Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Tin tức sức khỏe

Mẹo dân gian chữa nghẹt mũi cho trẻ sơ sinh mẹ cần biết

Ngày 22/05/2023
Kích thước chữ

Trẻ sơ sinh khi bị nghẹt mũi thường khiến cho các bậc phụ huynh hết sức lo lắng. Bởi trẻ còn nhỏ, việc dùng thuốc tây có thể ảnh hưởng đến sức khỏe. Vậy thì bạn đừng bỏ qua mẹo dân gian chữa nghẹt mũi cho trẻ sơ sinh dưới đây nhé!

Khi trẻ sơ sinh bị nghẹt mũi, có hiện tượng khò khè nhưng tình trạng bệnh chưa đến mức nghiêm trọng, bạn hãy bình tĩnh và áp dụng các mẹo dân gian chữa nghẹt mũi cho trẻ sơ sinh dưới đây nhé! Việc sử dụng các bài thuốc tự nhiên khi vừa chớm bệnh, thay vì việc sử dụng thuốc kháng sinh sẽ giúp trẻ hạn chế được tác dụng phụ không mong muốn. 

Mẹo dân gian chữa nghẹt mũi cho trẻ sơ sinh

Tùy vào tình trạng bệnh, sự hợp tác của trẻ cũng như nguồn nguyên liệu có sẵn mà bạn có thể áp dụng một trong các mẹo dân gian chữa nghẹt mũi cho trẻ sơ sinh dưới đây.

Chữa nghẹt mũi cho trẻ sơ sinh bằng tinh dầu tràm

Dầu tràm là loại tinh dầu được chiết xuất từ cây tràm, đã được nhiều nghiên cứu khẳng định là có khả năng ức chế virus cúm và ngăn ngừa triệu chứng nghẹt mũi hiệu quả. Không những vậy, tinh dầu tràm còn có thể làm giãn nở các mạch máu ở xoang mũi, từ đó giúp bé hô hấp dễ dàng hơn. Đặc biệt, tinh dầu tràm còn có khả năng làm ấm cơ thể, ngăn ngừa và hỗ trợ điều trị cảm lạnh hiệu quả.

Do đó, bạn có thể áp dụng mẹo này bằng cách nhỏ 1 - 2 giọt tinh dầu vào gối hoặc chấm một ít tinh dầu vào khăn rồi quàng lên cổ bé sẽ hạn chế được tình trạng nghẹt mũi cho bé.

meo-dan-gian-chua-nghet-mui-cho-tre-so-sinh-1.jpg
Dùng tinh dầu tràm là mẹo dân gian chữa nghẹt mũi cho trẻ sơ sinh hiệu quả 

Massage mũi cho bé

Đây là mẹo dân gian chữa nghẹt mũi cho trẻ sơ sinh được nhiều người áp dụng khá hiệu quả. Không chỉ an toàn, hiệu quả, giúp bé giảm tình trạng có nhiều đờm tại mũi, họng mà còn giúp bé có cảm giác dễ chịu, thoải mái hơn.

Với cách này, bạn dùng ngón tay cái và ngón trỏ nhẹ nhàng đặt hai bên chân mày của bé rồi vuốt xuống theo đường sống mũi. Lặp lại động tác một vài lần bé sẽ có cảm giác dễ thở, giảm tình trạng nghẹt mũi hơn. 

Dùng nước ấm trị nghẹt mũi cho bé

Một giải pháp khác mà bạn cũng có thể áp dụng để chữa nghẹt mũi cho trẻ sơ sinh đó là tắm bằng nước ấm. Về lý thuyết, hơi nước ấm có khả năng làm loãng dịch nhầy ở mũi và đờm ở họng, giúp chúng thoát ra ngoài dễ dàng hơn.

Hơn nữa, nước ấm còn giúp các mao mạch trong mũi được giãn nở dễ hơn. Từ đó giúp không khí trong đường hô hấp được vận chuyển dễ dàng. Vì thế, bạn có thể dùng nước ấm để tắm hoặc chườm ấm cho bé nhé!

meo-dan-gian-chua-nghet-mui-cho-tre-so-sinh-2.jpg
Dùng nước ấm để tắm hoặc chườm ấm cho bé giúp bé đỡ nghẹt mũi hơn 

Chườm nước nóng lên tai bé

Đây cũng là giải pháp đã được nhiều mẹ áp dụng và khá hiệu quả. Theo lý giải khoa học, hai bên tai là nơi chứa nhiều dây thần kinh nhỏ xíu có tác dụng điều tiết máu ở mũi. 

Do đó, khi gặp nhiệt độ cao thì huyết quản sẽ giãn ra và giúp thông lỗ mũi. Với mẹo này, trước khi đi ngủ, mẹ chỉ cần lấy khăn thấm nước nóng đặt ở hai bên tai của bé từ 10 - 15 phút, bé sẽ sớm hết tình trạng nghẹt mũi và ngủ ngon giấc hơn.

Thoa dầu lòng bàn chân

Lòng bàn chân có các huyệt liên quan mật thiết đến nhiệt độ cũng như sức khỏe đường hô hấp của cơ thể. Do đó, trong trường hợp trẻ sơ sinh có hiện tượng nghẹt mũi, bạn có thể dùng dầu khuynh diệp xoa vào lòng bàn chân bé rồi massage nhẹ nhàng tầm 1 - 2 phút. 

Nếu đang ở thời điểm mùa đông, sau khi massage, bạn đi tất chân vào cho bé, còn mùa hè thì không cần đi tất nhưng không được để lòng bàn chân bé nhiễm lạnh. Kiên trì thực hiện có thể giúp bé giảm đáng kể tình trạng nghẹt mũi.

Vỗ lưng là mẹo dân gian chữa nghẹt mũi cho trẻ sơ sinh

Vỗ lưng đúng cách giúp long đờm rất tốt. Vì thế, nếu bé nghẹt mũi và có cảm giác vướng đờm ở cổ họng, bạn có thể giúp đường thở của bé được thông thoáng, giảm khò khè và nôn ói bằng cách vỗ lưng cho bé. 

Cách thực hiện không quá khó, bạn chỉ cần đặt bé nằm trên đùi, khum bàn tay lại rồi vỗ nhẹ nhàng lên lưng bé. Lưu ý với biện pháp này, bạn không nên thực hiện ngay sau khi bé vừa ăn no nhé!

meo-dan-gian-chua-nghet-mui-cho-tre-so-sinh-3.jpg
Vỗ lưng nhẹ nhàng giúp bé dễ chịu hơn 

Xông hơi cho bé

Ngoài các cách trên, xông hơi cũng là mẹo dân gian chữa nghẹt mũi cho trẻ sơ sinh mà bạn cũng có thể tham khảo. Thay vì xông mũi cho bé bằng các dung dịch thuốc kháng sinh, bạn có thể chỉ sử dụng nước tinh khiết đun sôi. 

Các bước thực hiện như sau: Trước hết bạn cho nước nóng vào chậu rồi cho bé ngồi xông hơi trong khoảng vài phút. Hơi nóng bốc lên từ chậu sẽ giúp nới lỏng chất nhầy gây tắc nghẽn trong mũi bé. Tuy nhiên, với cách này, bạn nên lưu ý tránh để trẻ chạm vào nước vì có thể khiến trẻ bị bỏng nhé!

Lưu ý khi áp dụng mẹo dân gian chữa nghẹt mũi cho trẻ sơ sinh

Khi áp dụng các mẹo dân gian chữa nghẹt mũi cho trẻ sơ sinh tại nhà, bạn cần lưu ý một số vấn đề sau đây:

Bạn chỉ nên sử dụng các phương thức như xoa, chườm, vỗ nhẹ,... không nên cho trẻ sơ sinh uống những bài thuốc sử dụng thảo dược tự làm tại nhà vì rất dễ dẫn đến tình trạng rối loạn tiêu hóa hoặc các tác dụng phụ khác.

Nếu bé bị nghẹt mũi kéo dài, kèm theo các triệu chứng bất thường như nôn ói, bỏ bú, mệt mỏi, sốt cao,… bạn không nên áp dụng các mẹo dân gian tại nhà mà nên đưa bé đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Bạn nên chủ động phòng ngừa tình trạng nghẹt mũi ở trẻ sơ sinh bằng cách sử dụng các dụng cụ vệ sinh mũi và nước muối sinh lý, lưu ý giữ ấm và che chắn cẩn thận cho bé mỗi khi ra ngoài. Đồng thời, với trẻ sơ sinh cần duy trì cho bé bú sữa mẹ thường xuyên để tăng cường sức đề kháng.

meo-dan-gian-chua-nghet-mui-cho-tre-so-sinh-4.jpg
Với trẻ sơ sinh, bạn chỉ nên áp dụng các biện pháp xoa, chườm, vỗ nhẹ 

Hy vọng, với các gợi ý các mẹo dân gian chữa nghẹt mũi cho trẻ sơ sinh cũng như các lưu ý mà bài viết đưa ra trên đây, bạn có thể lựa chọn phương pháp phù hợp với tình trạng sức khỏe của trẻ. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn, tốt nhất bạn nên tham vấn ý kiến bác sĩ chuyên khoa trước áp dụng nhé!

Thanh Hương

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Hồng Nhung

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Khoa Dược. Có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực Dược phẩm, tư vấn thuốc và thực phẩm chức năng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin