Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Ampicillin: Trị viêm đường hô hấp trên

Ngày 09/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Nội dung chính

Mô tả

Tên thuốc gốc (Hoạt chất)

Ampicillin (Ampicilin).

Loại thuốc

Kháng sinh nhóm penicillin A.

Dạng thuốc và hàm lượng

Viên nén: 250 mg, 500 mg.

Hỗn dịch uống: 125 mg, 250 mg.

Bột pha tiêm tĩnh mạch hoặc tiêm truyền: 125 mg, 250 mg, 500 mg, 1 g, 2 g, 10 g.

Chỉ định

Ampicillin được chỉ định điều trị viêm đường hô hấp trên: viêm xoang, viêm tai giữa, viêm phế quản mạn tính bột phát và viêm nắp thanh quản do các chủng vi khuẩn Streptococcus pyogenes, Streptococcus pneumoniae, Haemophilus influenzae nhạy cảm gây ra. 

Điều trị lậu do Gonococcus chưa kháng các penicillin: thường dùng ampicillin hoặc ampicillin phối hợp probenecid.

Điều trị viêm màng não do Meningococcus, Pneumococcus và Haemophilus influenzae.

Điều trị bệnh nhiễm Listeria: Vi khuẩn Listeria monocytogenes rất nhạy cảm với ampicillin, nên ampicillin được dùng để điều trị bệnh nhiễm Listeria.

Kết hợp với kháng sinh aminoglycoside trong điều trị nhiễm khuẩn huyết ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.

Dược lực học

Tương tự penicillin, ampicillin tác động vào quá trình nhân lên của vi khuẩn, ức chế sự tổng hợp peptidoglycan của thành tế bào vi khuẩn. 

Phổ kháng khuẩn:

Ampicillin là một kháng sinh phổ rộng có tác dụng trên cả cầu khuẩn gram dương và gram âm: Streptoccoccus, Pneumococcus và Staphylococcus không sinh penicillinase. Tuy nhiên, hiệu quả trên Streptococcus beta tan huyết và Pneumococcus thấp hơn benzyl penicillin.

Ampicillin cũng tác dụng trên Meningococcus và Gonococcus. Ampicillin có tác dụng tốt trên một số vi khuẩn gram âm đường ruột như E. coli, Proteus mirabilis, Shigella, Salmonella, H. influenzae. Với phổ kháng khuẩn và đặc tính dược động học, ampicillin thường được chọn là thuốc điều trị viêm nhiễm đường tiết niệu, viêm túi mật và viêm đường mật, viêm nội tâm mạc, viêm dạ dày ruột, lậu, viêm màng não.

Ampicillin không tác dụng trên một số chủng vi khuẩn gram âm như: Pseudomonas, Klebsiella, Proteus. Ampicillin cũng không tác dụng trên những vi khuẩn kỵ khí (Bacteroides) gây áp xe và các vết thương nhiễm khuẩn trong khoang bụng. Trong các nhiễm khuẩn nặng xuất phát từ ruột hoặc âm đạo, ampicillin được thay thế bằng phối hợp clindamycin/aminoglycoside hoặc metronidazole/aminoglycoside hoặc metronidazole/cephalosporin.

Động lực học

Hấp thu

Ampicillin đạt nồng độ đỉnh trong huyết tương sau 1 giờ tiêm bắp liều 500 mg hoặc 2 giờ uống liều 500 mg. Sinh khả dụng đường uống là 30–55% và bị giảm bởi thức ăn. Ở người tình nguyện, bình thường sau khi tiêm truyền tĩnh mạch ampicillin với liều 2,5 g/1,73 m2 da cơ thể thì nồng độ trung bình thuốc trong huyết tương là 197 mg/L.

Phân bố

Thuốc xuất hiện với nồng độ điều trị trong dịch phúc mạc, dịch màng phổi và dịch khớp. Ampicillin khuếch tán qua được hàng rào nhau thai vào tuần hoàn của thai nhi và vào nước ối, nhưng không qua được hàng rào máu–não. Ampicillin được bài tiết một lượng nhỏ qua sữa. Tỷ lệ gắn kết với protein huyết tương của ampicillin khoảng 20%.

Chuyển hóa

Thuốc được chuyển hoá một phần bởi quá trình thuỷ phân vòng beta-lactam thành acid penicilloic không hoạt tính.

Thải trừ

Thời gian bán thải của ampicillin là 1,68 giờ và độ thanh thải của thuốc là 210 mL/phút. Ở trẻ sơ sinh từ 2–7 ngày, thời gian bán thải là 4 giờ; với trẻ từ 8–14 ngày tuổi, thời gian bán thải là 2,8 giờ; ở trẻ 15–30 ngày tuổi, thời gian này là 1,7 giờ. Ở người suy thận nặng, thời gian bán thải là 7–20 giờ.

Ampicillin thải trừ nhanh xấp xỉ như benzyl penicillin, chủ yếu qua ống thận (80%) và ống mật. Ampicillin bị loại 40% khi thẩm phân máu.

Tương tác thuốc

Tương tác với các thuốc khác

Các penicillin đều tương tác với methotrexate và probenecid. Ampicillin tương tác với allopurinol. Ở những người bệnh dùng ampicillin hoặc amoxicillin cùng với allopurinol, khả năng mẩn đỏ da tăng cao. Các kháng sinh kìm khuẩn như chloramphenicol, các tetracycline, erythromycin làm giảm khả năng diệt khuẩn của ampicillin và amoxicillin.

Bằng chứng trên in vitro cho thấy tác dụng hiệp đồng kháng khuẩn giữa ampicillin và nhóm aminoglycoside chống lại vi khuẩn ruột, có thể sử dụng trong điều trị viêm nội tâm mạc và các nhiễm trùng đường ruột nghiêm trọng khác.

Ampicillin có thể làm giảm hiệu quả của thuốc ngừa thai có chứa estrogen và làm tăng đáng kể tỷ lệ chảy máu.

Ampicillin có thể làm tăng sai lệch nồng độ acid uric huyết khi định lượng bằng phương pháp đồng chelate.

Ampicillin có thể làm sai lệch kết quả test glucose niệu sử dụng đồng sulfate (như thuốc thử Benedict, Clinitest)

Tương tác với thực phẩm

Thức ăn làm giảm tốc độ và mức độ hấp thu ampicillin.

Tương kỵ thuốc

Ampicillin natri tương kỵ với aminoglycoside, các tetracyline, các loại kháng sinh khác bao gồm amphotericin B, clindamycin phosphate, erythromycin lactobionate, lincomycin hydrochloride, metronidazole và polymyxin B sulfate.

Ampicillin tương kỵ hoặc bị mất hoạt tính do các thuốc sau: acetylcysteine, chlorpromazine hydrochloride, dopamine hydrochloride, heparin calci hoặc natri, hydralazine hydrochloride, hydrocortisone succinate, metoclopramide, prochlorperazine edisylate, procloperazine mesylate và natri bicarbonat.

Chống chỉ định

Quá mẫn với nhóm Penicillin & Cephalosporin. Bệnh tăng bạch cầu đơn nhân nhiễm trùng. Dị ứng với bất kỳ thành phần nào của thuốc.

Liều lượng & cách dùng

Liều dùng

Người lớn

Liều uống thông thường từ 0,25–1 g/lần x 4 lần/ngày. Với bệnh nặng, có thể uống 6–12 g/ngày.

Điều trị lậu không biến chứng do những chủng nhạy cảm với ampicillin: Uống liều duy nhất 2,0–3,5 g ampicillin kết hợp với 1 g probenecid. Với phụ nữ có thể dùng nhắc lại 1 lần nếu cần. Với đường tiêm, tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch gián đoạn thật chậm từ 3–6 phút với liều 0,5–2 g/lần, 4–6 lần/ngày, hoặc truyền tĩnh mạch. 

Điều trị nhiễm khuẩn huyết hoặc viêm màng não nhiễm khuẩn: Sử dụng đường tiêm với liều 8–14 g hoặc 150–200 mg/kg, 6–8 lần/ngày. Đối với điều trị khởi đầu trong nhiễm khuẩn huyết hoặc viêm màng não nhiễm khuẩn phải tiêm tĩnh mạch ít nhất 3 ngày và sau đó có thể tiêm bắp.

Trẻ em

Nhiễm khuẩn đường hô hấp hoặc ngoài da: Với trẻ có cân nặng ≤ 40 kg, sử dụng liều 25–50 mg/kg/ngày, chia 4 lần. 

Viêm đường tiết niệu: 50–100 mg/kg/ngày, chia 4 lần.

Nhiễm khuẩn huyết hoặc viêm màng não nhiễm khuẩn: Liều 100–200 mg/kg/ngày, chia 6–8 lần, bắt đầu bằng tiêm tĩnh mạch trong 3 ngày và tiếp tục bằng tiêm bắp.

Viêm màng não ở trẻ dưới 2 tháng tuổi: Liều tĩnh mạch 100–300 mg/kg/ngày chia làm nhiều lần phối hợp với gentamicin tiêm bắp.

Thời gian điều trị: Phụ thuộc vào loại và mức độ nặng của nhiễm khuẩn. Đối với đa số nhiễm khuẩn, trừ lậu, tiếp tục điều trị ít nhất 48–72 giờ sau khi người bệnh hết triệu chứng.

Đối tượng khác

Người suy thận: Với độ thanh thải creatinine ≥ 30 mL/phút, sử dụng liều thông thường ở người lớn. Với độ thanh thải creatinine ≤ 10 mL/phút, dùng liều thông thường 3 lần/ngày. Người bệnh chạy thận nhân tạo phải dùng thêm 1 liều ampicillin sau mỗi lần lọc máu.

Cách dùng Ampicillin

Ampicillin thường được uống dưới dạng trihydrate và tiêm dưới dạng muối natri. Thức ăn ảnh hưởng đến hiệu quả của ampicillin. Uống trước bữa ăn 30 phút hoặc sau bữa ăn 2 giờ.

Tránh uống thuốc vào bữa ăn.

 

Tác dụng phụ

Thường gặp 

Tiêu chảy; mẩn đỏ (phát ban).

Ít gặp 

Thiếu máu, giảm tiểu cầu, tăng bạch cầu ưa acid, giảm bạch cầu và mất bạch cầu hạt; viêm lưỡi, viêm miệng, buồn nôn, nôn, viêm đại tràng, viêm đại tràng giả mạc; mày đay.

Hiếm gặp

Phản ứng phản vệ, viêm da tróc vảy và ban đỏ đa dạng; phản ứng dị ứng ở da kiểu “ban muộn”, viêm thận kẽ, tăng men gan (AST).

Không xác định tần suất

Hội chứng Stevens–Johnson, hoại tử thượng bì nhiễm độc, viêm tuỵ, viêm dạ dày, sốt, phù, hạ huyết áp, viêm cầu thận khu trú, rối loạn chức năng tiểu cầu, giảm bạch cầu trung tính.

Lưu ý

Lưu ý chung

Nguy cơ dị ứng chéo với penicillin hoặc cephalosporin. Không được dùng hoặc tuyệt đối thận trọng dùng ampicillin cho người có tiền sử mẫn cảm với cephalosporin.

Thời gian điều trị dài (hơn 2–3 tuần) cần kiểm tra chức năng gan, thận và máu. Tránh dùng với người nhiễm virus Epstein–Barr và HIV do có thể gây xuất hiện ban đỏ.

Sử dụng ampicillin trên những bệnh nhân với triệu chứng tăng bạch cầu đơn nhân có thể làm gia tăng nguy cơ phát ban.

Ampicillin có thể làm gia tăng nguy cơ đề kháng của các chủng H. influenzae khi dùng đơn trị trong các tình trạng nhiễm khuẩn nghiêm trọng như viêm màng não, viêm phổi có liên quan tới H. influenzae.

Lưu ý với phụ nữ có thai

Chưa ghi nhận những phản ứng có hại đối với thai nhi.

Lưu ý với phụ nữ cho con bú

Ampicillin vào sữa nhưng không gây những phản ứng có hại cho trẻ bú mẹ nếu sử dụng với liều điều trị bình thường.

Lưu ý khi lái xe và vận hành máy móc

Thuốc không ảnh hưởng lên khả năng lái xe hoặc vận hành máy móc.

Quá liều

Quá liều Ampicillin và xử trí

Quá liều và độc tính

Chưa có thông báo nào về quá liều. 

Cách xử lý khi quá liều

Nếu xảy ra, phải ngừng dùng thuốc và dùng các biện pháp hỗ trợ điều trị triệu chứng.

Quên liều và xử trí

Nếu quên dùng một liều thuốc, hãy uống càng sớm càng tốt khi nhớ ra. Tuy nhiên, nếu gần với liều kế tiếp, hãy bỏ qua liều đã quên và uống liều kế tiếp vào thời điểm như kế hoạch. Không uống gấp đôi liều đã quy định.

Nguồn tham khảo

Tên thuốc: Ampicillin

  1. Dược thư Quốc gia Việt Nam: Ampicilin

  2. Drugs.com: https://www.drugs.com/monograph/ampicillin.html#pharmacokinetics

  3. Cục Quản lý Dược: https://drugbank.vn/thuoc/Ampicillin-500-mg&VD-24980-16

Ngày cập nhật: 4/5/2021