Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Dược chất/
  3. Cefepime

Cefepime: Kháng sinh nhóm cephalosporin thế hệ 4

Ngày 09/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Nội dung chính

Mô tả

Tên thuốc gốc (Hoạt chất)

Cefepime

Loại thuốc

Kháng sinh nhóm cephalosporin thế hệ 4.

Dạng thuốc và hàm lượng

Bột cefepim hydroclorid để pha tiêm tĩnh mạch hoặc tiêm bắp: Lọ 0,5 g; 1 g; 2 g tính theo cefepim base khan.

Dịch truyền tĩnh mạch (đã được đông băng) chứa 20 mg cefepim base khan (dạng cefepim hydroclorid) trong mỗi ml dung dịch dextrose 2%: Loại 1 g (50 ml) và 2 g (100 ml).

Liều lượng được tính theo lượng cefepim base khan: 1 g cefepim base khan tương ứng với 1,19 g cefepim hydroclorid.

Chỉ định

Nhiễm khuẩn nặng do vi khuẩn nhạy cảm bao gồm:

  • Nhiễm khuẩn nặng đường niệu có biến chứng (kể cả có viêm bể thận kèm theo).
  • Viêm phổi nặng kèm theo nhiễm khuẩn huyết.
  • Nhiễm khuẩn nặng ở da và cấu trúc của da.
  • Viêm màng não.
  • Nhiễm trùng huyết.
  • Nhiễm khuẩn trong ổ bụng có biến chứng ở người lớn: Phối hợp với metronidazol tiêm tĩnh mạch.
  • Điều trị theo kinh nghiệm: Sốt kèm giảm bạch cầu trung tính ở người lớn, trẻ em trên 2 tháng tuổi.

Dược lực học

Cefepim là thuốc kháng sinh bán tổng hợp nhóm cephalosporin thế hệ 4 do có phổ tác dụng rộng hơn các cephalosporin thế hệ 3. Thuốc được dùng theo đường tiêm.

Thuốc có tác dụng kháng khuẩn do ức chế tổng hợp mucopeptid ở thành tế bào vi khuẩn: Thuốc gắn vào một hoặc nhiều protein gắn penicilin (PBP), là các protein tham gia vào thành phần cấu tạo màng tế bào vi khuẩn, ức chế bước cuối cùng chuyển hóa peptit của quá trình tổng hợp màng tế bào vi khuẩn, dẫn đến ức chế sinh tổng hợp thành tế bào.

Cefepim có phổ tác dụng chống lại các vi khuẩn Gram âm bao gồm các vi khuẩn nhạy cảm với hầu hết các cephalosporin thế hệ 3 như Pseudomonas aeruginosa và một số Enterobacteriaceae. Tác dụng chống Pseudomonas aeruginosa tương tự hoặc kém hơn ceftazidim, mặc dù thuốc có thể tác dụng trên một vài chủng đã kháng ceftazidim.

So với các cephalosporin thế hệ 3, cefepim có hoạt tính in vitro mạnh hơn trên một số vi khuẩn Gram dương như Staphylococci.

Động lực học

Hấp thu

Cefepim được hấp thu nhanh và hoàn toàn khi tiêm bắp. Sau khi tiêm tĩnh mạch 30 phút với liều tượng tự như trên, nồng độ đỉnh trong huyết thanh lần lượt vào khoảng 40 và 80 microgam/ml.

Phân bố

Khoảng 16 - 19% liều được gắn vào protein huyết tương. Cefepim phân bố rộng khắp vào các mô và dịch cơ thể kể cả nước tiểu, mật, túi mật, dịch màng bụng, dịch phế quản, đờm, ruột thừa, tuyến tiền liệt và đạt được nồng độ cao trong mật.

Cefepim phân bố vào sữa người với nồng độ thấp. Cefepim qua được hàng rào máu não và phân bố vào dịch não tủy.

Chuyển hóa

Cefepim rất ít bị chuyển hóa (chỉ khoảng 7% liều). Cefepime được chuyển hóa một phần trong in vivo thành N-methylpyrrolidinium, được chuyển hóa nhanh chóng thành N-oxit.

Thải trừ

Được đào thải chủ yếu ở dạng không thay đổi trong nước tiểu bằng quá trình lọc ở cầu thận.

Tương tác thuốc

Tương tác với các thuốc khác

Amikacin kết hợp với cefepim ít gây nguy cơ độc với thận hơn là gentamicin hoặc tobramycin kết hợp với cefalotin. Tránh dùng đồng thời với furosemid, vì dễ gây điếc.

Hoạt lực của cefepim có thể tăng khi dùng đồng thời với các tác nhân gây uric niệu.

Cefepim có thể làm giảm hoạt lực của vắc xin thương hàn.

Tương kỵ thuốc

Nếu dùng đồng thời cefepim với aminoglycosid, ampicilin (ở nồng độ cao hơn 40 mg/ml), metronidazol, vancomycin hoặc aminophilin thì phải truyền riêng rẽ các thuốc trên.

Cefepim tương hợp với các dung dịch hoặc dung môi sau: Dung dịch natri clorid 0,9%, glucose 5% hay 10%, dung dịch Ringer lactat, natri lactat M/6.

Chống chỉ định

Có tiền sử dị ứng với cefepim hoặc bất cứ thành phần nào trong công thức hoặc với kháng sinh nhóm cephalosporin khác.

Liều lượng & cách dùng

Liều dùng

Người lớn

Liều thường dùng:

Tiêm tĩnh mạch, tiêm bắp 1 - 2 g cách 8 - 12 giờ một lần.

Liều dùng gợi ý cho một số bệnh chuyên khoa:

Nhiễm khuẩn nặng ở ổ bụng:

  • Tiêm tĩnh mạch 2 g cách 12 giờ một lần.
  • Dùng trong 7 -10 ngày, phối hợp với metronidazol (tiêm riêng).

Viêm phổi:

  • Nhiễm khuẩn trong bệnh viện, 1 - 2 g cách 8 -12 giờ một lần.
  • Chú ý: Liệu pháp điều trị có thể thay đổi từ 7 - 21 ngày; thường sẽ kéo dài nếu nhiễm Pseudomonas.

Viêm phổi mắc phải tại cộng đồng:

1 - 2 g cách 12 giờ một lần, dùng trong 10 ngày.

Nhiễm khuẩn da và cấu trúc da (không có biến chứng):

Tiêm tĩnh mạch 2 g cách 12 giờ một lần, dùng trong 10 ngày.

Nhiễm khuẩn đường niệu (có hoặc không có biến chứng):

  • Bệnh nhẹ đến vừa, tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch 0,5 - 1 g cách 12 giờ một lần, dùng trong 7 - 10 ngày.
  • Bệnh nặng: Tiêm tĩnh mạch 2 g cách 12 giờ một lần, dùng trong 10 ngày.

Viêm màng não mủ và tổn thương thần kinh trung ương do các vi khuẩn Gram âm nhạy cảm (Ví dụ: H.influenzae, Neisseria meningitis, E. coli, P. aeruginosa) hoặc do các vi khuẩn gram dương nhạy cảm (ví dụ: Streptococcus pneumoniae, Staphylococcus aureus, S. epidermidis):

  • Liều cefepim truyền tĩnh mạch 2 g, cách 8 giờ một lần.
  • Thời gian điều trị tùy theo từng người bệnh dựa trên đáp ứng với điều trị.
  • Đối với nhiễm khuẩn do H. Influenzae, hoặc N. meningitidis, thời gian điều trị được khuyến cáo: 7 ngày; do S. pneumoniae: 10 - 14 ngày; do vi khuẩn gram âm hiếm khí: 21 ngày.

Giảm bạch cầu trung tính có sốt (đơn trị liệu):

Tiêm tĩnh mạch 2 g cách 8 giờ một lần, dùng trong 7 ngày hoạc tới khi hết giảm bạch cầu trung tính.

Áp xe não, ngăn ngừa nhiễm khuẩn sau phẫu thuật thần kinh:

Tiêm tĩnh mạch 2 g cách 8 giờ một lần, phối hợp với vancomycin (500 mg, cách 8 giờ một lần).

Trẻ em

Liều thường dùng:

Trẻ em trên hai tháng tuổi đến 16 tuổi (thể trọng < 40 kg): Tiêm bắp hay tĩnh mạch 50 mg/kg cách 8 -12 giờ một lần (liều tối đa không vượt quá liều cho người lớn).

Liều dùng gợi ý cho một số bệnh chuyên khoa:

Trẻ em trên hai tháng tuổi và trẻ thể trọng dưới 40 kg:

Nhiễm khuẩn da và cấu trúc da (không có biến chứng) và viêm phổi:

Tiêm tĩnh mạch 50 mg/kg cách 12 giờ một lần, dùng trong 10 ngày.

Giảm bạch cầu trung tính, có sốt:

Tiêm tĩnh mạch 50 mg/kg cách 8 giờ một lần, dùng trong 7 ngày hoặc tới khi hết giảm bạch cầu trung tính.

Nhiễm khuẩn đường niệu có hoặc không có biến chứng:

  • Tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch 50 mg/kg cách 12 giờ một lần, dùng trong 7 - 10 ngày.
  • Lưu ý người bệnh có nhiễm khuẩn nhẹ hoặc vừa chỉ nên tiêm bắp.

Viêm màng não mủ và tổn thương thần kinh trung ương do các vi khuẩn Gram âm nhạy cảm (ví dụ: H.influenzae, Neisseria meningitis, E. coli, P. aeruginosa) hoặc do các vi khuẩn gram dương nhạy cảm (ví dụ: Streptococcus pneumoniae, Staphylococcus aureus, S. epidermidis):

  • Trẻ em trên 2 tháng tuổi đến 15 tuổi: Liều 50 mg/kg, cách 8 giờ một lần, trong 7 - 10 ngày.
  • Thời gian điều trị tùy theo từng người bệnh dựa trên đáp ứng với điều trị. Đối với nhiễm khuẩn do H. Influenzae, hoặc N. meningitidis, thời gian điều trị được khuyến cáo: 7 ngày; do S. pneumoniae: 10 - 14 ngày; do vi khuẩn gram âm hiếm khí: 21 ngày.

Đối tượng khác

Bệnh nhân suy thận: Điều chỉnh liều lượng ở người suy thận:

Người bị suy thận (độ thanh thải creatinin < 60 ml/phút), dùng liều ban đầu bằng liều cho người có chức năng thận bình thường. Tính toán liều duy trì theo độ thanh thải creatinin của người bệnh (đo hoặc ước tính). Có thể dùng công thức dưới đây để ước tính độ thanh thải creatinin (ClCr) của người bệnh.

Người lớn đang thẩm tách máu dùng liều đầu tiên 1 g cefepim một lần/ngày, sau đó dùng liều 500 mg một lần mỗi ngày để điều trị các nhiễm khuẩn hoặc dùng 1 g một lần mỗi ngày đối với nhiễm khuẩn ở người bệnh giảm bạch cầu trung tính có sốt.

Cách dùng

Có thể sử dụng cả đường tiêm bắp và đường tiêm tĩnh mạch. Nên truyền tĩnh mạch nhưng cũng có thể tiêm bắp sâu khi có chỉ định, phụ thuộc vào mức độ nặng của nhiễm khuẩn.

Nhà sản xuất khuyến cáo chỉ tiêm bắp đối với nhiễm khuẩn nhẹ và vừa, viêm đường tiết niệu hoặc khi thấy tiêm bắp thích hợp hơn.

Tiêm tĩnh mạch chậm 3 - 5 phút dung dịch chứa 100 mg/ml hoặc truyền tĩnh mạch ngắt quãng trong khoảng 30 phút, hoặc tiêm sâu vào bắp thịt lớn với liều lượng cefepim tùy theo mức độ nặng nhẹ.

Tác dụng phụ

Thường gặp

Tiêu chảy, buồn nôn, nôn, phát ban, đau chỗ tiêm, ngứa, bồn chồn, đau đầu.

Ít gặp

Sốt, nhức đầu, tăng bạch cầu ưa acid, giảm bạch cầu hạt, test Coombs trực tiếp dương tính mà không có tan huyết, viêm tắc tĩnh mạch (nếu tiêm tĩnh mạch), buồn nôn, nôn, bệnh nấm Candida ở miệng, mày đay, ngứa, tăng các enzym gan (phục hồi được), dị cảm.

Hiếm gặp

Phản ứng phản vệ, phù, chóng mặt, giảm bạch cầu trung tính, hạ huyết áp, giãn mạch, viêm đại tràng, viêm đại tràng giả mạc, đau bụng, chuột rút, ảo giác, rung giật cơ, co giật, lú lẫn, đau khớp, viêm âm đạo, nhìn mờ, ù tai.

Lưu ý

Lưu ý chung

Người bệnh có tiền sử phản ứng phản vệ với penicilin (khoảng 5 - 10% người dị ứng với kháng sinh nhóm penicilin có dị ứng chéo với kháng sinh nhóm cephalosporin). Trường hợp nhiễm khuẩn nặng phải dùng thuốc loại beta-lactam, có thể dùng cephalosporin cho người bệnh dị ứng với penicilin nhưng phải theo dõi chặt chẽ và phải có sẵn sàng các phương tiện điều trị sốc phản vệ.

Theo dõi những dấu hiệu của sốc phản vệ trong khi sử dụng liều thuốc đầu tiên.

Giảm liều ở người bệnh suy thận.

Khi sử dụng thuốc kéo dài có thể gây nhiễm nấm hoặc tăng sinh nhiễm khuẩn, bao gồm nhiễm Clostridium difficile liên quan đến tiêu chảy và viêm đại tràng màng giả. Nếu xảy ra tăng sinh nhiễm khuẩn cần bắt đầu một liệu pháp điều trị phù hợp.

Cần kiểm tra bằng mắt các dung dịch thuốc cefepim trước khi tiêm để xem có tủa không.

Chưa xác định được tác dụng và tính an toàn của thuốc ở trẻ sơ sinh và trẻ dưới 2 tháng tuổi.

Một số kháng sinh cephalosporin (trong đó có cefepim) có khả năng gây động kinh, co giật, đặc biệt trên bệnh nhân có chức năng thận suy giảm mà không được hiệu chỉnh giảm liều kháng sinh.

Dùng thận trọng cho bệnh nhân có tiền sử bị co giật, đặc biệt ở bệnh nhân suy thận vì có thể tăng nguy cơ co giật. Trong quá trình điều trị nếu xuất hiện co giật nên ngừng thuốc và sử dụng các thuốc điều trị động kinh thích hợp.

Lưu ý với phụ nữ có thai

Các nghiên cứu trên động vật thí nghiệm không thấy có ảnh hưởng độc cho thai. Tuy nhiên chưa có nghiên cứu đầy đủ và kiểm soát chặt chẽ về sử dụng cefepim cho người mang thai, nên cần phải cân nhắc kỹ lợi hại cho mẹ và cho thai nhi khi chỉ định; chỉ nên dùng thuốc cho người mang thai khi thật cần thiết.

Lưu ý với phụ nữ cho con bú

Một lượng nhỏ cefepim vào sữa mẹ. Nên sử dụng thận trọng thuốc đối với người cho con bú.

Có 3 vấn đề có thể xảy ra cho trẻ bú sữa người mẹ dùng cefepim: Thay đổi vi khuẩn chí trong ruột, tác động trực tiếp của thuốc lên trẻ, trở ngại cho đánh giá kết quả nuôi cấy vi khuẩn cần làm khi có sốt cao.

Cần theo dõi trẻ bú sữa người mẹ có dùng cefepim. Chưa xác định được độ an toàn và tác dụng của cefepim ở trẻ dưới 2 tháng tuổi.

Lưu ý khi lái xe và vận hành máy móc

Ảnh hưởng của thuốc đối với khả năng lái xe và sử dụng máy móc chưa được nghiên cứu. Tuy nhiên, các phản ứng có hại có thể xảy ra như thay đổi trạng thái ý thức, chóng mặt, trạng thái bối rối hoặc ảo giác có thể làm thay đổi khả năng lái xe và sử dụng máy móc.

Quá liều

Quá liều Cefepime và xử trí

Cách xử lý khi quá liều

Lọc máu thận nhân tạo hoặc lọc máu qua màng bụng: Lọc máu trong 3 giờ sẽ lấy đi được 68% lượng cefepim trong cơ thể.

Quên liều và xử trí

Nếu quên dùng một liều thuốc, hãy uống càng sớm càng tốt khi nhớ ra. Tuy nhiên, nếu gần với liều kế tiếp, hãy bỏ qua liều đã quên và uống liều kế tiếp vào thời điểm như kế hoạch. Không uống gấp đôi liều đã quy định.

Nguồn tham khảo

Tên thuốc: Cefepime

  1. Dược thư Quốc gia Việt Nam 2015

  2. EMC: https://www.medicines.org.uk/emc/product/9671/smpc

  3. Drugs.com: https://www.drugs.com/monograph/cefepime.html

Ngày cập nhật: 17/7/2021

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin

Các sản phẩm có thành phần Cefepime