Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Tê chân là gì? Nguyên nhân và cách điều trị

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Tê chân là hiện tượng chân không có cảm giác hoặc ít cảm giác, có thể xảy ra sau chấn thương ở cột sống hoặc do các bệnh mãn tính nghiêm trọng. Cảm giác tê buốt ở trường hợp này thường kéo dài, có xu hướng phát triển theo thời gian và cần điều trị y tế sớm để tránh rủi ro. Nhiều trường hợp chỉ tạm thời hoặc kéo dài trong thời gian ngắn do khí huyết kém lưu thông và có thể tự thuyên giảm.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Tê chân là gì?

Biểu hiện tê chân là giảm hoặc mất cảm giác ở bàn chân hoặc toàn bộ chân. Điều này ảnh hưởng đến khả năng cử động của chân, khả năng giữ thăng bằng và xúc giác của người bệnh. Người bệnh có thể không cảm nhận được vị trí của bàn chân khi chạm đất.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của tê chân

  • Ngứa ran và cảm giác châm chích ở bàn chân;

  • Có cảm giác như điện giật hay kim châm;

  • Yếu chân, khó đi lại và vận động;

  • Một số trường hợp nặng, cảm giác tê buốt có thể lan sang những bộ phận khác của cơ thể, thường gặp như bàn tay, ngón tay, cẳng tay.

Tác động của tê chân đối với sức khỏe

Tê chân tuy không gây nguy hiểm tới sức khỏe nhưng người bệnh cảm thấy khó chịu và bứt rứt, giảm chất lượng cuộc sống, ảnh hưởng đến tâm lý. Nhất là khi chân hoạt động không hiệu quả và mất đi cảm giác thông thường. Ngoài ra tê chân có thể là dấu hiệu cảnh báo tổn thương dây thần kinh do các bệnh lý nguy hiểm. 

Biến chứng có thể gặp khi tê chân

Thông thường, việc không điều trị tê chân có thể gây ra những biến chứng như: Yếu cơ, teo cơ, mất khả năng vận động, rối loạn cảm giác không phục hồi, mất chức năng ruột và bàng quang, bại liệt...

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu tê chân có những tính chất sau đây bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.

  • Tê chân kéo dài trên 7 ngày;

  • Tê đột ngột không rõ nguyên nhân;

  • Tê kèm đau nhức, yếu chân, khó vận động và nhiều biểu hiện bất thường khác;

  • Mức độ tê chân tăng dần theo thời gian hoặc cảm giác tê yếu lan rộng đến nhiều bộ phận khác;

  • Khó đi lại và vận động;

  • Rối loạn cảm giác ở thắt lưng dưới và hai chân;

  • Tê chân sau một chấn thương mạnh.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến tê chân

Có nhiều nguyên nhân gây tê chân:

Nguyên nhân sinh lý: Thói quen sinh hoạt khiến mạch máu kém lưu thông (ví dụ mang vớ hoặc mặc quần quá chật), duy trì sai tư thế trong khi lao động, sinh hoạt (ví dụ ngồi chồm hổm, quỳ lâu, ngồi bắt chéo chân quá lâu...) hoặc trong khi ngủ.

Nguyên nhân bệnh lý: Bệnh lý mãn tính, bệnh về cột sống và dây thần kinh. Sau đây là một số bệnh có thể gây tê chân:

  • Thoát vị đĩa đệm;

  • Thoái hóa cột sống thắt lưng;

  • Viêm khớp;

  • Viêm đa rễ thần kinh;

  • Bệnh tiểu đường;

  • Nghiện rượu mãn tính;

  • Bệnh mạch máu ngoại vi;

  • U thần kinh Morton;

  • Hội chứng Guillain Barre;

  • Bệnh đa xơ cứng;

  • Đau thần kinh tọa;

  • Chấn thương tủy sống;

  • Bệnh Charcot - Marie-Tooth.

Một số nguyên nhân khác: Hội chứng Raymaud, bệnh lyme, bệnh Frosbite, giang mai, viêm mạch máu, đột quỵ, chấn thương não, hội chứng ống cổ chân, tác dụng phụ của thuốc điều trị ung thư, thiếu Vitamin B12, suy dinh dưỡng, stress, thiếu ngủ, tê chân do thời tiết....

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải tê chân?

Người bị tai nạn, chấn thương tủy sống;

Người nghiện rượu mãn tính;

Người bệnh đái tháo đường.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải tê chân

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ tê chân, bao gồm: Bệnh tiểu đường, sau phẫu thuật giải áp ống sống thắt lưng...

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán tê chân

Bác sĩ chuyên khoa sẽ kiểm tra tiền sử chấn thương, bệnh sử và thuốc người bệnh đang sử dụng. Sau đó, bác sĩ sẽ yêu cầu người bệnh mô tả triệu chứng, phần cơ thể bị ảnh hưởng, kiểm tra dáng đi, khả năng vận động, phản xạ của chân và triệu chứng toàn thân.

Một số kĩ thuật giúp hỗ trợ chẩn đoán bệnh gây tê chân và mức độ nghiêm trọng:

  • Chụp X - quang cột sống: Kiểm tra những bất thường ở cột sống và khả năng chèn ép dây thần kinh.

  • Chụp cộng hưởng từ (MRI): Kiểm tra được vị trí có dây thần kinh bị tổn thương và mức độ chèn ép.

  • Chụp cắt lớp vi tính (CT scan): Kiểm tra những tổn thương nhỏ khó phát hiện.

  • Điện cơ đồ (EMG): Kiểm tra mức độ phản ứng của cơ khi có các kích thích điện.

Phương pháp điều trị tê chân hiệu quả

Sau khi chẩn đoán được nguyên nhân bệnh lý gây ra tê chân, bác sĩ sẽ đưa ra chỉ định về phương pháp điều trị. Một số phương pháp có thể được chỉ định như sau:

Dùng thuốc: Thuốc dùng ngoài chứa capsaicin, miếng dán lidocain, thuốc uống chống viêm không steroid, thuốc chống co giật, thuốc chống trầm cảm, thuốc đông y, thuốc từ dược liệu....

Vật lý trị liệu, phục hồi chức năng: Một số kĩ thuật xoa bóp, bấm huyệt, điện châm, chiếu đèn hồng ngoại,... có thể hỗ trợ điều trị tê chân.

Phẫu thuật: Đây là phương pháp cần được bác sĩ ngoại khoa xem xét chỉ định, cân nhắc lợi ích và nguy cơ cho từng người bệnh.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của tê chân

Chế độ sinh hoạt:

  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị. 

  • Duy trì lối sống tích cực, hạn chế sự căng thẳng.

  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.

  • Thăm khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.

  • Bệnh nhân cần lạc quan. Tâm lý có ảnh hưởng rất lớn đến điều trị, hãy nói chuyện với những người đáng tin cậy, chia sẻ với những thành viên trong gia đình, làm bất cứ thứ gì khiến bạn thấy thoải mái.

Chế độ dinh dưỡng:

Thực phẩm giàu vitamin B12 có thể giúp cải thiện tình trạng tê chân. Những loại thực phẩm chứa nhiều vitamin B12 gồm: Trứng, sữa và sản phẩm từ sữa, cá hồi, cá ngừ, thịt bò, gan động vật, ngũ cốc.

Phương pháp phòng ngừa tê chân hiệu quả

Chưa có dữ liệu về phương pháp phòng ngừa.

Nguồn tham khảo
  1. https://ihr.org.vn/te-chan-7811.html

  2. https://doi.org/10.1016/j.clineuro.2020.105952

Các bệnh liên quan

  1. Chứng sợ khoảng rộng

  2. Bệnh Tay-Sachs

  3. Rối loạn nhân cách ranh giới

  4. Đau thần kinh tọa

  5. Động kinh thùy trán

  6. Hội chứng rối loạn cảm giác

  7. Ái kỷ

  8. Parkinson thứ phát

  9. Nghiện rượu

  10. Loạn dưỡng cơ