Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Dược chất/
  3. Perflutren

Chất Perflutren dùng trong điều trị thủ tục chẩn đoán

Ngày 09/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Nội dung chính

Mô tả

Tên thuốc gốc (Hoạt chất)

Perflutren (dạng vi cầu lipid và vi cầu protein A).

Loại thuốc

Thuốc dùng trong kỹ thuật chuẩn đoán hình ảnh.

Dạng thuốc và hàm lượng

Dạng vi cầu lipid: Hỗn dịch tiêm tĩnh mạch 150 mcL/mL và 6,52 mg/mL. 

Dạng vi cầu protein A: Hỗn dịch tiêm tĩnh mạch 3ml, mỗi ml chứa 5 - 8 x 108 vi cầu protein loại A, 10 mg albumin người và 0,22 ± 0,11 mg perflutren.

Chỉ định

Perflutren là một chất tăng cường độ tương phản dùng trong siêu âm để sử dụng cho bệnh nhân người lớn mà siêu âm tim không cản quang dưới mức tối ưu (xem xét dưới mức tối ưu  khi ít nhất hai trong sáu đoạn bờ tâm thất không đánh giá được trong mặt cắt 4 hay 2 buồng tim) và những người đã nghi ngờ hoặc đã xác định bệnh động mạch vành; thuốc làm mờ các buồng tim và cải thiện ranh giới nội tâm mạc thất trái khi nghỉ ngơi và căng thẳng.

Dược lực học

Perflutren là một loại thuốc chẩn đoán được sử dụng để tăng cường độ tương phản trong siêu âm tim, bao gồm các vi cầu phủ lipid chứa đầy khí octafluoropropane (OFP).

Khi tiếp xúc với sóng siêu âm, các vi cầu sẽ cộng hưởng và dội tín hiệu trở lại máy siêu âm. Sự khác biệt về tỉ trọng giữa các bong bóng chứa đầy khí và máu xung quanh chúng tạo ra tương phản có thể nhìn thấy trong hình ảnh siêu âm.

Trong quá trình siêu âm tim, perflutren được kích hoạt giúp tăng cường hình ảnh của các cạnh bên trong hoặc đường viền của tim, cải thiện hình ảnh giúp cho kết quả chẩn đoán được tốt hơn.

Động lực học

Hấp thu

Perflutren được sử dụng bằng đường tiêm tĩnh mạch nên tỷ lệ thuốc hấp thu vào máu là 100%. Thời gian bắt đầu có tác dụng: ngay lập tức.

Phân bố

Thời gian cường độ tín hiệu Doppler tối đa tmax tương tự như thời gian tmax trong máu của perflutren (1,13 so với 1,77 phút).

Mức giảm 99% cường độ tín hiệu Doppler quan sát được trong vòng 10 phút (t ½ khoảng 2 phút) phù hợp với sự suy giảm nồng độ perflutren trong máu.

Thời gian thuốc tác động: 

  • Tiêm tĩnh mạch nhanh 3,4 phút; 
  • Tiêm truyền tĩnh mạch: 7,1 phút.

Chuyển hóa

Dạng vi cầu lipid:

Octafluoropropane (OFP) không được chuyển hóa. Các thành phần phospholipid của vi cầu được chuyển hóa thành các axit béo tự do.

Dạng vi cầu protein loại A:

Không được chuyển hóa.

Thải trừ

Dạng vi cầu lipid:

Thời gian bán thải trung bình của perflutren trong máu là 1,9 phút. (ở bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính - COPD) và 1,3 phút ở người khỏe mạnh. Sự thanh thải toàn thân của perflutren là tương tự ở những người khỏe mạnh và COPD.

Dạng vi cầu protein loại A:

Thời gian bán thải trung bình 1,3 ± 0,69 phút. Thải trừ qua phổi.

Tương tác thuốc

Tương tác với các thuốc khác:

Sử dụng haloperidol hoặc levofloxacin cùng với hỗn dịch vi cầu perflutren có thể làm tăng nguy cơ nhịp tim không đều có thể nghiêm trọng và có khả năng đe dọa tính mạng, mặc dù đây là một tác dụng phụ tương đối hiếm.

Dữ liệu hạn chế cho thấy metronidazole hiếm khi có thể kéo dài khoảng QT của điện tâm đồ.

Về mặt lý thuyết, dùng chung perflutren với các thuốc khác có thể kéo dài khoảng QT có thể dẫn đến các tác dụng phụ và tăng nguy cơ loạn nhịp thất bao gồm xoắn đỉnh và đột tử.

Đã có những báo cáo riêng biệt về kéo dài QT và loạn nhịp thất xảy ra ở những bệnh nhân được điều trị bằng metronidazole. Tuy nhiên, mối quan hệ nhân quả vẫn chưa được thiết lập.

Chống chỉ định

Quá mẫn với hoạt chất hoặc với bất kỳ tá dược nào được liệt kê trong thành phần.

Đối với dạng protein: quá mẫn với máu hay các chế phẩm từ máu hoặc albumin.

Liều lượng & cách dùng

Liều dùng

Người lớn

Dạng vi cầu lipid:

Liều tiêm tĩnh mạch nhanh:

  • Tiêm tĩnh mạch nhanh với liều 10 mcL/kg; tiếp theo là rửa với nước muối 10 mL.
  • Nếu cần thiết, có thể tiêm tĩnh mạch nhanh liều thứ hai 10 mcL/kg (sau đó là rửa với 10 mL nước muối) sau 30 phút để kéo dài thời gian tăng cường độ tương phản.
  • Liều tối đa: 2 liều.

Liều tiêm truyền:

  • Bắt đầu truyền với tốc độ 4 mL/phút (hoặc 240 mL/giờ) dịch truyền đã được chuẩn bị; có thể tăng liều để đạt được hình ảnh tối ưu.
  • Tốc độ truyền tối đa: 10 mL/phút.
  • Liều tối đa: Một lần truyền tĩnh mạch.

Dạng vi cầu protein A:

  • Liều ban đầu: 0,5 mL tiêm tĩnh mạch với tốc độ không quá 1 mL/giây; tiếp theo rửa với nước muối hoặc destrose 5%.
  • Có thể bổ sung mỗi 0,5 mL cho đến liều tích lũy 5 ml trong 10 phút để tăng cường độ tương phản khi cần thiết. 
  • Tổng liều tối đa không vượt quá 8,7 mL. 

Trẻ em

Tính an toàn và hiệu quả của perflutren ở trẻ dưới 18 tuổi chưa được xác định. Không có sẵn dữ liệu.

Suy gan, suy thận

Perflutren chưa được nghiên cứu cụ thể ở bệnh nhân suy gan, suy thận và người cao tuổi. Việc sử dụng cho nhóm bệnh nhân này phải dựa trên cơ sở đánh giá giữa lợi ích và rủi ro của bác sĩ.

Cách dùng

Perflutren chỉ nên được thực hiện bởi các bác sĩ được đào tạo có chuyên môn trong việc thực hiện và giải thích siêu âm tim cản quang và phải có thiết bị hồi sức thích hợp trong trường hợp cần hồi sức tim phổi hoặc phản ứng quá mẫn cảm.

Tác dụng phụ

Thường gặp 

Nhức đầu, đỏ bừng mặt.

Ít gặp 

Chóng mặt, rối loạn vị giác, hạ huyết áp, khó thở, kích ứng cổ họng, đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn, nôn, ngứa, tăng tiết mồ hôi, đau lưng, đau ngực, mệt mỏi, cảm giác nóng, đau nơi tiêm.

Hiếm gặp

Dị cảm, rối loạn nhịp tim, đánh trống ngực, ngất, tăng huyết áp, lạnh tay chân, suy hô hấp, ho, khô họng, rối loạn tiêu hóa, phát ban, mày đay, ban đỏ, đau khớp, đau mạn sườn, đau cổ, chuột rút, sốt, rét run, điện tâm đồ bất thường.

Không xác định tần suất 

Phản ứng dạng dị ứng, phản ứng phản vệ, sốc phản vệ, giả phản vệ, hạ huyết áp, phù mạch, sưng môi, co thắt phế quản, viêm mũi, sưng đường hô hấp trên, co thắt cổ họng, sưng mặt, sưng mắt, co giật, giảm cảm giác ở mặt, mất ý thức, thị lực bất thường, ngừng tim, loạn nhịp thất (rung thất, nhịp nhanh thất, nhịp thất sớm), vô tâm thu, rung nhĩ, thiếu máu cục bộ ở tim, nhịp nhanh trên thất, loạn nhịp trên thất, ngừng hô hấp, giảm oxy, co thắt cơ, đau cơ xương khớp, tăng trương lực cơ.

Lưu ý

Lưu ý chung

Không nên sử dụng perflutren trong kỹ thuật chuẩn đoán hình ảnh bằng phương pháp siêu âm tim gắng sức vì hiệu quả và độ an toàn chưa được xác định.

Bệnh nhân có tình trạng tim phổi không ổn định:

Trong quá trình siêu âm tim có chất cản quang, đã có những báo cáo về các phản ứng tim phổi nghiêm trọng, bao gồm cả tử vong, xảy ra trong lúc truyền hoặc trong vòng 30 phút sau khi truyền.

Cần hết sức thận trọng khi cân nhắc sử dụng perflutren cho những bệnh nhân có tình trạng tim phổi không ổn định (đau thắt ngực không ổn định, nhồi máu cơ tim cấp, loạn nhịp thất nặng, suy tim nặng (NYHA IV) hoặc suy hô hấp). Chỉ nên sử dụng perflutren cho những bệnh nhân này sau khi đã đánh giá giữa lợi ích và nguy cơ.

Những bệnh nhân có tình trạng tim phổi không ổn định nên được theo dõi trong và ít nhất 30 phút sau khi dùng perflutren. Đối với những bệnh nhân này, việc theo dõi phải bao gồm các chỉ số sinh tồn, điện tâm đồ và độ bão hòa oxy qua da (nếu thích hợp về mặt lâm sàng).

Bệnh nhân có hội chứng suy hô hấp ở người lớn, viêm nội tâm mạc, van tim nhân tạo, viêm hệ thống, nhiễm trùng huyết, tăng đông máu và/hoặc thuyên tắc huyết khối tái phát: 

Chỉ nên sử dụng perflutren sau khi đã cân nhắc kỹ lưỡng và việc sử dụng thuốc phải được theo dõi chặt chẽ.

Phản ứng quá mẫn:

Các phản ứng quá mẫn tức thì nghiêm trọng (sốc phản vệ, phản ứng phản vệ, giả phản vệ, hạ huyết áp, phù mạch) đã được báo cáo sau khi sử dụng perflutren.

Bệnh phổi:

Cần thận trọng ở những bệnh nhân có bệnh phổi bao gồm xơ phổi mô kẽ, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính nặng, vì chưa có nghiên cứu nào được thực hiện trên những bệnh nhân này.

Bệnh nhân đặt shunt tim:

Tính an toàn của perflutren ở những bệnh nhân đặt shunt tim từ phải sang trái, hai chiều hoặc tạm thời từ phải sang trái vẫn chưa được nghiên cứu.

Ở những bệnh nhân này, các vi cầu được bao bọc bởi phospholipid có thể đi qua phổi và đi trực tiếp vào hệ tuần hoàn.

Cần phải thận trọng khi xem xét việc sử dụng perflutren cho những bệnh nhân này.

Bệnh nhân thở máy:

Tính an toàn của perflutren ở những bệnh nhân thở máy chưa được xác định. Cần thận trọng khi xem xét sử dụng perflutren cho những bệnh nhân này.

Dạng vi cầu protein:

Sản phẩm có chứa albumin, có thể mang theo nguy cơ lây truyền vi rút từ xa hoặc phản ứng quá mẫn.

Lưu ý với phụ nữ có thai

Không có dữ liệu lâm sàng về các trường hợp mang thai phơi nhiễm perflutren.

Các nghiên cứu trên động vật không chỉ ra tác hại trực tiếp hoặc gián tiếp đối với thai kỳ, sự phát triển phôi thai/ bào thai, sinh con hoặc sự phát triển của trẻ sau khi sinh.

Cần thận trọng khi kê đơn cho phụ nữ có thai.

Lưu ý với phụ nữ cho con bú

Không biết liệu perflutren có được bài tiết qua sữa mẹ hay không. Do đó, cần thận trọng khi sử dụng perflutren cho phụ nữ đang cho con bú.

Lưu ý khi lái xe và vận hành máy móc

Perflutren không có hoặc không ảnh hưởng đáng kể đến khả năng lái xe và vận hành máy móc.

Quá liều

Quên liều và xử trí

Vì perflutren được tiêm cùng lúc với siêu âm tim nên sẽ không phải theo lịch trình dùng thuốc thường xuyên.

Quá liều và xử trí

Quá liều và độc tính

Triệu chứng lâm sàng của quá liều perflutren chưa được biết. Liều đơn lên đến 100 mcL/kg và liều tích lũy lên đến 150 mcL/kg được dung nạp tốt trong các thử nghiệm lâm sàng giai đoạn I.

Cách xử lý khi quá liều

Điều trị nâng đỡ và điều trị triệu chứng.

Nguồn tham khảo

1) EMC: https://www.medicines.org.uk/emc/product/9247 

2) Drugs.com: https://www.drugs.com/mtm/perflutren.html 

     https://www.drugs.com/ppa/perflutren-protein-type-a.html 

3) Drugbank online: https://go.drugbank.com/drugs/DB00556

4) Uptodate: https://www.uptodate.com/contents/perflutren-lipid-microspheres-drug-information?search=Perflutren&source=search_result&selectedTitle=2~8&usage_type=default&display_rank=2#F208488

https://www.uptodate.com/contents/perflutren-protein-type-a-drug-information?search=perflutren&source=search_result&selectedTitle=1~8&usage_type=default&display_rank=1#F3034070

Dược sĩ Đại học Trần Huỳnh Minh Nhật

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin