Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Viêm mống mắt thể mi là gì? Nguyên nhân gây bệnh và nguyên tắc phòng ngừa

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Viêm mống mắt thể mi hay còn được gọi là viêm màng bồ đào trước cấp tính. Đây là một bệnh mắt khá phổ biến, căn nguyên phức tạp, tổn thương lâm sàng thường nặng nề, nhiều biến chứng, hay tái phát nếu không được điều trị kịp thời thì có thể gây biến chứng nặng và dẫn đến mù lòa.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Viêm mống mắt thể mi là gì? 

Màng bồ đào cấu tạo bởi ba thành phần, gồm: Mống mắt, thể mi và hắc mạc. Viêm màng bồ đào được phân loại theo vị trí giải phẫu:

  • Viêm màng bồ đào trước: Viêm mống mắt – thể mi.

  • Viêm màng bồ đào trung gian: Viêm vùng parsplana.

  • Viêm màng bồ đào sau: Viêm hắc mạc.

  • Viêm màng bồ đào toàn bộ: Viêm đồng thời cả mống mắt thể mi và hắc mạc.

Bệnh viêm mống mắt thể mi do đáp ứng viêm của màng bồ đào với các quá trình nhiễm khuẩn, chấn thương hoặc là phản ứng viêm theo cơ chế miễn dịch, tự miễn với kháng nguyên xâm nhập hoặc kháng nguyên của chính màng bồ đào. Các bạch cầu đa nhân, bạch cầu ái toan, tương bào đều có thể góp phần vào quá trình viêm màng bồ đào nhưng tế bào lympho là tế bào viêm chiếm ưu thế ở nội nhãn trong viêm màng bồ đào. Nhưng chất trung gian hóa học của giai đoạn viêm nhiễm cấp tính gồm serotonin, bổ thể và plasmin. Các leukotrien, kinin, prostaglandin làm biến đổi pha thứ hai của đáp ứng viêm cấp, bổ thể hoạt hóa là tác nhân thu hút bạch cầu…

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của viêm mống mắt thể mi

  • Nhìn mờ là triệu chứng xuất hiện ngay từ đầu, có khi có cảm giác nhìn qua màn sương, có khi nhìn mờ nhiều, ảnh hưởng đến sinh hoạt của bệnh nhân.

  • Đau nhức mắt âm ỉ, đôi khi đau nhiều thành cơn kèm theo nôn hoặc buồn nôn.

  • Sợ ánh sáng, chảy nước mắt, đỏ mắt.

Đôi khi bệnh nhân không hề có các triệu chứng trên mà bệnh viêm mống mắt thể mi được phát hiện tình cờ khi khám mắt.

  • Cương tụ rìa: Cương tụ xung quanh vùng rìa giác mạc, càng xa vùng rìa cương tụ càng giảm dần.

  • Tủa giác mạc là những lắng đọng viêm ở nội mô giác mạc, có thể rải rác khắp mặt sau giác mạc hoặc đọng ở trung tâm, nhưng điển hình là lắng đọng hình quạt hay tam giác đỉnh quay lên trên (tam giác Arlt). 

  • Dấu hiệu Tyndal là những thể lơ lửng trong thủy dịch do tế bào hoặc xuất tiết viêm.

  • Xuất tiết.

  • Những thay đổi ở đồng tử: Đồng tử co nhẹ, phản ứng chậm. Đồng tử có thể dính vào mặt trước thể thủy tinh, nếu dùng thuốc giãn đồng tử có thể làm tách dính hoàn toàn hoặc không hoàn toàn.

  • Tổn thương ở mống mắt: Mống mắt phù viêm, khi dính hết bờ đồng tử vào mặt trước thể thủy tinh, thủy dịch ứ đọng ở hậu phòng đẩy phồng mống mắt. Xuất hiện các nốt viêm ở mống mắt: Nốt Koeppe hoặc nốt Busacca.

  • Dấu hiệu phản ứng thể mi.

  • Thể thủy tinh: Thường gặp tủa sắc tố mặt trước thể thủy tinh hoặc có thể gặp đục thể thủy tinh do bệnh viêm mống mắt – thể mi.

  • Nhãn áp thường thấp thoáng qua trong giai đoạn đầu, có trường hợp nhãn áp thấp vĩnh viễn do thể mi bị hủy hoại gây teo nhãn cầu; có trường hợp nhãn áp tăng do dính mống mắt hoặc viêm xuất tiết bịt góc tiền phòng cản trở lưu thông thủy dịch.

Biến chứng có thể gặp khi mắc viêm mống mắt thể mi

Tăng nhãn áp là biến chứng khá phổ biến của viêm mống mắt thể mi, tăng nhãn áp trong đợt viêm cấp là do nghẽn đồng tử, nghẽn góc tiền phòng do xuất tiết. Ngoài ra cũng phải kể đến tăng nhãn áp do dùng kéo dài thuốc corticosteroid trong điều trị bệnh viêm màng bồ đào.

Đục thể thủy tinh thường gặp trong viêm mống mắt thể mi mạn tính hoặc tái phát, là biến chứng của chính quá trình viêm hoặc do điều trị corticosteroid kéo dài.

Teo nhãn cầu trong viêm mống mắt thể mi nặng, thể mi giảm tiết thủy dịch vĩnh viễn đến teo nhãn cầu.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến viêm mống mắt thể mi

Có rất nhiều nguyên nhân gây viêm mống mắt thể mi, các nguyên nhân này được xếp thành các nhóm chính sau đây:

  • Nhiễm trùng: Vi khuẩn (Tụ cầu, liên cầu, phế cầu...); virus (Herpes, Zona, cúm...); nấm (Candida, Aspergillus...); ký sinh trùng (Toxoplasma, giun, ấu trùng sán...).

  • Miễn dịch: Yếu tố kháng nguyên HLA. Hội chứng Behçet. Hội chứng Vogt-Koyanagi-Harada...

  • Dị ứng.

  • Nhiễm độc: Hóa chất, độc tố tác nhân nhiễm khuẩn, u ác trong nhãn cầu...

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải (bị) viêm mống mắt thể mi?

Viêm mống mắt thể mi có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi và đối tượng.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc (bị) viêm mống mắt thể mi

Có rất nhiều yếu tố có thể khiến bạn tăng nguy cơ mắc bệnh này, chẳng hạn như:

  • Các bệnh lây qua đường sinh dục như giang mai, lậu, HIV.

  • Rối loạn tự miễn hoặc hệ thống miễn dịch gặp tổn thương.

  • Viêm khớp dạng thấp.

  • Mắc bệnh giời leo.

  • Mang kiểu gen HLA - B27.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán viêm mống mắt thể mi

Bác sĩ sẽ chẩn đoán viêm mống mắt thể mi bằng cách kiểm tra mắt của bạn. Sau đó, bác sĩ sẽ yêu cầu làm các phương pháp cận lâm sàng như sau:

  • Xét nghiệm sinh hóa: Xét nghiệm máu, thủy dịch hoặc dịch kính tìm tác nhân gây bệnh hoặc kháng thể đặc hiệu (miễn dịch huỳnh quang, Elisa, PCR…), xác định kháng nguyên bạch cầu HLA-B27, HLA-B5...

  • Siêu âm: Đánh giá tình trạng dịch kính, võng mạc trong trường hợp đục dịch kính, bong dịch kính sau, bong võng mạc nội khoa…

  • Đo điện nhãn cầu.

  • Chụp huỳnh quang đáy mắt.

Phương pháp điều trị viêm mống mắt thể mi hiệu quả

Điều trị nội khoa

Điều trị viêm mống mắt thể mi thường khó khăn vì điều trị phải dựa vào chẩn đoán nguyên nhân mà nhiều trường hợp không tìm được nguyên nhân.

Điều trị theo nguyên nhân bằng thuốc đặc hiệu: Kháng sinh chống vi khuẩn, thuốc chống vi rút, thuốc chống nấm, thuốc diệt ký sinh trùng…

Thuốc làm giãn đồng tử và liệt thể thể mi: Atropin 1 – 4% tra mắt 1 – 2 lần/ngày. Thuốc có tác dụng làm giãn đồng tử, tách dính mống mắt vào mặt trước thể thủy tinh; làm giảm tiết và nghỉ ngơi thể mi, có tác dụng giảm viêm và giảm đau.

Thuốc chống viêm: Corticosteroid là thuốc chống viêm chủ lực trong điều trị viêm mống mắt thể mi. Thuốc có nhiều dạng và nhiều đường dùng: Tra mắt, tiêm tại mắt hoặc dùng đường toàn thân (uống, tiêm bắp, tiêm tĩnh mạch). Có thể dùng liều cao đường tĩnh mạch cùng sự phối hợp theo dõi của bác sĩ. Thuốc có nhiều tác dụng phụ nên cần theo dõi chặt chẽ khi dùng. Các thuốc chống viêm không steroid có thể dùng thay thế trong trường hợp chống chỉ định dùng corticosterid: Indomethacin, Diclofenac,….

Thuốc ức chế miễn dịch: Dùng trong những trường hợp viêm mống mắt thể mi nặng, kháng corticosteroid. Bao gồm các thuốc như: Cyclophosphamit, Clorambuxil, Azathioprin, Methotrexat, Cyclosporin… 

Phẫu thuật

Phẫu thuật chủ yếu để điều trị biến chứng viêm mống mắt thể mi:

  • Phẫu thuật thể thủy tinh.

  • Phẫu thuật điều trị tăng nhãn áp.

  • Cắt dịch kính, bóc màng trước võng mạc.

  • Phẫu thuật bong võng mạc.

Lưu ý: Các loại thuốc khi dùng phải tuân thủ theo sự hướng dẫn của bác sĩ.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của viêm mống mắt thể mi

Chế độ sinh hoạt:

  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị. 

  • Duy trì lối sống tích cực, hạn chế sự căng thẳng.

  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.

  • Thăm khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.

Chế độ dinh dưỡng:

Chưa có dữ liệu.

Phương pháp phòng ngừa viêm mống mắt thể mi hiệu quả

Hiện chưa có biện pháp phòng bệnh đặc hiệu.

Nguồn tham khảo
  1. Quyết định số 40/QĐ-BYT ngày 12/01/2015 của Bộ Y tế về việc Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị các bệnh về mắt.

  2. Nhãn khoa – Hoàng Thị Phúc.

Các bệnh liên quan

  1. Viêm mô tế bào quanh hốc mắt

  2. Bọng mắt

  3. Ngứa mắt

  4. Đục thủy tinh thể

  5. Loét giác mạc

  6. Sụp mi

  7. Viêm tắc tuyến lệ

  8. Viêm giác mạc

  9. Khô mắt

  10. Hắc võng mạc trung tâm