Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Vô sinh thứ phát là gì? Những vấn đề cần biết về vô sinh thứ phát

Ngày 26/09/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Vô sinh đang là bệnh lý được quan tâm ở nhiều cặp vợ chồng hiện nay. Vô sinh vẫn có khả năng xảy ra khi các cặp vợ chồng đã mang thai trước đó - tình trạng này gọi là vô sinh thứ phát. Để hiểu rõ bệnh lý này bạn có thể tham khảo một số thông tin cơ bản như triệu chứng bệnh, nguyên nhân bệnh, chẩn đoán hay điều trị bệnh và các phương pháp phòng ngừa bệnh qua bài viết dưới đây.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Vô sinh thứ phát là gì?

Dựa vào việc có sinh con trước đó hay không người ta chia vô sinh thành hai nhóm là vô sinh nguyên phát và vô sinh thứ phát.

Vô sinh được định xác định khi một cặp vợ chồng chung sống, có quan hệ tình dục bình thường, không sử dụng các biện pháp tránh thai nhưng sau 12 tháng vẫn chưa có con.

Khác với tình trạng vô sinh nguyên phát là tình trạng các cặp chưa hề sinh con trước đó. Vô sinh thứ phát là tình trạng các cặp vợ chồng đã từng có con, mang hay thậm chí sảy thai trước đây. Có thể hiểu đơn giản là sau khi có thai lần một các cặp vợ chồng muốn có con lần hai nhưng sau 12 tháng không sử dụng bất kỳ biện pháp tránh thai nào nhưng họ không thể có thai.

Vô sinh thứ phát ảnh hưởng đến khoảng 11% các cặp vợ chồng ở Hoa Kỳ. Ở phụ nữ, nguyên nhân phổ biến nhất gây vô sinh thứ phát là hội chứng buồng trứng đa nang. Tuy nhiên, lạc nội mạc tử cung, nhiễm trùng bộ phận sinh dục và các tình trạng khác cũng có thể gây ra tình trạng này. Một số nguyên nhân ở nam giới bao gồm mất cân bằng hormone, lão hóa và rối loạn xuất tinh.

Triệu chứng

Những triệu chứng của vô sinh thứ phát

Nam giới

  • Rối loạn cương dương: Dương vật cương cứng không đúng lúc hay không đủ lâu để thực hiện hoạt động tình dục.
  • Bất thường cơ quan sinh dục ngoài: Các bất thường có thể kể đến như tinh hoàn ẩn, dương vật cong, niệu đạo lệch thấp,...
  • Mắc các bệnh khác của hệ sinh dục: Các bệnh lây truyền qua đường tình dục như chlamydia, lậu, sùi mào gà,... với nốt sùi, vết loét, mủ đầu dương vật,...
  • Thay đổi bất thường tinh dịch: Tinh dịch ít, có mùi hôi, có lẫn máu,...

Nữ giới

  • Rối loạn kinh nguyệt: Bất thường kinh nguyệt về lượng kinh, thời gian hành kinh, chu kỳ kinh,... như đa kinh, thiểu kinh, rong kinh, rong huyết, thống kinh,...
  • Bất thường cơ quan sinh dục ngoài: Các biến đổi cơ quan sinh dục như không âm đạo, bất thường môi lớn hay môi bé,...
  • Dịch bất thường âm đạo: Huyết trắng dính hôi, dịch vàng hay xanh hay đỏ,... xuất hiện bất kỳ thời điểm nào có thể liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt hoặc không.
  • Cảm giác khó chịu vùng kín: Ngứa, đau khi tiểu, đau khi quan hệ tình dục,..
Vô sinh thứ phát 5.jpg
Rối loạn kinh nguyệt là triệu chứng phổ biến trong bệnh lý sinh dục ở nữ giới

Tác động của vô sinh thứ phát đối với sức khỏe

Vô sinh gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tinh thần của các cặp vợ chồng gặp phải tình trạng này. Nguyên nhân gây vô sinh thứ phát cũng ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất của bạn

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh vô sinh thứ phát

Vô sinh thứ phát là biến chứng của các bệnh lý về hệ sinh sản của cả nam và nữ. Bên cạnh biến chứng này người bệnh có thể đồng mắc các biến chứng khác như ung thư buồng trứng, ung thư tinh hoàn, viêm nhiễm vùng chậu,...

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Khi các cặp vợ chồng không có con sau thời gian dài sống chung dù không sử dụng bất kỳ biện pháp tránh thai nào, đồng thời vợ hoặc chồng có các bệnh lý trên, các bạn hãy đến gặp bác sĩ ngay để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Nguyên nhân

Nguyên nhân gây vô sinh thứ phát

Nam giới

Viêm nhiễm đường sinh dục: Nam giới bị viêm ở bộ phận sinh dục đơn thuần hay có sự xuất hiện của vi khuẩn có thể làm ảnh hưởng tinh hoàn, hệ thống dẫn tinh,… Làm quá trình sản xuất tinh trùng, quá trình xuất tinh bị suy giảm.

Tắc ống dẫn tinh: Đây là một trong những nguyên nhân phổ biến gây vô sinh thứ phát ở nam giới. Ống dẫn tinh có thể bị tắc do viêm sinh dục, viêm niệu đạo… gây ra.

Giãn tĩnh mạch thừng tinh: Giãn tĩnh mạch thừng tinh mức độ nặng sẽ làm tổn thương hiện tượng sinh tinh.

Môi trường độc hại: Làm việc trong môi trường nhiều hóa chất, tia bức xạ,… cũng có thể gây tác động  xấu tới chất lượng tinh trùng, khả năng di chuyển của tinh trùng, rối loạn cương dương,…

Vô sinh thứ phát 8.png
Có nhiều nguyên nhân gây ra vô sinh ở cả nam và nữ

Nữ giới

Nạo phá thai hay lạm dụng thuốc tránh thai: Tình trạng nạo phá thai, sảy thai hay lạm dụng thuốc tránh thai khẩn cấp có khả năng làm thay đổi cấu trúc tử cung và ống dẫn trứng.

Viêm ống dẫn trứng: Tình trạng này làm tắc một phần hay tắc hoàn toàn ống dẫn trứng, gây cản trở quá trình thụ thai.

Bệnh lý tử cung: Lớp niêm mạc bên trong tử cung bị viêm nhiễm hay không đủ dày,... gây bị tổn thương và cản trở quá trình phôi di chuyển khi làm tổ.

Bệnh lý buồng trứng: Buồng trứng bị viêm nhiễm do chlamydia, lậu,... gây tắc ống dẫn trứng,… hay hội chứng buồng trứng đa nang, u xơ buồng trứng,... gây cản trở quá trình rụng trứng, thụ tinh. 

Vô sinh thứ phát 6.jpg
Buồng trứng đa nang là nguyên nhân thường xuyên gây vô sinh thứ phát ở nữ giới

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải vô sinh thứ phát?

Bất kỳ nam nữ trong độ tuổi sinh sản nào cũng có nguy cơ mắc phải vô sinh.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải vô sinh thứ phát

Có một vài yếu tố nguy cơ mắc vô sinh nguyên phát:

  • Môi trường sống và làm việc có tiếp xúc chất độc hại như hóa chất thực phẩm, thuốc lá, tia xạ,...
  • Mắc các bệnh lây truyền qua tình dục không an toàn như chlamydia, lậu cầu, sùi mào gà,...
  • Có nhiều bạn tình.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán vô sinh thứ phát

Ở nam giới có thể có các cận lâm sàng như:

  • Xét nghiệm tinh dịch đồ giúp đánh giá chất lượng tinh trùng như số lượng tinh trùng, hình dạng tinh trùng, khả năng di chuyển của tinh trùng,... 
  • Siêu âm bìu giúp xem xét tình trạng bệnh lý tại bìu như giãn mạch máu, tinh hoàn ẩn,...
  • Xét nghiệm hormone giúp định lượng hàm lượng hormone sinh dục. 
  • Xét nghiệm di truyền giúp chẩn đoán các bệnh lý di truyền, bệnh lý liên quan gen hay nhiễm sắc thể. 
  • Chọc hút mào tinh, sinh thiết tinh hoàn,... giúp quan sát sự biến đổi mô trong tinh hoàn.

Ở nữ giới có thể có các cận lâm sàng như:

  • Chụp CT scan hay MRI buồng tử cung, siêu âm vùng chậu,…Giúp khảo sát hình dạng buồng trứng, tử cung, các cấu trúc xung quanh với các tổn thương cấu trúc như dính, chít hẹp,... 
  • Xét nghiệm hormone giúp định lượng nồng độ hormone sinh dục. 
  • Kiểm tra khả năng dự trữ của buồng trứng giúp tiên đoán số trứng có khả năng tham gia thụ tinh và thụ thai.
Vô sinh thứ phát 7.jpg
Có rất nhiều phương pháp khảo sát cơ quan sinh dục trong giúp chẩn đoán nguyên nhân bệnh

Phương pháp điều trị vô sinh thứ phát

Có thể điều trị vô sinh thứ phát khi điều trị nguyên nhân gây vô sinh.

Thay đổi lối sống

Hoạt động tình dục an toàn: Chung thủy chế độ một vợ- một chồng, mang bao cao su khi chưa có nhu cầu có con giúp hạn chế nguy cơ mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục.

Nâng cao sức khỏe toàn diện: Các cặp vợ chồng có thể cải thiện sức khỏe sinh sản thông qua thực hiện thói quen lành mạnh như ăn uống đầy đủ các nhóm chất, tập luyện thể thao ít nhất 30 phút mỗi ngày trong ít nhất 5 ngày/ tuần, không sử dụng các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá,...

Vệ sinh cơ quan sinh dục ngoài đúng cách: Cả nam và nữ đều cần vệ sinh cơ quan sinh dục ngoài sau khi đi vệ sinh, sau khi quan hệ tình dục,... Vệ sinh vùng kín với nước sạch, hoặc dung dịch vệ sinh có độ pH trung bình,... Không dùng dụng cụ chọc rửa bên trong âm đạo, hay niệu đạo có thể gây tổn thương và tăng nguy cơ nhiễm trùng,...

Điều trị nội khoa

Thuốc kháng sinh: Kháng sinh giúp điều trị các tác nhân là vi khuẩn hay nấm gây bệnh ở đường sinh dục như candida,...

Thuốc kháng viêm giảm đau, hạ sốt: Giúp điều trị các triệu chứng sưng nóng, đỏ, sốt cao,... khi mắc các bệnh lý viêm nhiễm đường sinh dục.

Dung dịch vệ sinh: Dung dịch vệ sinh giúp làm sạch vùng kín, giảm ngứa, đồng thời khi sử dụng các loại dung dịch vệ sinh có độ pH phù hợp giúp cân bằng pH vùng kín và hạn chế sự phát triển của hệ vi khuẩn tại chỗ gây bệnh vùng kín,...

Điều trị ngoại khoa

Phẫu thuật điều trị giãn tĩnh mạch thừng tinh, tắc vòi trứng, u xơ tử cung, u nang buồng trứng,... giúp chỉnh sửa, loại bỏ các tổn thương và tái tạo hình thể, chức năng như bình thường,...

Các phương pháp hỗ trợ sinh sản

Các phương pháp hỗ trợ sinh sản như thụ tinh trong ống nghiệm, bơm tinh trùng vào  tử cung, bơm tinh trùng vào nang noãn,... giúp hỗ trợ sinh sản cho các cặp vợ chồng đang mắc bệnh lý vô sinh. 

Mỗi phương pháp có ưu điểm, khuyết điểm và phù hợp với từng cặp vợ chồng. Vì thế bạn nên đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được tư vấn và chọn lựa phù hợp.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến vô sinh thứ phát

Chế độ sinh hoạt:

Một số thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến vô sinh thứ phát như sau:

  • Điều trị các bệnh lý vùng cơ quan sinh dục.
  • Đến gặp bác sĩ ngay khi bạn có các vấn đề về sức khỏe sinh sản.
  • Tuân thủ phác đồ điều trị và hướng dẫn điều trị bệnh của bác sĩ.
vô sinh thứ phát 4.jpg
Hãy giữ gìn sức khỏe sinh sản thật tốt bằng cách thay đổi một số thói quen đơn giản

Chế độ dinh dưỡng:

Bổ sung đầy đủ các dưỡng chất thiết yếu theo hướng dẫn từ bác sĩ chuyên khoa.

Phương pháp phòng ngừa vô sinh thứ phát hiệu quả

Bạn có thể thực hiện các biện pháp sau để ngăn ngừa bệnh vô sinh thứ phát như sau:

  • Vệ sinh cơ quan sinh dục ngoài thường xuyên.
  • Nâng cao sức khỏe toàn diện.
  • Khám sức khỏe sinh sản định kỳ.
  • Tiêm ngừa chủng vi khuẩn gây bệnh cơ quan sinh sản như HPV.
  • Kết hôn trong độ tuổi sinh sản.
Nguồn tham khảo
  1. Secondary Infertility: https://www.pennmedicine.org/for-patients-and-visitors/find-a-program-or-service/penn-fertility-care/secondary-infertility
  2. Secondary Infertility: https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/21139-secondary-infertility
  3. What is secondary infertility?: https://www.medicalnewstoday.com/articles/secondary-infertility
  4. Infertility: https://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/infertility
  5. Secondary infertility: Why does it happen?: https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/infertility/expert-answers/secondary-infertility/

Các bệnh liên quan

  1. Nhiễm khuẩn Chlamydia

  2. U nang tuyến Bartholin

  3. Nhiễm lậu cầu

  4. Không có tinh trùng

  5. Sùi mào gà

  6. Ung thư tinh hoàn

  7. Rối loạn xuất tinh

  8. Mụn cơm sinh dục

  9. Viêm âm đạo do Trichomoniasis

  10. Nang âm hộ