Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Đau hốc mắt là gì? Nguyên nhân, điều trị và phòng ngừa đau hốc mắt

Ngày 07/09/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Đau hốc mắt có thể bị ở một hoặc cả hai mắt. Bạn có thể bị đau hốc mắt vì những nguyên nhân như chấn thương, viêm và nhiễm trùng. Việc điều trị tùy thuộc vào nguyên nhân gây đau hốc mắt và có thể bao gồm thuốc nhỏ mắt, che chắn mắt hoặc phẫu thuật.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Đau hốc mắt là gì?

Đôi mắt được hình thành và tồn tại từ khi sinh ra cho đến tuổi già, vì vậy với cấu tạo mỏng manh của nó cần phải được bảo vệ. Hốc mắt giữ nhiệm vụ này, nó giúp che chắn và cố định cho nhãn cầu.

Các dấu hiệu nhìn thấy bên ngoài đi kèm với tình trạng đau hốc mắt có thể như mắt bị bầm tím, sưng tấy, phồng lên (lồi mắt) hoặc mắt trũng, củng mạc mắt đỏ. Các triệu chứng thường xuất hiện như mờ mắt, tê, hạn chế cử động mắt, nhạy cảm với ánh sáng (sợ ánh sáng) hoặc buồn nôn.

Đau hốc mắt có thể đến từ:

  • Bề mặt của mắt (đau mắt): Mắt của bạn có thể bị đỏ, chảy nước, nóng rát, ngứa hoặc kích ứng. Bất kỳ nguyên nhân nào cũng có thể gây đau mắt, từ khô mắt, mỏi mắt và đau mắt đỏ (viêm kết mạc) đến xước giác mạc, tiếp xúc với hóa chất, viêm mống mắt...
  • Bên dưới mắt: Bạn có thể bị nhìn đôi hoặc cảm giác như bị dao đâm, đau nhói hoặc tăng nhãn áp. Các nguyên nhân có thể gây đau quanh hốc mắt bao gồm đau nửa đầu, đau răng, viêm xoang, xuất huyết thủy tinh thể và liệt cơ mắt, cùng nhiều nguyên nhân khác.

Đau ở một hoặc cả hai hốc mắt thường gặp nhất là do chấn thương, đặc biệt là do gãy hốc mắt. Va chạm xe cơ giới, vô tình bị ngã hoặc bị một quả bóng chày đập mạnh vào mặt đều có thể gây chấn thương hốc mắt. Tai nạn chiếm 85% các trường hợp chấn thương mắt.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của đau hốc mắt

Trong hầu hết các trường hợp, cơn đau không quá nghiêm trọng khiến mọi người khó có thể nhận biết được điều gì đang xảy ra với mắt của mình. Nhưng có một số triệu chứng có thể giúp bạn tìm ra nguyên nhân thực sự.

Mắt trở nên nhạy cảm với ánh sáng, đôi khi chảy nước mắt sống và trong một số trường hợp, bị song thị (nhìn đôi).

Đau hốc mắt cũng có thể dẫn đến đau đầu dữ dội và đôi khi có vết đỏ xuất hiện ở phần lòng trắng của mắt.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu bạn cảm thấy đau hoặc khó chịu dữ dội kéo dài ở hốc mắt, hãy đến gặp bác sĩ nhãn khoa để được thăm khám và chẩn đoán. Bất kỳ tổn thương nào đối với mô mềm trong hốc mắt phải được theo dõi hoặc điều trị.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến đau hốc mắt

Sau đây là những tình trạng và bệnh phổ biến nhất có thể gây đau hốc mắt:

Bệnh tăng nhãn áp: Tăng nhãn áp là một bệnh do tăng áp lực nội nhãn. Loại bệnh tăng nhãn áp phổ biến nhất là tăng nhãn áp góc mở, thường không gây đau đớn. Trong khi đó thì tăng nhãn áp góc đóng hiếm gặp hơn, khởi phát nhanh và nguy hiểm, có thể gây đỏ, đau dữ dội và mất thị lực.

Viêm mống mắt: Viêm mống mắt là một tình trạng hiếm gặp, trong đó mống mắt bị viêm. Các triệu chứng bao gồm đau hốc mắt, giảm thị lực, đỏ mắt và nhạy cảm với ánh sáng.

Đau nửa đầu, đau đầu dạng căng thẳng, đau đầu cụm: Cả ba loại đau đầu này đều có thể tạo ra cảm giác đau bắt nguồn từ phía sau mắt. Lưu ý rằng chứng đau nửa đầu ở mắt khác với chứng đau mắt do đau nửa đầu; chứng đau nửa đầu ở mắt thường kéo dài từ 30 phút đến một giờ và có thể dẫn đến mất thị lực tạm thời hoặc mù một mắt.

Đau hốc mắt là gì? Nguyên nhân, điều trị và phòng ngừa đau hốc mắt 4
Đau đầu dạng căng thẳng có thể là nguyên nhân của đau hốc mắt

Viêm thần kinh thị: Viêm dây thần kinh thị giác là tình trạng viêm và/hoặc nhiễm trùng dây thần kinh dẫn truyền giữa mắt với não. Cơn đau do viêm dây thần kinh thị giác thường tăng lên khi cử động mắt. Người bệnh cũng có thể bị mất thị lực tạm thời và đau đầu.

Viêm mô tế bào hốc mắt: Viêm mô tế bào hốc mắt là một bệnh nhiễm trùng bên trong hốc mắt của bạn. Nó có thể xảy ra sau chấn thương mắt, phẫu thuật mắt hoặc do nhiễm trùng lây lan từ các bộ phận khác trên cơ thể (đặc biệt là răng và xoang). Viêm mô tế bào hốc mắt gây đỏ, đau, sưng, tiết dịch, sốt và có thể dẫn đến mất thị lực vĩnh viễn nếu không được điều trị sớm.

Viêm xoang/nhiễm trùng xoang: Bệnh xoang cũng có thể gây đau hốc mắt hoặc đau mắt. Sự tắc nghẽn và viêm liên quan đến nhiễm trùng xoang có thể dẫn đến tăng áp lực trong xoang, sau đó đau lan ra vùng mắt của bạn.

Đau răng: Đau răng có thể gây ra đau đầu và đau hốc mắt do cơn đau lan theo các đường dẫn truyền thần kinh chạy khắp khuôn mặt của bạn (đặc biệt là dây thần kinh sinh ba).

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải đau hốc mắt

Mọi người có thể có nguy cơ bị đau hốc mắt. Tuy nhiên, một số nhóm người có nguy cơ cao hơn bao gồm:

  • Người bị chấn thương hoặc va đập vào vùng mắt: Những người đã trải qua chấn thương hoặc va đập vào vùng mắt có thể gặp nguy cơ cao hơn bị đau hốc mắt. Điều này có thể bao gồm tai nạn giao thông, tai nạn thể thao, va chạm trong hoạt động hàng ngày hoặc bất kỳ sự va chạm mạnh nào vào vùng mắt.
  • Người mắc các bệnh lý mắt: Các bệnh lý mắt như viêm kết mạc, viêm nhiễm.
  • Người mắc các bệnh lý khác: Một số bệnh lý như viêm xoang, viêm họng, viêm amidan, viêm nha chu, viêm mũi dị ứng hoặc các bệnh lý nhiễm trùng khác.
  • Người mắc các bệnh lý mạn tính: Các bệnh lý mạn tính như viêm khớp, bệnh tự miễn (như bệnh lupus), và các bệnh lý viêm nhiễm khác.
  • Người có tiền căn viêm nhiễm vùng mắt: Những người đã từng mắc các viêm nhiễm vùng mắt trước đây, chẳng hạn như viêm kết mạc mạn tính, có thể có nguy cơ cao bị đau hốc mắt.
Đau hốc mắt là gì? Nguyên nhân, điều trị và phòng ngừa đau hốc mắt 5
Người có tiền căn viêm nhiễm vùng mắt có nguy cơ bị đau hốc mắt cao hơn

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải đau hốc mắt

Ngoài ra, nguy cơ bị đau hốc mắt cũng có thể tăng trong trường hợp của những người làm việc trong môi trường có yếu tố nguy hiểm, như làm việc với hóa chất, bụi, ánh sáng mạnh hoặc các tác nhân gây kích ứng khác.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán đau hốc mắt

Để xác định nguyên nhân gây đau hốc mắt, các phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán sau đây có thể được sử dụng:

Bệnh sử, tiền căn và khám lâm sàng: Bác sĩ sẽ khai thác tiền căn, bệnh sử chi tiết từ bạn và tiến hành thăm khám lâm sàng để thu thập thông tin về triệu chứng, thời gian xuất hiện và tính chất của đau hốc mắt. Họ cũng sẽ kiểm tra mắt, vùng xung quanh và các dấu hiệu bất thường khác.

Kiểm tra tầm nhìn: Kiểm tra tầm nhìn sẽ được thực hiện để đánh giá thị lực và khả năng di chuyển của mắt.

Xét nghiệm nước mắt: Nếu có nghi ngờ về viêm nhiễm, bác sĩ có thể thu mẫu nước mắt để xét nghiệm yếu tố vi khuẩn, virus hoặc tìm hiểu về các thành phần trong đó.

Xét nghiệm hình ảnh học: Bác sĩ có thể đề nghị hình ảnh học để tạo ra hình ảnh chi tiết vùng mắt và xác định bất thường. Các phương pháp chẩn đoán hình ảnh có thể bao gồm siêu âm, chụp cắt lớp (CT scan) hoặc cộng hưởng từ (MRI).

Xét nghiệm máu: Xét nghiệm máu có thể được đề nghị để kiểm tra các chỉ số viêm nhiễm, khả năng đông máu, các yếu tố miễn dịch và các chỉ số khác để xác định nguyên nhân gây đau hốc mắt.

Đau hốc mắt là gì? Nguyên nhân, điều trị và phòng ngừa đau hốc mắt 6
Bác sĩ thực hiện thăm khám mắt cho người bệnh đau hốc mắt

Phương pháp điều trị đau hốc mắt hiệu quả

Điều trị đau hốc mắt tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra cơn đau.

Trong nhiều trường hợp nói trên, việc dùng thuốc giảm đau như ibuprofen hoặc acetaminophen, có thể giúp giảm bớt hoặc loại bỏ cơn đau. Phương pháp này đặc biệt hiệu quả nếu đau hốc mắt là do đau đầu dạng căng thẳng, đau đầu cụm hoặc đau nửa đầu.

Đối với bệnh tăng nhãn áp, điều trị bao gồm việc giảm áp lực ở vùng mắt. Điều này có thể được thực hiện thông qua việc sử dụng một số loại thuốc nhỏ, phẫu thuật hoặc liệu pháp laser (sử dụng tia laser để làm giảm áp lực).

Viêm xoang đôi khi không được điều trị vì nhiễm trùng sẽ tự khỏi trong nhiều trường hợp. Để giảm bớt cơn đau trong lúc này, bạn có thể:

  • Đặt một miếng gạc ấm lên mũi và trán.
  • Sử dụng thuốc thông mũi hoặc thuốc xịt mũi để giúp giảm triệu chứng tắc nghẽn.
  • Xông mũi để giúp làm sạch xoang.
  • Dùng thuốc giảm đau.

Trong trường hợp nặng, nhiễm trùng xoang cần được điều trị bằng kháng sinh.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của đau hốc mắt

Chế độ sinh hoạt:

  • Nghỉ ngơi: Hãy cung cấp đủ thời gian nghỉ ngơi cho mắt. Tránh căng thẳng mắt và đảm bảo có đủ giấc ngủ hàng đêm.
  • Ánh sáng và màn hình: Tránh tiếp xúc với ánh sáng mạnh và màn hình điện tử (máy vi tính, điện thoại di động, máy tính bảng) trong thời gian dài. Nếu không thể tránh được, hãy sử dụng bộ lọc ánh sáng xanh và thực hiện các giải pháp bảo vệ mắt (như sử dụng kính chống tia UV).
  • Giảm căng thẳng mắt: Tránh làm việc trong môi trường ánh sáng yếu hoặc không đủ, và hạn chế thời gian nhìn vào các đối tượng gần (như đọc sách, xem TV) trong thời gian dài. Hãy thực hiện các bài tập mắt và nghỉ ngơi mắt đều đặn.
  • Bảo vệ mắt: Sử dụng kính mắt bảo vệ khi tiếp xúc với các yếu tố nguy hiểm như bụi, hóa chất, hoặc tác động vật lý. Đảm bảo vệ sinh tốt cho kính mắt và thay đổi kính mắt thường xuyên nếu cần.
  • Chườm lạnh: Đặt một khăn mỏng, sạch và lạnh lên mắt trong vài phút để giảm sưng và giảm đau.
  • Điều chỉnh môi trường: Đảm bảo môi trường xung quanh bạn thông thoáng, đủ độ ẩm và không bị kích ứng.
  • Điều chỉnh công việc: Nếu công việc của bạn đòi hỏi sử dụng mắt nhiều hoặc tiếp xúc với các yếu tố nguy hiểm cho mắt, hãy xem xét điều chỉnh công việc hoặc sử dụng các biện pháp bảo vệ mắt thích hợp.
Đau hốc mắt là gì? Nguyên nhân, điều trị và phòng ngừa đau hốc mắt 7
Người bị đau hốc mắt nên cung cấp đủ thời gian nghỉ ngơi cho mắt

Chế độ dinh dưỡng:

  • Tránh các chất kích thích: Hạn chế tiếp xúc với các chất kích thích như thuốc lá, bia rượu, và các chất gây kích ứng khác, vì chúng có thể làm tăng triệu chứng đau hốc mắt.
  • Ăn uống lành mạnh: Bổ sung chế độ ăn uống lành mạnh và giàu chất dinh dưỡng, bao gồm các loại thực phẩm giàu vitamin A, C và E, omega-3, và các chất chống oxy hóa. Điều này có thể giúp duy trì sức khỏe mắt và giảm nguy cơ viêm nhiễm.

Lưu ý rằng đây chỉ là một số gợi ý chung và tùy thuộc vào nguyên nhân gây đau hốc mắt cụ thể của bạn, bác sĩ có thể đưa ra các hướng dẫn và lời khuyên riêng về chế độ sinh hoạt, dinh dưỡng phù hợp.

Phương pháp phòng ngừa đau hốc mắt hiệu quả

Để phòng ngừa đau hốc mắt, bạn có thể áp dụng các phương pháp sau đây:

  • Nghỉ mắt định kỳ: Khi làm việc lâu trên màn hình hoặc ánh sáng tác động mạnh, hãy tạo khoảng thời gian ngắn để mắt nghỉ ngơi. Nhìn xa và di chuyển mắt để giảm căng thẳng và đau hốc mắt.
  • Đảm bảo ánh sáng phù hợp: Sử dụng ánh sáng tự nhiên hoặc ánh sáng không chói để làm việc. Tránh ánh sáng mạnh và chói gắt, đặc biệt là từ màn hình điện tử.
  • Điều chỉnh màn hình: Đảm bảo màn hình máy tính hoặc các thiết bị điện tử khác được đặt ở một khoảng cách và góc nhìn phù hợp để giảm căng thẳng mắt.
  • Sử dụng bộ lọc ánh sáng xanh: Các bộ lọc ánh sáng xanh có thể giúp giảm tác động của ánh sáng xanh từ màn hình điện tử, giảm căng thẳng mắt và đau hốc mắt.
  • Bảo vệ mắt khi ra ngoài: Khi ra ngoài trong ánh sáng mặt trời, hãy đảm bảo sử dụng kính râm chống tia UV để bảo vệ mắt khỏi tác động của ánh sáng mạnh.
  • Thực hiện bài tập mắt: Thực hiện các bài tập mắt đơn giản như xoay mắt, nhìn xa và gần, nhắm mắt và nhấp nháy để giảm căng thẳng.
  • Bảo vệ mắt khỏi tác động môi trường: Đeo kính bảo hộ khi làm việc trong môi trường có nguy cơ tổn thương mắt như làm việc với hóa chất, bụi hoặc tác động vật lý.
  • Đảm bảo chế độ dinh dưỡng lành mạnh: Bổ sung chế độ ăn uống giàu vitamin A, C, E và các chất chống oxy hóa khác để duy trì sức khỏe mắt. Đồng thời, giữ cho cơ thể cung cấp đủ nước để duy trì độ ẩm mắt.
  • Kiểm tra thường xuyên: Định kỳ kiểm tra mắt với bác sĩ chuyên khoa để phát hiện sớm và điều trị các vấn đề liên quan đến mắt, giúp phòng ngừa và quản lý đau hốc mắt hiệu quả
Nguồn tham khảo
  • Eye Pain: https://www.msdmanuals.com/home/eye-disorders/symptoms-of-eye-disorders/eye-pain
  • Causes, treatments, and more for pain behind the eye: https://www.medicalnewstoday.com/articles/pain-behind-eye
  • What You Need to Know About Eye Pain: https://www.healthline.com/health/eye-pain
  • Causes of Pain in the Eye Socket and Brow Bone: https://www.verywellhealth.com/eyebrow-pain-5216777
  • Eye Pain: What Are the Causes?: https://www.webmd.com/eye-health/eye-pain-causes-symptoms-diagnosis-treatment

Các bệnh liên quan

  1. Quáng gà

  2. Lác mắt

  3. Viêm thần kinh thị giác

  4. liệt dây thần kinh số 4

  5. Dị ứng mắt

  6. Lông quặm

  7. Giác mạc hình chóp

  8. Bệnh võng mạc tiểu đường

  9. Xuất huyết dưới kết mạc

  10. Khô mắt