Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Xốp xơ tai gây mất thính lực: Cách phát hiện và điều trị

Ngày 26/09/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Xốp xơ tai là sự tái tạo xương bất thường ở tai giữa làm cản trở quá trình truyền âm thanh. Bệnh biểu hiện bởi tình trạng mất thính lực mức độ nhẹ đến nặng và thường gặp ở những người ở độ tuổi trung niên. Đây là bệnh hiếm gặp tuy nhiên nếu không được điều trị có thể gây ảnh hưởng đến chất lượng sống của bạn. Các phương pháp điều trị hiện nay bao gồm máy trợ thính, cắt bỏ xương bàn đạp hoặc cấy ốc tai điện tử.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Bệnh xốp xơ tai là gì?

Xơ xốp tai là tình trạng của tái tạo xương bất thường ở tai, lúc này các lớp nội sụn được thay bằng một hoặc nhiều ổ xương xốp và thường gặp ở xương bàn đạp khiến xương bàn đạp bị cố định tại chỗ không thể rung khi âm thanh truyền tới. Tái tạo xương là một quá trình suốt đời bằng cách mô xương cũ sẽ được thay thế bởi mô mới.

Bệnh gây ra tình trạng mất thính lực do gián đoạn quá trình dẫn truyền âm thanh từ tai giữa đến tai trong với màng nhĩ bình thường vì xương bàn đạp có tác dụng dẫn truyền âm thanh giúp bạn có thể nghe rõ.

Ước tính có ít nhất 3 triệu người Hoa Kỳ mắc bệnh xơ xốp tai. Xốp xơ tai thường ảnh hưởng đến tai giữa và tai trong.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh xốp xơ tai

Mặc dù có nhiều bệnh lý có thể gây ra tổn thương thính lực nhưng xơ xốp tai thường gây mất thính lực từ từ. Các dấu hiệu và triệu chứng của xơ xốp tai:

  • Mất thính lực nặng dần theo thời gian: Mất thính lực hai bên là triệu chứng phổ biến nhất của bệnh xơ xốp tai. Ban đầu bạn có thể chỉ có suy giảm thính lực nhưng lâu dần thính lực của bạn sẽ tiến triển theo hướng tệ hơn cho đến mất thính lực.
  • Không thể nghe được một số âm thanh nhất định: Thông thường tình trạng này sẽ xuất hiện ở một bên tai trước sau đó là cả hai tai. Ban đầu bạn có thể không nghe được những âm thanh với tần số thấp như tiếng thì thầm. Bạn có thể gặp dấu hiệu nghe rõ hơn trong môi trường ồn ào, mặc dù không đặc hiệu nhưng đây là một dấu hiệu cho thấy bạn đang bị mất thính lực do tổn thương đường dẫn truyền.
  • Mức độ suy giảm thính lực ở hai bên tai khác nhau: Khoảng 70% trường hợp mắc bệnh xơ xốp tai sẽ bị tổn thương thính lực ở cả hai tai và mức độ tổn thương hai bên khác nhau.
  • Phản ánh từ người ngoài: Những người xung quanh có thể phàn nàn bạn nói nhỏ mặc dù bạn nghe tiếng nói của mình rất lớn.
  • Ù tai: Cùng với tình trạng mất thính lực, một số người mắc bệnh xốp xơ tai phàn nàn về tình trạng ù tai đột ngột. Ù tai được mô tả bao gồm nghe thấy tiếng ù ù hoặc tiếng rít trong tai.
  • Chóng mặt: Ngoài các triệu chứng về tai, bạn có thể bị chóng mặt, mất thăng bằng khi mắc bệnh. Lúc đầu có thể nhẹ nhưng khi bệnh tiến triển, tình trạng này có thể trầm trọng hơn.
Xốp xơ tai gây mất thính lực: Cách phát hiện và điều trị 3
Xơ xốp tai có thể gây ra tình trạng chóng mặt

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh xốp xơ tai

Nếu không được điều trị, bệnh có thể gây mất thính lực đáng kể. Điều này có thể ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày và công việc của bạn. Tuy nhiên mất thính lực hoàn toàn do xơ xốp tai là hiếm gặp.

Một biến chứng hiếm gặp khác là tình trạng mất thính lực nghiêm trọng do điều trị bệnh xơ xốp tai bằng phẫu thuật. Ù tai và tổn thương dây thần kinh mặt cũng có thể xảy ra.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu bạn nhận thấy mình có tình trạng thay đổi thính lực đột ngột, hãy đi khám bác sĩ tai mũi họng để được khám và chẩn đoán bệnh sớm. Bệnh có thể diễn tiến nặng dần theo thời gian, do đó hãy theo dõi sự bất thường của thính lực của mình.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến bệnh xốp xơ tai

Nguyên nhân gây ra bệnh xơ xốp tai đến nay vẫn chưa được biết chính xác. Nhiều nguyên nhân đã được đưa ra gồm:

  • Giải phẫu: Phần bị tổn thương nhiều nhất là ở khe trước cửa sổ, nơi sụn phôi vẫn tồn tại.
  • Di truyền: Nhiều đột biến gen đã được xác định có liên quan đến bệnh xốp xơ tai. Hơn 50% người bệnh xốp xơ tai có tiền sử gia đình mắc bệnh tương tự. Ngoài ra những người có tiền sử gia đình mắc bệnh được thấy là sẽ khởi phát bệnh xốp xơ tai sớm hơn.
  • Nhiễm virus: Nhiễm virus sởi được cho là có liên quan đến bệnh xốp xơ tai và đã được thừa nhận.
Xốp xơ tai gây mất thính lực: Cách phát hiện và điều trị 5
Nhiễm virus sởi có liên quan đến bệnh xốp xơ tai

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc bệnh xốp xơ tai

Tỷ lệ mắc bệnh xốp xơ tai là khoảng 0,04% đến 1% ở người da trắng. Tỷ lệ mắc bệnh của nữ giới cao hơn so với nam giới, với tỷ lệ 2:1.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải bệnh xốp xơ tai

  • Tuổi: Độ tuổi trung bình khởi phát bệnh xơ xốp tai là từ 30 đến 50 tuổi, tình trạng giảm thính lực có thể bắt đầu xuất hiện ở độ tuổi 20. Trẻ em hiếm khi mắc tình trạng này.
  • Chủng tộc: Bệnh phổ biến ở người da trắng hơn và hiếm gặp ở người da đen.
  • Phụ nữ có thai: Khi mang thai sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng điếc do xốp xơ tai tuy nhiên mối liên hệ giữa chúng vẫn còn gây tranh cãi.
  • Khác: Mãn kinh, chấn thương hoặc phẫu thuật lớn đều có thể gây ra hoặc làm nặng thêm tình trạng xốp xơ tai. 

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán bệnh xốp xơ tai

Quan trọng nhất là cần loại trừ các bệnh lý hoặc tình trạng sức khỏe khác có thể gây ra các triệu chứng tương tự như bệnh xốp xơ tai. Các bác sĩ tai mũi họng sẽ chẩn đoán và đề nghị các xét nghiệm bổ sung giúp chẩn đoán cho bạn dựa vào:

  • Bệnh sử các triệu chứng của bạn, bao gồm cả thời điểm bắt đầu và mức độ nghiêm trọng của nó với cuộc sống của bạn.
  • Khám tai: Sử dụng dụng cụ soi tai để nhìn vào bên trong tai để có nhìn thấy màng nhĩ, xương búa,...
  • Kiểm tra thính lực bằng rung âm thoa bằng nghiệm pháp Weber, nghiệm pháp Rinne.
  • Đo thính lực để xác định tình trạng mất thính lực do giảm dẫn truyền hay do giảm tiếp nhận hay cả hai.
  • Đo nhĩ lượng có thể giúp phân biệt bệnh xốp xơ tai với các bệnh lý khác ở tai.
  • Chụp cắt lớp vi tính với độ phân giải cao (CT-scan) xương thái dương là một tiêu chuẩn giúp chẩn đoán bệnh xốp xơ tai. CT-scan giúp loại trừ các nguyên nhân khác có thể gây mất thính lực. 
Xốp xơ tai gây mất thính lực: Cách phát hiện và điều trị 6
Đo thính lực để xác định nguyên nhân gây mất thính lực

Phương pháp điều trị bệnh xốp xơ tai

Bạn không thể chữa khỏi hoàn toàn bệnh xốp xơ tai nhưng bạn có thể kiểm soát bệnh. Mục đích của việc điều trị bệnh xốp xơ tai là để ngăn chặn sự tiến triển của bệnh.

Thuốc

Hiện nay không có phương pháp điều trị bằng thuốc nào giúp chữa khỏi hoàn toàn bệnh. Điều trị bệnh xơ xốp tai phụ thuộc vào mức độ mất thính lực. Nếu mức độ nhẹ, bác sĩ tai mũi họng sẽ đề nghị bạn tiếp tục theo dõi và kiểm tra thính lực thường xuyên.

Natri florua hoặc bisphosphonate được cho là giúp giảm diễn tiến nặng của bệnh xốp xơ tai nhưng bằng chứng chắc chắn về hiệu quả vẫn còn hạn chế.

Dụng cụ hỗ trợ

Máy trợ thính giúp khuếch đại âm thanh để giúp bạn nghe rõ hơn. Nó có thể được sử dụng đơn lẻ hoặc kết hợp với phương pháp điều trị khác. Việc sử dụng máy trợ thính sẽ được cài đặt tùy theo nhu cầu của bạn. Máy trợ thính chỉ giúp cải thiện tình trạng thính lực của bạn nhưng không thể ngăn ngừa tình trạng xốp xơ tai tiến triển nghiêm trọng hơn.

Phẫu thuật

Nếu bạn có tình trạng mất thính lực nghiêm trọng, bác sĩ có thể đề nghị điều trị bằng phương pháp phẫu thuật cắt bỏ xương bàn đạp và thay thế bằng một thiết bị giả giúp cải thiện tình trạng thính lực của bạn. Thiết bị giả này cho phép âm thanh truyền đến tai trong của bạn.

Khi bạn bị xốp xơ tai ở cả hai bên, bác sĩ phẫu thuật sẽ phẫu thuật từng tai một để mỗi bên có thời gian phục hồi sau phẫu thuật. Sau khi cuộc phẫu thuật đầu tiên hoàn tất, bạn có thể phải đợi ít nhất 6 tháng để lên lịch cho cuộc phẫu thuật tiếp theo cho tai còn lại.

Phẫu thuật giúp cải thiện bệnh xơ xốp tai trong 90% trường hợp. Mặc dù phẫu thuật được thấy giúp bạn cải thiện thính lực nhưng có thể bạn vẫn phải cần sử dụng máy trợ thính sau khi phẫu thuật.

Cấy ghép ốc tai điện tử

Ốc tai điện tử có thể giúp cải thiện thính lực ở những người mắc bệnh xốp xơ tai. Ốc tai điện tử sẽ đi qua cấu trúc tai trong của bạn và tạo ra một con đường mới để dẫn âm thanh và truyền đến não của bạn.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh xốp xơ tai

Chế độ sinh hoạt:

  • Theo dõi các triệu chứng của bệnh;
  • Theo dõi tình trạng vết mổ và tái khám đúng lịch hẹn;
  • Không nên mang thai khi đang mắc bệnh;
  • Nghỉ ngơi sau phẫu thuật, tránh vận động mạnh trong thời gian đầu;
  • Hạn chế tiếp xúc với tiếng động lớn như âm thanh ở công trường, nhà máy…;
  • Tránh bơi lội, ngoáy tai hay đi máy bay hoặc du lịch đến những miền núi cao;
  • Không xì mũi, tăng áp lực ở mũi sẽ làm tăng áp lực của tai;
  • Giữ vết mổ khô, sạch và thay băng vết thương mỗi ngày;
  • Giữ tinh thần lạc quan, thoải mái.
xop-xo-tai-7.jpg
Người bệnh xơ xốp tai cần giữ tinh thần lạc quan, thoải mái

Chế độ dinh dưỡng:

  • Ăn uống đủ các chất và đa dạng các loại thực phẩm.
  • Tăng cường bổ sung các thực phẩm giàu chất xơ tự nhiên và các vitamin, khoáng chất.
  • Tránh các thực phẩm cay nóng, dầu mỡ, thức ăn nhanh,...

Phương pháp phòng ngừa bệnh xốp xơ tai hiệu quả

Không có yếu tố nguy cơ có thể thay đổi nào có thể phòng ngừa đối với bệnh xốp xơ tai như tiếp xúc với tiếng ồn lớn. Do đó hiện nay chưa có cách để phòng ngừa tình trạng xốp xơ tai.

Nguồn tham khảo
  1. Overview of Otosclerosis: https://www.healthline.com/health/otosclerosis
  2. Otosclerosis: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK560671/
  3. Otosclerosis: https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/22033-otosclerosis
  4. Otosclerosis: https://www.nidcd.nih.gov/health/otosclerosis
  5. Otosclerosis: https://www.nhs.uk/conditions/otosclerosis/

Các bệnh liên quan

  1. Papilloma thanh quản

  2. Chấn thương thanh quản

  3. Viêm mũi teo

  4. Viêm amidan

  5. Viêm tai giữa ứ dịch

  6. Polyp mũi

  7. Điếc

  8. Viêm amidan xơ teo

  9. Viêm xoang

  10. Ung thư họng