Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Bệnh võng mạc tiểu đường là gì? Tầm quan trọng của việc phát hiện sớm bệnh võng mạc tiểu đường?

Ngày 17/08/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Bệnh võng mạc tiểu đường (hay còn gọi là bệnh võng mạc đái tháo đường) là một biến chứng của bệnh đái tháo đường, gây ra bởi lượng đường trong máu cao làm tổn thương mặt sau của mắt (võng mạc). Bệnh có thể gây mù lòa nếu không được chẩn đoán và điều trị sớm.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Bệnh võng mạc đái tháo đường là gì?

Võng mạc là một lớp tế bào nhạy cảm với ánh sáng, nằm ở phía sau mắt giúp chuyển đối ánh sáng thành tín hiệu điện. Các tín hiệu điện được gửi đến não để biến chúng thành hình ảnh bạn mà có thể nhìn thấy. Võng mạc cần được cung cấp máu liên tục thông qua các mạng lưới mạch máu nhỏ.

Bệnh võng mạc đái tháo đường là một bệnh về mắt ở người bệnh đái tháo đường. Theo thời gian, với lượng đường trong máu cao liên tục, có thể làm hỏng hệ thống mạch máu này, có 3 giai đoạn chính:

  • Bệnh lý võng mạc nền: Mạch máu phát triển những chỗ phình nhỏ, có thể xuất huyết nhẹ nhưng không ảnh hưởng đến thị lực.
  • Bệnh lý võng mạc tiền tăng sinh: Những thay đổi nghiêm trọng, lan rộng hơn, ảnh hưởng đến các mạch máu, bao gồm chảy máu nhiều hơn vào mắt.
  • Bệnh lý võng mạc tăng sinh: Mô sẹo và mạch máu mới hình thành trên võng mạc, yếu và dễ chảy máu, điều này có thể dẫn đến mất thị lực.

Bệnh võng mạc đái tháo đường là nguyên nhân phổ biến nhất gây mất thị lực ở người bị đái tháo đường. Do đó, nếu bạn mắc đái tháo đường, điều quan trọng là phải khám mắt toàn diện mỗi năm một lần. Ban đầu, bệnh võng mạc đái tháo đường có thể không có bất kỳ triệu chứng nào - nhưng việc phát hiện bệnh sớm có thể giúp bạn thực hiện các bước để bảo vệ thị lực của mình.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh võng mạc đái tháo đường

Giai đoạn đầu của bệnh võng mạc đái tháo đường thường không có bất kỳ triệu chứng nào. Một số người có thể gặp một vài thay đổi trong tầm nhìn của họ, chẳng hạn như khó đọc hay khó nhìn thấy các vật thể ở xa, các triệu chứng này không liên tục, có lúc xuất hiện có lúc biến mất.

Trong các giai đoạn sau của bệnh, các mạch máu ở võng mạc bắt đầu chảy máu vào thủy tinh thể. Khi xảy ra hiện tượng này, bạn có thể thấy các đốm hoặc vệt tối, ruồi bay. Đôi khi, các đốm sẽ tự biến mất, tuy nhiên điều quan trọng là phải điều trị ngay. Nếu không điều trị, các mạch máu có thể chảy máu trầm trọng hơn hoặc sẹo có thể hình thành ở võng mạc

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh võng mạc đái tháo đường

Bệnh võng mạc đái tháo đường có thể dẫn đến các tình trạng mắt nghiêm trọng khác:

  • Phù hoàng điểm do đái tháo đường: Theo thời gian, khoảng 1 trên 15 người mắc đái tháo đường sẽ phát triển phù hoàng điểm. Phù hoàng điểm do đái tháo đường xảy ra khi các mạch máu trong võng mạc rò rỉ dịch vào hoàng điểm (hay còn gọi là điểm vàng, đây là một phần của võng mạc cần thiết cho thị lực), đây là nguyên nhân phổ biến gây mất thị lực ở người bệnh võng mạc đái tháo đường.
  • Tăng nhãn áp tân mạch: Bệnh võng mạc đái tháo đường có thể gây ra tăng nhãn áp tân mạch (một nhóm bệnh về mắt gây giảm thị lực và mù lòa).
  • Bong võng mạc: Bệnh võng mạc đái tháo đường có thể gây hình thành sẹo ở võng mạc. Khi các vết sẹo kéo bong võng mạc khỏi mắt, được gọi là bong võng mạc co kéo.
Bệnh võng mạc tiểu đường là gì? Tầm quan trọng của việc phát hiện sớm bệnh võng mạc tiểu đường? 4
Nếu không điều trị, bệnh võng mạc đái tháo đường có thể dẫn đến mất thị lực

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Liên hệ với bác sĩ ngay nếu bạn mắc đái tháo đường và gặp các triệu chứng sau:

  • Tầm nhìn dần dần xấu đi;
  • Mất thị lực đột ngột;
  • Ruồi bay;
  • Nhìn mờ;
  • Khó nhìn trong bóng tối.

Các triệu chứng này không nhất thiết là bạn mắc bệnh võng mạc đái tháo đường. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải kiểm tra khi có các triệu chứng này, hãy đến gặp bác sĩ để không chậm trễ việc chẩn đoán và điều trị.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến bệnh võng mạc đái tháo đường

Bệnh võng mạc đái tháo đường gây ra bởi những thay đổi trong hệ thống mạch máu của võng mạc do lượng đường trong máu cao. Theo thời gian, bệnh đái tháo đường gây tổn thương các mạch máu khắp cơ thể. Tổn thương tại mắt xảy ra khi hệ thống mạch máu tại võng mạc bị đường chặn lại, gây rò rỉ hoặc chảy máu. Để bù đắp, mắt sẽ phát triển những mạch máu mới, tuy nhiên, những mạch máu mới này không hoạt động tốt, có thể dẫn đến rò rỉ và dễ dàng chảy máu hơn.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc bệnh võng mạc đái tháo đường?

Tất cả các đối tượng mắc đái tháo đường đều có nguy cơ mắc bệnh võng mạc đái tháo đường, bao gồm người mắc đái tháo đường típ 1, đái tháo đường típ 2 hay đái tháo đường thai kỳ.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh võng mạc đái tháo đường

Bất cứ ai mắc đái tháo đường đều có nguy cơ mắc bệnh võng mạc đái tháo đường, tuy nhiên bạn sẽ có nguy cơ cao hơn nếu:

  • Mắc đái tháo đường trong một thời gian dài;
  • Có lượng đường trong máu cao liên tục;
  • Tăng huyết áp;
  • Có cholesterol cao;
  • Đang mang thai.
Bệnh võng mạc tiểu đường là gì? Tầm quan trọng của việc phát hiện sớm bệnh võng mạc tiểu đường? 5
Phụ nữ mang thai mắc đái tháo đường thai kỳ có nguy cơ cao mắc bệnh võng mạc đái tháo đường

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán bệnh võng mạc đái tháo đường

Bác sĩ có thể thực hiện hỏi bệnh, thăm khám và các xét nghiệm để có thể chẩn đoán bệnh võng mạc đái tháo đường. Việc thăm khám và chẩn đoán có thể bao gồm:

  • Kiểm tra thị lực: Bác sĩ có thể kiểm tra khả năng nhìn của bạn ở các khoảng cách khác nhau.
  • Tonometry: Thử nghiệm do bác sĩ thực hiện để đo áp suất trong mắt của bạn.
  • Tra thuốc giãn đồng tử: Được thực hiện để kiểm tra thủy tinh thể và võng mạc.
  • Soi đáy mắt: Bác sĩ dùng kính để kiểm tra võng mạc.
  • Chụp mạch máu huỳnh quang: Nhằm kiểm tra hệ thống mạch máu võng mạc.
  • Chụp cắt lớp võng mạc: Cho thấy được hình ảnh chi tiết của võng mạc.
Bệnh võng mạc tiểu đường là gì? Tầm quan trọng của việc phát hiện sớm bệnh võng mạc tiểu đường? 6
Để chẩn đoán bệnh võng mạc đái tháo đường, bác sĩ có thể thực hiện các thử nghiệm để kiểm tra mắt của bạn

Phương pháp điều trị bệnh võng mạc đái tháo đường

Điều trị bệnh võng mạc đái tháo đường sẽ phụ thuộc vào các triệu chứng, tuổi tác và tình trạng sức khỏe của bạn cũng như mức độ nghiêm trọng của bệnh võng mạc.

Những người mắc bệnh võng mạc tiến triển có cơ hội tốt để giữ được thị lực nếu họ được điều trị trước khi võng mạc bị tổn thương nghiêm trọng. Điều trị bệnh võng mạc đái tháo đường có thể bao gồm một hoặc kết hợp những điều sau đây:

  • Phẫu thuật bằng tia laser: Phẫu thuật thường được sử dụng để điều trị bệnh võng mạc tăng sinh hay phù hoàng điểm. Phẫu thuật laser giúp thu nhỏ các mạch máu bất thường hoặc bịt kín những mạch máu bị rò rỉ.
  • Cắt dịch kính: Cắt dịch kính là một thủ thuật liên quan đến việc loại bỏ dịch kính từ các mạch máu bị rò rỉ ở võng mạc.
  • Thuốc tiêm: Một số loại thuốc có thể được tiêm vào mắt để làm chậm sự phát triển của các mạch máu bất thường ở võng mạc và điều trị phù hoàng điểm.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh võng mạc đái tháo đường

Chế độ sinh hoạt:

Mặc dù khó có thể ngăn ngừa bệnh võng mạc đái tháo đường, nhưng bạn có thể thực hiện các bước sau để giảm nguy cơ tiến triển bệnh:

  • Tập thể dục: Việc tập thể dục thường xuyên giúp duy trì cân nặng cũng như giúp cơ thể sử dụng đường, từ đó có thể giúp giảm đường huyết.
  • Khám mắt: Khám mắt nên thực hiện mỗi năm 1 lần nếu bạn mắc đái tháo đường. Phụ nữ mắc đái tháo đường nên khám mắt trước khi mang thai hoặc trong 3 tháng đầu, sau đó tiếp tục theo dõi mỗi 3 tháng và trong 1 năm sau khi sinh tùy thuộc và mức độ nghiêm trọng của bệnh võng mạc.
  • Tuân thủ điều trị đái tháo đường: Uống thuốc đái tháo đường, dùng insulin (nếu có) theo đúng chỉ định của bác sĩ.
  • Tái khám đúng hẹn: Theo dõi, tái khám định kỳ để đánh giá việc kiểm soát bệnh đái tháo đường cũng như các bệnh lý kèm theo (nếu có) như tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu.
  • Xét nghiệm: Kiểm tra lượng đường trong máu thường xuyên, kiểm tra mức độ huyết sắc tố A1c (HbA1c) thường xuyên.
  • Ngưng hút thuốc lá: Mặc dù không được chứng minh trực tiếp ảnh hưởng đến bệnh võng mạc, nhưng việc hút thuốc có thể ảnh hưởng đến việc cung cấp oxy cho võng mạc. Do đó, tất cả nỗ lực nên được thực hiện bao gồm giảm hoặc ngừng hút thuốc.
Bệnh võng mạc tiểu đường là gì? Tầm quan trọng của việc phát hiện sớm bệnh võng mạc tiểu đường? 7
Hút thuốc lá ảnh hưởng đến việc cung cấp oxy cho võng mạc

Chế độ dinh dưỡng:

Duy trì cân nặng khỏe mạnh, ăn uống một chế độ lành mạnh, tuân theo hướng dẫn của bác sĩ và chuyên gia để cân bằng và quản lý lượng đường trong máu. Mặc dù không có chế độ ăn cụ thể cho bệnh đái tháo đường, tuy nhiên thực phẩm không chỉ tạo ra sự khác biệt trong việc kiểm soát đái tháo đường mà còn tạo cảm giác khỏe mạnh và năng lượng cho cơ thể.

Bạn có thể tham khảo chế độ ăn sau đây, nhóm thực phẩm chính có thể bao gồm:

  • Trái cây và rau;
  • Thực phẩm giàu tinh bột như bánh mì, mì ống, gạo;
  • Thực phẩm giàu protein như các loại đậu, quả hạch, trứng, thịt, cá;
  • Sữa và các sản phẩm từ sữa;
  • Dầu như dầu oliu.

Nên hạn chế các thực phẩm nhiều chất béo, muối và đường như:

  • Bánh quy;
  • Khoai tây chiên;
  • Sô cô la;
  • Bánh ngọt;
  • Kem;
  • Bơ;
  • Các đồ uống có đường.

Phương pháp phòng ngừa bệnh võng mạc đái tháo đường hiệu quả

Cách tốt nhất để phòng ngừa bệnh võng mạc đái tháo đường là kiểm soát tốt bệnh đái tháo đường. Điều đó có nghĩa là duy trì mức đường huyết (đường trong máu) ở mức lành mạnh. Do đó, việc duy trì chế độ ăn và chế độ sinh hoạt lành mạnh, tuân thủ điều trị đái tháo đường, tái khám để kiểm tra thường xuyên tình trạng bệnh là rất quan trọng.

Nguồn tham khảo
  1. At a glance: Diabetic Retinopathy: https://www.nei.nih.gov/learn-about-eye-health/eye-conditions-and-diseases/diabetic-retinopathy
  2. Diabetic retinopathy: https://www.nhs.uk/conditions/diabetic-retinopathy/
  3. Diabetic Retinopathy: Causes, Symptoms, Treatment: https://www.aao.org/eye-health/diseases/what-is-diabetic-retinopathy
  4. Diabetic retinopathy: https://emedicine.medscape.com/article/1225122-overview?scode=msp&st=fpf&socialSite=google&icd=login_success_gg_match_fpf&form=fpf
  5. Diabetic Retinopathy: https://www.hopkinsmedicine.org/health/conditions-and-diseases/diabetes/diabetic-retinopathy