Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Tật tai nhỏ là gì? Cách điều trị cho con bạn

Ngày 30/10/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Tật tai nhỏ là một dị tật bẩm sinh trong đó tai ngoài bị dị dạng và kém phát triển. Trong những trường hợp nghiêm trọng, bệnh có liên quan đến việc không có ống tai hay còn gọi là dị tật ống tai ngoài. Những trẻ bị tật tai nhỏ có thể bị mất thính lực kèm theo hoặc không. Phương pháp điều trị chủ yếu bao gồm dùng tai giả và phẫu thuật.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Tật tai nhỏ là gì?

Tật tai nhỏ là một bất thường bẩm sinh trong đó phần bên ngoài tai của trẻ kém phát triển và thường bị dị tật. Khiếm khuyết có thể ảnh hưởng một hoặc cả hai tai. Khoảng 90 phần trăm các trường hợp là dị tật một bên tai.

Sự bất thường này có thể bao gồm các vấn đề nhẹ về cấu trúc cho đến mất hoàn toàn tai ngoài. Khi kèm với mất ống tai, nó có thể gây ra các vấn đề về thính giác và khó xác định vị trí của âm thanh phát ra.

Tại Hoa Kỳ, tỷ lệ xuất hiện ước tính của dị tật tai nhỏ là khoảng 1 đến 5 trên 10.000 trường hợp trẻ sinh ra.

Bốn loại dị tật tai nhỏ gồm:

  • Loại 1: Bề ngoài của tai nhìn nhỏ hơn nhưng hầu như các cấu trúc bình thường, ống tai có thể bị thu hẹp lại hoặc biến mất. Đây là loại tật tai nhỏ nhẹ nhất.
  • Loại 2: Một phần ba dưới của tai (bao gồm cả dái tai) có thể phát triển bình thường nhưng hai phần ba trên thì bị nhỏ hoặc dị dạng. Ống tai có thể bị thu hẹp hoặc bị thiếu.
  • Loại 3: Đây là dị tật tai nhỏ thường gặp nhất ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Các bộ phận cấu tạo nên tai ngoài kém phát triển như phần đầu của thùy tai và một lượng nhỏ sụn ở phía trên. Dị tật tai nhỏ độ 3 thường không có ống tai.
  • Loại 4: Là dạng dị tật tai nghiêm trọng nhất còn được gọi là tật không tai ngoài. Con bạn sẽ bị mất thính giác nếu không có tai hoặc ống tai, một bên hoặc hai bên. 

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của Tật tai nhỏ

Các triệu chứng của tật tai ngoài gồm:

  • Tai ngoài hình thành bất thường;
  • Thiếu tai ngoài;
  • Tai ngoài nhỏ hơn bình thường.

Tác động của Tật tai nhỏ đối với sinh hoạt

Trẻ bị tật tai nhỏ có thể bị mất thính lực một phần hoặc toàn bộ ở tai bị ảnh hưởng, điều này ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của trẻ. Trẻ bị mất thính giác một phần có thể gặp trở ngại về lời nói khi bắt đầu học nói.

Việc tương tác của trẻ có thể khó khăn do mất thính giác. Việc mất thính giác đòi hỏi cần có sự điều chỉnh và thích ứng trong sinh hoạt và trẻ thường thích nghi tốt.

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh Tật tai nhỏ

Mất thính giác là biến chứng phổ biến nhất của tật tai nhỏ. Một số người bị tật tai nhỏ cảm thấy xấu hổ hoặc có vấn đề về lòng tự trọng do hình dạng bất thường của tai gây ra.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu có bất kỳ triệu chứng nêu trên xảy ra, bạn hãy liên hệ ngay với bác sĩ chuyên khoa Nhi để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến Tật tai nhỏ

Tật tai nhỏ thường phát triển trong ba tháng đầu của thai kỳ, nguyên nhân hầu như chưa được biết đến. Các nhà khoa học nhận thấy tật tai nhỏ có thể liên quan đến việc sử dụng ma túy hoặc rượu trong thời gian mang thai, các tác nhân môi trường bên ngoài tác động hoặc chế độ ăn ít carbohydrate và acid folic. 

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc Tật tai nhỏ?

Dị tật tai nhỏ không phải bệnh lý di truyền. Con bạn có thể mắc tật tai nhỏ dù trong nhà không có ai mắc bệnh này. Bệnh dường như xảy ra ngẫu nhiên và thậm chí người ta quan sát thấy trên một cặp song sinh một đứa mắc bệnh còn đứa còn lại thì không.

Mặc dù tật tai nhỏ không liên quan đến di truyền nhưng một tỷ lệ nhỏ các trường hợp tật tai nhỏ được thấy có liên quan đến di truyền, xảy ra qua nhiều thế hệ. Những bà mẹ có một đứa con sinh ra mắc dị tật tai nhỏ có nguy cơ sinh đứa con khác cũng mắc dị tật tai nhỏ tăng nhẹ (khoảng 5 phần trăm).

Tật tai nhỏ thường xảy ra ở trẻ nam hơn và nguy cơ mắc bệnh cao hơn ở người châu Á - Thái Bình Dương và người gốc Tây Ban Nha.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải Tật tai nhỏ

Một số yếu tố nguy cơ đã được xác định đối với tật tai nhỏ bao gồm:

  • Sử dụng thuốc trị mụn trứng cá chứa isotretinoin khi mang thai (chất này được thấy gây ra nhiều bất thường bẩm sinh bao gồm cả tật tai nhỏ).
  • Mẹ mắc bệnh đái tháo đường trước khi mang thai. Người ta nhận thấy những bà mẹ mắc bệnh đái tháo đường có nguy cơ sinh con mắc tật tai nhỏ cao hơn những người khác.
  • Chế độ ăn uống của mẹ khi đang mang thai như ăn ít carbohydrate và acid folic có thể tăng nguy cơ sinh con mắc dị tật tai nhỏ hơn so với những phụ nữ mang thai khác.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán Tật tai nhỏ

Bác sĩ Nhi khoa có thể chẩn đoán dị tật tai nhỏ thông qua quan sát. Để xác định mức độ nghiêm trọng, bác sĩ sẽ yêu cầu khám chuyên khoa tai mũi họng và kiểm tra thính giác với bác sĩ thính học nhi khoa.

Chuyên gia về thính học sẽ đánh giá mức độ khiếm thính của con bạn và bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng sẽ xác nhận xem ống tai của con bạn có hay không. Ngoài ra bác sĩ tai mũi họng còn có thể tư vấn cho bạn về các lựa chọn hỗ trợ thính giác hay phẫu thuật tái tạo.

Vì tật tai nhỏ có thể xảy ra cùng với các tình trạng di truyền hoặc khuyết tật bẩm sinh khác nên bác sĩ nhi khoa có thể sẽ cần loại trừ các chẩn đoán khác.

TẬT TAI NHỎ 4.jpg
Khám thính lực cho trẻ bởi bác sĩ chuyên khoa

Phương pháp điều trị Tật tai nhỏ

Việc điều trị cho trẻ mắc tật tai nhỏ tùy thuộc vào loại hoặc mức độ nghiêm trọng của tình trạng này. Việc điều trị thêm có thể cần thiết nếu trẻ có các dị tật bẩm sinh khác. Nếu không mắc các bệnh lý khác, trẻ bị tật tai nhỏ có thể phát triển bình thường và có cuộc sống khỏe mạnh.

Ngoại khoa

Phẫu thuật được sử dụng để tái tạo lại tai ngoài. Thời gian phẫu thuật phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của khiếm khuyết và đột tuổi của trẻ. Phẫu thuật thường được thực hiện ở độ tuổi từ 4 đến 10.

Phẫu thuật tạo hình vành tai bằng sụn sườn

Sụn sườn được lấy từ lồng ngực của trẻ và được sử dụng để tạo hình cho tai. Sụn sườn này sẽ được cấy dưới da tai. Sau khi sụn mới được gắn hoàn toàn vào vị trí, các cuộc phẫu thuật bổ sung và ghép da sẽ giúp định vị tai tốt hơn. Phẫu thuật tạo hình vành tai bằng sụn sườn thường được khuyến khích cho trẻ từ 8 đến 10 tuổi. Con bạn có thể phải trải qua hai đến bốn cuộc phẫu thuật trong thời gian từ vài tháng đến một năm.

Sụn sườn rất chắc và bền và khi lấy sụn sườn của chính con bạn thì khả năng đào thải của cơ thể sẽ thấp hơn. Nhược điểm của phẫu thuật này là gây đau và có thể để lại sẹo tại vị trí cấy ghép. Sụn sườn dùng để cấy ghép sẽ có cảm giác chắc và cứng hơn so với sụn tai.

Phẫu thuật tạo hình vành tai Medpor

Phẫu thuật này liên quan đến việc sử dụng một vật liệu tổng hợp để cấy ghép chứ không phải sụn sườn. Trẻ từ 3 tuổi có thể được điều trị bằng phương pháp phẫu thuật này một cách an toàn. Kết quả của phương pháp này phù hợp với tai của trẻ hơn so với cấy ghép sụn sườn. Con bạn chỉ cần một cuộc phẫu thuật nhằm lấy mô da đầu che phủ vật liệu cấy ghép.

Tuy nhiên, phẫu thuật Medpor có nguy cơ cao gây nhiễm trùng và mất mô cấy cao hơn do chấn thương hoặc nó không gắn liền với mô xung quanh. Phương pháp phẫu thuật này ít được đề xuất hơn.

TẬT TAI NHỎ 6.jpg
Phẫu thuật tạo hình vành tai Medpor

Thiết bị trợ thính được cấy ghép bằng phẫu thuật

Nếu thính giác của con bạn bị ảnh hưởng bởi tật tai nhỏ, trẻ có thể được cấy ốc tai điện tử ở xương phía sau và phía trên tai. Sau khi vết thương lành, con bạn sẽ nhận được một bộ xử lý giúp con bạn nghe được những rung động âm thanh bằng cách kích thích các dây thần kinh ở tai trong.

Một số tác dụng không mong muốn có thể xuất hiện:

  • Ù tai;
  • Tổn thương thần kinh;
  • Mất thính lực (điếc);
  • Chóng mặt;
  • Rò rỉ dịch não tủy (chất lỏng bao quanh não);
  • Con bạn cũng có nguy cơ bị nhiễm trùng da xung quanh vị trí cấy ghép.
TẬT TAI NHỎ 5.jpg
Cấy ghép thiết bị trợ thính

Nội khoa

Một số gia đình lựa chọn không can thiệp phẫu thuật. Nếu con bạn là trẻ sơ sinh, phẫu thuật tạo hình tai sẽ không được chỉ định. Nếu bạn thấy các phương pháp phẫu thuật không phù hợp, bạn có thể đợi đến khi trẻ lớn hơn mới thực hiện.

Một số trẻ sinh ra mắc tật tai nhỏ có thể sử dụng thiết bị trợ thính không phẫu thuật. Đặc biệt nếu con bạn còn quá nhỏ để phẫu thuật và tùy thuộc vào mức độ dị tật tai nhỏ mà bác sĩ sẽ xác định con bạn có phù hợp với thiết bị này hay không.

Tai giả

Tai giả có thể nhìn rất thật và được đeo bằng chất kết dính hoặc thông qua hệ thống neo được cấy ghép bằng phẫu thuật. Phương pháp này thường được chỉ định cho những trẻ chưa đủ điều kiện để phẫu thuật tạo hình hoặc tạo hình không thành công.

Tuy nhiên một số trẻ có thể không thích việc sử dụng bộ phận giả có thể tháo rời. Một số trẻ có thể nhạy cảm và dị ứng với chất kết dính. Hệ thống neo được cấy ghép có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng da cho con bạn. Ngoài ra tai giả cần phải được bảo trì theo thời gian.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của Tật tai nhỏ

Chế độ sinh hoạt:

  • Tuân thủ dặn dò của bác sĩ.
  • Gia đình cần dành thời gian chia sẻ và lắng nghe con mình để có thể hiểu được tâm tư và những khó khăn của trẻ.
  • Hãy để trẻ sinh hoạt, vui chơi như những đứa trẻ khác.
  • Đừng cấm cản trẻ quá nhiều, ưu tiên những hoạt động giúp ích cho sự phát triển và hòa nhập của trẻ.
TẬT TAI NHỎ 7.jpg
Hãy để trẻ được tự do vui chơi

Chế độ dinh dưỡng:

Bổ sung đầy đủ dinh dưỡng có ích cho sự phát triển toàn diện của trẻ. Không cần kiêng cữ thực phẩm nào, ưu tiên các thức ăn lành mạnh cho trẻ.

Phòng ngừa Tật tai nhỏ

Không có cách để phòng ngừa tật tai nhỏ cho trẻ. Nhưng bạn có thể tránh một số loại thuốc trong thời gian mang thai như isotretinoin. Bổ sung đầy đủ carbohydrate và acid folic trong thời gian mang thai có thể làm giảm nguy cơ mắc tật tai nhỏ cho con bạn. 

Nguồn tham khảo
  1. Microtia: https://www.healthline.com/health/microtia
  2. Anotia / Microtia: https://www.cdc.gov/ncbddd/birthdefects/anotia-microtia.html
  3. Microtia: https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/21063-microtia 
  4. Ear Defects - Children's Health Issues: https://www.msdmanuals.com/home/children-s-health-issues/birth-defects-of-the-face,-bones,-joints,-and-muscles/ear-defects
  5. What Is Microtia? Pictures, Types, Treatment, and Surgery: https://www.healthline.com/health/microtia