Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Bệnh bướu tim là gì? Triệu chứng nhận biết và cách chẩn đoán bệnh hiệu quả

Ngày 27/09/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Bướu tim là một bệnh nội tiết phổ biến, với tỷ lệ mắc bệnh khá cao, chiếm khoảng 10 - 40% trong tổng số các bệnh liên quan đến bướu giáp. Triệu chứng của bệnh rất đa dạng, việc nhận biết cũng như điều trị kịp thời có thể giúp người bệnh tránh được nhiều biến chứng nguy hiểm. Hãy cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu kỹ hơn về bệnh bướu tim trong bài viết dưới đây.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Bướu tim là gì?

Bướu tim hoặc còn được biết đến với các tên gọi như bướu cổ basedow hoặc bệnh cường giáp, là một bệnh tự miễn. Những rối loạn tim mạch chỉ là một trong những triệu chứng của bệnh. Bệnh đặc trưng bởi tình trạng cường giáp, khi các kháng thể kích thích tuyến giáp xuất hiện và lưu thông trong máu. Đây là một trong những bệnh lý thường gặp trong lĩnh vực nội tiết.

Đặc biệt, hội chứng cường giáp không phải là một bệnh độc lập mà là một tình trạng liên quan đến nhiều bệnh lý khác nhau như bệnh cường giáp liên quan đến bướu cổ lồi mắt, viêm tuyến giáp cùng nhiều bệnh khác. Cường giáp xuất phát từ sự tăng hormone tuyến giáp, gây ra các vấn đề như nhịp tim nhanh và tim đập mạnh.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của bướu tim

Triệu chứng nhận biết của bệnh bướu tim sẽ được chia thành hai nhóm chính phổ biến như sau:

Triệu chứng tại tuyến giáp

Khi bị bệnh bướu tim, người bệnh sẽ xuất hiện một số triệu chứng tại tuyến giáp dưới đây:

  • Bướu giáp: Người bệnh Basedow thường phát triển bướu giáp lớn, lan tỏa, có thể mềm hoặc cứng. Bướu giáp to chèn ép lên cơ quan lân cận, ảnh hưởng đến dây thần kinh và mạch máu. Điển hình là rối loạn vùng mạch cổ do bệnh Basedow gây nóng cơ thể và tăng tiết mồ hôi.
  • Thần kinh cơ: Bệnh nhân bướu tim thường trải qua triệu chứng như khó kiểm soát cử động, run tay, thay đổi tính khí thất thường, mất ngủ, khó kiểm soát cử động, cáu kỉnh.
  • Tim mạch: Bệnh bướu tim ảnh hưởng đến tim mạch, gây nhịp tim nhanh và loạn nhịp tim ngay cả khi nghỉ ngơi hay làm việc gắng sức.
  • Triệu chứng tiêu hóa: Bệnh nhân có thể ăn nhiều nhưng vẫn giữ trọng lượng, bị vàng da, gặp rối loạn tiêu hóa như tiêu chảy, nôn mửa.
  • Triệu chứng tăng chuyển hóa: Do hormone tuyến giáp sản xuất nhiều hơn, người bệnh thường có cảm giác nóng bức, giảm cân nhanh, uống nhiều nước.
  • Rối loạn sinh lý: Bệnh bướu tim có thể gây giảm ham muốn ở nam giới và rối loạn kinh nguyệt ở nữ giới.
Bệnh bướu tim là gì? Triệu chứng nhận biết và cách chẩn đoán bệnh hiệu quả 1
Bệnh bướu tim là bệnh lý phổ biến nhiều người gặp phải

Triệu chứng ngoài tuyến giáp

Ngoài việc ảnh hưởng đến tuyến giáp, bệnh bướu tim còn tạo ra nhiều biểu hiện bất thường tại các cơ quan khác như sau:

  • Biểu hiện ở mắt: Những người mắc bệnh bướu tim thường trải qua tình trạng lồi mắt, có thể biến động theo mức độ nhiễm độc giáp.
  • Phù niêm: Thường xuất hiện ở mặt trước của cẳng chân hoặc dưới đầu gối, phù niêm có đường kính vài cm, thâm nhiễm cứng, màu hồng bóng, lỗ chân lông nổi rõ.
  • Kích thước lớn ở các đầu chi: Có thể ảnh hưởng đến cả đầu ngón tay và ngón chân, khiến chúng biến dạng thành hình dạng giống như đầu dùi trống.

Khi nào người bệnh cần gặp bác sĩ?

Triệu chứng của bệnh bướu tim có sự tương đồng với nhiều bệnh lý tự miễn khác, do đó quá trình chẩn đoán cần sự xét nghiệm kỹ lưỡng để phân biệt. Bệnh nhân có thể không thể hiện tất cả các triệu chứng tùy thuộc vào mức độ bệnh cũng như cơ quan nào bị ảnh hưởng nhiều nhất do bệnh gây ra.

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ chuyên khoa để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.

Bệnh bướu tim là gì? Triệu chứng nhận biết và cách chẩn đoán bệnh hiệu quả 2
Cần đi thăm khám ngay khi có các triệu chứng bất thường kể trên

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến bệnh bướu tim

Có nhiều nguyên nhân đóng góp vào sự phát triển của bệnh bướu tim, bao gồm gen di truyền, hệ miễn dịch kém và ảnh hưởng từ môi trường khiến cho các kháng nguyên trên bề mặt tuyến giáp thay đổi, làm xuất hiện các kháng nguyên mới.

Sự kích thích này tạo điều kiện cho tuyến giáp phát triển, tăng cường số lượng, và tăng hoạt động chức năng, dẫn đến việc giải phóng nhiều hormone tuyến giáp vào máu và từ đó gây nhiễm độc tuyến giáp.

Ngoài nguyên nhân là di truyền, bệnh bướu tim cũng có thể được ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác như độ tuổi, giới tính, cơ địa, môi trường sống và làm việc.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải bệnh bướu tim?

Bệnh bướu tim có thể ảnh hưởng đến mọi người nhưng có những nhóm người mang khả năng mắc bệnh này cao hơn đó là:

  • Phụ nữ có khả năng mắc bệnh bướu tim cao hơn so với nam giới.
  • Người ở độ tuổi từ 20 đến 40 có tỷ lệ mắc bệnh bướu tim cao hơn.
  • Nếu trong gia đình có người mắc bệnh bướu tim, người đó có nguy cơ cao hơn so với những người không có tiền sử gia đình về bệnh này.
  • Nữ mang thai và trẻ em: Phụ nữ mang thai và trẻ em có sức đề kháng kém, dễ bị bệnh hơn.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh bướu tim

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh bướu tim bao gồm: Thiếu hụt i-ốt trong chế độ ăn uống, hút thuốc lá, uống rượu, môi trường nước uống hoặc thức ăn có chứa nhiều chất độc hại và một số yếu tố khác cũng có thể tăng nguy cơ mắc bệnh bướu tim.

Bệnh bướu tim là gì? Triệu chứng nhận biết và cách chẩn đoán bệnh hiệu quả 3
Nữ giới có khả năng mắc bệnh bướu tim cao hơn so với nam giới

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp chẩn đoán và xét nghiệm bệnh bướu tim

Các phương pháp được sử dụng để chẩn đoán bệnh bướu tim bao gồm:

  • Xét nghiệm hormone: Đánh giá mức độ hoạt động của hormone tuyến giáp để xác định tình trạng của nó.
  • Xạ hình tuyến giáp: Sử dụng các phương pháp hình ảnh để kiểm tra cấu trúc và kích thước của tuyến giáp.
  • Siêu âm Doppler mạch tuyến giáp và siêu âm tuyến giáp: Sử dụng sóng siêu âm để xem mạch máu và kiểm tra cấu trúc của tuyến giáp.
  • Điện tâm đồ: Ghi lại hoạt động điện của tim để đánh giá tình trạng tim mạch và xác định có sự ảnh hưởng từ tuyến giáp không.
  • Chụp X-quang: Sử dụng tia X để chụp hình và kiểm tra cấu trúc của tuyến giáp và các cơ quan xung quanh.
  • Xét nghiệm men gan: Kiểm tra chức năng gan để đánh giá tác động của bệnh lý lên cơ quan này.

Điều trị bệnh bướu tim

Bướu tim có thể được điều trị hiệu quả thông qua các phương pháp dưới đây:

Nội khoa

Một trong những phương pháp được ưu tiên sử dụng rộng rãi hiện nay là điều trị bằng các loại thuốc kháng giáp. Khi bệnh mới xuất hiện, không phát hiện nhân basedow trong bướu và tuyến giáp không phình to quá nhiều thì phương pháp này trở nên khả thi.

Tuy nhiên, điều quan trọng là người bệnh cần phải kiên trì vì thời gian điều trị kéo dài từ 12 - 18 tháng. Hiệu quả mà phương pháp này mang lại có thể lên đến 60 - 70%.

Có ba loại thuốc kháng giáp chủ yếu được sử dụng là Methimazole, PTU và Carbimazole. Trong số này, PTU được khuyến cáo không nên sử dụng trong điều trị ban đầu cho bệnh nhân bướu tim.

Ngoại khoa

Nếu trường hợp bệnh nặng thì người bệnh cần can thiệp điều trị ngoại khoa. Có 2 phương pháp chính gồm:

  • Điều trị bằng xạ trị: Phương pháp này nhằm thu nhỏ bướu và điều chỉnh tình trạng cường năng của tuyến giáp về mức bình thường bằng cách sử dụng xạ trị iod 131. Phương pháp này không được khuyến nghị cho trẻ em và phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú. Trong trường hợp bệnh nhân gặp tình trạng nhiễm độc nặng hoặc bướu quá lớn gây áp lực làm hạn chế nuốt hoặc gây khó thở, phương pháp phẫu thuật thường được ưu tiên hơn.
  • Phẫu thuật cắt bỏ một phần tuyến giáp: Phương pháp này thường được áp dụng khi bệnh nhân đối mặt với tình trạng nhiễm độc nặng, với khối u quá lớn gây áp lực và ảnh hưởng đến các cơ quan xung quanh, gây khó khăn trong việc ăn uống và hô hấp. Khi các phương pháp điều trị bằng thuốc hoặc xạ trị không đạt hiệu quả, phẫu thuật cắt bỏ một phần lớn tuyến giáp được xem xét.
Bệnh bướu tim là gì? Triệu chứng nhận biết và cách chẩn đoán bệnh hiệu quả 4
Người bệnh cần tuân thủ quy trình điều trị theo chỉ định của bác sĩ

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt giúp hạn chế diễn tiến của bệnh bướu tim

Chế độ sinh hoạt:

  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị.
  • Duy trì lối sống tích cực, hạn chế sự căng thẳng.
  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.
  • Thăm khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và có hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.

Chế độ dinh dưỡng:

  • Duy trì lượng iodine đủ trong chế độ ăn, vì iodine là một thành phần quan trọng của hormone tuyến giáp.
  • Chế độ dinh dưỡng nên chứa đủ chất xơ để hỗ trợ tiêu hóa và kiểm soát cân nặng. Rau xanh, ngũ cốc nguyên hạt là nguồn chất xơ tốt.
  • Hạn chế lượng chất béo bão hòa và chất béo trans để giảm nguy cơ các vấn đề tim mạch và duy trì cân nặng khỏe mạnh.
  • Bổ sung đủ lượng protein từ các nguồn như tôm cá, thịt gia cầm không mỡ, đậu nành, sữa động vật hoặc thực vật, hạt.
  • Hạn chế hoặc tránh các thức uống có chứa caffeine và các chất kích thích khác vì chúng có thể ảnh hưởng đến tình trạng tim mạch.

Phòng ngừa bệnh bướu tim

Để phòng ngừa bệnh hiệu quả, bạn có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:

  • Bảo vệ mắt: Đeo kính để bảo vệ mắt khỏi bụi, nhỏ thuốc nhỏ mắt và thực hiện vệ sinh mắt hàng ngày.
  • Hạn chế chất độc hại: Tránh hút thuốc lá và giảm sử dụng chất kích thích hoặc hóa chất độc hại có thể ảnh hưởng đến hệ hô hấp.
  • Tâm lý khỏe mạnh: Duy trì tâm lý khỏe mạnh, giữ tinh thần thoải mái và tránh căng thẳng để hỗ trợ sức khỏe tổng thể.

Các câu hỏi thường gặp về bệnh bướu tim

Bệnh bướu tim có chữa khỏi được không?

Bệnh bướu tim có thể được chữa khỏi thông qua sử dụng phương pháp i-ốt phóng xạ hoặc phẫu thuật để loại bỏ một phần hoặc toàn bộ tuyến giáp. 

Những độ tuổi nào dễ bị bệnh bướu tim?

Đa số các trường hợp xảy ra bệnh bướu tim thường ở nữ giới, đặc biệt là ở phụ nữ trẻ trong độ tuổi từ 21 đến 30.

Bệnh bướu tim có di truyền không?

Bướu tim là một bệnh tự miễn, nguyên nhân chủ yếu là do yếu tố di truyền gây ra các thay đổi trong tính kháng nguyên hoặc sự trình diện của các kháng nguyên không quen trên bề mặt các tế bào của tuyến giáp.

Bệnh bướu có tim nguy hiểm không?

Bướu tim có thể gây ra những tác động nguy hiểm đến hệ tim mạch. Nếu không được điều trị kịp thời hoặc không đúng cách, có thể dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng như suy kiệt trong cơn bão giáp, suy tim và nguy cơ tử vong nhanh chóng cho bệnh nhân.

Thường xuyên nôn mửa, vàng da, gầy yếu có phải bị bệnh bướu tim không?

Người mắc bệnh bướu tim thường có biểu hiện là ăn nhiều mà vẫn rất gầy, da có thể trở nên vàng cũng như gặp các vấn đề liên quan đến tiêu hóa như buồn nôn, tiêu chảy. Để được chẩn đoán chính xác bạn cần đi thăm khám tại các bệnh viện uy tín.

Nguồn tham khảo
  1. Goiter: https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/goiter/symptoms-causes/syc-20351829
  2. Goiter: https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/12625-goiter
  3. The heart in goiter: https://www.sciencedirect.com/science/article/abs/pii/S0002961029906784
  4. What You Need to Know About Goiter: https://www.healthline.com/health/goiter-simple
  5. Goiter: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK562161/

Các bệnh liên quan

  1. Huyết khối tĩnh mạch sâu

  2. Rối loạn nhịp tim

  3. Đường huyết cao

  4. Bệnh động mạch chủ

  5. Hội chứng QT kéo dài

  6. Hẹp động mạch cảnh

  7. Rối loạn đông máu

  8. Ung thư tim

  9. Hạ thân nhiệt

  10. Cơ tim xốp