Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Hắc võng mạc trung tâm: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Bệnh hắc võng mạc trung tâm thanh dịch (BHVMTTTD) là một trong những bệnh thường gặp của bệnh lý võng mạc. Bệnh không gây tổn hại chức năng thị giác nặng nề nhưng sự giảm thị lực kéo dài và tính chất tái phát thường xuyên của bệnh làm cho việc điều trị bệnh hắc võng mạc trung tâm gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, vấn đề hiểu biết về nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh vẫn còn tranh cãi.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Hắc võng mạc trung tâm là gì? 

Võng mạc

Võng mạc còn gọi là màng thần kinh, gồm 4 lớp tế bào: 

  • Lớp biểu mô sắc tố;

  • Lớp tế bào thị giác;

  • Lớp tế bào 2 cực;

  • Lớp tế bào hạch hay tế bào đa cực.

Hắc võng mạc trung tâm

Bệnh hắc võng mạc trung tâm là do dịch dò từ mao mạch hắc mạc xuyên qua lớp biểu mô sắc tố võng mạc dẫn đế một vùng bong thanh dịch của lớp võng mạc thần kinh.

Đây là bệnh của người trẻ và trung niên, với tỷ lệ nam/nữ là 10/1; đại bộ phận bị một mắt, song cũng có một tỷ lệ nhất định bị cả hai mắt. Bệnh hắc võng mạc trung tâm có tính tái phát và có thể tự khỏi không cần điều trị.

Dựa vào hình ảnh chụp mạch huỳnh quang võng mạc, người ta chia bệnh hắc võng mạc trung tâm thanh dịch thành 2 thể:

  • Bệnh hắc võng mạc trung tâm thanh dịch điển hình.

  • Bệnh biểu mô sắc tố võng mạc toả lan do rối loạn toả lan chức năng của lớp biểu mô sắc tố.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của hắc võng mạc trung tâm

Bệnh nhân bị giảm nhanh thị lực trung tâm kèm theo các triệu chứng: Nhìn vật nhỏ đi, rối loạn thị lực màu, ám điểm dương tính trung tâm, đau nhức nhẹ hố mắt, căng thẳng, mất ngủ… 

Để phân biệt được với các bệnh cảnh khác, triệu chứng quan trọng của bệnh hắc võng mạc trung tâm là chỉ có bong thanh dịch võng mạc trung tâm, không có xuất tiết thành đốm, mảng, không có thay đổi sắc tố, chụp huỳnh quang thấy hình ảnh dò fluorescein dạng dấu mực hoặc tia nước. 

Hội chứng hoàng điểm:

Nhìn mờ: Mỗi trường hợp có thể bị giảm thị lực theo độ không giống nhau, thường giảm còn 5/10 – 6/10; giai đoạn đầu, dùng kính viễn + 0,5D – 1 + 1,5D thị lực tăng. Thị lực có thể chỉ còn 1/10 hoặc thấp hơn ở những bệnh nhân tái phát nhiều lần.

  • Ám điểm trung tâm.

  • Nhìn vật biến dạng, méo, cong, thu nhỏ và xa ra do võng mạc bị đội lên bởi dịch rỉ dưới võng mạc.

  • Giảm sự thích ứng với ánh sáng: Test loá hoàng điểm: Chiếu sáng vùng hoàng điểm trong 30 giây với máy soi đáy mắt thông thường. 

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến hắc võng mạc trung tâm

Nguyên nhân của bệnh còn chưa rõ.

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh hắc võng mạc trung tâm

Bệnh hắc võng mạc trung tâm thường tự khỏi sau 1 đến 6 tháng và đa số bệnh nhân (80 - 90%) phục hồi thị lực tốt (từ 8/10 trở lên). 

Biến chứng thường gặp là bệnh nhân phục hồi thị lực kém hơn và có nhiều nguy cơ tái phát hoặc chuyển thành bệnh biểu mô sắc tố lan toả, gây giảm thị lực nặng (từ 1/10 trở xuống) vĩnh viễn.

Có 40 - 50% bệnh nhân bị hắc võng mạc trung tâm điển hình bị tái phát bệnh trên cùng một mắt.

Nguy cơ gây tân mạch hắc mạc là khá thấp (dưới 5%) nhưng nguy cơ này tăng cao hơn ở người lớn tuổi.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải (bị) hắc võng mạc trung tâm?

  • Hay gặp ở người châu Á;

  • Tuổi trên 50;

  • Người có biểu hiện dễ xáo trộn tâm lý, không ổn định tinh thần, dễ bị stress cũng như tính tự phát và dễ bị điều khiển cao.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc (bị) hắc võng mạc trung tâm

Có rất nhiều yếu tố có thể khiến bạn tăng nguy cơ mắc bệnh này, chẳng hạn như: Cao huyết áp, sử dụng corticoid, thuốc hướng tâm thần…

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán hắc võng mạc trung tâm

Bác sĩ sẽ chẩn đoán hắc võng mạc trung tâm dựa vào các triệu chứng cơ năng của bệnh nhân và soi đáy mắt. Nếu bệnh nhân bị hắc võng mạc trung tâm, khi soi đáy mắt sẽ thấy vùng bong võng mạc do thanh dịch vùng hoàng điểm. Hoặc có thể thấy các tổn thương khác kèm theo như: Bong biểu mô sắc tố võng mạc, thoái hóa sắc tố võng mạc, các sợi tơ huyết hoặc các cặn lipid dưới võng mạc…

Sau đó, bác sĩ sẽ yêu cầu làm các phương pháp cận lâm sàng như sau:

  • Chụp mạch huỳnh quang.

  • Hình ảnh chụp cắt lớp võng mạc (OCT): Cho thấy rõ các tổn thương của bệnh như: dịch dưói võng mạc, bong biểu mô sắc tố…

  • Hình ảnh ICG.

  • Soi lập thể với đèn khe, kính Goldmann, kính Hruby hoặc kính Volk 60D – 90D giúp nhìn thấy vùng bong rõ hơn.

Phương pháp điều trị hắc võng mạc trung tâm hiệu quả

Nguyên tắc chung

Bệnh thường tự khỏi trong vòng 1 đến 6 tháng.

Không chỉ định thuốc chống viêm đường toàn thân do bệnh không có nguồn gốc viêm.

Chỉ định điều trị laser được đặt ra trong một số trường hợp đặc biệt.

Điều trị nội khoa

  • Thuốc giúp thanh dịch dưới võng mạc rút nhanh hơn: acetazolamid viên 250mg ngày uống 1 đến 2 viên (uống chia 2 lần) trong 2 tuần. Dùng kèm kali viên 600mg ngày uống 1 viên (uống 1 lần) trong 2 tuần.

  • Bổ sung thuốc giúp vững bền thành mạch: Uống liều Acid ascorbic (vitamin C) viên 100mg ngày uống 05 viên (uống 1 lần) trong 10 ngày.

  • Vitamin giúp phục hồi chức năng của lớp biểu mô sắc tố võng mạc: Nicotinamid (vitamin PP) viên 50mg ngày uống 2 viên (chia 2 lần) trong 2 tuần.

  • Thuốc giãn mạch, tăng cường tuần hoàn: Sử dụng thêm Ginkgo biloba viên 40mg ngày uống 3 viên (chia 3 lần) trong 2 tuần. Tuân theo chỉ định bác sĩ.

Điều trị laser

Chỉ định điều trị laser đặt ra nếu điểm dò nằm cách xa hoàng điểm trên 300 micron và bệnh nhân cần phục hồi thị lực nhanh (laser không làm tăng kết quả thị lực cuối cùng), hoặc các trường hợp bong võng mạc thanh dịch kéo dài trên 4 tháng hoặc tái phát trên mắt đã bị giảm thị lực vì bệnh HVMTTTD lần trước.

Sử dụng nốt laser có đường kính 100 micron, thời gian từ 0,1 - 0,2s, năng lượng vừa đủ để nốt bắn có màu xám nhạt và thường chỉ bắn từ 1 đến 5 nốt cho mỗi điểm dò.

Lưu ý: Các loại thuốc khi dùng phải tuân thủ theo sự hướng dẫn của bác sĩ.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của hắc võng mạc trung tâm

Chế độ sinh hoạt:

  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị.

  • Duy trì lối sống tích cực, hạn chế sự căng thẳng.

  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.

  • Thăm khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.

  • Không nên sử dụng các chất kích thích như rượu, bia, cà phê.

Chế độ dinh dưỡng:

Chưa có dữ liệu.

Phương pháp phòng ngừa hắc võng mạc trung tâm hiệu quả

Chưa có biện pháp phòng bệnh đặc hiệu.

Nguồn tham khảo
  1. Quyết định số 40/QĐ-BYT ngày 12/01/2015 của Bộ Y tế về việc Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị các bệnh về mắt.
  2. Nhãn khoa – Hoàng Thị Phúc.
Chủ đề:võng mạc

Các bệnh liên quan