Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Dược chất/
  3. Melatonin

Melatonin tổng hợp

Ngày 09/04/2023
Kích thước chữ
Nội dung chính

Mô tả

Tên thuốc gốc (Hoạt chất)

Melatonin

Loại thuốc

Melatonin tổng hợp.

Dạng thuốc và hàm lượng

  • Viên nang mềm 3 mg.
  • Viên nang cứng: 2 mg, 3 mg, 5 mg.
  • Viên nén tác dụng kéo dài: 1mg, 2 mg, 5 mg.
  • Viên nén bao phim: 3 mg.
  • Dung dịch uống: 1 mg/ml.

Chỉ định

Thuốc Melatonin chỉ định trong điều trị mất ngủ trong các trường hợp sau:

  • Những người muốn ngủ vào thời gian “không phù hợp với nhịp sinh học” trong ngày (công nhân làm ca, hoặc sau các chuyến bay dài có thay đổi múi giờ…).
  • Đơn trị để điều trị ngắn hạn chứng mất ngủ nguyên phát (chất lượng giấc ngủ kém) ở bệnh nhân từ 55 tuổi trở lên.
  • Trẻ em và thanh thiếu niên từ 2 - 18 tuổi mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ (aSD) và / hoặc hội chứng Smith - Magenis, khi các biện pháp vệ sinh giấc ngủ không đủ để cải thiện giấc ngủ.
  • Hỗ trợ, giúp ngủ ngon cho người lớn.

Dược lực học

Melatonin được tuyến tùng của não tiết ra giúp duy trì nhịp sinh học ngày - đêm của con người. Bình thường Melatonin được tiết ra ban đêm nhiều hơn ban ngày (gấp 10 lần) giúp tạo ra cơn buồn ngủ và duy trì giấc ngủ tự nhiên.

Thuốc chứa Melatonin tổng hợp, tạo ra và duy trì một giấc ngủ tự nhiên, đặc biệt trên những người có nồng độ Melatonin trong máu thấp, người di chuyển đến nơi khác có thay đổi múi giờ, người mù, người lớn tuổi.

Cơ chế hoạt động dược lý của Melatonin được cho là dựa trên sự tương tác của nó với các thụ thể MT1-, MT2- và MT3, vì các thụ thể này (đặc biệt là MT1 và MT2) có liên quan đến việc điều chỉnh giấc ngủ và nhịp sinh học nói chung.

Động lực học

Hấp thu

Melatonin đường uống được hấp thu gần như hoàn toàn. Sinh khả dụng đường uống là ~ 15%, do chuyển hóa lần đầu là ~ 85%. Tmax huyết tương là ~ 50 phút.

Dữ liệu về ảnh hưởng của thức ăn hoặc thời gian uống Melatonin đối với dược động học của nó còn hạn chế, mặc dù vậy người ta thấy rằng dùng Melatonin cùng với thức ăn có thể làm tăng hấp thu gần gấp 2 lần. Không nên ăn khoảng 2 giờ trước và 2 giờ sau khi uống Melatonin.

Phân bố

Liên kết với protein của Melatonin là khoảng 50 - 60%. Melatonin chủ yếu liên kết với albumin, mặc dù cũng liên kết với alpha1-acid glycoprotein; liên kết với các protein huyết tương khác bị hạn chế. Melatonin phân bố nhanh chóng từ huyết tương vào và ra ở hầu hết các mô và cơ quan, và dễ dàng vượt qua hàng rào máu não. Melatonin dễ dàng đi qua nhau thai.

Chuyển hóa

Melatonin được chuyển hóa chủ yếu qua gan. Dữ liệu thực nghiệm cho thấy rằng các enzym cytochrome P450 CYP1A1 và CYP1A2 chịu trách nhiệm chính cho sự chuyển hóa Melatonin, trong khi đó CYP2C19 có tầm quan trọng nhỏ hơn.

Melatonin chủ yếu được chuyển hóa thành 6 - hydroxymelatonin (chiếm ~ 80 - 90% chất chuyển hóa melatonin được tìm thấy trong nước tiểu). N - acetylserotonin cũng là một chất chuyển hóa của Melatonin (chiếm khoảng 10% chất chuyển hóa Melatonin được tìm thấy trong nước tiểu). Sự chuyển hóa Melatonin diễn ra rất nhanh, 6 - hydroxymelatonin trong huyết tương tăng lên trong vòng vài phút sau khi Melatonin bắt đầu hấp thu vào tuần hoàn. 6 - hydroxymelatonin trải qua quá trình liên hợp sulphat (~ 70%) và liên hợp glucuronid (~ 30%) trước khi bài tiết.

Thải trừ

Thời gian bán thải trong huyết tương (T ½ ) là khoảng 45 phút (30 - 60 phút) ở người lớn khỏe mạnh. Các chất chuyển hóa Melatonin chủ yếu được thải trừ qua nước tiểu, khoảng 90% dưới dạng liên hợp sulphat và glucuronid của 6-hydroxymelatonin. Ít hơn 1% liều Melatonin được bài tiết dưới dạng không đổi qua nước tiểu.

Tương tác thuốc

Tương tác với các thuốc khác

Melatonin có thể làm tăng khả năng gây ngủ của thuốc an thần nhóm benzodiazepine và không benzodiazepine (như zolpidemzopiclone). Sử dụng đồng thời làm tăng nguy cơ suy giảm chú ý, trí nhớ và khả năng phối hợp khi so sánh với zolpidem sử dụng đơn lẻ.

Không khuyến cáo sử dụng đồng thời với thioridazineimipramine.

Thận trọng khi chỉ định ở những bệnh nhân đang được điều trị với fluvoxamine, 5 - hoặc 8-methoxypsoralen, cimetidin, estrogen, quinolon, vì có thể làm tăng nồng độ melatonin bằng cách ức chế chuyển hóa Melatonin.

Carbamazepine và rifampin làm giảm nồng độ Melatonin trong huyết tương.

Thuốc lá có thể làm giảm nồng độ Melatonin.

Tương tác với thực phẩm

Thức ăn làm tăng nồng độ Melatonin huyết tương. Không nên ăn trước và sau 2 giờ uống thuốc.

Dữ liệu hạn chế cho thấy rằng Melatonin được sử dụng gần với các bữa ăn giàu carbohydrate có thể làm giảm khả năng kiểm soát đường huyết trong vài giờ. Melatonin nên uống ít nhất 2 giờ trước và ít nhất 2 giờ sau bữa ăn; lý tưởng là ít nhất 3 giờ sau bữa ăn đối với những người bị rối loạn dung nạp glucose hoặc tiểu đường.

Chống chỉ định

Thuốc Melatonin chống chỉ định trong các trường hợp sau:

  • Bệnh nhân quá mẫn với bất kỳ thành phần nào của thuốc.
  • Không dùng cho phụ nữ có thai và cho con bú.

Liều lượng & cách dùng

Liều dùng Melatonin

Người lớn

  • Liều tiêu chuẩn là 3 mg / ngày cho tối đa 5 ngày. Có thể tăng liều 6 mg nếu liều tiêu chuẩn không đạt đáp ứng mong muốn.
  • Đơn trị để điều trị ngắn hạn chứng mất ngủ nguyên phát (chất lượng giấc ngủ kém) ở bệnh nhân từ 55 tuổi trở lên: Liều khuyến cáo là 2 mg x 1 lần / ngày. Liều lượng này có thể được tiếp tục cho đến mười ba tuần.

Trẻ em

  • Trẻ em và thanh thiếu niên từ 2 - 18 tuổi mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ (ASD) và / hoặc hội chứng Smith - Magenis: Liều khởi đầu được khuyến cáo là 2 mg.
  • Nếu không đạt đáp ứng yêu cầu, nên tăng liều lên 5 mg, với liều tối đa là 10 mg.

Đối tượng khác

  • Bệnh nhân suy gan, suy thận: Sử dụng Melatonin trên bệnh nhân suy gan và suy thận chưa được nghiên cứu.
  • Sử dụng thận trọng trên các đối tượng trên.

Cách dùng

Thuốc Melatonin dùng qua đường uống.

Tác dụng phụ

Khi sử dụng thuốc Melatonin, bạn có thể gặp các tác dụng không mong muốn (ADR).

Thường gặp

Đau đầu, ngủ gật.

Ít gặp

Khó chịu, lo lắng, bồn chồn, ác mộng, chóng mặt, tăng huyết áp, đau bụng, đau bụng trên, khó tiêu, loét miệng, khô miệng, buồn nôn, ngứa, phát ban, khô da, glucose niệu, protein niệu, đau ngực, tăng cân.

Hiếm gặp

Giảm bạch cầu, giảm tiểu cầu, tăng triglyceride máu, thay đổi tâm trạng, hành vi hung hăng, mất định hướng, ham muốn tình dục tăng lên, ngất xỉu, suy giảm trí nhớ, hội chứng chân không yên, chứng loạn cảm, thị lực giảm, nhìn mờ, chảy nước mắt, đánh trống ngực.

Nóng bừng, nôn mửa, đầy hơi, tăng tiết nước bọt, chứng hôi miệng, viêm dạ dày, rối loạn móng tay, viêm khớp, co thắt cơ, đa niệu, tiểu ra máu, cương cứng dương vật kéo dài, viêm tuyến tiền liệt, khát nước, điện giải bất thường.

Không xác định tần suất

Phản ứng quá mẫn, tăng đường huyết, phù lưỡi, phù niêm mạc miệng, vú tiết sữa.

Lưu ý

Lưu ý chung

Melatonin có thể gây buồn ngủ. Thuốc nên được sử dụng thận trọng nếu tác dụng gây buồn ngủ có thể ảnh hưởng đến sự an toàn của bệnh nhân.

Melatonin có thể làm tăng tần suất co giật ở những bệnh nhân động kinh. Bệnh nhân bị co giật phải được thông báo về khả năng này trước khi sử dụng thuốc. Melatonin có thể thúc đẩy hoặc làm tăng tỷ lệ co giật ở trẻ em và thanh thiếu niên có nhiều khuyết tật thần kinh.

Không có dữ liệu lâm sàng nào liên quan đến việc sử dụng Melatonin ở những người mắc bệnh tự miễn. Vì vậy, Melatonin không được khuyến cáo sử dụng cho những bệnh nhân mắc bệnh tự miễn.

Thận trọng khi dùng Melatonin cho những người đang dùng các thuốc an thần, các thuốc chống trầm cảm hoặc những người bị bệnh thận.

Lưu ý với phụ nữ có thai

Dữ liệu nghiên cứu về sử dụng Melatonin trên phụ nữ có thai còn hạn chế và Melatonin ngoại sinh dễ dàng đi qua nhau thai. Vì vậy, Melatonin không được khuyến cáo sử dụng trong thời kỳ mang thai hoặc phụ nữ trong độ tuổi sinh sản không sử dụng biện pháp tránh thai.

Lưu ý với phụ nữ cho con bú

Không có đủ dữ liệu về sự bài tiết Melatonin / chất chuyển hóa trong sữa mẹ và Melatonin nội sinh được tiết qua sữa mẹ. Vì vậy, Melatonin không nên dùng trong thời kỳ cho con bú.

Lưu ý khi lái xe và vận hành máy móc

Melatonin có ảnh hưởng mức độ trung bình đến khả năng lái xe và sử dụng máy móc. Melatonin có thể gây buồn ngủ và có thể làm giảm tỉnh táo trong vài giờ, do đó không nên sử dụng Melatonin trước khi lái xe và sử dụng máy móc.

Quá liều

Quá liều Melatonin và xử trí

Quá liều và độc tính

Buồn ngủ, nhức đầu, chóng mặt và buồn nôn là những dấu hiệu và triệu chứng phổ biến nhất được báo cáo khi dùng quá liều Melatonin đường uống.

Uống liều hàng ngày lên đến 300 mg Melatonin không gây ra phản ứng có hại đáng kể về mặt lâm sàng.

Các cơn bốc hỏa, đau quặn bụng, tiêu chảy, nhức đầu và u xơ thần kinh tọa đã được báo cáo sau khi uống liều Melatonin cực cao (3000 - 6600 mg) trong vài tuần.

Cách xử lý khi quá liều

Không có điều trị đặc hiệu. Có thể dùng các biện pháp hỗ trợ. Có thể cân nhắc rửa dạ dày và dùng than hoạt.

Thời gian thanh thải hoạt chất khỏi cơ thể dự kiến là 12 giờ sau khi uống thuốc.

Quên liều và xử trí

Nếu quên dùng một liều thuốc, hãy uống càng sớm càng tốt khi nhớ ra. Tuy nhiên, nếu gần với liều kế tiếp, hãy bỏ qua liều đã quên và uống liều kế tiếp vào thời điểm như kế hoạch. Không uống gấp đôi liều đã quy định.

Nguồn tham khảo