệnh lý (như u tiết prolactin, đa u tuyến nội tiết), các rối loạn hệ thống, sử dụng các thuốc làm tăng tiết prolactin hoặc do di truyền. Việc tăng prolactin máu sẽ gây ảnh hưởng đến nhiều chức năng khác nhau của hormone này, trong đó có rối loạn phóng noãn.
  • Rối loạn chức năng trục hạ đồi - tuyến yên - buồng trứng: Đây là nhóm rối loạn gây ra bởi nhiều nguyên nhân, kết quả gây ảnh hưởng đến hàng loạt các hormone liên quan. Trong đó, có các hormone liên quan đến sự phóng noãn như GnRH, FSH và LH. Phổ biến nhất là tình trạng vô kinh chức năng vùng dưới đồi.  
rlpn5.png
Hội chứng buồng trứng đa nang là nguyên nhân phổ biến của rối loạn phóng noãn

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc Rối loạn phóng noãn?

Tất cả phụ nữ trong độ tuổi sinh sản đều có thể mắc rối loạn phóng noãn. Theo các nghiên cứu dịch tễ học cho thấy, tình trạng chảy máu tử cung bất thường do rối loạn phóng noãn có thể gặp ở bất kỳ phụ nữ nào trong độ tuổi sinh sản, có thể phổ biến hơn ở các đối tượng tiền mãn kinh, béo phì hoặc có chỉ số BMI rất thấp.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc Rối loạn phóng noãn

Các yếu tố hoặc bệnh lý khác có thể liên quan đến rối loạn phóng noãn bao gồm:

  • Đái tháo đường;
  • Giảm cân quá mức;
  • Béo phì;
  • Trầm cảm;
  • Tập thể dục quá mức;
  • Sử dụng một số loại thuốc như estrogen, progestin, thuốc chống trầm cảm.

Bên cạnh đó, các yếu tố khác được tìm thấy có liên quan đến tình trạng không rụng trứng ở phụ nữ mắc buồng trứng đa nang bao gồm:

  • Hút thuốc lá;
  • Ngủ ngáy;
  • Chế độ ăn nhiều thịt;
  • Sử dụng bộ đồ ăn và đồ trang trí trong nhà bằng nhựa.

Như vậy có thể thấy, ngoài các yếu tố bệnh lý, các yếu tố liên quan đến lối sống và môi trường không lành mạnh cũng có thể dẫn đến rối loạn phóng noãn.

rlpn6.png
Hút thuốc lá được cho là có liên quan đến rối loạn phóng noãn

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán Rối loạn phóng noãn

Chẩn đoán rối loạn phóng noãn bao gồm việc bác sĩ sẽ hỏi và thăm khám cho bạn:

  • Tiền sử kinh nguyệt: Tần suất, sự đều đặn và thời gian của chu kỳ kinh nguyệt. Các triệu chứng về chảy máu bất thường cũng sẽ được bác sĩ khai thác.
  • Các triệu chứng khác: Ví dụ như sốt, ớn lạnh, đau vùng chậu, tiết dịch âm đạo, rối loạn chức năng tiêu tiểu.
  • Tiền căn bệnh lý: Các bệnh lý có liên quan đã được chẩn đoán trước đây (nếu có) như hội chứng buồng trứng đa nang, rối loạn chức năng tuyến giáp, tăng prolactin máu.
  • Quan hệ tình dục: Bác sĩ có thể hỏi về lần giao hợp cuối cùng, việc sử dụng biện pháp tránh thai.
  • Thuốc: Bác sĩ sẽ khai thác các loại thuốc mà bạn đang sử dụng.
  • Khám: Việc khám thực thể bao gồm khám tổng quát và khám phụ khoa.

Bên cạnh đó, các xét nghiệm có thể được thực hiện để chẩn đoán rối loạn phóng noãn bao gồm:

  • Đánh giá rụng trứng, việc này được thực hiện nếu bác sĩ nghi ngờ bạn có rối loạn rụng trứng. Bạn có thể phải trải qua kiểm tra nhiệt độ cơ thể và sự rụng trứng hoặc phân tích sự rụng trứng qua mẫu nước tiểu.
  • Xét nghiệm máu có thể được thực hiện để kiểm tra các nồng độ hormone, hoặc dùng để tim nguyên nhân, chẩn đoán phân biệt rối loạn phóng noãn với các tình trạng khác.
  • Siêu âm vùng chậu cũng có thể được thực hiện để đánh giá sự gia tăng đường kính nang trứng, tình trạng xẹp nang trứng.

Phương pháp điều trị Rối loạn phóng noãn

Điều trị rối loạn phóng noãn bao gồm:

  • Điều trị nguyên nhân (nếu có);
  • Clomiphene hoặc letrozole;
  • Metformin nếu BMI ≥ 35 kg/m2;
  • Gonadotropins nếu sử dụng clomiphene không có hiệu quả.

Đối với clomiphene, có thể được điều trị ban đầu ở trường hợp rối loạn phóng noãn mạn tính không phải do tăng prolactin máu. Clomiphene có hiệu quả nhất đối với nguyên nhân là hội chứng buồng trứng đa nang. Các tác dụng phụ được ghi nhận khi sử dụng clomiphene gồm rối loạn vận mạch, buồn nôn, căng vú, chướng bụng và các triệu chứng về thị giác hay đau đầu.

Letrozole là thuốc ức chế aromatase, đây là thuốc có thể được dùng để thay thế clomiphene. Tác dụng phụ thường gặp nhất của letrozole là chóng mặt, mệt mỏi.

Đối với người bệnh hội chứng buồng trứng đa nang có BMI ≥ 35 kg/m2, metformin có thể được sử dụng để giúp ích trong việc phóng noãn.

Khi không đáp ứng điều trị với clomiphene, gonadotropins ngoại sinh có thể được sử dụng, dưới dạng chế phẩm tiêm dưới da hay tiêm bắp.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của Rối loạn phóng noãn

Chế độ sinh hoạt:

Để hạn chế diễn tiến của rối loạn phóng noãn, việc quan trọng là bạn phải tuân thủ theo điều trị của bác sĩ. Bên cạnh đó, duy trì một lối sống lành mạnh, tránh hút thuốc lá, tập thể dục vừa phải, giữ cân nặng khỏe mạnh có thể giúp ích.

Chế độ dinh dưỡng:

Như đã đề cập ở trên, lối sống và chế độ ăn có thể ảnh hưởng đến rối loạn rụng trứng. Việc ăn uống một chế độ ăn lành mạnh để duy trì cân nặng khỏe mạnh luôn được khuyến khích. Bạn có thể tham khảo chế độ ăn Địa Trung Hải, hoặc ăn uống dựa trên các thực phẩm chứa:

  • Carbohydrate có chỉ số đường huyết thấp;
  • Protein từ nguồn gốc thực vật;
  • Acid béo không bão hòa;
  • Acid folic;
  • Vitamin D;
  • Chất chống oxy hóa;
  • Sắt.
rlpn7.png
Một chế độ dinh dưỡng lành mạnh được khuyến khích để hạn chế diễn tiến của rối loạn phóng noãn

Phương pháp phòng ngừa Rối loạn phóng noãn hiệu quả

Bạn không thể ngăn ngừa tất cả nguyên nhân dẫn đến rối loạn phóng noãn, việc bạn có thể làm để có thể giúp ngăn ngừa rối loạn này bao gồm:

  • Duy trì cân nặng khỏe mạnh, tránh béo phì;
  • Không giảm cân quá nhanh;
  • Tập thể dục đều đặn, không tập quá sức;
  • Ăn uống chế độ ăn lành mạnh;
  • Ngưng hút thuốc lá.
Nguồn tham khảo
  1. Ovulatory Dysfunction: https://www.msdmanuals.com/professional/gynecology-and-obstetrics/infertility/ovulatory-dysfunction
  2. Ovulatory Dysfunction: https://umiamihealth.org/treatments-and-services/fertility-center/ovulatory-dysfunction
  3. Lifestyle and environmental contributions to ovulatory dysfunction in women of polycystic ovary syndrome: https://bmcendocrdisord.biomedcentral.com/articles/10.1186/s12902-020-0497-6
  4. Hyperprolactinemia: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK537331/
  5. The Influence of Diet on Ovulation Disorders in Women-A Narrative Review: https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/35458118

Các bệnh liên quan

  1. Rối loạn nhịp chậm

  2. U máu thể hang

  3. Bệnh mạch máu tinh bột

  4. Bệnh Von Willebrand

  5. Hội chứng thần kinh cận ung

  6. Đa u tủy xương

  7. Sa tử cung

  8. Phình mạch máu não

  9. Rối loạn ngôn ngữ

  10. Động kinh cục bộ