Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Ai không nên uống Aspirin? Công dụng và tác dụng phụ khi dùng

Ngày 14/02/2023
Kích thước chữ

Aspirin hay Acid Acetylsalicylic là nhóm thuốc giảm đau, chống và hạ sốt được sử dụng phổ biến trong điều trị bệnh. Mặc dù, thuốc tượng đối an toàn với người từ 16 tuổi trở lên nhưng thuốc có nhiều biến chứng nếu sử dụng lâu dài. Vậy ai không nên uống Aspirin? Hãy cùng Nhà Thuốc Long Châu tìm hiểu về chủ đề này trong bài viết dưới đây nhé!

Ai không nên uống Aspirin? Theo chuyên gia khuyến cáo, thuốc không nên chỉ định với người có bệnh lý về gan, thận, người có tiền sử chảy máu dạ dày - tá tràng hoặc đang có viêm loét đường tiêu hóa tiến triển. Ngoài ra, cần cẩn trọng khi sử dụng thuốc cho đối tượng người già và trẻ em dưới 16 tuổi.

Tác dụng của Aspirin

Aspirin là thuốc gì? Aspirin là thuốc có công dụng giảm đau, chống viêm và hạ sốt hiệu quả. Đồng thời, thuốc có khả năng ức chế quá trình kết dính tiểu cầu giúp chống ngưng tập tiểu cầu, hình thành cục máu đông.

Tác dụng của thuốc sẽ thay đổi tùy thuộc vào liều lượng được chỉ định, như sau:

  • Aspirin liều thấp (khoảng 75 - 100 mg/ngày): Thuốc sẽ ức chế quá trình tổng hợp thromboxane A2 (TXA2) gián tiếp thông qua enzyme thromboxan synthetase. TXA2 là một chất gây co mạch mạnh và gây đông tụ tiểu cầu. Bởi vậy, Aspirin sẽ ngăn kết tập tiểu cầu, chống cục máu đông hình thành trong lòng mạch.
  • Aspirin liều trung bình (tương đương 650 mg - 4 g/ngày): Thuốc sẽ ngăn quá trình tổng hợp prostaglandin bằng cách ức chế men cyclooxygenase 1 và 2. Từ đó, Aspirin kích thích cơ thể tăng cường thải nhiệt và ức chế quá trình sinh nhiệt giúp cơ thể hạ nhiệt trong cơn sốt. Đồng thời giảm cảm thụ thần kinh cảm giác giúp giảm đau nhanh chóng.
  • Aspirin liều cao (khoảng 4 - 8 g/ngày): Liều cao Aspirin sẽ tác động chống viêm thông qua ức chế tổng hợp prostaglandin - chất trung gian hóa học của phản ứng viêm từ đó làm giảm viêm, chống phù nề. Tuy nhiên, Aspirin khi sử dụng liều cao dễ gây tác dụng không mong muốn như giảm, mất thính lực tạm thời, chóng mặt hay làm tăng nguy cơ xuất huyết tiêu hóa, viêm loét dạ dày.

Thuốc Aspirin sẽ thường được chỉ định trong các trường hợp sau đây:

  • Chống viêm, giảm đau.
  • Hạ sốt.
  • Dự phòng bệnh nhân tai biến mạch máu não hoặc nhồi máu cơ tim.
  • Bệnh nhân thực hiện đặt stent động mạch vành.
  • Bệnh nhân thực hiện thay van cơ học.
  • Bệnh nhân thực hiện bắc cầu chủ vành.

Ai không nên uống aspirin? Công dụng và tác hại khi sử dụng aspirin 1 Thuốc Aspirin có khả năng chống viêm, giảm đau và hạ sốt hiệu quả

Tác dụng phụ của thuốc Aspirin

Tác dụng không mong muốn của Aspirin thường tác động lên nhiều cơ quan, nổi bật là hệ tiêu hóa. Tác dụng phụ người bệnh có thể gặp bao gồm:

  • Rối loạn tiêu hóa: Buồn nôn, nôn mửa, đau bụng, nóng rát thượng vị, ợ hơi, ợ chua… Nếu dùng thuốc trong thời gian dài và không có sự theo dõi của bác sĩ, người bệnh có thể bị viêm loét dạ dày hay nặng hơn là xuất huyết đường tiêu hóa. 
  • Dấu hiệu xuất huyết: Ho hoặc nôn ra máu, chất nôn có thể dính tơ máu hoặc nhầy giống bã cà phê, đi ngoài phân đen hoặc phân lẫn máu, tiểu ra máu, chảy máu bất thường vùng âm đạo, bầm tím ở da không do va chạm, chảy máu vết thương khó cầm, chảy máu răng miệng…
  • Triệu chứng hệ thận - tiết niệu: Khó đi tiểu, lượng nước tiểu giảm, buốt rắt khi đi tiểu, tiểu ra máu.
  • Triệu chứng do suy giảm chức năng gan: Vàng mắt, vàng da, chán ăn, mệt mỏi, nước tiểu sẫm màu.
  • Dấu hiệu tổn thương thần kinh: Giảm hoặc mất thính lực tạm thời, ù tai, dễ cáu gắt, khó ngủ…
  • Hội chứng Reye: Thường gặp ở trẻ em, do tổn thương não cấp và thoái hóa mỡ cơ quan, đặc biệt là gan.

Ai không nên uống Aspirin?

Nhiều nghiên cứu đã được thực hiện và đưa ra kết luận rằng thuốc Aspirin chỉ nên sử dụng để điều trị và phòng bệnh khi thật sự cần thiết với chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Đồng thời, bác sĩ cần theo dõi trong suốt quá trình điều trị, từ đó hiệu chỉnh liều lượng phù hợp cho bệnh nhân trong mỗi giai đoạn điều trị.

Vậy “Ai không nên uống Aspirin?” Tuyệt đối chống chỉ định điều trị với Aspirin cho những đối tượng sau:

  • Tiền sử hoặc hiện tại đang có viêm loét dạ dày tiến triển.
  • Tiền sử bị rối loạn đông cầm máu.
  • Có bệnh lý hệ thận - tiết niệu như viêm cầu thận cấp hoặc mạn, viêm thận kẽ, hội chứng thận hư
  • Có bệnh lý gây suy giảm chức năng gan như viêm gan, xơ gan
  • Tiền sử hen phế quản, có polyp ở mũi, hầu họng.
  • Tiền sử mẫn cảm, dị ứng với hoạt chất Aspirin.

Ai không nên uống aspirin? Công dụng và tác hại khi sử dụng aspirin 2 Ai không nên uống Aspirin?

Bên cạnh đó, với đối tượng người cao tuổi, việc sử dụng thuốc Aspirin hàng ngày có thể làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim gấp hai lần. Đồng thời, người già có kèm tăng huyết áp khi dùng aspirin không ghi nhận hiệu quả phòng bệnh tim. 

Ngược lại, Aspirin làm tăng nguy cơ biến chứng tại đường tiêu hóa như xuất huyết dạ dày - tá tràng, ung thư đại tràng cũng như làm tăng nguy cơ gây ung thư thận.

Điều đáng lo ngại là ở bệnh nhân cao tuổi, triệu chứng xuất huyết thường biểu hiện ngấm ngầm. Vì vậy, cần chú ý một số triệu chứng kín đáo như phân đen, đi tiểu dính máu, ho ra tơ máu, đau bụng, da và niêm mạc nhợt nhạt.

Mặt khác, bệnh nhân có nguy cơ mắc bệnh lý mạch vành thấp có khả năng gặp tai biến do thuốc nhiều hơn là lợi ích có được khi dùng Aspirin.

Đặc biệt ở trẻ em khi dùng Aspirin điều trị thủy đậu, cảm cúm hay các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp, thuốc có thể gây ra hội chứng Reye. Biểu hiện ban đầu của bệnh là buồn nôn, nôn, ngủ li bì. 

Nặng hơn, trẻ có thể rơi vào hôn mê hay liệt cơ hô hấp đe dọa tính mạng của trẻ. Ở giai đoạn cuối, bệnh nhân có thể bị thoái hóa mỡ gan và phù não gây tử vong.

Trường hợp nếu bệnh nhân bị dị ứng Aspirin sẽ gây triệu chứng như nổi mề đay, mẩn ngứa, phù mặt và mắt… Người bệnh có thể gặp cơn hen phế quản khởi phát do Aspirin. Bởi vậy, bệnh nhân có tiền sử hen phế quản và có polyp ở khoang mũi hay vùng hầu họng không được sử dụng Aspirin.

Ngoài ra, nghiên cứu ghi nhận các loại thuốc giảm đau, chống viêm thông thường, bao gồm Aspirin, làm tăng tỷ lệ sảy thai nếu người mẹ sử dụng trong thời kỳ mang thai, đặc biệt là giai đoạn tam cá nguyệt đầu tiên.

Ai không nên uống aspirin? Công dụng và tác hại khi sử dụng aspirin 3 Phụ nữ mang thai cần cẩn trọng khi sử dụng thuốc Aspirin

Mặt khác, nếu kết hợp sử dụng thuốc Aspirin cùng các loại thuốc giảm đau, chống viêm khác như Ibuprofen (thuốc nhóm thuốc chống viêm không steroid) sẽ làm tăng nguy cơ biến chứng đường tiêu hóa gấp hai lần.

Khả năng chảy máu cũng tăng lên khi sử dụng Aspirin cùng thời điểm với thuốc chống đông máu hoặc thuốc chống ngưng tập tiểu cầu. Một số loại thảo dược có công dụng hoạt huyết cần chú ý tránh sử dụng với Aspirin là ngưu tất, tam thất, hồng hoa…

Trên đây là bài viết của Nhà Thuốc Long Châu về thắc mắc “Ai không nên uống Aspirin?”. Hy vọng với bài viết, bạn có thể giải đáp được thắc mắc đồng thời biết được những thông tin cơ bản về thuốc Aspirin cũng như tác dụng phụ và nguy cơ gây viêm loét dạ dày - tá tràng của loại thuốc này. Khi sử dụng bất kỳ loại thuốc điều trị nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được chỉ định và hướng dẫn sử dụng với liều lượng thích hợp nhé!

Ánh Vũ

Nguồn: Suckhoedoisong.vn

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcPhạm Nguyễn Hoàng Kim

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ chuyên ngành Dược lâm sàng, với nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực dược phẩm. Là Dược sĩ Long Châu đạt được chứng chỉ bệnh học cấp quốc tế. Hiện đang là giảng viên tại Trung tâm Đào tạo FPT Long Châu.

Xem thêm thông tin