Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Cơn thiếu máu não cục bộ thoáng qua là gì? Nó nguy hiểm đến sức khỏe như thế nào?

Ngày 17/08/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Cơn thiếu máu não cục bộ thoáng qua, thường được gọi là một cơn đột quỵ nhỏ (ministroke), xảy ra khi não bị thiếu máu tạm thời. Điều này gây ra các triệu chứng giống như đột quỵ và thường hết trong vòng 24 giờ.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Cơn thiếu máu não cục bộ thoáng qua là gì?

Cơn thiếu máu não cục bộ thoáng qua (TIA), là sự tắc nghẽn tạm thời lưu lượng máu đến não. Các triệu chứng của cơn thiếu máu não cục bộ thoáng qua sẽ giống như một cơn đột quỵ, nhưng kéo dài trong thời gian ngắn, và hồi phục hoàn toàn trong vòng 24 giờ.

Nguyên nhân dẫn đến cơn thiếu máu não cục bộ thoáng qua là do cục máu đông hoặc mảng xơ vữa chặn nguồn cung cấp máu trong não. Khi cục máu đông di chuyển, các triệu chứng sẽ biến mất.

Do đó, bạn có thể thấy mình ổn vì hết toàn toàn triệu chứng. Tuy nhiên, điều quan trọng khi TIA chính là một cảnh báo rằng bạn có thể có nguy cơ mắc đột quỵ. Nên dù hết triệu chứng hay không, bạn cũng nên liên hệ ngay với cơ sở y tế để có thể được tư vấn và điều trị phù hợp.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của cơn thiếu máu não cục bộ thoáng qua

Các triệu chứng của cơn thiếu máu não cục bộ thoáng qua thường xảy ra đột ngột, tương tự như các triệu chứng của đột quỵ nhưng không kéo dài. Hầu hết các triệu chứng của cơn thiếu máu não cục bộ thoáng qua sẽ biến mất trong vòng 1 giờ, hoặc có thể tồn tại nhưng không quá 24 giờ. Các triệu chứng có thể bao gồm:

  • Tê hoặc yếu ở mặt, cánh tay hoặc chân, đặc biệt là một bên cơ thể;
  • Nhìn khó ở một hoặc cả hai mắt;
  • Khó nói;
  • Khó nuốt;
  • Lú lẫn;
  • Không hiểu lời nói;
  • Chóng mặt;
  • Đau đầu không rõ nguyên nhân;
  • Đi lại khó khăn;
  • Mất thăng bằng và phối hợp.

Biến chứng có thể gặp khi mắc cơn thiếu máu não cục bộ thoáng qua

Mặc dù cơn thiếu máu não cục bộ thoáng qua không gây ra tổn thương vĩnh viễn, nhưng đây là một dấu hiệu cảnh báo, có thể báo hiệu cho một cơn đột quỵ thật sự. Nguy cơ dẫn đến đột quỵ lớn nhất trong những ngày và tuần đầu tiên sau khi mắc TIA. Và khoảng ⅓ người bị TIA sẽ mắc đột quỵ cấp tính trong tương lai. Do đó, khi nhận thấy các triệu chứng, hãy đến ngay cơ sở y tế để tìm kiếm sự trợ giúp, ngay cả khi các triệu chứng có biến mất đi chăng nữa.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Bởi vì không có cách nào để biết liệu các triệu chứng là do cơn thiếu máu não cục bộ thoáng qua hay là do đột quỵ cấp tính. Do đó, tất cả các triệu chứng giống đột quỵ đều nên được xem là một tình trạng khẩn cấp, không nên chờ xem có biến mất hay không. Tốt nhất hãy liên hệ cấp cứu ngay nếu bạn hoặc người thân có bất kỳ triệu chứng nào nghi ngờ đột quỵ hoặc ngay cả khi triệu chứng đã biến mất.

Cơn thiếu máu não cục bộ thoáng qua là gì? Nó nguy hiểm đến sức khỏe như thế nào? 4
Cần gặp bác sĩ khi có triệu chứng nghi ngờ đột quỵ như méo mặt, yếu tay, khó nói

Đồng thời, nếu bạn cho rằng mình đã từng bị TIA trước đây nhưng hiện tại đã không còn các triệu chứng và tại thời điểm đó bạn cũng chưa đến khám hay nhận sự điều trị nào, hãy đến gặp bác sĩ ngay để có thể được điều trị phù hợp, dự phòng đột quỵ trong tương lai.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến cơn thiếu máu não cục bộ thoáng qua

Nguyên nhân dẫn đến cơn thiếu máu não cục bộ thoáng qua là một trong số các mạch máu cung cấp oxy cho não bị tắc nghẽn. Sự tắc nghẽn này thường do cục máu đông hình thành ở nơi khác trong cơ thể và di chuyển đến các mạch máu não, đây là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến TIA. 

Cơn thiếu máu não cục bộ thoáng qua là gì? Nó nguy hiểm đến sức khỏe như thế nào? 5
Sự tắc nghẽn mạch máu não do cục máu đông là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến TIA

Đôi khi, mảng xơ vữa bám trong lòng động mạch nứt vỡ và di chuyển đến mạch máu não và gây tắc nghẽn, đây cũng là một nguyên nhân của TIA.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc cơn thiếu máu não cục bộ thoáng qua?

Bất cứ ai cũng có thể bị cơn thiếu máu não cục bộ thoáng qua, nhưng nguy cơ tăng theo độ tuổi. Tỷ lệ này tăng gấp đôi mỗi 10 năm ở nhóm đối tượng trên 55 tuổi. Những người gốc Á, Phi và Caribe cũng là đối tượng có nguy cơ mắc TIA cao hơn.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc cơn thiếu máu não cục bộ thoáng qua

Một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc TIA bao gồm:

  • Hút thuốc lá;
  • Tăng huyết áp;
  • Béo phì;
  • Tăng cholesterol;
  • Xơ vữa động mạch;
  • Uống quá nhiều rượu;
  • Bệnh tim (rung nhĩ);
  • Đái tháo đường.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán cơn thiếu máu não cục bộ thoáng qua

Bác sĩ có thể thực hiện hỏi bệnh sử và tiền căn, khám lâm sàng và đưa ra các xét nghiệm để chẩn đoán cơn thiếu máu não cục bộ thoáng qua, các hành động đó có thể bao gồm:

  • Hỏi bệnh: Bác sĩ có thể hỏi về các thay đổi bạn có như triệu chứng về vận động, về cảm giác, hành vi, trí nhớ, các triệu chứng khó nói, khó nuốt, chóng mặt, nhức đầu hay bất kỳ thay đổi nào xuất hiện ở bạn. Bác sĩ sẽ khai thác kỹ hơn về đặc điểm các triệu chứng của bạn như thời điểm khởi phát, vị trí, cường độ của các triệu chứng. Bác sĩ cũng có thể hỏi về tiền căn đột quỵ hay TIA trước đây của bạn.
  • Khám bệnh: Bác sĩ sẽ khám để đánh giá toàn diện và đánh giá các triệu chứng của bạn. Việc thăm khám có thể bao gồm kiểm tra nhiệt độ, huyết áp, nhịp tim, nhịp thở, độ bão hòa oxy. Đặc biệt, mục tiêu của việc thăm khám để phát hiện các khiếm khuyết thần kinh, bác sĩ có thể thực hiện khám các dây thần kinh sọ, khám vận động, cảm giác, khám về khôn ngữ và trí nhớ để có thể đưa ra chẩn đoán phù hợp.
  • Hình ảnh học sọ não: Trong vòng 24 giờ từ khi khởi phát triệu chứng, các hình ảnh học nên được thực hiện là chụp cộng hưởng từ (MRI) sọ não hay chụp cắt lớp vi tính (CT scan) sọ não nếu không có MRI.
  • Hình ảnh học mạch máu: Các hình ảnh học mạch máu cho TIA bao gồm siêu âm doppler động mạch cảnh, chụp CT mạch máu (CTA) hay chụp cộng hưởng từ mạch máu (MRA).
  • Xét nghiệm: Bạn có thể được thực hiện các xét nghiệm như kiểm tra đường huyết, công thức máu, điện giải đồ, kiểm tra mỡ máu, kiểm tra đông máu và điện tâm đồ.
Cơn thiếu máu não cục bộ thoáng qua là gì? Nó nguy hiểm đến sức khỏe như thế nào? 6
Bạn có thể được đo điện tim để chẩn đoán nguyên nhân có phải từ tim hay không

Phương pháp điều trị cơn thiếu máu não cục bộ thoáng qua

Mặc dù các triệu chứng của cơn thiếu máu não cục bộ thoáng qua sẽ hết trong vài phút hoặc vài giờ, nhưng bạn cần được điều trị để ngăn ngừa các cơn TIA khác hoặc ngừa đột quỵ thực sự xảy ra trong tương lai. Bạn có thể nhận được lời khuyên về thay đổi lối sống và cung cấp thuốc để điều trị nguyên nhân gây ra TIA. Các điều trị có thể bao gồm:

Thuốc kháng kết tập tiểu cầu

Thuốc làm giảm khả năng kết dính lại của tiểu cầu, từ đó ngăn ngừa hình thành cục máu đông, các loại thuốc này bao gồm:

  • Aspirin;
  • Clopidogrel;
  • Prasugrel;
  • Aspirin-dipyridamole.

Thuốc kháng đông

Những thuốc này ngăn ngừa cục máu đông bằng cách nhắm vào các protein gây đông máu, bao gồm các loại thuốc sau:

  • Warfarin;
  • Rivaroxaban;
  • Apixaban.

Can thiệp động mạch xâm lấn tối thiểu

Đây là một thủ thuật liên quan đến việc tiếp cận động mạch bằng ống thông để cải thiện động mạch bị hẹp, từ đó cải thiện lưu lượng máu đến não.

Phẫu thuật

Trong một số trường hợp, bạn cần phải phẫu thuật để ngăn ngừa đột quỵ trong tương lai. Nếu bạn bị hẹp động mạch cảnh nghiêm trọng mà không thể nong hay đặt stent, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật để cắt bỏ nội mạc động mạch cảnh.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của cơn thiếu máu não cục bộ thoáng qua

Chế độ sinh hoạt:

Những thay đổi trong lối sống để giúp bạn hạn chế diễn tiến cơn thiếu máu não cục bộ thoáng qua (TIA) bao gồm:

  • Tập thể dục thường xuyên.
  • Duy trì cân nặng lý tưởng hoặc giảm cân nếu bác sĩ khuyên bạn nên làm như vậy.
  • Nếu bạn hút thuốc lá, hãy bỏ thuốc. Cân nhắc việc liên hệ với bác sĩ để có thể lập kế hoạch cho việc cai thuốc lá.
  • Tránh hút thuốc thụ động khi có thể.
  • Nếu bạn uống rượu, hãy hạn chế uống.
  • Nếu bạn mắc các bệnh lý như đái tháo đường, cholesterol máu cao, tăng huyết áp hay các vấn đề sức khỏe khác, hãy đến khám để nhận được điều trị phù hợp.
  • Nếu đã được chẩn đoán TIA, bạn hãy tuân thủ theo việc điều trị của bác sĩ và tái khám thường xuyên để theo dõi, dự phòng đột quỵ thực sự trong tương lai.

Chế độ dinh dưỡng:

Chế độ ăn uống lành mạnh giúp bạn ngăn ngừa, giảm nguy cơ mắc cơn thiếu máu não cục bộ thoáng qua như:

  • Ăn một chế độ ăn giàu dinh dưỡng;
  • Tập trung và nguồn thức ăn như rau củ, trái cây, ngũ cốc;
  • Hạn chế chất béo đặc biệt là chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa;
  • Tuân thủ chế độ ăn bác sĩ đề ra nếu bạn mắc các bệnh lý như đái tháo đường, rối loạn lipid máu, tăng huyết áp.
Cơn thiếu máu não cục bộ thoáng qua là gì? Nó nguy hiểm đến sức khỏe như thế nào? 7
Hạn chế các chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa để giảm nguy cơ mắc TIA

Phương pháp phòng ngừa cơn thiếu máu não cục bộ thoáng qua hiệu quả

Như đã đề cập ở trên, để phòng ngừa cơn thiếu máu não cục bộ thoáng qua hiệu quả, dù bạn đã mắc TIA hay đột quỵ trước đây hay chưa, hãy thực hiện chế độ sinh hoạt và chế độ dinh dưỡng lành mạnh để giảm nguy cơ mắc phải TIA trong tương lai, bao gồm:

  • Duy trì cân nặng khỏe mạnh;
  • Ăn uống cân bằng lành mạnh;
  • Tập thể dục thường xuyên;
  • Hạn chế uống rượu;
  • Không hút thuốc lá.
Nguồn tham khảo
  1. Signs and Symptoms of Ministroke (TIA): https://www.healthline.com/health/stroke/signs-symptoms-tia-mini-stroke
  2. Transient Ischemic Attack (TIA): https://www.ninds.nih.gov/health-information/disorders/transient-ischemic-attack-tia
  3. Transient ischaemic attack (TIA): https://www.nhs.uk/conditions/transient-ischaemic-attack-tia/
  4. Transient Ischemic Attack (TIA): https://www.stroke.org/en/about-stroke/types-of-stroke/tia-transient-ischemic-attack
  5. Transient Ischemic Attack: https://emedicine.medscape.com/article/1910519-overview 

Các bệnh liên quan

  1. liệt dây thần kinh số 3

  2. Thiên đầu thống

  3. Ung thư răng

  4. Bệnh Marchiafava-Bignami

  5. Ung thư mũi

  6. liệt dây thần kinh khứu giác

  7. Viêm võng mạc sắc tố

  8. U xơ vòm mũi họng

  9. Bướu huyết thanh

  10. Ung thư vòm hầu