Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Ung thư da đầu: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng ngừa

Ngày 11/07/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Một dạng phổ biến của ung thư da là ung thư da đầu bởi đây là nơi tiếp xúc thường xuyên với ánh mặt trời. Căn bệnh này khá nguy hiểm bởi nguy cơ gây ảnh hưởng đến tính mạng cao. Bài viết này sẽ giúp bạn có đầy đủ kiến thức về căn bệnh ung thư da đầu, nguyên nhân, cách điều trị và phòng ngừa bệnh.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Ung thư da đầu là bệnh gì?

Ung thư da đầu là một dạng của ung thư da, tuy không quá phổ biến nhưng cũng không phải hiếm gặp. Bệnh thường xảy ra với vùng da đầu nên dễ phát triển và di căn đến não, nguy cơ cao nguy hiểm đến tính mạng.

Nếu xét về độ nguy hiểm của ung thư da đầu thì các chuyên gia khuyến cáo người bệnh nên cẩn trọng. Căn bệnh này có tốc độ phát triển nhanh, dễ di căn vào não. Các khối u ác tính trên da đầu đã được chứng minh là gây tử vong cao hơn so với những khối u ác tính khác. Cụ thể, khối u ác tính trên da đầu và cổ có số ca tử vong cao hơn so với khối u ác tính ở những khu vực khác trên cơ thể.

Thêm vào đó, ung thư da đầu khó chẩn đoán ở giai đoạn sớm. Lý do là vì phần da đầu bị tóc che phủ, người bệnh khó phát hiện kịp thời những thay đổi trên da đầu so với các phần da khác trên người. Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ đã đánh giá rằng, đây là bệnh có tỷ lệ mắc thấp hơn so với các bệnh u ác tính khác. Mặc dù vậy, độ nguy hiểm và tỉ lệ tử vong của loại ung thư này lại cao gấp 2 lần.

Ung thư da đầu có 4 giai đoạn tiến triển bao gồm:

  • Giai đoạn 1: Da đầu có khối u với kích thước nhỏ, lớn nhất khoảng 2cm, chưa xâm lấn sang các khu vực lân cận.
  • Giai đoạn 2: Khối u lớn dần, kích thước không quá 5cm, có trường hợp u nhỏ khoảng 2cm nhưng có thâm bì, chưa có dấu hiệu di căn.
  • Giai đoạn 3: Khối u phát triển khoảng 5cm hoặc nhỏ hơn nhưng bị thâm nhiễm trung bì hoặc khối u kích thước bất kỳ nhưng kèm theo di căn hạch.
  • Giai đoạn 4: Khối u di căn sang các hạch, vùng da, bộ phận, cơ quan khác trên cơ thể như xương, sụn…

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của ung thư da đầu

Bệnh ung thư da đầu chia thành 3 loại chính với các dấu hiệu và triệu chứng cảnh báo khác nhau. Cụ thể là:

Ung thư tế bào đáy

Đây là dạng ung thư phổ biến và hiếm có trường hợp tử vong. Nguyên nhân là loại ung thư này thường phát triển chậm, không di căn sang khu vực khác nên khá lành tính. Ung thư tế bào đáy thường xảy ra trên vùng da tiếp xúc với ánh mặt trời nhiều và trực tiếp như da đầu.

Triệu chứng của bệnh là:

  • Da đầu xuất hiện đốm màu đỏ, hồng hoặc nâu giống nốt ruồi, bề mặt bằng phẳng hoặc lõm ở phần giữa hoặc nổi lên. Các đốm đôi khi sáng bóng hoặc sần sùi thô ráp.
  • Bề mặt đốm dễ chảy máu dù chỉ va chạm nhẹ.
  • Nhìn thấy được mạch máu không đều khi đốm phát triển lớn hơn.

Ung thư tế bào vảy

Ung thư tế bào vảy phổ biến thứ hai sau ung thư tế bào đáy. Bệnh tuy hiếm gây tử vong nhưng dễ di căn và tiến triển nhanh nếu không được điều trị kịp thời. Loại ung thư này thường gặp ở vùng da tiếp xúc với ánh mặt trời thường xuyên như đầu.

Triệu chứng cảnh báo ung thư tế bào vảy là da đầu xuất hiện nốt cứng hoặc các mảng màu hồng, màu đỏ. Bề mặt các nốt sần sùi, có vảy, bong tróc. Người bệnh sẽ cảm thấy da đầu ngứa ngáy, đôi khi chảy máu bất thường mà không rõ nguyên do.

Ung thư da đầu: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng ngừa 4
Đốm và nốt không đều màu có thể là dấu hiệu cảnh báo ung thư da đầu

Ung thư hắc tố

Ung thư hắc tố thuộc dạng ung thư da đầu ít phổ biến nhưng mức độ nguy hiểm lại khá cao, tỉ lệ gây tử vong cao nhất. Khối u ác tính lây lan nhanh, di căn tốc độ cao và khó kiểm soát. Một số triệu chứng ở người bị ung thư hắc tố là:

  • Da đầu xuất hiện vết đốm hoặc vết sưng màu nâu hoặc màu đen như nốt ruồi khiến người bệnh chủ quan, nghĩ đơn giản là mọc nốt ruồi.
  • Đường viền quanh đốm hoặc nốt có màu sắc không đều, sẫm màu hơn.
  • Các đốm hoặc nốt có sự thay đổi về kích thước và màu sắc.
  • Người bệnh bị ngứa hoặc chảy máu theo thời gian.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Các khối u trên da đầu thường nổi lên dưới dạng mụn cóc, nốt cứng màu nâu đỏ, về mặt sần sùi hoặc nhẵn bóng, vết loét hoặc nốt ruồi, có thể chảy máu, đau hoặc không. Người ta thường lầm tưởng đó chỉ là nốt ruồi và chủ quan không theo dõi. Do đó, nếu bạn phát hiện trên da đầu có đốm bất thường thì hãy đến gặp bác sĩ nhanh chóng để được chẩn đoán chính xác tình trạng mình đang gặp phải nhằm có biện pháp can thiệp kịp thời, tránh để quá muộn.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến ung thư da đầu

Bệnh ung thư da đầu xuất phát từ một số nguyên nhân như:

  • Sử dụng hóa chất làm tóc quá nhiều: Thành phần chất hóa học độc hại có trong thuốc nhuộm hoặc tẩy khi tiếp xúc nhiều với da đầu trong thời gian dài sẽ gây hại vùng da đầu, thậm chí hình thành các khối u ác tính. Bên cạnh thuốc nhuộm, tẩy tóc thì thuốc hấp tóc, thuốc dưỡng… cũng có khả năng làm tổn thương da đầu.
  • Tia tử ngoại: Vùng da đầu tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời ở cường độ cao và tần suất thường xuyên trong thời gian dài sẽ dẫn đến ung thư.
  • Di truyền: Những người có người thân mắc hội chứng Torres, hội chứng tế bào đáy dạng nơ-vi, bệnh xơ da nhiễm sắc, hội chứng Gardner… cũng có thể bị ung thư vùng da đầu.
Ung thư da đầu: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng ngừa 5
Dùng hóa chất cho tóc thường xuyên là nguyên nhân gây ung thư da đầu

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải ung thư da đầu?

Những người sau đây có nguy cơ cao bị ung thư da đầu:

  • Trên cơ thể có nhiều nốt ruồi hoặc có nốt ruồi với hình dạng bất thường.
  • Mắc bệnh dày sừng quang hóa, tức là da tăng trưởng mạnh tạo các mảng sần sùi, có vảy, màu hồng đậm hoặc nâu.
  • Từng bị ung thư da hoặc gia đình có thành viên mắc ung thư da.
  • Có tình trạng bệnh ức chế hệ miễn dịch, chẳng hạn như HIV.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải ung thư da đầu

Những yếu tố sau làm tăng nguy cơ bị ung thư da đầu:

  • Tắm nắng, phơi nắng, làm việc dưới ánh nắng mặt trời thường xuyên.
  • Có tiền xử da dễ cháy nắng hoặc bị cháy nắng.
  • Da trắng hoặc tóc vàng, da nhiều tàn nhang.
  • Sử dụng thuốc ức chế hoặc thuốc làm suy yếu hệ miễn dịch, ví dụ thuốc chống thải ghép trong cấy ghép nội tạng.
  • Da từng có thời gian bị tổn thương do xạ trị.
  • Chiếu xạ vùng đầu.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán ung thư da đầu

Thông thường, khi chẩn đoán, bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám lâm sàng để quan sát vị trí tổn thương ở trên vùng da đầu. Đồng thời, có thể hỏi thêm một số vấn đề về tiền sử bản thân và gia đình nhằm đưa ra kết luận sơ bộ về tình trạng của người bệnh.

Ngoài ra, một số phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán có thể được chỉ định như:

  • Chụp X-quang: Phương pháp chẩn đoán hình ảnh này giúp bác sĩ phát hiện và đánh giá mức độ xâm lấn của khối u ung thư da đầu.
  • Sinh thiết: Bác sĩ sẽ tiến hành lấy một mẫu nhỏ của vùng da đầu đang nghi ngờ mắc ung thư để thực hành sinh thiết dưới kính hiển vi. Sinh thiết là phương pháp giúp xác định loại ung thư da đầu, tình trạng và giai đoạn bệnh cụ thể.

Phương pháp điều trị ung thư da đầu hiệu quả

Tùy thuộc vào quá trình tiến triển của bệnh và tình hình sức khỏe mà bệnh nhân sẽ được bác sĩ đề xuất phương pháp điều trị tối ưu và phù hợp nhất. Tương tự các bệnh ung thư khác, ung thư da đầu có thể được chữa trị bằng biện pháp hóa trị, xạ trị và phẫu thuật. Ngay khi thấy biểu hiện bất thường trên da đầu, bạn cần đến cơ sở y tế hoặc bệnh viện chuyên khoa để được thăm khám và tư vấn cách điều trị ngay từ sớm.

Những phương pháp thường được áp dụng trong quá trình điều trị ung thư da đầu mà người bệnh có thể tham khảo bao gồm:

Phẫu thuật

Bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật đối với người mắc ung thư giai đoạn đầu. Hiệu quả của phương pháp này là 90% và tỉ lệ tái phát bệnh thấp. Khi phẫu thuật, bác sĩ tiến hành cắt bỏ khối u ung thư, nạo vét các mô xung quanh khối u nhằm đảm bảo loại bỏ tận gốc rễ và bệnh không quay trở lại.

Ung thư da đầu: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng ngừa 6
Phẫu thuật thường được chỉ định cho người ung thư giai đoạn đầu

Để chắc chắn người bệnh phù hợp với phương pháp này, bác sĩ sẽ đánh giá tổng quan, thăm khám cẩn thận nhằm xác định kích thước, vị trí, bề rộng khối u, mức độ xâm lấn. Trong quá trình phẫu thuật, người bệnh được gây mê cẩn thận.

Ưu điểm của phương pháp phẫu thuật là mang đến hiệu quả cao trong việc loại bỏ triệt để mầm mống ung thư, đặc biệt là bệnh trong giai đoạn đầu. Tuy vậy, phương pháp này khó áp dụng nếu bệnh nhân có khối u lớn, phát triển rộng, vị trí khó.

Hóa trị

Khi bệnh tiến triển đến giai đoạn muộn hơn, người bệnh được chỉ định biện pháp hóa trị. Khối u lúc này đã lan rộng, xâm lấn sâu hơn, bắt đầu di căn sang các bộ phận khác trong cơ thể nên khó để tiến hành phẫu thuật loại bỏ khối u. Khi thực hiện hóa trị, bác sĩ sẽ tiến hành truyền hóa chất theo đường tĩnh mạch với tác dụng tiêu diệt tế bào ung thư, kiểm soát triệu chứng bệnh, tăng thời gian sống của bệnh nhân.

Nhược điểm của phương pháp hóa trị là tốn kém về mặt chi phí. Chưa kể, hóa trị còn khiến bệnh nhân gặp tác dụng phụ không mong muốn như phát ban đỏ, loét da…

Xạ trị

Phương pháp xạ trị mang đến công dụng tốt với người bị ung thư da đầu tế bào đáy. Năng lượng cao từ tia X chiếu vào sẽ tiêu diệt khối u ung thư, hạn chế nguy cơ tái phát bệnh. Đây là phương pháp có hiệu quả điều trị cao, ít xâm lấn như phẫu thuật hay ảnh hưởng diện rộng như hóa trị. Vì thế, xạ trị đòi hỏi chi phí điều trị cao và có nguy cơ gây ung thư tế bào gai.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt giúp bạn hạn chế diễn tiến của ung thư da đầu

Chế độ sinh hoạt: 

  • Hạn chế tiếp xúc với tia bức xạ.
  • Duy trì lối sống tích cực, vui vẻ, lạc quan, hạn chế căng thẳng, stress.
  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể xuất hiện các dấu hiệu bất thường trong quá trình điều trị bệnh.
  • Tái khám đúng lịch hẹn nhằm theo dõi diễn biến của bệnh và giúp các bác sĩ đưa ra các phương hướng điều trị tiếp theo hiệu quả hơn trong trường hợp bệnh không có dấu hiệu thuyên giảm.

Chế độ dinh dưỡng: 

  • Nên duy trì một chế độ ăn khoa học, cân bằng và đầy đủ các nhóm chất dinh dưỡng cần thiết, ưu tiên sử dụng các thực phẩm giàu năng lượng và protein.
  • Chia nhỏ thành nhiều bữa ăn trong ngày nhằm tránh tình trạng chán ăn.
  • Cần tránh tối đa các loại thức ăn sống, chất kích thích như rượu, bia, cà phê, thuốc lá,...

Phương pháp phòng ngừa ung thư da đầu hiệu quả

Dưới đây là một số cách mà bạn có thể tham khảo để phòng ngừa mắc bệnh ung thư da đầu:

  • Kiểm tra da đầu thường xuyên: Bạn nên nhờ người khác kiểm tra kỹ lưỡng da đầu để phát hiện sớm bất thường.
  • Tầm soát: Người thuộc nhóm nguy cơ cao bị ung thư nên đi tầm soát định kỳ.
  • Tránh để da đầu tiếp xúc với ánh mặt trời: Mái tóc mỏng có thể khiến ánh nắng mặt trời tác động trực tiếp vào da đầu làm tăng nguy cơ ung thư. Bạn cần đội mũ, che chắn cẩn thận khi đi ra đường để bảo vệ vùng đầu, mặt và cổ.
Ung thư da đầu: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng ngừa 7
Che chắn vùng đầu khi ra nắng giúp phòng ngừa ung thư da đầu hiệu quả
Nguồn tham khảo
  1. https://www.healthline.com/health/skin-cancer/skin-cancer-on-scalp 
  2. https://www.medicalnewstoday.com/articles/skin-cancer-on-scalp 

Các bệnh liên quan

  1. Ung thư hạ họng

  2. U tế bào hắc tố

  3. Ung thư ruột già

  4. Ung thư da

  5. Ung thư phổi không tế bào nhỏ giai đoạn II

  6. Ung thư trực tràng

  7. U tuyến tùng

  8. Ung thư máu

  9. Ung thư vú

  10. Ung thư phổi không tế bào nhỏ giai đoạn I