Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Rối loạn nhân cách né tránh là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Ngày 23/11/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Rối loạn nhân cách tránh né (Avoidant Personality Disorder) là một tình trạng sức khỏe tâm thần liên quan đến cảm giác trống rỗng và cực kỳ nhạy cảm với những lời chỉ trích. Người bệnh muốn tương tác với người khác, nhưng họ có xu hướng tránh các tương tác xã hội do nỗi sợ hãi bị từ chối mãnh liệt. Cần chẩn đoán và điều trị sớm để ngăn ngừa các biến chứng nặng hơn.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Rối loạn nhân cách né tránh là gì?

Rối loạn nhân cách tránh né (Avoidant Personality Disorder) là một rối loạn nhân cách. Đây là một tình trạng sức khỏe tâm thần liên quan đến cảm giác trống rỗng và cực kỳ nhạy cảm với những lời chỉ trích. Những người mắc rối loạn nhân cách tránh né muốn tương tác với người khác, nhưng họ có xu hướng tránh các tương tác xã hội do nỗi sợ hãi bị từ chối mãnh liệt.

Rối loạn nhân cách tránh né là một trong những nhóm bệnh được gọi là rối loạn nhân cách “Nhóm C”. Chúng liên quan đến sự lo lắng và sợ hãi. Chúng gây đau khổ cho người mắc bệnh và/hoặc những người xung quanh.

Các nhà nghiên cứu ước tính rằng khoảng 1,5% đến 2,5% dân số Hoa Kỳ mắc chứng rối loạn nhân cách né tránh.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của rối loạn nhân cách né tránh

Dấu hiệu chính của chứng rối loạn nhân cách né tránh là nỗi sợ bị từ chối mạnh mẽ đến mức bạn chọn sự cô lập thay vì ở cạnh mọi người. Kiểu hành vi này có thể thay đổi từ nhẹ đến cực đoan.

Các dấu hiệu và hành vi khác của rối loạn nhân cách né tránh bao gồm:

  • Có suy nghĩ bản thân kém cỏi.
  • Quá lo lắng về những lời chỉ trích hoặc không tán thành.
  • Có thể miễn cưỡng tham gia với người khác trừ khi họ biết chắc chắn rằng người khác sẽ thích họ.
  • Trải qua sự lo lắng tột độ và sợ hãi trong môi trường xã hội và các mối quan hệ. Điều này có thể khiến họ tránh các hoạt động hoặc công việc liên quan đến việc ở bên người khác.
  • Nhút nhát, tự ti trong các tình huống xã hội do sợ làm sai hoặc cảm thấy xấu hổ.
  • Ít khi thử bất cứ điều gì mới hoặc nắm bắt cơ hội.
Rối loạn nhân cách né tránh là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 4
Nhút nhát, tự ti trong các tình huống xã hội là biểu hiện của rối loạn nhân cách né tránh

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu bạn có các dấu hiệu và triệu chứng của rối loạn nhân cách né tránh, hãy lập tức liên hệ ngay với bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến rối loạn nhân cách né tránh

Nguyên nhân của chứng rối loạn nhân cách né tránh vẫn chưa được biết rõ. Các yếu tố di truyền và môi trường, chẳng hạn như bị cha mẹ hoặc bạn bè từ chối, có thể đóng một vai trò trong sự phát triển của tình trạng này.

Hành vi né tránh thường bắt đầu từ thời thơ ấu với sự nhút nhát, cô lập và tránh né người lạ hoặc địa điểm mới. Hầu hết những người nhút nhát trong những năm đầu đời có xu hướng dần quen với hành vi này, nhưng những người mắc chứng rối loạn nhân cách né tránh ngày càng trở nên rụt rè khi bước vào tuổi thiếu niên và trưởng thành.

Rối loạn nhân cách né tránh là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 5
Nguyên nhân phổ biến nhất của rối loạn nhân cách né tránh là do di truyền trong gia đình

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải rối loạn nhân cách né tránh?

Bệnh này xảy ra với tần suất ngang nhau ở nam và nữ giới. Rối loạn nhân cách né tránh thường bắt đầu ở tuổi thiếu niên hoặc đầu tuổi 20.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải rối loạn nhân cách né tránh

Rối loạn nhân cách né tránh cũng có nhiều khả năng ảnh hưởng đến những người mắc bất kỳ tình trạng sức khỏe tâm thần nào sau đây:

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp chẩn đoán và xét nghiệm rối loạn nhân cách né tránh

Các bác sĩ đưa ra chẩn đoán về rối loạn nhân cách né tránh dựa trên các tiêu chí cho tình trạng này trong Cẩm nang Thống kê và Chẩn đoán Rối loạn Tâm thần của Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ (DSM-5). Tiêu chuẩn chẩn đoán rối loạn nhân cách né tránh liên quan ít nhất bốn trong số các hành vi sau:

  • Tránh các hoạt động liên quan đến công việc đòi hỏi phải làm việc với người khác vì họ sợ người khác sẽ chỉ trích hoặc từ chối họ.
  • Không sẵn lòng tham gia với người khác trừ khi họ chắc chắn rằng người khác sẽ thích họ.
  • Bị động hoặc dè dặt trong các mối quan hệ thân thiết vì sợ bị chế giễu hoặc sỉ nhục.
  • Cực kỳ lo lắng về việc người khác chỉ trích hoặc từ chối trong các tình huống xã hội thông thường.
  • Cảm thấy tự ti trong những tình huống xã hội mới vì họ cảm thấy mình thấp kém.
  • Đánh giá bản thân là người không có kỹ năng xã hội, không hấp dẫn hoặc thua kém người khác.
  • Không muốn tham gia vào bất kỳ hoạt động mới nào vì họ sợ có thể bị xấu hổ.
Rối loạn nhân cách né tránh là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 6
Bác sĩ tâm lý sẽ đặt các câu hỏi, trò chuyện để chẩn đoán bạn có mắc rối loạn nhân cách né tránh hay không

Điều trị rối loạn nhân cách né tránh

Nội khoa

Các phương pháp điều trị rối loạn nhân cách né tránh thường được áp dụng bao gồm:

  • Trị liệu tâm động học: Loại trị liệu này tập trung vào nguồn gốc tâm lý của đau khổ về mặt cảm xúc. Thông qua việc tự phản ánh, bạn nhìn vào các mối quan hệ có vấn đề và các kiểu hành vi trong cuộc sống của mình. Điều này giúp bạn hiểu rõ hơn về bản thân. Nó có thể giúp bạn thay đổi cách bạn kết nối với người khác và môi trường xung quanh bạn.
  • Trị liệu nhận thức hành vi (CBT): Nhà trị liệu hoặc nhà tâm lý học sẽ giúp bạn xem xét kỹ suy nghĩ và cảm xúc của mình. Bạn sẽ hiểu suy nghĩ của bạn ảnh hưởng đến hành động của bạn như thế nào. Thông qua trị liệu nhận thức hành vi, bạn có thể loại bỏ những suy nghĩ và hành vi tiêu cực. Bạn sẽ học cách áp dụng các mô hình và thói quen suy nghĩ lành mạnh hơn vào cuộc sống. Nó có thể đặc biệt tập trung vào việc phát triển các kỹ năng xã hội.
  • Thuốc điều trị rối loạn nhân cách né tránh: Hiện tại không có loại thuốc nào có thể điều trị được chứng rối loạn nhân cách. Nhưng có những loại thuốc điều trị trầm cảm và lo âu mà những người mắc chứng rối loạn nhân cách né tránh cũng có thể sử dụng. Các thuốc chống trầm cảm và lo âu có thể được bác sĩ chỉ định bao gồm Mirtazapine, Fluoxetine, Sertraline,…

Tuy nhiên, để có kết quả tốt nhất, bạn nên dùng thuốc kết hợp với liệu pháp tâm lý.

Rối loạn nhân cách né tránh là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 7
Liệu pháp tâm lý giúp bạn cải thiệu các triệu chứng của rối loạn nhân cách né tránh

Ngoại khoa

Rối loạn nhân cách né tránh là bệnh không cần điều trị ngoại khoa.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt giúp hạn chế diễn tiến của rối loạn nhân cách né tránh

Chế độ sinh hoạt:

Để hạn chế diễn tiến của rối loạn nhân cách né tránh, bạn có thể tham khảo các việc làm sau:

  • Uống thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ;
  • Tập thể dục mỗi ngày;
  • Quản lý căng thẳng bằng các bài tập thư giãn, yoga, khí công, dưỡng sinh;
  • Tập trò chuyện nhiều hơn với gia đình, bạn bè khi có các vấn đề tâm lý;
  • Tích cực tham gia các hoạt động ngoại khóa để bản thân dần quen với các môi trường mới lạ với bản thân;
  • Tự theo dõi các triệu chứng, nếu xuất hiện các triệu chứng mới hoặc có bất kỳ lo lắng nào về tình trạng của bản thân hãy liên hệ ngay với bác sĩ để được tư vấn kịp thời.

Chế độ dinh dưỡng:

Không có chế độ dinh dưỡng cụ thể nào cho tình trạng rối loạn nhân cách né tránh, việc duy trì một chế độ dinh dưỡng cân bằng và đầy đủ là cần thiết cho sức khỏe chung của bản thân.

Phòng ngừa rối loạn nhân cách né tránh

Bạn không thể ngăn chặn chứng rối loạn nhân cách né tránh. Nhưng việc điều trị có thể giúp giảm bớt các vấn đề mà nó gây ra. Tìm kiếm sự giúp đỡ ngay khi các triệu chứng xuất hiện có thể giúp giảm bớt sự ảnh hưởng xấu đối với cuộc sống, gia đình và tình bạn của bạn.

Các câu hỏi thường gặp về rối loạn nhân cách né tránh

Dấu hiệu của rối loạn nhân cách né tránh là gì?

Những người mắc chứng rối loạn nhân cách né tránh có nỗi sợ bị từ chối mãnh liệt, điều này khiến họ rất khó hình thành hoặc duy trì mối quan hệ với gia đình, bạn bè và đồng nghiệp. Thiếu các mối quan hệ quan trọng và liên tục tìm lý do để tránh các tương tác xã hội là hai dấu hiệu chính cho thấy bạn có thể mắc chứng rối loạn nhân cách né tránh.

Người mắc chứng rối loạn nhân cách né tránh có thể duy trì mối quan hệ lãng mạn được không ?

Những người mắc chứng rối loạn nhân cách né tránh thường học cách dựa vào chính mình. Họ có thể tự cô lập mình, đặc biệt là trong những lúc căng thẳng. Những người mắc chứng rối loạn nhân cách né tránh thường không thể duy trì các mối quan hệ lãng mạn.

Chẩn đoán rối loạn nhân cách né tránh như thế nào?

Rối loạn nhân cách né tránh được chẩn đoán dựa trên đánh giá tâm lý. Bác sĩ sẽ xem xét các triệu chứng của bạn đã kéo dài bao lâu và nghiêm trọng đến mức nào mà đưa ra kế hoạch điều trị phù hợp với bạn.

Biến chứng của rối loạn nhân cách né tránh là gì?

Nếu không được điều trị, những người mắc chứng rối loạn nhân cách né tránh có thể sẽ phải sống một cuộc sống gần như cô lập. Điều này có thể khiến bạn mắc chứng rối loạn tâm thần thứ hai như lạm dụng chất gây nghiện hoặc trầm cảm. Điều này có thể ảnh hưởng rất nhiều đến học tập và công việc của bạn.

Rối loạn nhân cách né tránh có thể phòng ngừa được không?

Không thể ngăn chặn rối loạn nhân cách né tránh vì chưa rõ nguyên nhân. Tuy nhiên, tốt nhất bạn nên điều trị càng sớm càng tốt.

Nguồn tham khảo
  1. Avoidant Personality Disorder: https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/9761-avoidant-personality-disorder
  2. Avoidant Personality Disorder: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK559325/
  3. Avoidant Personality Disorder: https://www.healthdirect.gov.au/avoidant-personality-disorder
  4. Avoidant Personality Disorder: https://medlineplus.gov/ency/article/000940.htm
  5. Avoidant Personality Disorder: https://www.webmd.com/mental-health/avoidant-personality-disorders

Các bệnh liên quan

  1. Ái kỷ

  2. Viêm mô tế bào quanh hốc mắt

  3. Viêm tai giữa ứ dịch

  4. U nhầy xoang trán

  5. U xơ vòm mũi họng

  6. Động kinh

  7. U não thứ phát

  8. Xốp xơ tai

  9. Rối loạn khí sắc

  10. liệt dây thần kinh số 3