Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Dược chất/
  3. Noscapine

Noscapine: Thuốc trị ho khan không đờm

Ngày 09/04/2023
Kích thước chữ
Nội dung chính

Mô tả

Tên thuốc gốc (Hoạt chất)

Noscapine

Loại thuốc

Alcaloid thuốc phiện và dẫn chất

Dạng thuốc và hàm lượng

Thường có các dạng muối noscapine resinate, noscapine ascorbate, noscapine camsilate, noscapine embonate, noscapine hydrochloride.

Siro uống 0,1 g noscapine base kèm 0,05 g promethazine trong 100 ml.

Siro uống 0,5 g noscapine trong 100 ml.

Chỉ định

Noscapine được chỉ định điều trị triệu chứng ho không đờm.

Dược lực học

Noscapine là thuốc giảm ho có tác dụng lên trung tâm ho ở hành não. ở liều điều trị, nó không gây ức chế hô hấp, không gây nghiện.

Tác dụng chống ho của noscapine chủ yếu qua trung gian hoạt động chủ vận thụ thể sigma của nó. Bằng chứng cho cơ chế này được đề xuất bằng bằng chứng thực nghiệm trên chuột. Điều trị trước với rimcazole, một chất đối kháng đặc hiệu sigma, gây ra sự giảm hoạt tính chống ho của noscapine phụ thuộc vào liều lượng.

Động lực học

Hấp thu

Không có thông tin.

Phân bố

Không có thông tin.

Chuyển hóa

Không có thông tin.

Thải trừ

Không có thông tin.

Tương tác thuốc

Tương tác với các thuốc khác

Các thuốc trầm cảm tác động hệ thần kinh trung ương khác (thuốc an thần chống trầm cảm, barbiturate, clonidine và các dẫn chất của morphin, methadone, thuốc an thần, thuốc giải lo âu) tăng cường tác dụng an thần, có thể gây nguy hiểm cho việc lái xe và vận hành máy móc.

Noscapine dùng chung với thuốc vừa chủ vận vừa đối kháng morphin có thể làm giảm hiệu quả của noscapine do cạnh tranh trên thụ thể và tăng nguy cơ xuất hiện hội chứng cai nghiện nên chống chỉ định dùng chung.

Noscapine tăng tác dụng chống đông máu của warfarin. Cần thận trọng khi dùng chung.

Tương tác với thực phẩm

Rượu/ thức uống có cồn làm tăng cường tác dụng an thần của thuốc giảm ho trung ương.

Chống chỉ định

Chống chỉ định Noscapine trong các trường hợp:

  • Trẻ em dưới 30 tháng tuổi. Suy hô hấp. Ho do hen phế quản. Kết hợp thuốc vừa chủ vận vừa đối kháng morphin (buprenorphine, nalbuphine, pentazocine).
  • Dị ứng với noscapine hoặc bất kì thành phần nào của thuốc.

Liều lượng & cách dùng

Người lớn

Liều uống có thể lên đến 50 mg 3 lần mỗi ngày.

Uống trước bữa ăn khoảng 1 giờ. Sử dụng cốc đo kèm theo để phân liều chính xác. Lắc kĩ trước khi sử dụng.

Nếu tình trạng ho kéo dài hơn 2 tuần, cần gặp bác sĩ.

Trẻ em

Trẻ sơ sinh trên 6 tháng và nhỏ hơn 3 tuổi: 7,5 mg x 2 lần/ngày.

Trẻ em từ 3 tuổi đến 12 tuổi: 25 mg 3 lần/ngày

Trẻ em trên 12 tuổi: dùng liều người lớn.

Tác dụng phụ

Thường gặp

Táo bón, nhức đầu, buồn ngủ. Khó thở, đau ngực. Rối loạn hô hấp.

Ít gặp

Đau bụng, buồn nôn, nôn. Mề đay, ngứa. Sưng mặt và cổ (phù Quincke)

Hiếm gặp

Chóng mặt, co thắt phế quản. Phản ứng dị ứng da (phát ba, đỏ da).

Rối loạn hệ thần kinh.

Đau bụng, ngực hoặc lưng dữ đội giống như chuột rút.

Lưu ý

Lưu ý chung

Không kết hợp noscapine với thuốc long đờm hoặc thuốc tiêu nhầy. Trước khi dùng thuốc, cần tìm hiểu nguyên nhân gây ho để có điều trị cụ thể.

Nếu không hiệu quả với thuốc giảm ho liều thông thường thì không được tăng liều.

Có thể tăng nguy cơ xảy ra tình trạng tăng huyết áp nội sọ.

Dùng chung noscapine với thuốc vừa chủ vận vừa đối kháng morphin có thể làm giảm hiệu quả của noscapine do cạnh tranh trên thụ thể và tăng nguy cơ xuất hiện hội chứng cai nghiện nên chống chỉ định dùng chung.

Suy hô hấp có thể xảy ra, đặc biệt ở người cao tuổi.

Lưu ý với phụ nữ có thai

Tránh dùng noscapine cho phụ nữ có thai vì nguy cơ tiềm ẩn cho thai nhi.

Lưu ý với phụ nữ cho con bú

Noscapine có tiết ra trong sữa mẹ nhưng với lượng rất nhỏ và không gây bất lợi cho trẻ bú mẹ.

Lưu ý khi lái xe và vận hành máy móc

Người lái xe hoặc vận hành máy móc cần chú ý đến tình trạng buồn ngủ khi sử dụng thuốc này, đặc biệt là khi bắt đầu điều trị, tăng liều. Nguy cơ này tăng khi sử dụng cùng với rượu hoặc thức uống chứa cồn.

Quá liều

Quá liều Noscapine và xử trí

Quá liều và độc tính

Buồn nôn, nôn, chóng mặt, hồi hộp, kích động, lú lẫn. Trường hợp quá liều nặng có thể hôn mê, suy hô hấp, co giật.

Cách xử lý khi quá liều

Hỗ trợ điều trị triệu chứng chuyên biệt.

Quên liều và xử trí

Dùng ngay khi nhớ ra, bỏ qua liều đã quên khi đã gần tới thời gian dùng liều tiếp theo. Không dùng liều gấp đôi để bù liều đã quên.