Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Viêm màng bồ đào là gì ? Nguyên nhân và cách điều trị

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Viêm màng bồ đào là một bệnh mắt khá phổ biến, căn nguyên phức tạp, tổn thương lâm sàng thường nặng nề, nhiều biến chứng, hay tái phát và có thể dẫn đến mù lòa.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Viêm màng bồ đào là gì? 

Màng bồ đào cấu tạo bởi ba thành phần: Mống mắt phía trước, thể mi ở giữa và hắc mạc ở phía sau. Bệnh lý viêm của ít nhất một trong ba thành phần trên gọi là bệnh viêm màng bồ đào.

Có nhiều cách phân loại viêm màng bồ đào khác nhau như:

Phân loại theo tiến triển của bệnh

  • Viêm màng bồ đào cấp tính: Viêm màng bồ đào tồn tại dưới ba tháng, sau đó ổn định.

  • Viêm màng bồ đào mãn tính: Viêm kéo dài trên ba tháng.

Theo tổn thương giải phẫu bệnh: Viêm màng bồ đào có tổn thương u hạt hoặc không có tổn thương u hạt.

Phân loại theo vị trí giải phẫu: Là cách phân loại cơ bản nhất và đơn giản nhất được nhiều người công nhận:

  • Viêm màng bồ đào trước: Viêm mống mắt – thể mi.

  • Viêm màng bồ đào trung gian: Viêm vùng parplana.

  • Viêm màng bồ đào sau: Viêm hắc mạc.

  • Viêm màng bồ đào toàn bộ: Viêm đồng thời cả mống mắt thể mi và hắc mạc.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của viêm màng bồ đào

Triệu chứng cơ năng và thực thể có thể kín đáo và khác nhau tùy thuộc vào vị trí và mức độ nặng của viêm.

Viêm màng bồ đào trước có xu hướng có biểu hiện triệu chứng rõ nhất (đặc biệt ở giai đoạn cấp tính), thường biểu hiện bằng:

  • Đau (đau mắt);

  • Đỏ mắt;

  • Sợ ánh sáng;

  • Giảm thị lực (ở nhiều mức độ).

Viêm màng bồ đào mạn tính có thể ít có các triệu chứng rầm rộ hơn và biểu hiện kích ứng hoặc giảm thị lực.

Triệu chứng thực thể bao gồm cương tụ kết mạc tiếp xúc với giác mạc. Khám sinh hiển vi phát hiện tủa keratic (các tế bào bạch cầu vón cục trên bề mặt trong giác mạc), tyndall tiền phòng và dính mống mắt sau. Với viêm màng bồ đào nặng, bạch cầu có thể lắng đọng thành mủ tiền phòng.

Viêm màng bồ đào trung gian thường không đau và biểu hiện với

  • Ruồi bay;

  • Giảm thị lực.

Dấu hiệu chính là tyndall buồng dịch kính. Các tế bào viêm thường tích tụ ở khu vực phần sau thể mi (gần ranh giới của mống mắt và củng mạc), tạo thành hình ảnh "quả cầu tuyết". Thị lực có thể giảm do vẩn đục dịch kính và phù hoàng điểm do rò dịch từ mạch máu vùng hoàng điểm. Các tế bào viêm dính lại và ngưng tụ trong buồng dịch kính tạo hình hình ảnh quả cầu tuyết ở phần sau thể mi, có thể liên quan tới tân tạo mạch ở võng mạc ngoại biên.

Viêm màng bồ đào sau có thể gây ra các triệu chứng khác nhau nhưng phổ biến nhất là vẩn đục dịch kính và thị lực giảm như trong viêm màng bồ đào trung gian. Dấu hiệu bao gồm:

  • Tyndall buồng dịch kính;

  • Tổn thương trắng hoặc vàng trắng ở võng mạc (viêm võng mạc), viêm hắc mạc hoặc cả hai;

  • Viêm mạch võng mạc;

  • Phù đĩa thị.

Viêm màng bồ đào lan tỏa có thể biểu hiện bất cứ triệu chứng cơ năng và thực thể nào của các hình thái phía trước.

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh viêm màng bồ đào

  • Tăng nhãn áp là biến chứng khá phổ biến của viêm màng bồ đào trước, tăng nhãn áp trong đợt viêm cấp do nghẽn đồng tử, nghẽn góc tiền phòng do xuất tiết. Tăng nhãn áp trong viêm màng bồ đào cũ là do dính góc tiền phòng hoặc dính bít đồng tử hoặc do tân mạch mống mắt (glôcôm tân mạch). Ngoài ra cũng phải kể đến tăng nhãn áp do dùng kéo dài thuốc corticosteroid trong điều trị bệnh viêm màng bồ đào.

  • Đục thủy tinh thường gặp trong viêm mống mắt thể mi mạn tính hoặc tái phát, là biến chứng của quá trình viêm hoặc do điều trị corticosteroid kéo dài.

  • Phù hoàng điểm dạng nang: Viêm màng bồ đào trung gian hoặc viêm hắc mạc có thể gây biến chứng phù hoàng điểm dạng nang làm giảm thị lực.

  • Teo nhãn cầu: Trong viêm mống mắt thể mi nặng, thể mi giảm tiết thủy dịch vĩnh viễn dẫn đến teo nhãn cầu.

  • Tổ chức hóa dịch kính: Dịch kính đục, tổ chức hóa làm giảm thị lực; bong dịch kính sau có thể co kéo gây thoái hóa, bong võng mạc.

  • Bong võng mạc: Viêm màng bồ đào sau có thể gây bong võng mạc do xuất tiết hoặc bong võng mạc do co kéo dịch kính.

  • Biến chứng khác: Màng trước võng mạc; Tân mạch dưới võng mạc.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Bạn cần đi khám bác sĩ nhãn khoa, chuyên gia bệnh về mắt, nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu và triệu chứng trên. Bác sĩ sẽ dùng kính hiển vi và ánh sáng để kiểm tra chi tiết mắt và có thể đề nghị làm thêm các xét nghiệm nếu chẩn đoán ra bệnh viêm màng bồ đào. Cơ địa mỗi người là khác nhau. Vì vậy hãy hỏi ý kiến bác sĩ để lựa chọn được phương án thích hợp nhất.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến viêm màng bồ đào

Có rất nhiều nguyên nhân gây viêm màng bồ đào bao gồm do vi khuẩn, do virus, do nấm, do ký sinh trùng. Có những thể viêm màng bồ đào không thấy nguyên nhân, người ta cho rằng có liên quan đến cơ chế dị ứng hoặc có liên quan đến yếu tố miễn dịch...

Nguyên nhân viêm màng bồ đào trước bao gồm:

  • Vô căn hoặc sau phẫu thuật (nguyên nhân thông thường nhất);

  • Chấn thương;

  • Các bệnh viêm khớp liên quan đến cột sống;

  • Bệnh viêm khớp thiếu niên vô căn;

  • Nhiễm trùng Herpesvirus (vi rút herpes simplex [HSV], vi rút Varicella zoster [VZV], và vi rút cytomegalovirus [CMV]).

Nguyên nhân viêm màng bồ đào trung gian bao gồm:

  • Vô căn (phổ biến nhất);

  • Xơ cứng rải rác;

  • Sarcoidosis;

  • Bệnh lao (TB);

  • Bệnh giang mai;

  • Bệnh Lyme (ở các vùng lưu hành).

Nguyên nhân viêm màng bồ đào sau (viêm võng mạc) bao gồm:

  • Vô căn (phổ biến nhất);

  • Toxoplasmosis;

  • CMV (ở bệnh nhân HIV / AIDS);

  • HSV / VZV;

  • Sarcoidosis.

Nguyên nhân viêm màng bồ đào toàn bộ bao gồm:

  • Vô căn (phổ biến nhất);

  • Sarcoidosis;

  • Lao.

Đôi lúc, các thuốc toàn thân có thể gây viêm màng bồ đào (thường là trước). Ví dụ như sulfonamid, bisphosphonat (chất ức chế tái hấp thu xương), rifabutin, và cidofovir.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải (bị) viêm màng bồ đào?

Viêm màng bồ đào có thể ảnh hưởng đến bệnh nhân ở mọi lứa tuổi, nhưng chủ yếu phổ biến ở những người độ tuổi từ 20 đến 50. Theo một nghiên cứu từ California - USA, hơn 280.000 người tại Hoa Kỳ mắc bệnh viêm màng bồ đào mỗi năm. Hàng năm, viêm màng bồ đào là nguyên nhân gây mù ở 30.000 trường hợp và tăng 10% tất cả các trường hợp mù. Viêm màng bồ đào trước là dạng phổ biến nhất với tỷ lệ hàng năm khoảng 8 - 15 trường hợp trên 100000 người. Bệnh xảy ra như nhau ở nam và nữ.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc (bị) viêm màng bồ đào

Có rất nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ viêm màng bồ đào, chẳng hạn như biến đổi gen và đôi khi do thói quen hút thuốc lá. Kính áp tròng cũng làm tăng nguy viêm màng bồ đào.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán viêm màng bồ đào

Viêm màng bồ đào nên được nghi ngờ ở bất kỳ bệnh nhân nào đau mắt, đỏ mắt, sợ ánh sáng, ruồi bay, hoặc giảm thị lực. Bệnh nhân bị viêm màng bồ đào trước một bên mắt có đau ở mắt bị tổn thương nếu ánh sáng rọi vào mắt không bị tổn thương (sợ ánh sáng thực sự), dấu hiệu không thường gặp ở viêm kết mạc.

Chẩn đoán viêm màng bồ đào trước dựa vào tyndall tiền phòng. Tyndall tiền phòng được phát hiện qua khám sinh hiển vi và rõ nhất khi cắt khe với ánh sáng cường độ mạnh trong phòng tối. Các triệu chứng của viêm màng bồ đào trung gian và sau được quan sát dễ dàng nhất sau khi dãn đồng tử xem khám đáy mắt. Soi đáy mắt gián tiếp (thường được thực hiện bởi bác sĩ nhãn khoa) nhạy hơn so với soi mắt trực tiếp. (Lưu ý: Nếu nghi ngờ bị viêm màng bồ đào, bệnh nhân nên được chuyển chuyên khoa để được khám mắt toàn diện.)

Nhiều bệnh lý gây viêm bên trong nhãn cầu có thể bị nhầm với viêm màng bồ đào nên được xem xét trong các bệnh cảnh lâm sàng thích hợp. Các bệnh lý như vậy bao gồm viêm kết mạc nặng (ví dụ như viêm kết giác mạc dịch), viêm giác mạc nặng (ví dụ như viêm kết giác mạc do herpes, viêm giác mạc loét rìa), và viêm củng mạc nặng.

Glôcôm góc đóng cấp tính có thể gây đỏ và đau mắt dữ dội tương tự như viêm màng bồ đào, đó là lý do tại sao kiểm tra nhãn áp trong mỗi lần khám lại quan trọng. Viêm màng bồ đào thường (nhưng không phải luôn luôn) liên quan đến hạ nhãn áp, trong khi glôcôm góc đóng cấp tính thường có nhãn áp cao. Có thể phân biệt viêm màng bồ đào với glôcôm góc đóng cấp tính nhờ giác mạc trong và tiền phòng sâu.

Những bệnh cảnh phức tạp khác gồm ung thư nội nhãn ở người rất trẻ (điển hình là u nguyên bào võng mạc và bệnh bạch cầu) và ở người cao tuổi (u lymphoma nội nhãn). Ít gặp hơn, viêm võng mạc sắc tố có thể xuất hiện với viêm nhẹ, nhầm với viêm màng bồ đào.

Phương pháp xét nghiệm:

  • Xét nghiệm sinh hóa: Xét nghiệm máu, thủy dịch hoặc dịch kính tìm tác nhân gây bệnh hoặc kháng thể đặc hiệu (miễn dịch huỳnh quang, Elisa, PCR,…), xác định kháng nguyên bạch cầu HLA-B27, HLA-B5,…

  • Siêu âm: Đánh giá tình trạng dịch kính, võng mạc trong trường hợp đục dịch kính, bong dịch kính sau, bong võng mạc nội khoa,…

  • Đo điện nhãn cầu: Giúp đánh giá chức năng biểu mô sắc tố, các lớp ngoài võng mạc.

  • Chụp huỳnh quang đáy mắt: Giúp xác định các ổ tổn thương hắc mạc, tổn thương đang hoạt tính hay làm sẹo, phù hoàng điểm dạng nang…

Phương pháp điều trị viêm màng bồ đào hiệu quả

Điều trị viêm màng bồ đào thường khó khăn vì điều trị dựa vào chẩn đoán nguyên nhân mà nhiều trường hợp không tìm được nguyên nhân.

Điều trị theo nguyên nhân bằng thuốc đặc hiệu 

Kháng sinh chống vi khuẩn, thuốc chống vi rút, thuốc chống nấm, thuốc diệt ký sinh trùng,…

  • Thuốc làm giãn đồng tử và liệt thể mi: Atropin 1 – 4% tra mắt 1 – 2 lần/ngày. Thuốc có tác dụng làm giãn đồng tử, tách dính mống mắt vào mặt trước thể thủy tinh; làm giảm tiết và nghỉ ngơi thể mi, có tác dụng giảm viêm và giảm đau.

  • Thuốc chống viêm: Corticosteroid là thuốc chống viêm chủ lực trong điều trị viêm màng bồ đào. Thuốc có nhiều dạng và nhiều đường dùng: Tra mắt, tiêm tại mắt hoặc dùng đường toàn thân (uống, tiêm bắp, tiêm tĩnh mạch). Liều dùng 1mg/kg cân nặng/ngày, dùng liều giảm dần. Có thể dùng liều cao đường tĩnh mạch cùng sự phối hợp theo dõi của bác sĩ nội khoa… Thuốc có nhiều tác dụng phụ nên cần theo dõi chặt chẽ khi dùng. Các thuốc chống viêm không steroid có thể dùng thay thế trong trường hợp chống chỉ định dùng corticosteroid: Indomethacin, Diclofenac,…

  • Thuốc ức chế miễn dịch: Dùng trong những trường hợp viêm màng bồ đào nặng, kháng corticosteroid. Bao gồm các thuốc như: Cyclophosphamit, Clorambuxil, Azathioprin, Methotrexat, Cyclosporin,... Khi dùng những thuốc này phải theo dõi chức năng gan, thận, phải ngừng thuốc khi thấy bắt đầu có dấu hiệu nhiễm độc hoặc dùng thuốc không có hiệu quả ở liều điều trị.

Phẫu thuật

Phẫu thuật chủ yếu để điều trị biến chứng viêm màng bồ đào:

  • Phẫu thuật thể thủy tinh.

  • Phẫu thuật điều trị tăng nhãn áp.

  • Cắt dịch kính, bóc màng trước võng mạc.

  • Phẫu thuật bong võng mạc.

Lưu ý: Các loại thuốc khi dùng phải tuân thủ theo sự hướng dẫn của bác sĩ.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của viêm màng bồ đào

Chế độ sinh hoạt:

  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị. 

  • Duy trì lối sống tích cực, hạn chế sự căng thẳng.

  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.

  • Thăm khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.

Phương pháp phòng ngừa viêm màng bồ đào hiệu quả

Để phòng ngừa bệnh hiệu quả, bạn có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:

  • Bệnh viêm màng bồ đào tự miễn không phòng ngừa được.

  • Bệnh viêm màng bồ đào do nhiễm ký sinh trùng thì cần chú ý giữ vệ sinh tay sạch sẽ, chỉ ăn chín, uống sôi, tránh ăn các món gỏi, đồ sống để không bị nhiễm ấu trùng giun, sán.

  • Không rửa mặt bằng nguồn nước ô nhiễm.

  • Bảo vệ mắt bằng kính khi tiếp xúc với môi trường khói bụi.

  • Khi có các dấu hiệu của viêm màng bồ đào, bệnh nhân cần đến các cơ sở chuyên khoa mắt để khám và điều trị kịp thời, khẩn cấp.

  • Đề phòng vết thương xuyên nhãn cầu có dị vật nội nhãn chính là đề phòng chấn thương mắt và điều trị tích cực theo phác đồ đã nêu trên càng sớm càng tốt.

Nguồn tham khảo
  1. MSD manuals: https://www.msdmanuals.com/vi/chuy%C3%AAn-gia/r%E1%BB%91i-lo%E1%BA%A1n-m%E1%BA%AFt/vi%C3%AAm-m%C3%A0ng-b%E1%BB%93-%C4%91%C3%A0o-v%C3%A0-b%E1%BB%87nh-l%C3%BD-li%C3%AAn-quan/t%E1%BB%95ng-qu%C3%A1t-v%E1%BB%81-vi%C3%AAm-m%C3%A0ng-b%E1%BB%93-%C4%91%C3%A0o

  2. Webmd: https://www.webmd.com/eye-health/ss/slideshow-uveitis (Hình 1).

  3. https://www.medicalnewstoday.com/articles/321517 (Hình 2).