Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Tắc động mạch võng mạc trung tâm: Bệnh lý gây giảm thị lực hoặc mù mắt

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Tắc động mạch trung tâm võng mạc xảy ra khi động mạch trung tâm bị nghẽn bởi huyết khối, dẫn đến mất thị lực một bên đột ngột. Bệnh cảnh không gây đau tuy nhiên lại rất nghiêm trọng, có thể dẫn đến giảm thị lực hoặc mù mắt không hồi phục. Chẩn đoán bệnh tắc động mạch võng mạc trung tâm dựa vào tiền sử và triệu chứng điển hình trên soi đáy mắt.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Tắc động mạch võng mạc trung tâm là gì? 

Tắc động mạch võng mạc là hiện tượng tắc nghẽn một hoặc nhiều nhánh của động mạch trung tâm võng mạc gây ra thiếu máu tổ chức võng mạc.

Huyết khối tại chỗ có thể đến từ: các mảng xơ vữa động mạch; viêm nội tâm mạc; mỡ lưu hành trong máu; U nhầy nhĩ.

Huyết khối từ nơi khác đến là một nguyên nhân ít gặp hơn gây tắc động mạch võng mạc, nhưng có thể gặp trong viêm mạch hệ thống như lupus ban đỏ và viêm động mạch tế bào khổng lồ, đó là một nguyên nhân quan trọng gây tắc động mạch đòi hỏi phải chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Đây là một tai biến nặng nề về chức năng mắt làm tắt nghẽn dòng máu nuôi dưỡng võng mạc gây ra bệnh cảnh mù một mắt đột ngột, không hồi phục.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của tắc động mạch võng mạc trung tâm

Bệnh tắc động mạch võng mạc trung tâm không có triệu chứng rõ ràng và cũng không gây đau cho người bệnh.

Có thể kèm theo mất thị lực một phần ở một hoặc cả hai mắt hoặc mất thị lực toàn phần một cách đột ngột tùy theo vị trí bị tắc động mạch.

Đôi khi có tiền triệu là những đợt mù thoáng qua, đau nhức hốc mắt xảy ra ở 1 bên.

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh tắc động mạch võng mạc trung tâm

Bệnh dẫn đến các biến chứng như sau:

  • Giảm thị lực trầm trọng, khuyết thị trường, thậm chí mù 1 mắt không hồi phục.

  • Gai thị teo, mạch máu võng mạc co nhỏ.

  • Hiện tượng tăng sinh tân mạch trước gai thị, glocom tân mạch.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến tắc động mạch võng mạc trung tâm

Bệnh có 2 nhóm nguyên nhân chính là huyết khối và nghẽn mạch.

Huyết khối

  • Bệnh Horton.

  • Các bệnh cảnh gây huyết khối như: Viêm động mạch dạng nút, bệnh Kawasaki, bệnh Takayashu, bệnh Behcet, bệnh huyết khối do mạch máu Buerger, giang mai.

  • Huyết khối do thành mạch: Xơ vữa động mạch.

  • Huyết khối do bệnh máu: Bệnh bạch cầu, đông máu rải rác trong lòng mạch.

Nghẽn mạch

  • Mảng xơ vữa trong mạch máu;

  • Mảng calci;

  • Khối tiểu cầu;

  • Các nguyên nhân nghẽn mạch khác: Do mỡ, do khí, khối u, ký sinh trùng.

Các nguyên nhân khác

  • Co thắt mạch: Migraine, bệnh Raynaud, chấn thương vùng mắt…

  • Giảm lưu lượng tuần hoàn mạch máu võng mạc.

  • Nguyên nhân tại chỗ: U hoặc nhiễm trùng tại mắt.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải (bị) tắc động mạch võng mạc trung tâm?

Tắc động mạch võng mạc trung tâm thường xảy ra nhiều ở đàn ông hơn phụ nữ. Bệnh thường gặp ở người trưởng thành, đặc biệt là sau 30 tuổi. 

Người có bệnh lý tim mạch.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc (bị) tắc động mạch võng mạc trung tâm

Có rất nhiều yếu tố có thể khiến bạn tăng nguy cơ mắc bệnh tắc động mạch võng mạc trung tâm, chẳng hạn như:

  • Tuổi trên 65;

  • Tăng huyết áp;

  • Mỡ máu cao;

  • Đái tháo đường;

  • Hút thuốc lá;

  • Thừa cân.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán tắc động mạch võng mạc trung tâm

Để chẩn đoán bệnh nhân bị tắc động mạch võng mạc trung tâm hay không, bác sĩ sẽ khai thác các yếu tố tiền sử, khám lâm sàng và các xét nghiệm cận lâm sàng như sau:

Triệu chứng cơ năng: Mù 1 mắt đột ngột và không đau nhức.

Triệu chứng thực thể:

Đồng tử giãn 1 bên, mất phản xạ trực tiếp, còn phản xạ liên ứng.

Soi đáy mắt: Dấu hiệu "hoàng điểm anh đào", động mạch co thắt, dòng máu lưu thông trong mạch máu gián đoạn. Động mạch không đập khi ấn nhãn cầu.

Triệu chứng cận lâm sàng:

Chụp mạch huỳnh quang võng mạc.

Điện võng mạc.

Phương pháp điều trị tắc động mạch võng mạc trung tâm hiệu quả

Nguyên tắc điều trị

Điều trị tại chỗ: Thay đổi áp lực động mạch và áp lực nội nhãn.

Tiêm thuốc giãn mạch hậu nhãn cầu.

Toàn thân: Thuốc hạ nhãn áp, giãn mạch, tiêu cục máu đông, chống đông, chống ngưng tập tiểu cầu.

Điều trị nguyên nhân: Điều trị các bệnh tim mạch bằng thuốc và phẫu thuật

Ngoại khoa: Chọc tiền phòng, tháo bớt thủy dịch.

Điều trị tại chỗ

Massage nhãn cầu 

Tolazolinium 10mg x 2 ống (tiêm hậu nhãn cầu) x 7 ngày.

Cerebrolysin x 1 ống (tiêm bắp) x 7 ngày

Điều trị toàn thân: Nằm ở tư thế đầu thấp

Thở hỗn hợp carbogene qua mặt nạ: Hỗn hợp 95% oxy, 5% carbonic qua mặt nạ trong 10 phút cho mỗi giờ vào ban ngày và cho 4 giờ vào ban đêm.

Acetazolamide uống hay truyền tĩnh mạch 500mg/ ngày x 7 ngày.

Kaleoride 600mg/ngày (uống) x 7 ngày.

Aspirine pH8 x 1 v/ngày (uống) x 7 ngày.

Cao cây bạch quả 40mg x 3v/ngày (uống) x 7 ngày.

Lưu ý: Các loại thuốc khi dùng phải tuân thủ theo sự hướng dẫn của bác sĩ.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của tắc động mạch võng mạc trung tâm

Chế độ sinh hoạt:

  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị. 

  • Duy trì lối sống tích cực, hạn chế sự căng thẳng.

  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.

  • Thăm khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.

  • Đeo thiết bị bảo vệ mắt thích hợp (kính, lá chắn, mặt nạ), tại nơi làm việc và trong khi chơi thể thao.

Phương pháp phòng ngừa tắc động mạch võng mạc trung tâm hiệu quả

Để phòng ngừa bệnh hiệu quả, bạn có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:

  • Khám và điều trị ngay các triệu chứng mù thoáng qua xảy ra ở 1 mắt. Điều trị dự phòng những trường hợp đã xảy ra tắc nhánh động mạch.

  • Toàn thân: Khám tổng quát phát hiện các yếu tố nguy cơ, nhất là các bệnh tim mạch, bệnh máu...

Nguồn tham khảo
  1. Quyết định số 40/QĐ-BYT ngày 12/01/2015 của Bộ Y tế về việc Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị các bệnh về mắt.
  2. https://www.msdmanuals.com//

Các bệnh liên quan

  1. Bệnh võng mạc trẻ sinh non

  2. Tật mắt nhỏ

  3. Chắp và lẹo

  4. Bong võng mạc

  5. Mắt đỏ

  6. U nguyên bào võng mạc

  7. Lão thị

  8. Xuất huyết dưới kết mạc

  9. Viêm màng bồ đào

  10. Viêm thần kinh thị giác