Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Phình động mạch chủ bụng: Triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Ngày 17/08/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Tỷ lệ mới mắc của tình trạng phình động mạch chủ bụng khoảng 0,4 đến 0,67% mỗi năm tại các nước phương Tây. Bệnh chủ yếu xảy ra trên nam giới và tăng mạnh ở những người trên 60 tuổi. Chẩn đoán sớm và có chiến lược điều trị kịp thời rất quan trọng, giúp ngăn ngừa nguy cơ biến chứng của bệnh.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Phình động mạch chủ bụng là gì?

Động mạch chủ bụng là đoạn nối tiếp với động mạch chủ ngực, có nguồn gốc từ cung động mạch chủ. Sau khi đi qua lỗ động mạch chủ ở cơ hoành (mức đốt sống ngực D12), động mạch chủ ngực thì đổi tên thành động mạch chủ bụng. Động mạch chủ bụng nằm sau phúc mạc và nằm trước cột sống. Đến ngang mức đốt sống thắt lưng L4 thì chia thành động mạch chậu chung phải và động mạch chậu chung trái.

Động mạch chủ bụng chia thành ba thân chính gồm động mạch thân tạng, động mạch mạc treo tràng trên và động mạch mạc treo tràng dưới. Ngoài ra còn động mạch dưới hoành hai bên, động mạch thận hai bên, động mạch thượng thận hai bên, động mạch sinh dục 2 bên. Các động mạch này chịu trách nhiệm cung cấp máu cho ổ bụng.

Phình động mạch chủ bụng là tình trạng giãn khu trú một đoạn động mạch chủ lớn hơn 50% so với đường kính bình thường của nó so với các vị trí liền kề. Phình động mạch làm mất tính song song và bền vững của thành mạch. Đoạn động mạch chủ bụng dưới động mạch thận là vị trí phổ biến nhất của phình động mạch chủ bụng, chiếm 90 - 95%.

Phình động mạch chủ bụng thường được phân loại theo kích thước và tốc độ diễn tiến của bệnh. Hai yếu tố này cũng giúp bác sĩ dự đoán được những ảnh hưởng của bệnh đến sức khỏe bạn.

Kích thước nhỏ (< 5,5cm) hoặc tốc độ phát triển chậm: Nguy cơ vỡ thấp hơn so với các loại kích thước lớn hoặc phát triển nhanh. Đối với loại này, bác sĩ sẽ đưa ra lịch khám và theo dõi bệnh định kỳ hơn là tiến hành điều trị.

Kích thước lớn (≥ 5,5cm) hoặc tốc độ phát triển nhanh: Nguy cơ vỡ cao. Khi động mạch chủ bụng vỡ sẽ dẫn đến xuất huyết ổ bụng ồ ạt và đe dọa tính mạng. Loại phình động mạch chủ này cần được điều trị sớm.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của phình động mạch chủ bụng

Hầu hết các triệu chứng của phình động mạch chủ bụng khá mơ hồ hoặc đôi khi người bệnh không phát hiện triệu chứng gì trừ khi có biến chứng vỡ hoặc chèn ép các cấu trúc lân cận. Một số triệu chứng bạn cần chú ý gồm:

  • Cảm giác đau sâu, đau đột ngột vùng bụng hoặc lưng, đau lan đến mông hoặc chân. Dấu hiệu này quan trọng và nguy hiểm vì có thể vị trí phình sắp vỡ.
  • Cảm giác mạch đập trong ổ bụng giống như nhịp tim.
  • Tăng nhịp tim.
  • Da ẩm, vã mồ hôi, mệt lả, khó thở hoặc mất ý thức. Đây là dấu hiệu cảnh báo sốc giảm thể tích khi vị trí phình động mạch chủ vỡ gây xuất huyết ổ bụng.
Phình động mạch chủ bụng: Triệu chứng, chẩn đoán và điều trị 4
Đau bụng đột ngột là triệu chứng nghiêm trọng của phình động mạch chủ bụng

Biến chứng có thể gặp khi mắc phình động mạch chủ bụng

Phình động mạch chủ bụng là một bệnh lý nguy hiểm, có thể gây ra một số biến chứng nghiêm trọng, thậm chí đe dọa tính mạng. Các biến chứng bao gồm:

  • Bóc tách động mạch chủ;
  • Thuyên tắc mạch;
  • Đông máu nội mạch lan tỏa (hiếm);
  • Vỡ phình động mạch chủ, dẫn đến xuất huyết ổ bụng.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu bạn phát hiện bản thân hoặc người nhà có các triệu chứng mạch nhanh, huyết áp thấp, khó thở, đau đột ngột và dữ dội như dao đâm ở bụng hoặc lưng, hãy gọi cấp cứu ngay lập tức.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến phình động mạch chủ bụng

Nguyên nhân gây phình động mạch chủ bụng vẫn còn là vấn đề đang được nghiên cứu và có nhiều ý kiến tranh luận. Tuy nhiên có một số cơ chế có thể làm tiến triển phình động mạch chủ bụng, bao gồm:

  • Xơ cứng hoặc xơ vữa động mạch: Điều này xảy ra khi thành động mạch kém đàn hồi và trở nên xơ cứng (ví dụ như động mạch ở người cao tuổi) hoặc thành động mạch có các mảng bám gồm lipid, tế bào cơ trơn, tế bào viêm và mô liên kết hình thành mảng xơ vữa động mạch.
  • Tăng huyết áp: Chỉ số huyết áp cao làm tăng áp lực lên thành mạch và làm yếu thành động mạch chủ.
  • Các bệnh lý mạch máu: Viêm động mạch chủ nhiễm trùng, viêm động mạch Takayasu, viêm động mạch tế bào khổng lồ,...
  • Chấn thương: Các chấn thương (ví dụ như tai nạn giao thông) cũng có thể gây phình hoặc bóc tách động mạch chủ bụng.
Phình động mạch chủ bụng: Triệu chứng, chẩn đoán và điều trị 5
Xơ vữa động mạch có thể dẫn đến phình động mạch chủ bụng

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải phình động mạch chủ bụng?

Những đối tượng sau đây có nguy cơ cao:

  • Tiền sử gia đình: Từ 15 - 25% người bệnh có người thân mắc phình động mạch chủ bụng.
  • Tiền sử bản thân: Người bệnh có bệnh lý tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, xơ vữa động mạch, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính hoặc hội chứng Marfan có nguy cơ mắc phình động mạch chủ bụng.
  • Mắc chứng phình động mạch ở vị trí khác: Người bệnh có tình trạng phình động mạch chủ ngực, phình động mạch khoeo, hoặc tại các vị trí khác có nguy cơ mắc phình động mạch chủ bụng.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải phình động mạch chủ bụng

Cần lưu ý một số yếu tố nguy cơ của phình động mạch chủ bụng bao gồm:

  • Hút thuốc lá: Đây là yếu tố nguy cơ lớn nhất đối với phình động mạch chủ bụng. Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ dày thành mạch và xơ vữa động mạch, thành mạch suy yếu là yếu tố dẫn đến phình động mạch và vỡ phình động mạch. Sử dụng thuốc lá càng lâu và càng nhiều, khả năng diễn tiến phình động mạch chủ bụng càng cao.
  • Tuổi: Phình động mạch chủ bụng thường được phát hiện nhiều nhất ở những người từ 65 tuổi trở lên. Một nghiên cứu của Howard (2015) cho thấy tỷ lệ phình động mạch chủ bụng ở nam giới từ 65 - 74 tuổi là 55/100.000 người mỗi năm, từ 75 - 85 tuổi là 112/100.000 người mỗi năm và tiếp tục tăng lên 298/100.000 người mỗi năm với những người trên 85 tuổi.
  • Giới: Nam giới mắc bệnh này nhiều hơn phụ nữ.
  • Chủng tộc: Người da trắng có nguy cơ mắc phình động mạch chủ bụng cao hơn các chủng tộc khác.
Phình động mạch chủ bụng: Triệu chứng, chẩn đoán và điều trị 6
Hút thuốc lá là yếu tố nguy cơ độc lập của phình động mạch chủ bụng

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán phình động mạch chủ bụng

Bệnh phình động mạch chủ bụng thường được chẩn đoán một cách tình cờ khi khám sức khỏe tổng quát hoặc có một tình trạng bệnh lý khác. Bác sĩ có thể nghĩ ngay đến phình động mạch chủ bụng trên người bệnh lớn tuổi có các dấu hiệu đau bụng hoặc đau lưng cấp và đột ngột, kèm sờ thấy một khối đập bất thường ở vùng bụng theo nhịp tim.

Khi các triệu chứng hoặc kết quả thăm khám lâm sàng có nhiều nghi ngờ đến bệnh lý phình động mạch chủ bụng, bác sĩ có thể đề nghị một số xét nghiệm sau để chẩn đoán xác định bệnh:

Siêu âm bụng: Là một phương pháp nhanh chóng và tối ưu để kiểm tra và theo dõi phình động mạch chủ bụng. Hình ảnh trên siêu âm có thể kém chính xác khi có nhiều khí trong ruột, béo bụng hoặc chướng bụng. Hạn chế của siêu âm là việc khó phân biệt được hình ảnh túi phình bị rò hoặc vỡ so với túi phình to nhưng chưa vỡ.

Chụp cắt lớp vi tính mạch máu (CTA) hoặc cộng hưởng từ mạch máu (MRA): Xét nghiệm hình ảnh học này cho phép mô tả chính xác hơn về kích thước cũng như giải phẫu vị trí phình động mạch chủ. Nếu có xơ vữa kèm theo phình động mạch, chụp động mạch có thể đánh giá không chính xác kích thước thực sự của khối phình, lúc đó vai trò của CTA hoặc MRA có thể đưa ra ước tính chính xác hơn.

X-quang bụng: Phương pháp này không nhạy và không đặc hiệu cho chẩn đoán phình động mạch chủ bụng. X-quang có thể phát hiện hình ảnh vôi hóa động mạch chủ quanh vị trí túi phình.

Xét nghiệm máu: Công thức máu, điện giải đồ, creatinine máu, ure máu, TQ, TCK, nhóm máu và phản ứng chéo,... có thể là các xét nghiệm được chỉ định tiền phẫu.

Cấy máu và kháng sinh đồ: Có thể được chỉ định nếu nghi ngờ phình động mạch chủ do nhiễm trùng hoặc nhiễm nấm động mạch.

Phương pháp điều trị phình động mạch chủ bụng hiệu quả

Điều trị phình động mạch chủ là việc phối hợp giữa kiểm soát bệnh nền, các nguy cơ tim mạch và điều trị phẫu thuật (nếu được chỉ định). Việc điều trị là khác nhau phụ thuộc vào sức khỏe của bạn cũng như kích thước, vị trí và tốc độ phát triển của phình động mạch chủ bụng.

  • Điều trị nội khoa: Kiểm soát huyết áp, kiểm soát lipid máu, thay đổi lối sống.
  • Đối với phình động mạch chủ bụng kích thước nhỏ và tốc độ phát triển chậm: Bác sĩ có thể đưa ra chiến lược theo dõi thường xuyên kết hợp điều trị nội khoa.
  • Đối với phình động mạch chủ bụng kích thước lớn và/hoặc tốc độ phát triển nhanh: Bác sĩ có thể đưa ra các phương pháp phẫu thuật như phẫu thuật mở bụng (phình kích thước rất lớn hoặc đã vỡ), phẫu thuật nội mạch,...
Phình động mạch chủ bụng: Triệu chứng, chẩn đoán và điều trị 7
Kiểm soát các nguy cơ tim mạch trong điều trị phình động mạch chủ bụng

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của phình động mạch chủ bụng

Chế độ sinh hoạt:

  • Kiểm soát huyết áp, lipid máu, đường huyết và điều trị ổn định các bệnh lý kèm theo khác.
  • Giảm cân nếu bạn đang thừa cân hoặc béo phì.
  • Tập thể dục thường xuyên: Các nhà khoa học khuyên rằng nên tập thể dục, đặc biệt là thể dục nhịp điệu với cường độ phù hợp, tối thiểu 150 phút mỗi tuần.

Chế độ dinh dưỡng: Xây dựng một chế độ ăn uống lành mạnh: Tham khảo chế độ ăn DASH, bổ sung nhiều trái cây, rau củ, ngũ cốc nguyên cám, thịt gà và cá, các sản phẩm từ sữa ít béo. Tránh sử dụng các chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa và giảm lượng muối nhập.

Phình động mạch chủ bụng: Triệu chứng, chẩn đoán và điều trị 8
Chế độ ăn DASH tốt cho sức khỏe

Phương pháp phòng ngừa phình động mạch chủ bụng hiệu quả

Để ngăn ngừa bệnh lý phình động mạch chủ bụng hoặc để kiểm soát tình trạng bệnh tránh nặng hơn, bạn cần lưu ý một số phương pháp sau đây:

  • Không hút thuốc lá (chủ động và/hoặc thụ động).
  • Nếu bạn là nam giới, bước sang tuổi 65, có hút thuốc lá hoặc có các yếu tố nguy cơ tim mạch khác, hãy đi khám sức khỏe tổng quát định kỳ và chú ý đến siêu âm bụng để kiểm tra động mạch chủ bụng để phát hiện có bất thường hay không. Đây là một công cụ cận lâm sàng không xâm lấn và sàng lọc nhanh chóng.
Nguồn tham khảo
  1. Abdominal aortic aneurysm: https://www.nhs.uk/conditions/abdominal-aortic-aneurysm/
  2. Abdominal Aortic Aneurysm: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK470237/
  3. Abdominal Aortic Aneurysm: https://www.healthline.com/health/abdominal-aortic-aneurysm
  4. Abdominal Aortic Aneurysm: https://www.hopkinsmedicine.org/health/conditions-and-diseases/abdominal-aortic-aneurysm
  5. Abdominal Aortic Aneurysms (AAA): https://www.msdmanuals.com/professional/cardiovascular-disorders/diseases-of-the-aorta-and-its-branches/abdominal-aortic-aneurysms-aaa

Các bệnh liên quan

  1. Nhồi máu cơ tim type 2

  2. Rung nhĩ

  3. Đau tim

  4. huyết áp tâm trương cao

  5. Hội chứng Raynaud

  6. Hở van hai lá

  7. Ngoại tâm thu thất

  8. Thân chung động mạch

  9. Giãn tĩnh mạch chi dưới

  10. Đột quỵ thiếu máu cục bộ