Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Bọng mắt, nguyên nhân và cách điều trị

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Vùng da quanh mắt có thể trở nên lỏng lẻo, có xu hướng nhăn nheo khi con người càng lão hoá. Sự suy yếu này làm cho mỡ xung quanh mắt tạo thành những túi phình gây ra bọng mắt. Một số yếu tố nguy cơ và thói quen sinh hoạt có thể làm nặng thêm tình trạng này. Bọng mắt chỉ là một vấn đề thẩm mỹ và hầu như không ảnh hưởng gì đến sức khoẻ. Một số phương pháp điều trị tại nhà, điều trị y khoa phẫu thuật hoặc không phẫu thuật có thể giúp cải thiện bọng mắt.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Bọng mắt là gì? 

Bọng mắt là tình trạng sưng nhẹ hoặc cảm giác như có một túi nhỏ bên dưới mắt. Bọng mắt có thể do nhiều nguyên nhân. Da chùng nhão, túi mỡ bên dưới mắt, tăng sắc tố ở vùng da quanh mắt hoặc lão hoá tự nhiên đều có thể dẫn đến hình ảnh bọng mắt kèm quầng thâm với một vẻ ngoài mệt mỏi. Trong một số trường hợp, tình trạng này có thể được di truyền từ cha mẹ và thấy ở những người trẻ tuổi nhưng đa số nguyên nhân hay gặp nhất là do sự lão hoá.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của bọng mắt

Bọng mắt có thể đi kèm với cảm giác sưng nhẹ, quầng thâm, vùng da nhão, xệ bên dưới mắt.

Tác động của bọng mắt đối với sức khỏe

Bọng mắt có thể ảnh hưởng đến vẻ ngoài của bạn nhưng chúng hầu như là không ảnh hưởng gì tới sức khoẻ. 

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu bọng mắt đi kèm với tính trạng sưng nghiêm trọng, dai dẳng, đau, ngứa hoặc đỏ thì cần đến khám bác sĩ ngay vì các triệu chứng trên có thể gợi ý các nguyên nhân thực thể bên dưới như bệnh lý tuyến giáp, nhiễm trùng hoặc dị ứng.

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến bọng mắt

Khi con người càng lớn tuổi, các mô xung quanh mắt dần yếu đi và chảy xệ. Sự mất dần các mô tạo điều kiện cho mỡ di chuyển về phía dưới mí mắt, khiến cho mắt trông giống như sưng húp lên. Dịch trong cơ thể cũng có thể đọng lại ở khu vực này và dẫn đến phù, sưng và gây ra bọng mắt. Quầng thâm cũng có thể xuất hiện kèm theo do tình trạng lão hoá.

Các yếu tố khác có thể gây ra bọng mắt, bao gồm:

  • Thiếu ngủ;

  • Hút thuốc lá;

  • Dị ứng;

  • Ứ dịch, phù (thường sau khi thức dậy hoặc sau khi ăn thức ăn mặn);

  • Di truyền trong gia đình.

Nguy cơ

Yếu tố làm tăng nguy cơ gây ra bọng mắt 

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ gây ra bọng mắt, bao gồm:

  • Phù, đặc biệt là khi thức dậy hoặc sau bữa ăn mặn;

  • Thiếu ngủ;

  • Một số tình trạng dị ứng;

  • Hút thuốc lá;

  • Yếu tố di truyền - quầng thâm và bọng mắt có thể di truyền trong gia đình.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp điều trị bọng mắt hiệu quả

Bọng mắt thường là vấn đề thẩm mỹ và thường không cần phải điều trị. 

Một số biện pháp điều trị tại nhà và thay đổi lối sống có thể giúp giảm bớt hoặc loại bỏ bọng mắt bao gồm:

  • Sử dụng một miếng khăn sạch làm lạnh bằng nước mát, sau đó đắp khăn và ấn nhẹ lên vùng da dưới và quanh mắt trong vài phút, nên làm khi đang ngồi thẳng.

  • Nên tránh uống nhiều nước trước khi đi ngủ và giảm muối trong chế độ ăn uống của bạn. Điều này sẽ làm giảm sự giữ nước có thể gây ra phù quanh mi mắt.

  • Cai thuốc lá.

  • Ngủ đủ giấc. Đối với hầu hết người lớn thời lượng ngủ tốt nhất nên từ 7 - 9 giờ mỗi ngày.

  • Kê cao đầu khi ngủ. Quầng thâm do giữ nước ở mí mắt dưới của bạn thường biến mất khi bạn ngủ dậy.

  • Tránh các chất gây dị ứng khi có thể. 

  • Sử dụng mỹ phẩm. Nếu bạn muốn che đi quầng thâm mắt của mình, hãy thử dùng phấn trang điểm.

Nếu tình trạng sưng tấy bên dưới mắt là do dị ứng, bác sĩ có thể kê đơn cho bạn sử dụng thuốc chống dị ứng như thuốc kháng histamin H1.

Một số phương pháp điều trị y khoa có thể áp dụng để giải quyết tình trạng bọng mắt:

  • Điều trị không phẫu thuật: Tiêm Filler (Phương pháp điều trị này đặt một chất làm đầy thường là axit hyaluronic có kết cấu giống như thạch vào nơi vùng dưới mắt và má để tạo ra sự cảm giác mượt mà); tái tạo bề mặt bằng laser; peel da trị bọng mắt (chemical peel) bằng cách làm bong các lớp tế bào da bề mặt bên dưới mắt. Các biện pháp điều trị không phẫu thuật thường cho hiệu quả từ 6 - 12 tháng hoặc vài năm tuỳ theo phương pháp điều trị.

  • Phẫu thuật thẩm mỹ: Phẫu thuật tạo hình, nâng mi mắt dưới (blepharoplasty) nhằm điều chỉnh lượng mỡ và làm căng lớp da, cơ ở mi mắt dưới nhằm tạo ra bề mặt mượt mà hơn. Đa số các trường hợp thì phẫu thuật có thể hiệu quả suốt đời.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của Bọng mắt

Chế độ sinh hoạt:

  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị. 

  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.

  • Thăm khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.

Phương pháp phòng ngừa bọng mắt hiệu quả

Để phòng ngừa bệnh hiệu quả, bạn có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:

  • Ngủ đủ giấc, có thể kê cao đầu khi ngủ.

  • Cố gắng tránh uống nước trước khi đi ngủ và hạn chế muối trong chế độ ăn uống.

  • Bỏ hút thuốc.

  • Tránh những thứ gây dị ứng cho bạn.

  • Sử dụng mỹ phẩm.

Nguồn tham khảo

1. https://www.aao.org/eye-health/tips-prevention/bags-under-eyes

2. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/bags-under-eyes/symptoms-causes/syc-20369927

3. https://www.hopkinsmedicine.org/health/treatment-tests-and-therapies/how-to-get-rid-of-bags-under-your-eyes

Các bệnh liên quan

  1. Viêm tổ chức hốc mắt

  2. Xuất huyết võng mạc

  3. Chắp và lẹo

  4. Giãn đồng tử

  5. Nhức mỏi mắt

  6. Vẩn đục dịch kính

  7. Hắc võng mạc trung tâm

  8. Viêm mô tế bào quanh hốc mắt

  9. Viễn thị

  10. Viêm võng mạc