Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Loạn sản sợi cơ là gì? Nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị bệnh

Ngày 06/12/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Loạn sản sợi cơ là một bệnh mạch máu hệ thống hiếm, gặp ở phụ nữ trẻ và chiếm 10% đến 20% các trường hợp hẹp động mạch thận. Loạn sản sợi cơ là bệnh vô căn, không viêm, không xơ vữa động mạch, thường liên quan đến động mạch thận và động mạch cảnh; tuy nhiên, nó có thể ảnh hưởng đến bất kỳ giường động mạch nào. Loạn sản sợi cơ biểu hiện điển hình dưới dạng tăng huyết áp do mạch máu thận nhưng cũng có thể biểu hiện dưới dạng đột quỵ ở người trẻ tuổi. Chẩn đoán và điều trị sớm loạn sản sợi cơ rất quan trọng để có tiên lượng lâu dài.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Loạn sản sợi cơ là gì?

Loạn sản sợi cơ (Fibromuscular dysplasia) là một bệnh lý hiếm gặp liên quan đến sự hình thành các tế bào bất thường ở thành động mạch. Động mạch là hệ thống mạch máu đưa máu từ tim đến các mô của cơ thể.

Loạn sản sợi cơ có thể làm cho các mạch máu bị thu hẹp, phình ra hoặc tạo thành dạng hạt. Nó có thể ảnh hưởng đến:

  • Động mạch cảnh nằm ở cổ;
  • Động mạch thận;
  • Động mạch vành;
  • Động mạch mạc treo;
  • Các động mạch khác, chẳng hạn như các động mạch đi đến chân, tay hoặc các bộ phận khác trên cơ thể.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của loạn sản sợi cơ

Các dấu hiệu của bệnh loạn sản sợi cơ phụ thuộc vào động mạch bị ảnh hưởng. Một số người bệnh nhẹ có thể không có bất kỳ triệu chứng nào. Trong khi một số người khác có thể gặp các triệu chứng do lưu lượng máu cung cấp bị hạn chế, chẳng hạn như:

  • Âm thổi, âm thanh bất thường phát ra ở cổ hoặc bụng của bạn khi bác sĩ thăm khám bằng ống nghe;
  • Chóng mặt;
  • Tăng huyết áp hoặc huyết áp cao không kiểm soát được;
  • Đau nửa đầu;
  • Đau cổ;
  • Âm thanh ù ù trong tai.

Loạn sản sợi cơ có thể gây ra các vấn đề y tế nghiêm trọng, chẳng hạn như:

  • Phình động mạch, tức là động mạch phình to ra và thành mỏng đi (chẳng hạn như phình động mạch não hoặc phình động mạch chủ bụng).
  • Bóc tách động mạch (như bóc tách động mạch cảnh hoặc động mạch vành tự phát).
  • Đột quỵ.
  • Cơn thiếu máu cục bộ thoáng qua còn được gọi là TIA (Transient ischemic attack) hoặc cơn đột quỵ nhỏ.
Loạn sản sợi cơ là gì? Nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị loạn sản sợi cơ 3.png
Tăng huyết áp có thể là dấu hiệu của bệnh loạn sản sợi cơ

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu bạn mắc bệnh loạn sản sợi cơ, hãy đến cơ sở y tế ngay lập tức nếu bạn có các triệu chứng của đột quỵ, chẳng hạn như:

  • Thay đổi đột ngột về tầm nhìn.
  • Thay đổi đột ngột về khả năng nói.
  • Yếu liệt đột ngột ở một vị trí hoặc mới xuất hiện ở cánh tay hoặc chân.

Nếu bạn lo lắng về nguy cơ mắc bệnh loạn sản sợi cơ, hãy đến gặp bác sĩ. Tình trạng này hiếm khi có tính chất gia đình và không có xét nghiệm di truyền nào cho loại bệnh này.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến loạn sản sợi cơ

Hiện nay, nguyên nhân gây ra bệnh loạn sản sợi cơ vẫn còn chưa được biết rõ. Một số trường hợp có liên quan đến:

  • Di truyền;
  • Hormone;
  • Tổn thương thành động mạch như bị căng thẳng kéo dài.
  • Một số yếu tố như hút thuốc lá có thể làm cho bệnh loạn sản sợi cơ trở nên nặng hơn.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải loạn sản sợi cơ?

Bất cứ ai cũng có thể mắc bệnh loạn sản sợi cơ. Nhưng bệnh lý này thường gặp ở phụ nữ trong hơn 90% trường hợp, đặc biệt là những người từ 40 đến 70 tuổi.

Một số tình trạng bệnh lý khác có thể giống bệnh loạn sản sợi cơ, bao gồm:

  • Hội chứng Ehlers-Danlos;
  • Hội chứng Loeys-Dietz;
  • Bệnh u sợi thần kinh loại 1;
  • Hội chứng Williams;
  • Viêm mạch máu lớn;
  • Xơ vữa động mạch;
  • Phân giải động mạch hệ thống (Systemic arterial mediolysis).

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải loạn sản sợi cơ

Những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải bệnh loạn sản sợi cơ bao gồm:

  • Giới tính: Bệnh lý này thường gặp ở phụ nữ hơn nam giới.
  • Tuổi: Loạn sản sợi cơ thường được chẩn đoán ở khoảng 50 tuổi. Nhưng nó cũng có thể gặp ở bất cứ ai và ở mọi lứa tuổi.
  • Hút thuốc lá: Những người hút thuốc lá dường như có nguy cơ mắc bệnh loạn sản sợi cơ cao hơn. Hút thuốc lá cũng có thể khiến bệnh nặng hơn.
Loạn sản sợi cơ là gì? Nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị loạn sản sợi cơ 4.png
Hút thuốc lá là yếu tố nguy cơ của bệnh loạn sản sợi cơ

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp chẩn đoán và xét nghiệm loạn sản sợi cơ

Đôi khi bác sĩ có thể sẽ phát hiện bạn mắc bệnh loạn sản sợi cơ khi đi khám sức khỏe định kỳ hoặc tình cờ phát hiện trong lúc bạn đang điều trị bệnh khác.

Nếu bác sĩ nghi ngờ bạn mắc bệnh loạn sản sợi cơ, họ có thể đề nghị các xét nghiệm sau:

  • Chụp CT;
  • Chụp MRI;
  • Siêu âm;
  • Chụp mạch máu.

Điều trị loạn sản sợi cơ

Phương pháp điều trị bệnh loạn sản sợi cơ sẽ khác nhau, tùy thuộc vào động mạch bị ảnh hưởng, mức độ nặng và triệu chứng. Các phương pháp này có thể bao gồm:

  • Thuốc chống kết tập tiểu cầu hoặc thuốc chống đông, có thể ngăn ngừa hình thành cục máu đông và đột quỵ.
  • Thuốc điều trị tăng huyết áp, chẳng hạn như thuốc ức chế men chuyển và thuốc ức chế thụ thể angiotensin.
  • Phương pháp điều trị nhức đầu và đau, chẳng hạn như tiêm độc tố botulinum hoặc aspirin.
  • Can thiệp mạch vành.
  • Phẫu thuật để sửa chữa phình động mạch hoặc tạo ra những đường đi mới cho máu vận chuyển.
Loạn sản sợi cơ là gì? Nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị loạn sản sợi cơ 5.png
Phương pháp điều trị loạn sản sợi cơ phụ thuộc vào động mạch bị ảnh hưởng

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của loạn sản sợi cơ

Chế độ sinh hoạt:

  • Hợp tác với bác sĩ: Quan trọng nhất là phải hợp tác chặt chẽ với bác sĩ chuyên khoa để theo dõi và điều trị bệnh. Tuân thủ mọi chỉ định và đề nghị của bác sĩ, bao gồm việc thực hiện các bước kiểm tra, xét nghiệm, và tuân thủ đúng liệu pháp điều trị.
  • Tập thể dục và vận động: Tùy thuộc vào khả năng, tập thể dục và vận động thể chất có thể giúp cải thiện sức khỏe tổng thể và hỗ trợ quản lý bệnh. Tuy nhiên, hãy thảo luận với bác sĩ trước khi bắt đầu bất kỳ chương trình tập thể dục nào để đảm bảo an toàn và phù hợp với trạng thái sức khỏe của bạn.
  • Giảm căng thẳng: Căng thẳng có thể gây ra sự suy giảm và tăng cường triệu chứng của bệnh. Hãy tìm hiểu và áp dụng các phương pháp giảm căng thẳng như thiền, yoga, tập thể dục nhẹ nhàng, hoặc nghệ thuật giải trí để giảm căng thẳng hàng ngày.
  • Hỗ trợ tâm lý: Bệnh loạn sản sợi cơ có thể ảnh hưởng đến tâm lý và tinh thần của bạn. Hãy tìm hiểu và sử dụng các phương pháp hỗ trợ tâm lý như tư vấn, hỗ trợ từ gia đình và bạn bè, hoặc các nhóm hỗ trợ để giúp bạn vượt qua khó khăn.
Loạn sản sợi cơ là gì? Nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị loạn sản sợi cơ 6.png
Người bệnh loạn sản sợi cơ nên tuân thủ điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ

Chế độ dinh dưỡng:

  • Ăn một chế độ ăn uống cân đối: Hãy ăn nhiều rau và hoa quả tươi, ngũ cốc nguyên hạt, thực phẩm giàu chất xơ và các nguồn protein lành mạnh như cá, gia cầm, hạt, đậu và các loại thực phẩm chứa canxi như sữa và sản phẩm từ sữa không béo.
  • Giảm tiêu thụ muối: Muối có thể gây tăng huyết áp và tác động tiêu cực đến sức khỏe tim mạch. Hạn chế tiêu thụ muối và tìm cách thay thế muối bằng các loại gia vị và thảo dược để tăng hương vị của thực phẩm mà không gây tăng huyết áp.
  • Giảm tiêu thụ chất béo không lành mạnh: Hạn chế tiêu thụ chất béo bão hòa và chất béo no, có thể tìm thấy trong thực phẩm như đồ chiên, thực phẩm chế biến sẵn, bơ, kem, và các sản phẩm từ động vật.
  • Kiểm soát cân nặng: Đối với những người bệnh loạn sản sợi cơ, duy trì cân nặng lành mạnh là quan trọng để giảm tải lên hệ tim mạch. Hãy thảo luận với bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để xác định mục tiêu cân nặng phù hợp và lập kế hoạch ăn uống phù hợp.
  • Uống đủ nước: Đảm bảo bạn uống đủ nước trong một ngày để duy trì sự cân bằng của cơ thể. Hạn chế đồ uống có chứa cafein và đường.
  • Hạn chế chất kích thích: Các chất kích thích như cafein và các chất kích thích khác có thể tác động tiêu cực đến hệ tuần hoàn. Hạn chế tiêu thụ đồ uống chứa cafein như cà phê, trà và nước ngọt có ga.

Phòng ngừa loạn sản sợi cơ

Bởi vì nguyên nhân của bệnh loạn sản sợi cơ vẫn chưa được biết rõ nên không có chiến lược cụ thể nào để phòng ngừa căn bệnh này.

Loạn sản sợi cơ là gì? Nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị loạn sản sợi cơ 7.png
Hiện nay chưa có chiến lược cụ thể để phòng ngừa bệnh loạn sản sợi cơ

Các câu hỏi thường gặp về loạn sản sợi cơ

Các phân loại của bệnh loạn sản sợi cơ là gì?

Có hai phân loại dựa trên hình dạng của động mạch:

  • Loạn sản sợi cơ đa ổ là thường gặp nhất. Hình dạng động mạch liên tục các đoạn phồng lên rồi thu hẹp lại trông giống như một chuỗi hạt.
  • Loạn sản sợi cơ khu trú ít gặp hơn nhiều. Nó liên quan đến các động mạch bị chít hẹp hoặc tổn thương trên thành động mạch.

Biến chứng của bệnh loạn sản sợi cơ là gì?

Các biến chứng có thể xảy ra của bệnh loạn sản sợi cơ bao gồm:

  • Tăng huyết áp;
  • Bóc tách động mạch;
  • Phình động mạch;
  • Đột quỵ.

Bệnh loạn sản sợi cơ có thể chữa khỏi không?

Không có phương pháp điều trị khỏi bệnh loạn sản sợi cơ. Điều trị chủ yếu tập trung vào việc làm giảm các triệu chứng và ngăn ngừa các biến chứng.

Làm cách nào để tôi chăm sóc bản thân khi mắc bệnh loạn sản sợi cơ?

Nếu mắc bệnh loạn sản sợi cơ, bạn nên quản lý sức khỏe của mình bằng các chiến lược sau:

  • Kiểm tra huyết áp thường xuyên.
  • Bỏ hút thuốc lá và các sản phẩm thuốc lá, điều này làm cho bệnh của bạn trở nên nặng hơn.
  • Lên lịch và đến tất cả các cuộc hẹn tái khám của bác sĩ.
  • Tuân thủ các loại thuốc đã được chỉ định của bác sĩ.

Thời gian sống của những người mắc bệnh loạn sản sợi cơ là bao lâu?

Nhiều người mắc bệnh loạn sản sợi cơ có tuổi thọ bình thường. Trường hợp hiếm, chứng phình động mạch có thể vỡ và xuất huyết, dẫn đến đột quỵ, tổn thương thần kinh vĩnh viễn và đôi khi tử vong.

Nguồn tham khảo
  1. Fibromuscular Dysplasia: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK493204/
  2. Fibromuscular dysplasia: https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/fibromuscular-dysplasia/symptoms-causes/syc-20352144
  3. Clinical manifestations and diagnosis of fibromuscular dysplasia:https://www.uptodate.com/contents/clinical-manifestations-and-diagnosis-of-fibromuscular-dysplasia
  4. Fibromuscular Dysplasia (FMD): https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/17001-fibromuscular-dysplasia-fmd
  5. What to Know About Fibromuscular Dysplasia: https://www.webmd.com/heart-disease/what-to-know-fibromuscular-dysplasia

Các bệnh liên quan

  1. Băng huyết sau sinh

  2. Nang vú

  3. Tăng tiết mồ hôi

  4. Đau bụng kinh

  5. Hội chứng tiền kinh nguyệt

  6. Ung thư cổ tử cung

  7. U bì buồng trứng

  8. Ung thư buồng trứng

  9. Nhiễm khuẩn sau sinh

  10. Sa tử cung khi mang thai