Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Cortisone acetate: Chất chống viêm và ức chế miễn dịch

Ngày 09/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Nội dung chính

Mô tả

Tên thuốc gốc (Hoạt chất)

Cortisone acetate.

Loại thuốc

Glucocorticoids.

Dạng thuốc và hàm lượng

Viên nén – 25 mg.

Chỉ định

Cortisone acetate được chỉ định để điều trị nhiều loại bệnh và rối loạn nội tiết, thấp khớp, collagen, da liễu, dị ứng, nhãn khoa, hô hấp, huyết học, ung thư, phù nề và đường tiêu hóa.

Dược lực học

Cortisone acetate là một chất chống viêm hoặc ức chế miễn dịch (bằng cách giảm hoạt động và khối lượng của hệ bạch huyết, gây giảm bạch cầu); thể hiện hoạt tính chống viêm mạnh và một số đặc tính của mineralocorticoid. Với liều lượng sinh lý, cortisone acetate thay thế các hormone nội sinh bị thiếu hụt và ở liều dược lý, làm giảm viêm và ức chế phản ứng miễn dịch.

Cortisone acetate ổn định màng lysosome của bạch cầu, ngăn chặn sự giải phóng các hydrolase acid phá hủy từ bạch cầu; giảm sự kết dính của bạch cầu vào nội mô mao mạch; ức chế sự tích tụ của đại thực bào ở những vùng bị viêm, đồng thời làm giảm tính thấm của thành mao mạch và sự hình thành phù nề.

Cortisone acetate đối kháng hoạt động của histamine và giải phóng kinin từ chất nền; làm giảm sự tăng sinh nguyên bào sợi, sự lắng đọng collagen và hình thành mô sẹo sau đó.

Cortisone acetate còn kích thích tế bào hồng cầu của tủy xương, kéo dài thời gian tồn tại của hồng cầu và tiểu cầu, đồng thời tạo ra bạch cầu trung tính và giảm bạch cầu. Ngoài ra, thuốc còn thúc đẩy quá trình tạo gluconeogenesis, tái phân phối chất béo từ ngoại vi đến trung tâm của cơ thể và dị hóa protein, dẫn đến cân bằng nitơ âm tính.

Cortisone acetate làm giảm hấp thu ở ruột và tăng đào thải canxi qua thận, ức chế giải phóng corticotropin (hormone vỏ thượng thận, ACTH) từ tuyến yên; dẫn đến ngừng bài tiết corticosteroid nội sinh (suy vỏ thượng thận thứ phát). Thúc đẩy tái hấp thu natri, tăng bài tiết kali và hydro cùng với việc giữ nước sau đó thông qua hoạt động của mineralocorticoid trên một phần của ống thận xa tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển natri.

Động lực học

Hấp thu

Hấp thu dễ dàng sau khi uống. Thời gian có tác dụng kháng viêm xấp xỉ bằng thời gian ức chế trục HPA, khoảng 1,25 – 1,5 ngày đối với một liều uống 250 mg.

Phân bố

Corticosteroid thường liên kết với globulin và albumin trong huyết thanh.

Hầu hết các corticosteroid được loại bỏ nhanh chóng khỏi máu và phân phối đến cơ, gan, da, ruột và thận ở động vật.

Cortisone đi qua nhau thai và được phân phối vào sữa.

Chuyển hóa

Chuyển hóa ở gan thành hydrocortisone, chất chuyển hóa có hoạt tính. Tiếp tục chuyển hóa ở hầu hết các mô (chủ yếu ở gan) thành các hợp chất không hoạt động.

Thải trừ

Thải trừ chủ yếu qua thận, chủ yếu là các chất chuyển hóa.

Tương tác thuốc

Amphotericin B, thuốc lợi tiểu (thiazide, furosemide, acid ethacrynic) có thể làm tăng cường tác dụng tiêu hao kali của glucocorticoid.

Glucocorticoid có thể làm giảm bớt hoặc tăng cường tác dụng chống đông máu của thuốc chống đông máu đường uống.

Suy nhược nghiêm trọng khi sử dụng đồng thời thuốc kháng cholinesterase và corticosteroid ở bệnh nhân nhược cơ.

Glucocorticoid có thể làm tăng nồng độ glucose trong máu, gây đối kháng tác dụng với thuốc điều trị đái tháo đường.

Thuốc an thần, ma hoàng, phenyltoin, rifampin có thể làm tăng chuyển hóa cortisone.

Sử dụng cùng lúc cyclosporin và corticosteroid có thể làm tăng hoạt tính của cả hai thuốc, gây co giật.

Ketoconazole, troleandomycin có thể làm giảm chuyển hóa cortisone.

Sử dụng đồng thời glucocorticoid và NSAID có thể làm tăng nguy cơ loét đường tiêu hóa. Giảm nồng độ salicylate trong huyết thanh; khi ngừng sử dụng corticosteroid, nồng độ salicylat trong huyết thanh có thể tăng lên có thể dẫn đến nhiễm độc salicylat

Chống chỉ định

Tiền sử quá mẫn nghiêm trọng với cortisone acetate.

Nhiễm nấm toàn thân.

Dùng đồng thời virus sống hoặc vaccine sống với corticosteroid ở liều ức chế miễn dịch.

Liều lượng & cách dùng

Liều dùng

Người lớn

Liều ban đầu: 25 – 300 mg mỗi ngày.

Trẻ em

Liều dùng cho trẻ em dựa trên mức độ nghiêm trọng của bệnh và phản ứng của bệnh nhân hơn là tuân thủ nghiêm ngặt liều lượng được chỉ định theo tuổi, trọng lượng cơ thể hoặc diện tích bề mặt cơ thể.

Liều thông thường: 0,7 – 10 mg/kg mỗi ngày hoặc 20 – 300 mg/m2 mỗi ngày chia làm 4 lần.

Đối tượng khác

Bệnh nhân suy gan: Nên sử dụng liều thấp hơn thông thường.

Bệnh nhân suy thận: Không có khuyến cáo.

Cách dùng

Thuốc dùng bằng đường uống. Để giảm kích ứng dạ dày, nên uống thuốc ngay trước, trong hay sau bữa ăn.

Cá nhân hóa liều lượng một cách cẩn thận theo chẩn đoán, mức độ nghiêm trọng, tiên lượng, thời gian có thể xảy ra của bệnh, đáp ứng và dung nạp của bệnh nhân.

Sau khi nhận được đáp ứng tốt, giảm liều lượng theo từng lượng nhỏ đến mức thấp nhất để duy trì đáp ứng lâm sàng đầy đủ và ngừng thuốc càng sớm càng tốt.

Không nên bắt đầu điều trị dài hạn mà không xem xét đầy đủ các rủi ro của thuốc. Nếu cần thiết, nên sử dụng với liều lượng nhỏ nhất có thể.

Tác dụng phụ

Thường gặp 

Cao huyết áp. Đau hoặc yếu cơ. Rối loạn giấc ngủ (mất ngủ), thay đổi tâm trạng. Da mỏng, bầm tím hoặc đổi màu. Tăng tiết mô hôi. Nhức đầu, chóng mặt, cảm giác quay cuồng. Đau bụng, đầy hơi. Vết thương chậm lành.

Ít gặp 

Chưa có dữ liệu.

Hiếm gặp

Chưa có dữ liệu.

Không xác định tần suất

Mất xương, đục thủy tinh thể, khó tiêu, đau lưng, nhiễm nấm Candida miệng. Suy tim sung huyết, vỡ cơ tim sau nhồi máu cơ tim gần đây, huyết khối tắc mạch. Loét dạ dày, thủng ruột non và ruột già, viêm tụy, chướng bụng, viêm loét thực quản, buồn nôn. Bệnh cơ steroid, mất khối lượng cơ, loãng xương, bệnh lý gãy xương dài, ức chế tăng trưởng ở trẻ em. Rối loạn tâm thần. Co giật, tăng áp lực nội sọ, phù gai thị. Hội chứng Cushing, suy vỏ thượng thận thứ phát. Đục thủy tinh thể dưới bao sau, tăng nhãn áp, chứng mắt lồi. Kinh nguyệt không đều. Phản ứng quá mẫn. Giữ natri, giữ nước, mất kali, nhiễm kiềm hạ kali máu, giảm dung nạp carbohydrate, biểu hiện của bệnh đái tháo đường tiềm ẩn, tăng nhu cầu insulin, tăng cảm giác thèm ăn, tăng cân. Da bị đốm xuất huyết, ban đỏ, viêm da dị ứng, mày đay, phù mạch, rậm lông.

Lưu ý

Lưu ý chung

Suy vỏ thượng thận

Sử dụng glucocorticoid kéo dài có thể gây giảm bài tiết corticosteroid nội sinh bằng cách ức chế tuyến yên giải phóng corticotropin (suy vỏ thượng thận thứ phát).

Mức độ và thời gian suy vỏ thượng thận khác nhau giữa các bệnh nhân và phụ thuộc vào liều, tần suất và thời gian dùng thuốc.

Suy thượng thận cấp tính (thậm chí tử vong) có thể xảy ra nếu ngừng thuốc đột ngột hay khi bệnh nhân được chuyển từ liệu pháp glucocorticoid toàn thân sang liệu pháp tại chỗ.

Nếu bệnh bùng phát trong thời gian ngừng thuốc, có thể phải tăng liều và sau đó cắt cơn hoàn toàn.

Ức chế miễn dịch

Tăng nhạy cảm với các bệnh nhiễm trùng thứ phát do ức chế miễn dịch vì sử dụng glucocorticoid.

Chống chỉ định sử dụng vaccine virus sống, bao gồm cả vaccine đậu mùa ở những bệnh nhân đang sử dụng glucocorticoids với liều ức chế miễn dịch.

Nếu tiêm vaccine virus bất hoạt cho những bệnh nhân này, có thể không đạt được phản ứng kháng thể trong huyết thanh như mong đợi.

Ủy ban Tư vấn về Thực hành Tiêm chủng (Advisory Committee on Immunization Practices - ACIP) và Học viện Mỹ của gia đình bác sĩ (AAFP) khuyến cáo việc tiêm vaccine virus sống không bị chống chỉ định ở những bệnh nhân đang điều trị corticosteroid trong các trường hợp sau:

  • Đang sử dụng liệu pháp corticosteroid ngắn hạn (< 2 tuần).
  • Liều corticosteroid thấp đến trung bình.
  • Điều trị dài hạn xen kẽ trong ngày với các corticosteroid tác dụng ngắn.
  • Corticosteroid liều sinh lý duy trì (liệu pháp thay thế).
  • Corticosteroid sử dụng tại chỗ.

Tăng tính nhạy cảm với nhiễm trùng

Glucocorticoid, đặc biệt với liều lượng lớn, làm tăng tính nhạy cảm và che dấu các triệu chứng nhiễm trùng.

Nhiễm trùng với bất kỳ mầm bệnh nào, bao gồm nhiễm virus, vi khuẩn, nấm, động vật nguyên sinh hoặc giun sán ở bất kỳ hệ cơ quan nào, có thể sử dụng glucocorticoid đơn độc hoặc kết hợp với các chất ức chế miễn dịch khác.

Nhiễm trùng có thể nhẹ, nhưng có thể nặng hoặc gây tử vong, và nhiễm trùng khu trú có thể lan rộng. Tỷ lệ xuất hiện các biến chứng nhiễm trùng tăng lên khi tăng liều corticosteroid.

Không chỉ định corticosteroid ở bệnh nhân nhiễm virus hoặc nhiễm khuẩn mà chưa được điều trị ổn định bằng thuốc kháng sinh, ngoại trừ trường hợp đe dọa tính mạng.

Một số bệnh nhiễm trùng (ví dụ như varicella (bệnh thủy đậu), bệnh sởi) có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng hơn hoặc thậm chí gây tử vong, đặc biệt là ở trẻ em.

Ức chế miễn dịch có thể dẫn đến nhiễm trùng tiềm ẩn hoặc làm trầm trọng thêm các bệnh nhiễm trùng đồng thời (ví dụ: Do Candida, Mycobacterium, Toxoplasma, Strongyloides, Pneumocystis, Cryptococcus, Nocardia hoặc Ameba).

Sử dụng cẩn thận ở những bệnh nhân đã biết hoặc nghi ngờ nhiễm Strongyloides (giun lươn). Ức chế miễn dịch có thể dẫn đến bội nhiễm giun lươn và phổ biến với sự di cư của ấu trùng trên diện rộng, thường đi kèm với viêm ruột nặng và nhiễm trùng huyết gram âm có khả năng gây tử vong.

Không sử dụng thuốc để điều trị sốt rét thể não vì thuốc không hiệu quả và có thể gây tác dụng bất lợi (như kéo dài thời gian hôn mê, tỷ lệ mắc bệnh viêm phổi và xuất huyết tiêu hóa cao hơn).

Có thể gây tái phát bệnh lao, bao gồm hóa trị ở những bệnh nhân có tiền sử bệnh lao đang hoạt động được điều trị bằng glucocorticoid kéo dài.

Nhược cơ

Nhược cơ, đau hoặc yếu cơ, chậm lành vết thương hoặc teo chất nền protein của xương dẫn đến loãng xương, gãy xương chèn ép đốt sống, hoại tử vô khuẩn đầu xương đùi hoặc xương đùi, hoặc gãy xương bệnh lý của xương dài có thể xảy ra khi điều trị glucocorticoid kéo dài. Những tác dụng phụ này có thể nặng hơn ở những bệnh nhân lớn tuổi hoặc suy nhược cơ thể. Chế độ ăn giàu protein có thể giúp ngăn ngừa các tác dụng phụ này.

Bệnh cơ toàn thân cấp tính có thể xảy ra khi sử dụng glucocorticoid liều cao, đặc biệt ở bệnh nhân bị rối loạn dẫn truyền thân kinh cơ (ví dụ: Bệnh nhược cơ) hoặc ở những bệnh nhân đang điều trị đồng thời với các thuốc chẹn thần kinh cơ (như pancuronium).

Có thể gây đứt gân, đặc biệt là gân Achilles.

Loãng xương và gãy xương là một trong những tác dụng phụ nghiêm trọng nhất của liệu pháp glucocorticoid lâu dài. Để giảm thiểu nguy cơ mất xương do glucocorticoid, sử dụng liều lượng và thời gian hiệu quả nhỏ nhất có thể. Nếu có thể, nên sử dụng các chế phẩm bôi và hít. Ngừng glucocorticoid nếu loãng xương tiến triển, trừ khi việc sử dụng là cần thiết để cứu sống bệnh nhân.

Trước khi bắt đầu điều trị glucocorticoid ở phụ nữ sau mãn kinh, nên cân nhắc cẩn thận vì họ rất dễ bị loãng xương.

Rối loạn nước và chất điện giải

Tình trạng giữ natri dẫn đến phù nề, mất kali và tăng huyết áp có thể xảy ra với liều lượng trung bình hoặc lớn của cortisone. Có thể xảy ra phù, nhiễm kiềm hạ kali máu và CHF (ở những bệnh nhân mẫn cảm).

Nên hạn chế muối trong chế độ ăn và có thể cần bổ sung kali.

Gây tăng đào thải canxi và có thể hạ canxi máu.

Rối loạn ở mắt

Sử dụng kéo dài có thể dẫn đến đục thủy tinh thể dưới bao sau và đục nhân thể thủy tinh (đặc biệt ở trẻ em), chứng mắt lồi và / hoặc tăng IOP, có thể dẫn đến tăng nhãn áp hoặc đôi khi có thể làm hỏng dây thần kinh thị giác.

Có thể gây tăng các bệnh nhiễm trùng do nấm và virus thứ phát ở mắt.

Thận trọng khi dùng cho bệnh herpes simplex ở mắt; nguy cơ thủng giác mạc.

Nội tiết và trao đổi chất

Sử dụng corticosteroid lâu dài có thể gây ra hội chứng Cushing và vô kinh hoặc một số rối loại kinh nguyệt khác.

Có thể làm tăng hoặc giảm khả năng di chuyển và số lượng tinh trùng ở một số nam giới.

Có thể làm giảm dung nạp glucose gây tăng đường huyết và làm nặng thêm bệnh đái tháo đường. Cần thay đổi liều lượng ở các đối tượng có nguy cơ mắc bệnh này.

Bệnh nhân suy giáp khi sử dụng glucocorticoid có thể gây ra các phản ứng quá mức.

Tim mạch

Sử dụng glucocorticoid thận trọng ở bệnh nhân có nhồi máu cơ tim cấp tính (MI) xảy ra gần đây, có liên hệ giữa việc sử dụng glucocorticoid với sự vỡ thành tự do thất trái.

Có thể làm tăng khả năng đông máu và tạo thành huyết khối nội mạch, huyết khối tắc mạch và viêm tắc tĩnh mạch.

Lưu ý với phụ nữ có thai

Phân loại mức độ an toàn của cortisone acetate cho phụ nữ có thai là loại C. Đối với phụ nữ có thai 3 tháng đầu là loại D.

Cần theo dõi chặt chẽ trẻ sơ sinh để nhận biết sớm các dấu hiệu của suy giảm tuyến thượng thận nếu người mẹ có sử dụng cortisone acetate với liều đáng kể trong thời kỳ mang thai.

Lưu ý với phụ nữ cho con bú

Cortisone acetate có thể phân phối vào sữa mẹ. Nên ngừng cho con bú nếu đang dùng thuốc.

Người mẹ nếu sử dụng cortisone acetate trong thời gian cho con bú có thể làm ức chế sự phát triển, cản trở sự sản xuất glucocorticoid nội sinh và các tác dụng phụ khác ở trẻ bú mẹ.

Lưu ý khi lái xe và vận hành máy móc

Chưa có dữ liệu.

Quá liều

Quá liều và xử trí

Quá liều và độc tính

Liều cao hoặc sử dụng thuốc steroid trong thời gian dài có thể dẫn đục thủy tinh thể, tăng nhãn áp, tăng huyết áp, giữ nước, tăng lipid máu, loét dạ dày tá tràng, viêm tụy, bệnh cơ, loãng xương, thay đổi tâm trạng, rối loạn tâm thần, teo da, dị ứng, mụn trứng cá, ức chế miễn dịch, giảm khả năng chống nhiễm trùng, mặt tròn như mặt trăng, tăng đường huyết, hạ calci huyết, giảm phosphat máu, toan chuyển hóa, ức chế tăng trưởng và suy tuyến thượng thận thứ phát.

Cách xử lý khi quá liều

Có thể điều trị quá liều bằng cách điều chỉnh liều hoặc ngừng corticosteroid cũng như bắt đầu điều trị triệu chứng và hỗ trợ.

Quên liều và xử trí

Uống thuốc càng sớm càng tốt, nhưng bỏ qua liều đã quên nếu gần đến thời gian dùng liều tiếp theo. Không dùng hai liều cùng một lúc.

Nguồn tham khảo

Tên thuốc: Cortisone acetate

  1. Drugs.com: https://www.drugs.com/monograph/cortisone-acetate.html
  2. Drugs.com: https://www.drugs.com/sfx/cortisone-side-effects.html
  3. Drugs.com: https://www.drugs.com/mtm/cortisone.html
  4. Go.drugank: https://go.drugbank.com/drugs/DB01380 

Ngày cập nhật: 30/9/2021