Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Viêm đa dây thần kinh là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị viêm đa dây thần kinh

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Viêm đa dây thần kinh là một loại bệnh lý ảnh hưởng đến nhiều dây thần kinh. Viêm đa dây thần kinh thường là do tiến trình của bệnh lý hệ thống gây tổn thương nhiều dây thần kinh, như bệnh đái tháo đường hoặc nghiện rượu.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Viêm đa dây thần kinh là gì?

Viêm đa dây thần kinh là một loại bệnh lý thần kinh ảnh hưởng đến nhiều dây thần kinh trong cơ thể.

Viêm đa dây thần kinh có thể là cấp tính hoặc mạn tính. Viêm đa dây thần kinh cấp tính diễn tiến trong vài ngày hoặc vài tuần và có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe. Viêm đa dây thần kinh mạn tính có thể không phải lúc nào cũng gây ra các triệu chứng rầm rộ lúc đầu, nhưng chúng có thể gây khó chịu và không thể hồi phục.

Chúng có thể được mô tả như sau:

  • Viêm đa dây thần kinh cấp tính: Liên quan đến các triệu chứng cảm giác và vận động, có thể xuất hiện gần như cùng lúc và tiến triển nhanh chóng.
  • Viêm đa dây thần kinh mạn tính: Diễn tiến chậm, thường gây khó chịu trước khi gây mất cảm giác hoặc yếu cơ.

Các bệnh gây ra viêm đa dây thần kinh thường gây ảnh hưởng đến các dây thần kinh ngoại biên ở khắp cơ thể, gây ra các triệu chứng như đau, giảm cảm giác và suy nhược. Phương pháp điều trị có thể bao gồm dùng thuốc để ngăn ngừa tổn thương thần kinh, vật lý trị liệu và thuốc giảm đau. Tùy thuộc vào thời điểm được chẩn đoán và điều trị, tổn thương thần kinh có thể diễn tiến chậm lại. 

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của viêm đa dây thần kinh

Chất lượng dẫn truyền kích thích bị giảm trong viêm đa dây thần kinh. Bản chất của các triệu chứng chủ yếu ảnh hưởng đến chức năng cảm giác và vận động của cơ thể. Bệnh thường bắt đầu bằng cảm giác khó chịu ở bàn chân hoặc bàn tay. Người bệnh ban đầu thường cảm thấy quá nhạy cảm với cảm giác ở chân, bàn chân, cánh tay và bàn tay.

Khi bệnh tiến triển, người bệnh sẽ cảm thấy khó chịu hơn, chẳng hạn như tê hoặc đau dữ dội mà không có tác động bên ngoài nào gây ra hiện tượng này. Cảm giác ngứa ran trên da là điển hình của tình trạng viêm dây thần kinh cảm giác. Tuy nhiên, viêm đa dây thần kinh cũng có thể biểu hiện các triệu chứng ngược lại, như dây thần kinh không còn phản ứng nhạy với áp lực, quá lạnh hoặc quá nóng.

Nói chung, cả cảm giác đau và xúc giác đều mất đi sự cân bằng tự nhiên và không còn khả năng phản ứng thích hợp với những tác động bên ngoài. Điều này làm tăng nguy cơ chấn thương do bỏng (lạnh hoặc nóng).

Bệnh thường xảy ra ở cả hai bên cơ thể, cũng có thể xảy ra không đối xứng.

Tổn thương thần kinh vận động sẽ khiến cơ bắp yếu đi và suy giảm chức năng vận động.

VDDTK4.jpeg
Người bệnh viêm đa dây thần kinh có thể cảm thấy tê, ngứa ran bàn chân

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh viêm đa dây thần kinh

Các biến chứng của viêm thần kinh ngoại biên có thể, bao gồm:

  • Bỏng, vết thương ngoài da và vết thương ở bàn chân: Người bệnh có thể không cảm nhận được sự thay đổi nhiệt độ hoặc đau ở các bộ phận cơ thể bị tê.
  • Nhiễm trùng: Bàn chân và các khu vực phân bố thần kinh bị giảm cảm giác có thể bị thương mà bạn không hề hay biết, có thể dẫn đến nhiễm trùng vết thương.
  • Té ngã: Yếu cơ và mất cảm giác có thể dẫn đến mất thăng bằng và té ngã.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Hãy đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt nếu bạn cảm thấy ngứa ran, yếu hoặc đau bất thường ở tay hoặc chân. Chẩn đoán và điều trị sớm mang lại cho bạn cơ hội tốt nhất để kiểm soát các triệu chứng và ngăn ngừa tổn thương thêm cho dây thần kinh.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến viêm đa dây thần kinh

Nhiễm trùng do virus và vi khuẩn có thể dẫn đến viêm đa dây thần kinh. Ví dụ, bệnh HIVbệnh bạch hầu hoặc bệnh Lyme. Các bệnh tự miễn cũng có thể là cơ sở cho một cuộc tấn công viêm vào các dây thần kinh. Một chế độ ăn uống không lành mạnh có thể gây căng thẳng cho toàn bộ hệ thần kinh, trong đó phải kể đến thực phẩm bị nhiễm kim loại nặng hoặc độc tố môi trường. Ví dụ, thủy ngân và chì được biết là có đặc tính gây tổn hại thần kinh, hoặc sử dụng thường xuyên một số loại thuốc như kháng sinh.

Các biện pháp điều trị chống ung thư, chẳng hạn như hóa trị, cũng có thể là nguyên nhân gây ra viêm đa dây thần kinh. Sự xâm lấn của các khối u ác tính có thể gây tổn thương nghiêm trọng đến đường dẫn truyền thần kinh.

Nếu ảnh hưởng của viêm đa dây thần kinh diễn tiến chậm nhưng liên tục thì một hoặc nhiều bệnh tiềm ẩn thường là nguyên nhân gây ra bệnh. Ví dụ, nghiện rượu nặng sẽ hạn chế chức năng giải độc của thận và gan. Thiếu hụt các vitamin hỗ trợ thần kinh như vitamin B1, B6 hoặc B12 cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh nói chung.

Yếu tố di truyền là yếu tố chính khởi phát bệnh trong khoảng 25% trường hợp.

VDDTK5.jpeg
Nhiễm độc thuỷ ngân có thể gây viêm đa dây thần kinh

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải viêm đa dây thần kinh?

  • Những người nghiện bia rượu;
  • Người phải thường xuyên tiếp xúc với chất độc hại như thủy ngân, chì,...
  • Người gặp các tai nạn giao thông, tai nạn do tập luyện thể thao hoặc các va chạm khác trong sinh hoạt hàng ngày có thể làm tổn thương hệ thống dây thần kinh ngoại biên.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải viêm đa dây thần kinh

Các yếu tố nguy cơ mắc viêm đa dây thần kinh, bao gồm:

  • Bệnh đái tháo đường: Đặc biệt nếu đường huyết của bạn không được kiểm soát tốt;
  • Nghiện rượu;
  • Lượng vitamin trong cơ thể thấp, đặc biệt là vitamin B12;
  • Nhiễm trùng, chẳng hạn như bệnh Lyme, bệnh zona, viêm gan B và C và HIV;
  • Các bệnh tự miễn, chẳng hạn như viêm khớp dạng thấp và bệnh lupus;
  • Rối loạn chức năng thận, gan hoặc tuyến giáp;
  • Phơi nhiễm độc tố;
  • Chuyển động lặp đi lặp lại, chẳng hạn như những chuyển động được thực hiện cho một số công việc nhất định;
  • Tiền sử gia đình mắc bệnh thần kinh.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán viêm đa dây thần kinh

Việc chẩn đoán viêm đa dây thần kinh bao gồm hỏi bệnh sử, khám thực thể, đôi khi là đo điện cơ hoặc xét nghiệm máu và hiếm khi là sinh thiết.

Các xét nghiệm chẩn đoán có thể bao gồm:

  • Xét nghiệm công thức máu toàn bộ để kiểm tra các dấu hiệu viêm nhiễm;
  • Xét nghiệm máu để tìm kháng thể cụ thể hoặc dấu hiệu viêm;
  • Đường huyết hoặc HbA1c để kiểm tra bệnh đái tháo đường hoặc bệnh đái tháo đường không được kiểm soát tốt;
  • Xét nghiệm chức năng gan để kiểm tra dấu hiệu bệnh gan do rượu;
  • Xét nghiệm hình ảnh học để xác định chèn ép dây thần kinh;
  • Khảo sát dẫn truyền thần kinh (NCS) và đo điện cơ (EMG) để kiểm tra chức năng thần kinh và cơ;
  • Sinh thiết thần kinh hoặc cơ để xác định các dạng bệnh bất thường.

Các xét nghiệm bổ sung khác có thể được bác sĩ chỉ định dựa trên tiền căn và khám thực thể của bạn.

Phương pháp điều trị viêm đa dây thần kinh hiệu quả

Nếu đợt bùng phát viêm đa dây thần kinh có căn bệnh tiềm ẩn dễ nhận biết, liệu pháp nhắm mục tiêu sẽ được bắt đầu để chống lại bệnh đó. Trong trường hợp này, các triệu chứng có thể sẽ thuyên giảm rõ rệt. Tùy thuộc vào nguyên nhân, mức độ nghiêm trọng và thời gian mắc bệnh thì khả năng hồi phục là khác nhau giữa những người bệnh. 

Tuy nhiên, nếu không xác định được nguyên nhân trực tiếp gây ra viêm đa dây thần kinh thì việc điều trị chủ yếu nhằm mục đích giảm bớt các triệu chứng của người bệnh.

Nếu thiếu vitamin có thể là nguyên nhân gây ra viêm đa dây thần kinh, người bệnh sẽ được chỉ định dùng các chế phẩm vitamin liều cao. Nếu bệnh tự miễn là nguyên nhân gây bệnh, liệu pháp điều trị sẽ nhằm mục đích ức chế khả năng miễn dịch của cơ thể.

Mặt khác, các bài tập vật lý trị liệu có mục tiêu có thể hữu ích trong việc tái tạo các nhóm cơ đã bị tổn thương.

Vì viêm đa dây thần kinh có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau nên điều quan trọng là bệnh phải được bác sĩ chuyên khoa điều trị. Chỉ bác sĩ mới có thể đưa ra chẩn đoán chính xác để có liệu pháp điều trị thích hợp

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của viêm đa dây thần kinh

Chế độ sinh hoạt:

Chế độ sinh hoạt cho người bệnh viêm đa dây thần kinh cần tập trung vào việc hỗ trợ sức khỏe tổng thể và giảm triệu chứng. Dưới đây là một số gợi ý chung:

  • Hỗ trợ vận động: Nếu tình trạng vận động bị ảnh hưởng, hãy gặp bác sĩ hoặc chuyên gia vật lý trị liệu để thiết kế một chương trình tập luyện nhẹ nhàng và phù hợp. Đi bộ, bơi lội, tập yoga, và các bài tập giãn cơ và tăng cường sức cơ có thể có lợi. Hãy tuân thủ chỉ dẫn của chuyên gia y tế.
  • Quản lý triệu chứng: Sử dụng các biện pháp giảm đau và giảm triệu chứng như dùng thuốc giảm đau, nhiệt, chườm lạnh, hay massage nhẹ nhàng để giảm đau và khó chịu.
  • Chăm sóc tốt cho chân tay: Đặc biệt chú trọng chăm sóc cho chân tay để hạn chế tổn thương và tránh các vấn đề phát sinh do suy giảm cảm giác và chức năng.
  • Nghỉ ngơi và giảm căng thẳng: Đảm bảo có đủ thời gian nghỉ ngơi để cơ thể hồi phục và giảm căng thẳng. Áp dụng kỹ thuật giảm căng thẳng như yoga, thiền hoặc các hoạt động thư giãn khác.
  • Theo dõi sức khỏe: Theo dõi triệu chứng và thăm bác sĩ định kỳ để đánh giá tình trạng và điều chỉnh phác đồ điều trị khi cần thiết.

Lưu ý rằng chế độ sinh hoạt cụ thể có thể thay đổi tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe của từng người. Hãy đến gặp bác sĩ hoặc chuyên gia để chắc chắn bạn đang áp dụng chế độ sinh hoạt phù hợp và an toàn cho tình trạng của mình.

VDDTK6.jpeg
Người bệnh viêm đa dây thần kinh nên chăm sóc tốt cho chân tay

Chế độ dinh dưỡng:

Chế độ dinh dưỡng cho người bệnh viêm đa dây thần kinh có thể giúp hỗ trợ quá trình phục hồi và tăng cường sức khỏe chung. Dưới đây là một số gợi ý về chế độ ăn uống:

  • Thực phẩm giàu chất xơ: Bao gồm rau xanh, trái cây, hạt, ngũ cốc nguyên hạt và các loại đậu. Chất xơ giúp cải thiện hệ tiêu hóa và duy trì sự cân bằng đường huyết.
  • Protein: Bổ sung đủ lượng protein trong chế độ ăn uống từ các nguồn như cá, gia cầm, thịt gà, thịt bò, đậu, hạt và sữa. Protein cần thiết cho sự phục hồi mô và tăng cường chức năng cơ bắp.
  • Chất béo lành mạnh: Tìm cách bổ sung chất béo lành mạnh như dầu ô liu, dầu hạt lanh, dầu hạnh nhân, quả bơ và các nguồn chất béo omega-3 từ cá, hạt, và các loại dầu cá.
  • Vitamin và khoáng chất: Đảm bảo cung cấp đủ vitamin và khoáng chất, bao gồm vitamin B, vitamin C, vitamin E, magiê, canxi, kẽm và selen. Các nguồn thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất bao gồm các loại rau xanh, trái cây, hạt, hạt chia, cá, sữa, và các loại đậu.
  • Hạn chế đường và thức ăn chế biến sẵn: Tránh tiêu thụ quá nhiều đường và thức ăn chế biến sẵn, bởi vì chúng có thể gây viêm và ảnh hưởng đến quá trình phục hồi.
  • Uống đủ nước: Đảm bảo uống đủ nước mỗi ngày để duy trì sự cân bằng nước trong cơ thể và hỗ trợ chức năng của các cơ quan.
  • Hạn chế các chất kích thích: Tránh hoặc hạn chế tiêu thụ các chất kích thích như cafein và bia rượu , vì chúng có thể ảnh hưởng đến hệ thần kinh và sức khỏe chung.

Lưu ý rằng chế độ dinh dưỡng cụ thể có thể thay đổi tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe và chỉ định của bác sĩ.

Phương pháp phòng ngừa viêm đa dây thần kinh hiệu quả

Kiểm soát bệnh nền

Cách tốt nhất để ngăn ngừa viêm đa dây thần kinh là kiểm soát các tình trạng bệnh lý khiến bạn mắc bệnh như đã nêu trên.

Lựa chọn lối sống lành mạnh

Những thói quen sau đây có thể hỗ trợ sức khỏe thần kinh của bạn:

  • Ăn một chế độ ăn nhiều trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt và protein để giữ cho hệ thần kinh khỏe mạnh. Bảo vệ chống lại hiện tượng thiếu hụt vitamin B12 bằng cách ăn thịt, cá, trứng, thực phẩm từ sữa ít béo và ngũ cốc. Nếu bạn là người ăn chay hoặc thuần chay, ngũ cốc tăng cường bổ sung là nguồn cung cấp vitamin B12 tốt, nhưng hãy trao đổi với chuyên gia chăm sóc sức khỏe của bạn về việc bổ sung B12.
  • Luyện tập thể dục đều đặn, với sự đồng ý của bác sĩ, hãy cố gắng tập thể dục ít nhất 30 phút đến một giờ mỗi ngày, và ít nhất ba lần một tuần.
  • Tránh các yếu tố có thể gây tổn thương thần kinh. Những yếu tố này có thể bao gồm các chuyển động lặp đi lặp lại nhiều lần, tiếp xúc với hóa chất độc hại, hút thuốc lá và uống quá nhiều rượu.
VDDTK7.jpeg
Hạn chế uống quá nhiều rượu bia để phòng ngừa viêm đa dây thần kinh
Nguồn tham khảo
  1. Polyneuritis: https://www.qualitaetskliniken.de/erkrankungen/polyneuritis/
  2. Polyneuropathy: Everything You Need to Know: https://www.verywellhealth.com/polyneuropathy-5322790
  3. Peripheral neuropathy: https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/peripheral-neuropathy/symptoms-causes/syc-20352061
  4. Polyneuritis, polyradiculoneuritis, polyneuropathies: https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/1565994/
  5. Polyneuropathy: Types, Causes, and More: https://www.healthline.com/health/polyneuropathy

Các bệnh liên quan

  1. Gai khớp gối

  2. Viêm khớp ngón tay cái

  3. Loạn dưỡng xương

  4. Rối loạn dây thần kinh trụ

  5. Đau đầu gối

  6. Biến dạng cổ thiên nga

  7. Viêm quanh móng

  8. Thoái hóa khớp cổ chân

  9. Thoái hóa khớp

  10. Đứt dây chằng