Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Bệnh thần kinh ngoại biên là gì? Triệu chứng, cách chẩn đoán và điều trị

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Thần kinh ngoại biên là một hệ thống các dây thần kinh phức tạp có nhiệm vụ kết nối các cơ quan, vùng da và chi trên cơ thể với não và tuỷ sống. Bệnh thần kinh ngoại biên xảy ra khi chức năng kết nối của hệ thống này gặp vấn đề. Nguyên nhân thường gặp nhất gây ra bệnh thần kinh ngoại biên là đái tháo đường hoặc do thuốc gây ra.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Bệnh thần kinh ngoại biên là gì?

Thần kinh ngoại biên là một hệ thống các dây thần kinh phức tạp có nhiệm vụ kết nối các cơ quan, vùng da và chi trên cơ thể với não và tuỷ sống. Chức năng của các sợi thần kinh ngoại biên là thu nhận toàn bộ các thông tin cảm giác, vận động từ ngoại biên về trung ương (gồm não và tuỷ sống) - ví dụ bạn sẽ cảm giác được nóng khi các tín hiệu của da và vùng cơ thể được dẫn truyền về não. Bệnh thần kinh ngoại biên xảy ra khi chức năng kết nối của hệ thống này gặp vấn đề.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh thần kinh ngoại biên

Tín hiệu thần kinh trong bệnh thần kinh ngoại biên sẽ bị gián đoạn theo 3 cơ chế sau:

  • Mất tín hiệu liên lạc giữa các cơ quan ngoại biên với não và tuỷ sống (ví dụ đơn giản là tương đương với đường dây điện thoại bị đứt).
  • Tự dẫn truyền tín hiệu không phù hợp (tự phát các tín hiệu thần kinh).
  • Dẫn truyền sai thông tin.

Các triệu chứng của bệnh có thể biểu hiện từ nhẹ đến nặng, thậm chí có thể gây các rối loạn chức năng nghiêm trọng và gây tử vong. Các triệu chứng phụ thuộc vào loại sợi thần kinh bị ảnh hưởng và mức độ nghiêm trọng của tổn thương. Các tổn thương của bệnh thần kinh ngoại biên bao gồm:

  • Thần kinh ngoại biên liên quan cảm giác: Bạn sẽ có cảm giác châm chích, bỏng rát, tê bì, mất cảm giác nóng/lạnh hoặc tăng cảm giác đau một cách bất thường với các kích thích lành tính, mất điều hoà các chức năng thăng bằng…
  • Thần kinh ngoại biên liên quan vận động: Rung giật hoặc chuột rút các cơ, yếu cơ, liệt cơ, teo cơ.
  • Thần kinh ngoại biên thuộc hệ thần kinh thực vật: Tiêu chảy hoặc táo bón, tăng hoặc tụt huyết áp, nhịp tim nhanh hoặc chậm, vã mồ hôi hoặc không thể tiết mồ hôi, rối loạn cương dương, rối loạn tiểu tiện, đầy bụng/khó tiêu...
  • Đơn dây thần kinh ngoại biên: Nhìn mờ, liệt mặt, yếu vùng cơ chi phối của 1 dây thần kinh lớn.

Tác động của bệnh thần kinh ngoại biên đối với sức khỏe

Tuỳ thuộc vào loại dây và mức độ tổn thương, người bệnh có thể gặp nhiều vấn đề liên quan đến sức khoẻ như loét bàn chân (thường gặp với bệnh nhân đái tháo đường) vì mất cảm giác vùng chân, hoại tử vùng chi bị mất cảm giác, các rối loạn về nhiều hệ cơ quan như tim mạch, tiêu hoá, tiết niệu...

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh thần kinh ngoại biên

Những vùng da, vùng chi mất cảm giác có thể bị loét, hoại tử dẫn đến các nhiễm trùng nghiêm trọng có thể gây tử vong. Ngoài ra, mất cảm giác có thể ảnh hưởng đến khả năng giữ thăng bằng khiến bệnh nhân té ngã, chấn thương. Các biến chứng nghiêm trọng trên tim mạch như rối loạn nhịp, ngưng tim có thể gây tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến bệnh thần kinh ngoại biên

Nguyên nhân thường gặp nhất gây ra bệnh thần kinh ngoại biên là đái tháo đường. Bệnh thần kinh ngoại biên có thể do một số nguyên nhân khác hoặc do thuốc, các nguyên nhân bao gồm:

  • Nghiện rượu;
  • Thiếu vitamin B12;
  • Tổn thương thần kinh do tai nạn, chấn thương;
  • Các bệnh lý tuyến giáp, nhiễm trùng, HIV, bệnh thận mạn, các bệnh lý tự miễn như viêm khớp dạng thấp, hội chứng Guillain - Barré, bệnh lý ung thư như lymphoma...
  • Đôi khi không có nguyên nhân nào được tìm thấy và bệnh nhân thường được chẩn đoán là bệnh thần kinh ngoại biên vô căn.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc bệnh thần kinh ngoại biên?

Bệnh nhân mắc đái tháo đường chưa được kiểm soát, người nghiện rượu, ăn uống kém dẫn đến thiếu vitamin (đặc biệt là vitamin B12), các tình trạng nhiễm trùng hoặc mắc các bệnh lý mạn tính, bệnh tự miễn, bệnh lý ác tính (ung thư) làm tăng nguy cơ mắc bệnh thần kinh ngoại biên.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh thần kinh ngoại biên

Một số yếu tố làm tăng thêm nguy cơ mắc bệnh thần kinh ngoại biên:

  • Tiểu đường, đặc biệt nếu khó kiểm soát nồng độ đường.
  • Lạm dụng rượu.
  • Thiếu vitamin, đặc biệt là vitamin B.
  • Rối loạn chức năng thận, gan hoặc tuyến giáp.
  • Sinh hoạt trong môi trường tiếp xúc với chất độc.
  • Lặp đi lặp lại các căng thẳng về thể chất, như hoạt động nghề nghiệp.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán bệnh thần kinh ngoại biên

Bệnh được chẩn đoán dựa vào việc tìm hiểu bệnh sử của bệnh nhân về các yếu tố nguy cơ có thể dẫn đến bệnh thần kinh ngoại biên như tiền căn bệnh lý đái tháo đường và điều trị, lối sống và môi trường sống, tiếp xúc với rượu và độc chất, các bệnh lý từng mắc và thậm chí tiền căn gia đình…

Bác sĩ có thể thực hiện một số nghiệm pháp để thăm khám chức năng của các dây thần kinh ngoại biên về vận động, cảm giác…

Các xét nghiệm có thể được đề nghị để hỗ trợ chẩn đoán bao gồm:

  • Xét nghiệm máu để chẩn đoán đái tháo đường, tình trạng thiếu hụt các vitamin nếu có, bệnh lý tuyến giáp hoặc các bệnh lý tự miễn, ung thư…
  • Các xét nghiệm chuyên sâu về gene.
  • Các xét nghiệm đánh giá chức năng sinh lý của dây thần kinh như đo điện cơ.

Phương pháp điều trị bệnh thần kinh ngoại biên hiệu quả

Điều trị chủ yếu dựa vào nguyên nhân gây ra bệnh. Việc tìm ra nguyên nhân góp phần đáng kể trong việc điều trị bệnh thành công. Ví dụ bệnh nhân mắc đái tháo đường nếu kiểm soát tốt đường huyết có thể giúp cải thiện triệu chứng hoặc ít nhất là giúp cho bệnh không trở nên tệ hơn. Bệnh nhân thiếu vitamin B12 có thể được điều trị bằng tiêm hoặc uống vitamin B12 bổ sung.

Nếu không tìm ra nguyên nhân hoặc do các nguyên nhân không thể điều trị dứt điểm (như bệnh tự miễn, ung thư...), một số loại thuốc có thể giúp làm giảm triệu chứng:

  • Corticosteroids, các thuốc ức chế miễn dịch, immunoglobulin, đây là các thuốc kháng viêm, ức chế miễn dịch mạnh nhằm ức chế tổn thương thần kinh do các nguyên nhân tự miễn gây ra.
  • Paracetamol, thuốc kháng viêm không steroids (NSAIDS) có thể làm giảm cơn đau do bệnh thần kinh ngoại biên, lưu ý điều trị này có thể không hiệu quả trong nhiều trường hợp.
  • Một số thuốc hướng thần kinh như thuốc trị trầm cảm/lo âu, thuốc chống động kinh có thể được bác sĩ kê đơn để làm giảm các triệu chứng đau liên quan đến thần kinh.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của thần kinh ngoại biên hiệu quả

Chế độ sinh hoạt:

  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị.
  • Duy trì lối sống tích cực, hạn chế sự căng thẳng.
  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.
  • Thăm khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.

Chế độ dinh dưỡng:

Chế độ ăn nhiều trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt và protein từ động vật (thịt, cá, trứng) để giữ cho các dây thần kinh khỏe mạnh và ngăn ngừa sự thiếu hụt vitamin B12. Nếu bạn ăn chay hoặc thuần chay, ngũ cốc tăng cường là nguồn cung cấp vitamin B12 dồi dào hoặc tham vấn bác sĩ về việc bổ sung B12 nếu cần.

Phương pháp phòng ngừa thần kinh ngoại biên hiệu quả

Để phòng ngừa bệnh hiệu quả, bạn có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:

Cách tốt nhất để ngăn ngừa bệnh thần kinh ngoại biên là kiểm soát các bệnh lý làm tăng nguy cơ gây ra bệnh thần kinh ngoại biên chẳng hạn như bệnh tiểu đường, nghiện rượu hoặc viêm khớp dạng thấp.

Nguồn tham khảo
  1. https://www.ninds.nih.gov/peripheral-neuropathy-fact-sheet
  2. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/peripheral-neuropathy/symptoms-causes/syc-20352061
  3. https://www.nhs.uk/conditions/peripheral-neuropathy/causes/

Các bệnh liên quan

  1. Liệt mặt

  2. Xơ cứng củ

  3. Lo âu

  4. Nhiễm trùng thần kinh

  5. liệt dây thần kinh số 3

  6. Thoái hóa thần kinh

  7. Đau nửa đầu

  8. Mất thăng bằng

  9. Viêm màng não do tăng bạch cầu ái toan

  10. Động kinh thùy trán