Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Buspirone: Thuốc giải lo âu dẫn chất azaspirodecanedione

Ngày 09/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Nội dung chính

Mô tả

Tên thuốc gốc (Hoạt chất)

Buspirone (buspiron)

Loại thuốc

Thuốc giải lo âu dẫn chất azaspirodecanedione 

Dạng thuốc và hàm lượng

Viên nén 5 mg, 10 mg

Chỉ định

Buspirone được chỉ định để điều trị ngắn hạn các rối loạn lo âu và giảm các triệu chứng lo âu kèm hoặc không kèm theo các triệu chứng trầm cảm.

Điều trị rối loạn lo âu lan tỏa (GAD).

Dược lực học

Buspirone thuộc nhóm thuốc azapirone, có hoạt tính giải lo âu, nhưng không có tác dụng an thần, giãn cơ và chống co giật.

Cơ chế hoạt động của buspirone vẫn chưa được giải thích đầy đủ. Bằng chứng cho đến nay cho thấy rằng tác động của thuốc là do tác dụng trên các thụ thể serotonin (5-HT). Buspirone chủ vận toàn phần lên thụ thể phụ 5-HT1A tiền synap và chủ vận một phần lên thụ thể 5-HT1A hậu synap. Tác động này tạo ra những thay đổi lâu dài trong dẫn truyền thần kinh 5-HT trung ương, cho hiệu quả điều trị lo âu.

Buspirone được cho là có hoạt tính đối kháng tại các thụ thể dopamine D2 ở liều lượng dùng cho chứng rối loạn lo âu, mặc dù không rõ liệu tác động này có liên quan đến tác dụng giải lo âu hay không.

Động lực học

Hấp thu

Buspirone hấp thu nhanh chóng ở đường tiêu hoá nhưng bị chuyển hoá mạnh trước khi vào tuần hoàn chung. Nồng độ đỉnh đạt được sau 60-90 phút.

Phân bố

Trạng thái cân bằng đạt được sau 2 ngày dùng liều lặp lại. Khoảng 95% thuốc gắn với protein huyết tương.

Chuyển hóa

Buspirone được chuyển hoá thành 2 chất chuyển hóa chính: 1-(2-pyrimidinyl)-piperazine và 5-hydroxybuspirone. Chỉ 1-(2-pyrimidinyl)-piperazine là có tác dụng dược lý. 

Thải trừ

Thời gian bán thải của buspirone khoảng 2-11 giờ. Thuốc được đào thải chủ yếu qua nước tiểu, một ít qua mật.

Tương tác thuốc

Tương tác với các thuốc khác

Cần thận trọng khi sử dụng đồng thời buspirone với các thuốc có hoạt tính thần kinh trung ương khác.

Không khuyến cáo dùng chung buspirone với các thuốc sau:

Thuốc ức chế MAO (phenelzine và tranylcypromine): Có thể gây tăng huyết áp. 

Erythromycin, itraconazole: Tăng cao nồng độ buspirone trong huyết tương. Nếu cần sử dụng kết hợp, nên dùng liều thấp buspirone (ví dụ 2,5 mg x 2 lần / ngày). Việc điều chỉnh liều tiếp theo của một trong hai loại thuốc phải dựa trên đáp ứng lâm sàng.

Các phối hợp cần thận trọng:

Diltiazem, verapamil: Tăng nồng độ buspirone trong huyết tương, có thể làm tăng tác dụng và độc tính của buspirone.

Rifampicin: Rifampicin gây chuyển hóa buspirone qua CYP3A4, làm giảm nồng độ buspirone trong huyết tương và giảm tác dụng của buspirone.

Thuốc chống trầm cảm: Trường hợp tăng huyết áp ở bệnh nhân dùng buspirone và thuốc ức chế monoamine oxidase (phenelzine và tranylcypromine) đã được báo cáo. Buspirone không nên được sử dụng đồng thời với MAOI.

Baclofen, lofexidine, nabilone, thuốc kháng histamine có thể làm tăng các tác dụng an thần của buspirone.

Buspirone nên được sử dụng thận trọng khi kết hợp với các thuốc tăng hoạt hệ serotonergic (bao gồm thuốc ức chế MAO, L-tryptophan, triptan, tramadol, linezolid, SSRI, lithium và St. John's Wort) vì đã có báo cáo về hội chứng serotonin xảy ra ở bệnh nhân điều trị đồng thời buspirone với SSRI. Nếu nghi ngờ tình trạng này, nên ngừng ngay việc điều trị bằng buspirone và bắt đầu điều trị triệu chứng hỗ trợ.

Nefazodone: Làm tăng rõ rệt nồng độ buspirone trong huyết tương. Khuyến cáo nên giảm liều buspirone khi dùng chung với nefazodone. Việc điều chỉnh liều tiếp theo của một trong hai loại thuốc phải dựa trên phản ứng lâm sàng.

Các chất ức chế và cảm ứng CYP3A4 khác: Khi dùng với chất ức chế mạnh CYP3A4, nên sử dụng một cách thận trọng liều lượng buspirone thấp như 2,5 mg hai lần mỗi ngày. Khi sử dụng kết hợp với chất cảm ứng mạnh của CYP3A4 (phenobarbital, phenytoin, carbamazepine, St. John's Wort) có thể cần điều chỉnh liều lượng của buspirone để duy trì tác dụng giải lo âu của buspirone.

Fluvoxamine: Khi điều trị ngắn hạn với fluvoxamine và buspirone, nồng độ buspirone trong huyết tương tăng gấp đôi so với đơn trị liệu với buspirone.

Haloperidol: Dùng đồng thời haloperidol và buspirone có thể làm tăng nồng độ haloperidol trong huyết thanh.

Tương tác với thực phẩm

Nước bưởi chùm: Làm tăng nồng độ buspirone trong huyết tương. 

Chống chỉ định

Quá mẫn với hoạt chất hoặc với bất kỳ thành phần nào của thuốc

Suy giảm chức năng thận hoặc gan nặng

Nhiễm độc cấp tính với rượu, thuốc ngủ, thuốc giảm đau, hoặc thuốc chống loạn thần

Động kinh

Nếu bệnh nhân có dùng thuốc ức chế monoamine oxidase (MAOIs) trong vòng 14 ngày trước đó thì chống chỉ định dùng buspirone.

Liều lượng & cách dùng

Người lớn

Liều lượng nên được cá thể hóa cho từng bệnh nhân.

Liều khởi đầu thông thường là 5 mg x 2-3 lần/ngày. Có thể tăng liều sau mỗi 2-3 ngày. Liều điều trị thông thường là 15-30 mg mỗi ngày chia làm nhiều lần. Liều khuyến cáo tối đa không được vượt quá 60 mg mỗi ngày

Đối tượng khác

Bệnh nhân cao tuổi: Dùng liều tương tự người lớn.

Suy giảm chức năng thận: Sử dụng buspirone một cách thận trọng và nên dùng liều thấp, hai lần mỗi ngày. Đáp ứng và các triệu chứng của bệnh nhân nên được đánh giá cẩn thận trước khi tăng liều. Không dùng cho suy thận nặng (độ thanh thải creatinine < 20 mL/phút/1,72 m2).

Suy giảm chức năng gan: Nên sử dụng buspirone một cách thận trọng và liều lượng nên được điều chỉnh cẩn thận để giảm nguy cơ xảy ra các tác dụng không mong muốn trên thần kinh trung ương. Khi tăng liều, cần cân nhắc cẩn thận sau 4-5 ngày dùng liều trước đó. Không dùng cho suy gan nặng.

Tác dụng phụ

Thường gặp 

Lo lắng, mất ngủ, rối loạn chú ý, trầm cảm, trạng thái lú lẫn, rối loạn giấc ngủ, tức giận, phấn khích, loạn cảm, phối hợp bất thường, run, chóng mặt, nhức đầu, nhìn mờ, ù tai, nhịp tim nhanh, đau ngực, nghẹt mũi, đau hầu họng, buồn nôn, đau bụng, khô miệng, tiêu chảy, táo bón, nôn, mồ hôi lạnh, phát ban, đau cơ xương, mệt mỏi.

Hiếm gặp

Loạn thần, ảo giác, thay đổi nhân cách, rối loạn vận động, hội chứng serotonin, co giật, tác dụng ngoại tháp, Parkinson, hội chứng chân không nghỉ, tầm hình hình ống, loạn trương lực cơ, mất điều hoà, chứng hay quên, bồn chồn, bí tiểu.

Lưu ý

Lưu ý chung

Buspirone nên được sử dụng thận trọng ở những bệnh nhân có các tình trạng sau: Bệnh tăng nhãn áp góc hẹp cấp tính, bệnh nhược cơ, lệ thuộc thuốc, tiền sử suy gan hoặc suy thận. Nên tránh sử dụng rượu khi đang dùng buspirone.

Buspirone không có biểu hiện dung nạp chéo với benzodiazepine và các thuốc an thần / gây ngủ thông thường khác. Thuốc không ngăn chặn hội chứng cai thường thấy khi ngừng điều trị bằng các thuốc này. Bệnh nhân nên được ngưng từ từ các thuốc này trước khi bắt đầu điều trị bằng buspirone.

Buspirone không nên được sử dụng đơn trị để điều trị trầm cảm. Thuốc cũng có thể che dấu các dấu hiệu lâm sàng của trầm cảm.

Trẻ em: Tính an toàn và hiệu quả lâu dài của buspirone chưa được xác định ở những người dưới 18 tuổi. Buspirone không được khuyến cáo ở trẻ em và thanh thiếu niên.

Hội chứng serotonin: Sử dụng đồng thời buspirone và các tác nhân serotonergic khác, như chất ức chế MAO, chất ức chế tái hấp thu chọn lọc serotonin (SSRI), chất ức chế tái hấp thu serotonin norepinephrine (SNRI) hoặc thuốc chống trầm cảm ba vòng có thể dẫn đến hội chứng serotonin, một tình trạng có khả năng đe dọa tính mạng. Nếu cần thiết phối hợp, nên theo dõi cẩn thận bệnh nhân, đặc biệt trong thời gian bắt đầu điều trị và tăng liều. Các triệu chứng của hội chứng serotonin có thể bao gồm thay đổi trạng thái tâm thần, rối loạn hệ thần kinh tự chủ, bất thường thần kinh cơ và/hoặc các triệu chứng tiêu hóa. Nếu nghi ngờ có hội chứng serotonin, nên giảm liều hoặc ngừng điều trị tùy theo mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng.

Lưu ý với phụ nữ có thai

Dữ liệu về việc sử dụng buspirone ở phụ nữ mang thai còn hạn chế. Các tác dụng không mong muốn đã được báo cáo sau khi dùng liều cao của thuốc. Tốt nhất là tránh sử dụng buspirone trong thời kỳ mang thai.

Lưu ý với phụ nữ cho con bú

Hiện chưa biết buspirone hoặc chất chuyển của buspirone có được bài tiết vào sữa mẹ hay không. Quyết định ngừng cho con bú hoặc ngừng điều trị bằng buspirone cần tính đến lợi ích của việc cho con bú và lợi ích của liệu pháp đối với người mẹ.

Lưu ý khi lái xe và vận hành máy móc

Buspirone có thể gây buồn ngủ, chóng mặt, suy giảm nhận thức, do đó có thể ảnh hưởng đến khả năng lái xe và vận hành máy móc. Bệnh nhân cần thận trọng.

Quá liều

Quá liều Buspirone và xử trí

Quá liều và độc tính

Triệu chứng quá liều thường gặp nhất là buồn nôn, nôn, nhức đầu, chóng mặt, buồn ngủ, ù tai, bồn chồn, đau quặn thắt và đau dạ dày. Nhịp tim chậm mức độ nhẹ và hạ huyết áp cũng đã được báo cáo. Các triệu chứng ngoại tháp đã được báo cáo khi dùng ở liều điều trị. Hiếm khi xảy ra co giật.

Cách xử lý khi quá liều

Không có thuốc giải độc đặc hiệu cho buspirone. Buspirone không bị loại bỏ bằng thẩm tách máu. Nên làm rỗng dạ dày càng nhanh càng tốt. Nên điều trị triệu chứng và hỗ trợ. Lợi ích của việc khử độc trong dạ dày là không chắc chắn. Cân nhắc dùng than hoạt nếu bệnh nhân nhập viện trong vòng 1 giờ sau khi uống trên 5 mg/kg với điều kiện bệnh nhân không quá buồn ngủ.

Quên liều và xử trí

Nếu quên dùng một liều thuốc, hãy uống càng sớm càng tốt khi nhớ ra. Tuy nhiên, nếu gần với liều kế tiếp, hãy bỏ qua liều đã quên và uống liều kế tiếp vào thời điểm như kế hoạch. Không uống gấp đôi liều đã quy định.

Nguồn tham khảo

Tên thuốc: Buspirone

  1. EMC: https://www.medicines.org.uk/emc/product/5735/smpc
  2. Drugs.com: https://www.drugs.com/monograph/buspirone.html
  3. Dailymed: https://dailymed.nlm.nih.gov/dailymed/drugInfo.cfm?setid=07a789a9-c9e8-4737-a56d-7d5405fe8100

Ngày cập nhật: 26/7/2021