Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Tranylcypromine: Thuốc chống trầm cảm, lo âu

Ngày 09/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Nội dung chính

Mô tả

Tên thuốc gốc (Hoạt chất)

Tranylcypromine

Loại thuốc

Thuốc chống trầm cảm; chất ức chế monoamine oxidase không chọn lọc (MAOI).

Dạng thuốc và hàm lượng

Viên nén bao phim: 10 mg.

Chỉ định

Điều trị các triệu chứng của bệnh trầm cảm, đặc biệt là những nơi có các triệu chứng sợ hãi hoặc khi điều trị bằng các loại thuốc chống trầm cảm khác không thành công. Nó không được khuyến khích cho các trạng thái trầm cảm nhẹ do những khó khăn tình huống tạm thời.

Dược lực học

Cơ chế hoạt động của tranylcypromine trong điều trị trầm cảm chưa được tìm hiểu đầy đủ nhưng được cho là có liên quan đến việc tăng cường hoạt động của các chất dẫn truyền thần kinh monoamine trong hệ thần kinh trung ương (như là serotonin và norepinephrine) do sự ức chế không thuận nghịch của thuốc đối với enzyme monoamine oxidase (MAO).

Động lực học

Hấp thu

Tranylcypromine được hấp thu tốt và nhanh chóng sau khi uống. 

Phân bố

Nồng độ đỉnh trong huyết tương đạt được sau khoảng 2,5 giờ.

Chuyển hóa

Quá trình chuyển hóa của tranylcypromine bao gồm phá vỡ chuỗi bên và liên hợp.

Thải trừ

Sự bài tiết của thuốc phụ thuộc vào độ pH. Thời gian bán thải là 2 giờ

Tương tác thuốc

Tương tác với các thuốc khác

Thận trọng khi dùng đồng thời tranylcypromine với:

  • Thuốc gây mê toàn thân: Có thể làm tăng tác dụng hạ huyết áp và ức chế thần kinh trung ương.
  • Thuốc gây tê cục bộ chứa cocaine hoặc chất co mạch thần kinh giao cảm: Gây tăng huyết áp.
  • Thuốc chống trầm cảm SNRI (ví dụ: Duloxetine, venlafaxine): Gây hội chứng serotonin đe dọa tính mạng.
  • Thuốc chống trầm cảm SSRI (ví dụ: Citalopram, escitalopram, fluoxetine, fluvoxamine, paroxetine, sertraline): Gây hội chứng serotonin đe dọa tính mạng hoặc hội chứng an thần kinh ác tính (NMS). Hai loại thuốc này nên được dùng cách nhau ít nhất 2 tuần, với fluoxetine thì khoảng cách này là ít nhất 5 tuần.
  • Thuốc chống trầm cảm ba vòng (ví dụ: Amitriptyline, desipramine, imipramine, nortriptyline, protriptyline): Gây hội chứng serotonin đe dọa tính mạng. Hai loại thuốc này nên sử dụng cách nhau ít nhất là 2 tuần, với clomipramine và imipramine thì khoảng cách này là ít nhất 3 tuần.
  • Insulin và thuốc uống điều trị đái tháo đường: Gây ra các đợt hạ đường huyết.
  • Các thuốc hạ huyết áp: Gây hạ huyết áp quá mức.
  • Bupropion: Tranylcypromine làm tăng cường độc tính cấp của bupropion.
  • Buspirone: Làm tăng huyết áp và có thể gây ra hội chứng serotonin.
  • Caffeine: Dùng quá nhiều caffeine khi đang dùng tranylcypromine có thể dẫn đến cơn tăng huyết áp kịch phát.
  • Carbamazepine: Có thể dẫn đến các cơn tăng huyết áp hoặc co giật nghiêm trọng và hội chứng serotonin.
  • Thuốc ức chế thần kinh trung ương (ví dụ: Thuốc giảm đau opiate): Tăng tác dụng ức chế thần kinh trung ương.
  • Cyclobenzaprine: Nguy cơ xảy ra cơn tăng huyết áp hoặc co giật nghiêm trọng.
  • Dextromethorphan: Gây ra các giai đoạn ngắn của rối loạn tâm thần hoặc hành vi kỳ lạ, hội chứng serotonin.
  • Disulfiram: Gây mê sảng.
  • Thuốc lợi tiểu: Làm hạ huyết áp quá mức.
  • Levodopa. methyldopa: Nguy cơ xảy ra tăng huyết áp, nhức đầu, dễ bị kích thích và các triệu chứng liên quan.
  • Meperidine: Gây ra các phản ứng nghiêm trọng bao gồm kích thích, đổ mồ hôi, căng cứng, suy hô hấp, co giật, tăng hoặc hạ huyết áp, hôn mê và tử vong.
  • Metrizamide: Làm tăng nguy cơ co giật.
  • Modafinil: Gây rối loạn vận động cấp tính, lú lẫn và tăng thân nhiệt.
  • Phenothiazines: Tăng nguy cơ xảy ra hạ huyết áp.
  • Guanthenidine, reserpine: Gây ra cơn tăng huyết áp.
  • Thuốc cường giao cảm (ví dụ: Amphetamine, dopamine, thuốc chữa cảm, viêm mũi dị ứng hoặc các thuốc giảm cân): Nguy cơ gây cơn tăng huyết áp và hội chứng serotonin.
  • Tryptophan: Gây ra các triệu chứng hành vi và thần kinh liên quan đến hội chứng serotonin.

Tương tác với thực phẩm 

Bệnh nhân đang điều trị với tranylcypromine nên tránh tiêu thụ nhiều thực phẩm và đồ uống có chứa lượng lớn tyramine (ví dụ: Pho mát, sữa chua, kem chua, rượu Chianti, rượu Sherry, bia, rượu mùi, cá trích ngâm, cá cơm, trứng cá muối, gan, trái cây sấy khô, chuối, quả mâm xôi, trái cây chín, sô cô la, nước tương, dưa cải muối, các loại thực phẩm lên men, xúc xích khô, thịt sấy khô trong không khí, thịt ủ hoặc lên men) do có thể gây tăng huyết áp nghiêm trọng.

Chống chỉ định

Quá mẫn với tranylcypromine hoặc với bất kỳ thành phần nào của thuốc.

Không dùng tranylcypromine cho trẻ em dưới 18 tuổi.

Bệnh nhân bị rối loạn chuyển hóa porphyrin.

Không dùng đồng thời tranylcypromine với các loại thuốc trong bảng sau: 

Thuốc đối kháng thụ thể H1 không chọn lọc

Thuốc chống trầm cảm

  • Các chất ức chế monoamine oxidase khác (MAOI).
  • Các chất ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI) và các chất ức chế tái hấp thu serotonin và norepinephrine (SNRI).
  • Thuốc chống trầm cảm ba vòng.
  • Thuốc chống trầm cảm khác (ví dụ: Amoxapine, bupropion, maprotiline, nefazodone, trazodone, vilazodone, vortioxetine).

Amphetamine, methylphenidate và các dẫn xuất

Các thuốc cường giao cảm (ví dụ: Thuốc chữa cảm lạnh, viêm mũi dị ứng hoặc các sản phẩm giảm cân có chứa chất co mạch như pseudoephedrine, phenylephrine và ephedrine; hoặc thực phẩm chức năng có chứa chất giao cảm).

Triptans

Chất ức chế thần kinh trung ương

Thuốc giảm đau oipoid, thuốc an thần, thuốc gây tê, gây mê và rượu.

Thuốc khác

Buspirone

Levodopa

S-adenosyl-L-methionine (SAM-e)

Carbamazepine

Meperidine

Tapentadol

Cyclobenzaprine

Methyldopa

Tetrabenazine

Dextromethorphan

Milnacipran

Tryptophan

Dopamine

Rasagiline

Guanethidine

Hydroxytryptophan

Reserpine

 

Không sử dụng tranylcypromine ở:

  • Bệnh nhân mắc bệnh mạch máu não hoặc bệnh tim mạch nặng.
  • Bệnh nhân mắc bênh u tủy thượng thận hoặc bị cường giáp
  • Bệnh nhân bị tổn thương gan hoặc rối loạn chức năng máu.

Không sử dụng thực phẩm, đồ uống chứa nhiều caffeine và tyramine khi đang điều trị với tranylcypromine.

Không dùng tranylcypromine ở bệnh nhân thực hiện phẫu thuật có gây mê toàn thân. Sử dụng thuốc chung với cocaine hoặc thuốc gây tê cục bộ có chứa chất co mạch giống thần kinh giao cảm cũng không được khuyến khích. Ngừng tranylcypromine ít nhất 10 ngày trước khi phẫu thuật.

Liều lượng & cách dùng

Liều dùng Tranylcypromine

Người lớn

Liều thông thường là 30 mg mỗi ngày, chia làm 2 lần uống vào buổi sáng và buổi chiều. Nếu bệnh nhân không có đáp ứng điều trị sau 2 – 3 tuần, có thể tăng liều lượng thêm 10 mg mỗi 1 đến 3 tuần cho đến khi đạt được đáp ứng điều trị tối ưu hoặc đến khi đạt liều tối đa là 60 mg mỗi ngày.

Cách dùng

Nuốt toàn bộ viên thuốc với 1 ly nước đầy. Thuốc Tranylcypromine nên được dùng vào ban ngày (ví dụ, hai lần mỗi ngày vào buổi sáng và buổi chiều) để hạn chế tình trạng mất ngủ.

Tác dụng phụ

Hiếm gặp

Rối loạn chức năng máu, ảo giác, trầm cảm, lệ thuộc thuốc, viêm dây thần kinh ngoại biên, hôn mê, tổn thương tế bào gan, vàng da.

Không xác định tần suất 

Mất ngủ, lo lắng, bồn chồn, kích động, có suy nghĩ hoặc hành vi tự sát, buồn ngủ, chóng mặt, nhức đầu, nhìn mờ, phát ban.

Đánh trống ngực, hạ huyết áp tư thế, cơn tăng huyết áp kịch phát, mệt mỏi, tăng cân, khô miệng, buồn nôn, tiêu chảy, bí tiểu, rối loạn chức năng sinh dục (liệt dương, chậm xuất tinh).

Lưu ý

Lưu ý chung

Thuốc chống trầm cảm Tranylcypromine có thể làm tăng nguy cơ suy nghĩ và hành vi tự sát ở trẻ em, thanh thiếu niên và thanh niên (18 – 24 tuổi) bị rối loạn trầm cảm nặng và các rối loạn tâm thần khác. 

Bệnh nhân (và người chăm sóc bệnh nhân) cần được cảnh báo về sự cần thiết phải theo dõi bất kỳ biểu hiện bất thường nào trên lâm sàng, hành vi hoặc suy nghĩ tự sát, đặc biệt là trong vài tuần đầu khi mới bắt đầu điều trị và liên hệ với bác sĩ ngay lập tức nếu có những triệu chứng này.

Thận trọng ở bệnh nhân cao tuổi, những người bị bệnh tim mạch và ở bệnh nhân động kinh.

Thận trọng bệnh nhân có tiền sử lệ thuộc ma túy hoặc rượu.

Khi ngừng thuốc cần giảm liều dần dần trước khi dừng hẳn. Không ngừng đột ngột tranylcypromine do có thể gây ra hội chứng ngưng thuốc với các triệu chứng như chóng mặt, buồn nôn, nhức đầu, khó chịu, mất ngủ, tiêu chảy, lo lắng, mệt mỏi, ác mộng và chứng tăng tiết mồ hôi.

Các chất ức chế monoamine oxidase bao gồm cả tranylcypromine có thể gây tăng huyết áp kịch phát khi bệnh nhân tiêu thụ nhiều thực phẩm hoặc đồ uống chứa lượng tyramine cao. Các triệu chứng của cơn tăng huyết áp kịch phát bao gồm nhức đầu vùng chẩm (cơn đau có thể lan ra phía trước), đánh trống ngực, cứng hoặc đau nhức vùng cổ, buồn nôn hoặc nôn, đổ mồ hôi, giãn đồng tử, sợ ánh sáng, khó thở hoặc lú lẫn. Có thể xuất hiện nhịp tim nhanh hoặc chậm, cơn đau thắt ngực, động kinh, xuất huyết nội sọ hoặc thậm chí là tử vong.

Sử dụng đồng thời tranylcypromine với các thuốc như SSRI, SNRI, thuốc chống trầm cảm ba vòng, triptan, fentanyl, lithium, tramadol, tryptophan, buspirone, St. John's wort, S-adenosyl-L-methionine (SAM-e), linezolid hoặc xanh methylen tiêm tĩnh mạch và các MAOI khác có thể gây ra hội chứng serotonin. Các biểu hiện của hội chứng này bao gồm thay đổi trạng thái tâm thần (ví dụ: Kích động, ảo giác, mê sảng, hôn mê), mất ổn định tự chủ (ví dụ, nhịp tim nhanh, huyết áp không ổn định, chóng mặt, đổ nhiều mồ hôi, đỏ bừng, tăng thân nhiệt), các triệu chứng thần kinh cơ (ví dụ: Run, cứng, giật cơ, tăng phản xạ, mất phối hợp), co giật và / hoặc các triệu chứng tiêu hóa (ví dụ, buồn nôn, nôn, tiêu chảy). Một số trường hợp tử vong do hội chứng serotonin đã được báo cáo.

Ở những bệnh nhân bị rối loạn lưỡng cực, điều trị một giai đoạn trầm cảm bằng tranylcypromine có thể tạo ra một giai đoạn hỗn hợp / hưng cảm.

Tranylcypromine có thể gây hạ huyết áp tư thế, có thể dẫn đến ngất. Do đó bệnh nhân nên được theo dõi huyết áp thường xuyên và khuyến cáo nên thay đổi tư thế từ từ.

Viêm gan và tăng men gan đã được báo cáo khi sử dụng tranylcypromine. Bệnh nhân cần được theo dõi chức năng gan thường xuyên và nên ngừng sử dụng tranylcypromine nếu có các dấu hiệu và triệu chứng nhiễm độc gan.

Tranylcypromine có thể gây ra các đợt hạ đường huyết ở bệnh nhân đái tháo đường đang dùng insulin hoặc thuốc uống trị đái tháo đường.

Thuốc có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng trầm cảm đang tồn tại, chẳng hạn như lo lắng và kích động. Các triệu chứng trên thường là dấu hiệu cảnh báo việc quá liều thuốc; cần xem xét giảm liều tranylcypromine hoặc bổ sung liệu pháp chống loạn thần (ví dụ, phenothiazine).

Lưu ý với phụ nữ có thai

Tranylcypromine không nên được sử dụng trong thời kỳ mang thai, trừ khi thực sự cần thiết.

Lưu ý với phụ nữ cho con bú

Thuốc được bài tiết qua sữa mẹ do đó không thể loại trừ rủi ro đối với trẻ đang bú. Nên cân nhắc ngừng cho con bú trong khi điều trị bằng tranylcypromine.

Lưu ý khi lái xe và vận hành máy móc

Một số phản ứng có hại của tranylcypromine (ví dụ: Hạ huyết áp, ngất xỉu, buồn ngủ, lú lẫn, mất phương hướng) có thể làm suy giảm khả năng vận hành máy móc hoặc lái xe của bệnh nhân. Bệnh nhân cần được cảnh báo về nguy hiểm có thể xảy ra và khuyến cáo không nên lái xe và vận hành máy móc cho đến khi chắc chắn rằng tranylcypromine không làm ảnh hưởng đến việc thực hiện các hoạt động này.

Quá liều

Quá liều và xử trí

Quá liều và độc tính

Quá liều tranylcypromine thường làm trầm trọng thêm các tác dụng phụ của thuốc, chẳng hạn như:

  • Mất ngủ, bồn chồn và lo lắng, trong những trường hợp nghiêm trọng có thể tiến triển thành kích động, rối loạn tâm thần và lú lẫn, mê sảng, co giật.
  • Hạ huyết áp, chóng mặt, suy nhược và buồn ngủ, trong trường hợp nặng có thể tiến triển thành chóng mặt nghiêm trọng và sốc.
  • Tăng huyết áp với đau đầu dữ dội và các biến chứng khác.
  • Co giật cơ xương, sốt cao, đôi khi tiến triển thành co cứng toàn thân và hôn mê.

Cách xử lý khi quá liều Tranylcypromine

Gây nôn và / hoặc rửa dạ dày cùng với các biện pháp điều trị triệu chứng và hỗ trợ. Các biện pháp làm mát bên ngoài được khuyến khích đối với bệnh nhân có sốt cao. Điều trị hạ huyết áp bằng cách bù dịch; nếu nghiêm trọng hoặc dai dẳng, có thể xem xét dùng noradrenaline. Nếu có tăng huyết áp thì sử dụng phentolamine tiêm tĩnh mạch chậm. Pancuronium cùng với biện pháp thông khí cơ học có thể giúp làm giảm tình trạng co thắt cơ và tăng thân nhiệt.

Quên liều Tranylcypromine và xử trí

Nếu quên dùng một liều thuốc, hãy uống càng sớm càng tốt khi nhớ ra. Tuy nhiên, nếu gần với liều kế tiếp, hãy bỏ qua liều đã quên và uống liều kế tiếp vào thời điểm như kế hoạch. Không uống gấp đôi liều đã quy định

Nguồn tham khảo