Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Viêm đường hô hấp trên điều trị thế nào hiệu quả?

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Viêm đường hô hấp trên là bệnh khá phổ biến, ảnh hưởng đến miệng, mũi, họng, hệ thống xoang, thanh quản, khí quản. Bệnh có thể xảy ra ở bất kỳ ai, đặc biệt là ở những người có hệ miễn dịch yếu và có thể lây từ người này sang người khác. Tuy nhiên, viêm đường hô hấp trên thường không quá nghiêm trọng và hầu hết các trường hợp sẽ khỏi sau khoảng 2 tuần.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Viêm đường hô hấp trên là gì?

Viêm đường hô hấp trên là tình trạng đường hô hấp trên (miệng, mũi, họng, hệ thống xoang, thanh quản, khí quản) bị viêm, nhiễm trùng.

Viêm đường hô hấp trên có thể nhẹ như cảm lạnh thông thường hoặc nặng đến đe dọa tính mạng như viêm nắp thanh quản.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của viêm đường hô hấp trên

Các dấu hiệu này có thể có mức độ khác nhau tùy vào tình trạng bệnh:

  • Ho;

  • Sốt;

  • Khàn giọng, mất giọng;

  • Đau họng, đặc biệt đau hơn khi nuốt;

  • Sưng amidan;

  • Mệt mỏi và thiếu năng lượng;

  • Mắt đỏ;

  • Sổ mũi;

  • Chảy dịch mũi (thường là khi nhiễm virus);

  • Khó thở;

  • Viêm họng;

  • Hơi thở có mùi;

  • Sưng hạch bạch huyết.

Tác động của Viêm đường hô hấp trên đối với sức khỏe 

Viêm đường hô hấp trên gây nên các triệu chứng giống như cảm lạnh. Bệnh thường không gây nguy hiểm nhưng làm bệnh nhân mệt mỏi, khó chịu, gây khó khăn trong quá trình giao tiếp và làm việc. Thông thường, bệnh sẽ khỏi sau khoảng 2 tuần tùy vào khả năng miễn dịch của bệnh nhân. 

Biến chứng có thể gặp khi viêm đường hô hấp trên

Viêm đường hô hấp trên có thể dẫn đến suy hô hấp khi nồng độ CO2 trong máu quá cao và tình trạng này sẽ nặng hơn nếu bệnh nhân có bệnh tim/phổi mạn tính.

  • Bên cạnh đó, nhiễm trùng hô hấp nếu không được điều trị triệt để có thể lan sang các mô, cơ quan khác và lan vào máu gây nhiễm trùng máu. Tuy nhiên, các trường hợp này thường rất hiếm khi xảy ra.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến viêm đường hô hấp trên

Hầu hết các trường hợp viêm đường hô hấp trên là do virus gây ra (Rhinovirus, Coronavirus, Adenovirus, Enterovirus, HSV, RSV, EBV, CMV, Bocavirus…)

Do vi khuẩn (Streptococci nhóm A, C, G; Neisseria gonorrhoeae, Corynebacterium hemolyticum, Corynebacterium diphtheriae, Mycoplasma pneumoniae, Streptococcus pneumoniae, Haemophilus influenzae, Moraxella catarrhalis, Staphylococcus aureus, Escherichia coli, Pseudomonas aeruginosa, Mycoplasma pneumoniae, MRSA…)

Một số trường hợp có thể do nhiễm nấm (Aspergillus gây viêm xoang, Candida gây viêm thanh quản ở người suy giảm miễn dịch…)

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ viêm đường hô hấp trên?

Người có hệ miễn dịch yếu.

Người đang nằm bệnh viện vì một bệnh khác hoặc vừa xuất viện.

Người đến nơi đông người hoặc nơi đang có dịch cúm…

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc Viêm đường hô hấp trên

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc Viêm đường hô hấp trên, bao gồm:

  • Các bệnh viêm đường hô hấp thường gặp hơn ở trẻ em và người cao tuổi.

  • Bị lây nhiễm ở nơi đông người hoặc ở bệnh viện, trung tâm y tế.

  • Chạm vào bề mặt không vệ sinh rồi đưa tay lên mũi, miệng.

  • Hút thuốc lá trực tiếp hoặc thụ động làm ảnh hưởng chức năng hệ hô hấp.

  • Bị viêm và nghẹt mũi do viêm mũi dị ứng hoặc hen suyễn có thể dẫn đến nhiễm trùng.

  • Từng bị chấn thương đường hô hấp trên hoặc polyp mũi trước đó.

  • Có vấn đề về tim hoặc phổi.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán viêm đường hô hấp trên

  • Xét nghiệm dịch mũi họng, xét nghiệm đàm để tìm vi khuẩn.
  • Xét nghiệm máu.
  • Nội soi thanh quản trực tiếp.
  • Nuôi cấy tế bào, xét nghiệm PCR.
  • Đo nồng độ oxy bão hòa trong máu.
  • Trong một số trường hợp nghi ngờ có biến chứng sang các vùng xung quanh, có thể cần phải chụp CT, MRI, X quang phổi, chụp xoang.

Phương pháp điều trị Viêm đường hô hấp trên hiệu quả

Tùy vào thể trạng bệnh nhân và mức độ nghiêm trọng của bệnh mà bác sĩ sẽ kê đơn thuốc và áp dụng những phương pháp điều trị phù hợp. 

Thuốc kháng sinh (amoxicillin/clavulanate, cefadroxil, cefaclor, cefuroxime, ceftriaxone, erythromycin, azithromycin…) khi nhiễm trùng do vi khuẩn.

Thuốc kháng virus (acyclovir, famciclovir…) khi nhiễm virus.

Thuốc hạ sốt (paracetamol, aspirin…) nếu có sốt.

Thuốc kháng cholinergic (ipratropium…) để chống co thắt phế quản, có thể phối hợp với thuốc chủ vận β2 – adrenergic tác dụng ngắn (salbutamol, fenoterol...)

Thuốc chủ vận α – adrenergic (pseudoephedrine, phenylephrine…) giảm sưng và nghẹt mũi

Thuốc kháng histamin H1 (chlorpheniramine, diphenhydramine…) giúp giảm co thắt phế quản, giảm tiết chất nhầy và giảm phù nề.

Thuốc giảm ho (codeine, guaifenesin, dextromethorphan…)

Corticosteroid (dexamethasone, prednisone…) giảm viêm, giảm phù nề.

Bệnh viêm nắp thanh quản: Cần đưa bệnh nhân đến bệnh viện ngay lập tức. Nhân viên y tế sẽ theo dõi nồng độ oxy bão hòa và đặt nội khí quản nếu cần. Kháng sinh sẽ được dùng theo đường tĩnh mạch (ceftriaxone, cefuroxime…)

Lưu ý: Các loại thuốc khi dùng phải tuân thủ theo sự hướng dẫn của bác sĩ.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của viêm đường hô hấp trên

Chế độ sinh hoạt:

  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị. 

  • Duy trì lối sống tích cực, hạn chế sự căng thẳng.

  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.

  • Thăm khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.

  • Bệnh nhân cần lạc quan. Tâm lý có ảnh hưởng rất lớn đến điều trị, hãy nói chuyện với những người đáng tin cậy, chia sẻ với những thành viên trong gia đình, nuôi thú cưng hay đơn giản là đọc sách, làm bất cứ thứ gì khiến bạn thấy thoải mái. 

  • Hạn chế nói nhiều nếu bị ho, đau họng.

  • Nhỏ mũi bằng nước muối sinh lý có thể giúp giảm nghẹt mũi.

  • Che miệng khi ho, hắt hơi.

  • Tạm thời không bơi lội nếu bị viêm mũi, viêm xoang.

  • Nghỉ ngơi rất quan trọng trong quá trình phục hồi bệnh, kết hợp với việc tập thể dục nhẹ nhàng.

Chế độ dinh dưỡng:

  • Uống nhiều nước, có thể bổ sung thêm nước ép trái cây và nên uống ấm. 

  • Không nên uống rượu bia do có thể làm kích thích thêm phản ứng viêm và làm sưng niêm mạc đường hô hấp cũng như các xoang.

  • Ăn sữa chua hoặc dùng thêm probiotic để bổ sung thêm lợi khuẩn đường ruột bị mất do dùng kháng sinh.

Phương pháp phòng ngừa viêm đường hô hấp trên hiệu quả

Để phòng ngừa bệnh hiệu quả, bạn có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:

  • Giữ vệ sinh cá nhân, rửa tay sạch trước khi ăn và nấu ăn.

  • Đeo khẩu trang khi ra đường, đặc biệt là ở nơi đông người.

  • Hạn chế tiếp xúc với tác nhân gây kích ứng đường hô hấp (khói bụi, ô nhiễm…).

  • Tập cai thuốc lá, kể cả thuốc lá điện tử.

  • Có chế độ làm việc và nghỉ ngơi hợp lý, ngủ đủ giấc.

  • Thường xuyên rèn luyện thể dục thể thao để nâng cao sức khỏe và cải thiện chức năng hệ hô hấp.

  • Tiêm ngừa cúm và viêm phổi định kỳ.

Nguồn tham khảo
  1. https://emedicine.medscape.com/article/302460-overview
  2. https://my.clevelandclinic.org/health/articles/4022-upper-respiratory-infection
  3. https://www.hopkinsmedicine.org/health/conditions-and-diseases/upper-respiratory-infection-uri-or-common-cold
  4. https://www.medicalnewstoday.com/articles/323886
  5. https://www.medicinenet.com/upper_respiratory_infection/article.html

Các bệnh liên quan

  1. Sarcoidosis

  2. Ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn

  3. Viêm phế quản cấp tính

  4. Viêm phổi

  5. Bệnh phổi kẽ

  6. MERS

  7. Hội chứng hít phân su

  8. Bụi phổi bông

  9. Giãn phế quản

  10. Nhiễm trùng nấm Aspergillus